Đối với một công ty khởi nghiệp, những khó khăn và rủi ro không chỉ đến từ môi trường bên ngoài. Ngay cả thế giới bên trong một startup cũng ngập tràn sự đa cực và những biến động – sự không chắc chắn – sự phức tạp – và mơ hồ, đòi hỏi các nhà sáng lập phải xác định vấn đề sớm và đưa ra giải pháp kịp thời. Và nhân sự – được biết đến là nhân tố cốt lõi trong mỗi một công ty khởi nghiệp – cũng là một trong những yếu tố luôn tiềm tàng nhiều rủi ro, đôi khi có thể dẫn đến khủng hoảng. Hiểu được điều đó, bài học này được xây dựng với mục tiêu giúp các nhà sáng lập tìm hiểu về các vấn đề khó khăn liên quan đến nhân sự trong giai đoạn đầu của hành trình khởi nghiệp. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm để tự tin xử lý các vấn đề về nhân sự trong công ty.

I/ Những vấn đề về nhân sự đối với một công ty khởi nghiệp:

1. Tìm kiếm Co-founder:

Đây là một bài toán khó của không ít các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp. Đối với startup, việc tìm một người đồng hành phù hợp, sẵn sàng chiến đấu và cùng founder thực hiện ước mơ khởi nghiệp là một điều không hề dễ dàng. Việc tìm kiếm Co-founder có thể dẫn đến không ít sự thất vọng và tiêu tốn nhiều thời gian. Bởi đôi khi, founder chỉ thật sự nhận ra lựa chọn của mình là không đúng đắn sau một quá trình dài làm việc cùng Co-founder. Vậy mới thấy, tìm kiếm Co-founder có thể trở thành một vấn đề lớn đối với công ty khởi nghiệp, đòi hỏi sự kiên trì và những lựa chọn sáng suốt nhất để tìm ra người phù hợp đồng hành cùng công ty.

> Xem thêm: “Tìm kiếm Co-founder – Nhân tố quan trọng của công ty khởi nghiệp”

2. Nhân sự nghỉ việc:

Startup có thể dùng chính uy tín của nhà sáng lập, hoặc những giá trị của dự án, hay chiến lược để mời nhân sự về với công ty. Trong trường hợp dự án phát triển, công ty tăng trưởng tốt, việc giữ nhân sự sẽ không phải một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, nếu trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, công ty vẫn không tìm được hướng phát triển, lúc này nhân sự sẽ rất dễ ra đi. Thực tế, founder có thể chiến đấu từ 2-3 năm, nhưng các thành viên chủ chốt sẽ dễ dàng rời bỏ dự án nếu nó không đủ sức thuyết phục trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Việc có cổ phần cũng sẽ không đủ lớn để đảm bảo sự cam kết và kiên trì đồng hành của họ.

Khi nhân sự lần lượt rời đi, cũng là lúc công ty khởi nghiệp có thể đối diện với một giai đoạn khủng hoảng lớn. Bởi thời gian đó, startup dần mất đi niềm tin của đội ngũ đồng hành, dẫn đến hoài nghi chính khả năng của bản thân cũng như sản phẩm đang triển khai. Tuy nhiên, điều startup cần làm là thay đổi tư duy suy nghĩ, thay đổi cách thức hoạt động và tìm cách đưa startup tăng trưởng. Các nhà sáng lập cần phải thực sự kiên trì khi đã đánh giá được tiềm năng phát triển của dự án.

nhân sự công ty khởi nghiệp nghỉ việc
Nhân sự công ty khởi nghiệp nghỉ việc

 

3. Nhân sự không theo kịp với sự phát triển của doanh nghiệp:

Khi công ty khởi nghiệp đã phát triển tới một giai đoạn cần tăng trưởng và mở rộng, bản thân nhân sự và cơ cấu tổ chức nhân sự cũng phải phát triển theo. Chẳng hạn như một startup đang mở rộng thị trường, thay vì trước đây chỉ có một chuyên viên kinh doanh, công ty sẽ bắt đầu tuyển thêm 5-6 chuyên viên khác. Lúc này cũng là giai đoạn công ty cần có trưởng bộ phận kinh doanh, cần có người quản lý và cần xây dựng quy trình làm việc chuyên nghiệp hơn.

Trong giai đoạn tăng trưởng, khi một nhân sự không đáp ứng được công việc, điều này đồng nghĩa với việc tiến độ tăng trưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trên thực tế, tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển và thay đổi quy mô nhân sự, công ty sẽ đối diện với một đợt khủng hoảng nhân sự. Theo quan sát của chúng tôi, các mức quy mô thường xảy ra các vấn đề lớn về nhân sự là: từ quy mô dưới 10 người, đến 30 người, 50 người và trên 100 người. Vậy mới thấy, đối với một công ty khởi nghiệp, năng lực và kỹ năng của nhân sự luôn phải được trau dồi và phát triển không ngừng. Founder cũng không phải là ngoại lệ. Nếu Founder không phát triển thì cũng không thể nào dẫn dắt công ty thành công.

nhân sự không phát triển theo kịp công ty khởi nghiệp
Nhân sự không phát triển theo kịp công ty khởi nghiệp

 

4. Tuyển người không phù hợp:

Trong thực tế luôn có những công ty khởi nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, có nguồn tài chính, có nguồn lực để mời các nhân sự giỏi về tham gia. Vì vậy, các startup này nhanh chóng tuyển những nhân sự giỏi, có kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn, tổ chức lớn về làm việc và sẵn sàng chi trả số tiền lương lớn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo ra khủng hoảng trong nội bộ công ty. Đó là khủng hoảng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa làm việc của các nhân sự ở vị trí quản lý. Hoặc cũng có thể khủng hoảng vì sự xung đột và khác biệt với văn hóa hiện tại của công ty, từ đó tạo ra mâu thuẫn giữa các nhóm nhân sự cũ và mới. Những điều trên sẽ gây ra hậu quả khôn lường, thậm chí kéo cả công ty đi xuống. Bởi các vấn đề về công bằng, về quyền lợi giữa người cũ và người mới, về cơ chế đánh giá hiệu quả và lương thưởng không phù hợp, sẽ tạo ra tâm lý bất mãn trong bộ máy nhân sự, từ đó, đặt ra một áp lực về vấn đề nhân sự lớn đối với công ty khởi nghiệp.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các công ty khởi nghiệp sẽ phải đối mặt, nhưng 4 vấn đề nêu trên cũng chính là những vấn đề nhân sự phổ biến nhất đối với các startup trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Vậy đâu là giải pháp cho các startup để vượt qua những vấn đề kể trên? Mời bạn tiếp tục theo dõi phần II của bài học này.

II. Bài học kinh nghiệm về vấn đề nhân sự của công ty khởi nghiệp:

Dưới đây là một số kinh nghiệm được đúc kết và chia sẻ từ các Founder trong mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng:

1. Nhà sáng lập là linh hồn của dự án:

Đối với công ty khởi nghiệp, Founder vẫn luôn là trụ cột và linh hồn của dự án, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Để tạo được động lực và niềm tin cho đội ngũ nhân sự thì bản thân Founder phải là người truyền cảm hứng, và là tấm gương cho tổ chức. Founder cần cam kết và kiên trì với những gì mình tin, mình nói, mình mong muốn.
Với một số doanh nghiệp thông thường như một tổ chức làm trang trại, các vị trí nhân sự như người nuôi trồng, thu hoạch đều diễn ra đều đặn. Người chủ doanh nghiệp có thể nắm được mọi quy trình, cách thức, từ đó, điều khiển theo ý của mình. Còn đối với Startup, có thể ví như 1 đội quân đi đánh trận. Nếu nhà sáng lập luôn thể hiện được sự đam mê, sự quyết tâm và tinh thần chiến đấu hừng hực; đội ngũ cũng sẽ sẵn sàng lao vào cuộc chiến để dành vị trí trên thị trường. Startup gần như bị ảnh hưởng nhiều từ Founder, vậy nên, Founder cần phải xem xét và đánh giá năng lực, bản lĩnh của bản thân trước khi nghiêm túc bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

2. Luôn tập trung vào sự phát triển:

Dù ở giai đoạn nào, công ty khởi nghiệp cũng cần tạo ra những biến chuyển. Bởi khi những chỉ số đo lường sự thành công của startup liên tục tăng, cũng là lúc niềm tin của nhân sự về một hành trình khởi nghiệp đúng đắn ngày càng được củng cố. Những con số về số lượng người dùng, sự quan tâm và tín nhiệm của khách hàng,… hay việc startup gọi được vốn, đạt giải thưởng tại một cuộc thi,… đều là những sự phát triển có thể tạo ra động lực và khích lệ tinh thần nhân sự mỗi ngày. Khi doanh nghiệp vẫn còn tạo ra giá trị, thì những khó khăn hay khủng hoảng sẽ không còn là một vấn đề quá lớn.

3. Tuyển dụng kỹ lưỡng:

Việc có một quy trình tuyển dụng kỹ lưỡng sẽ giúp giảm thiểu tối đa xác suất tuyển sai người. Một quy trình tuyển dụng đúng đắn, ngoài việc đảm bảo đánh giá đúng về kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn của người ứng tuyển, còn cần chú trọng đánh giá sự phù hợp về văn hóa. Trên thực tế, công ty khởi nghiệp cần dành ra 2-3 tháng để có thể đánh giá được năng lực thực sự của nhân sự tham gia vào công ty.
Bài học rút ra là các startup không nên đánh đổi quá nhiều. Công ty cần tính toán giải pháp cho trường hợp xấu nhất là nhân sự không phù hợp với công ty và đưa ra phương án tuyển dụng tốt hơn.

4. Luôn có phương án dự phòng:

Các công ty khởi nghiệp cần phân bổ nguồn lực hợp lý, gắn liền vai trò của nhân sự với các vai trò quan trọng trong tổ chức. Công ty cần xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc như kiềng ba chân, có các trụ cột nhân sự khác nhau và có khả năng thay thế, bổ trợ cho nhau. Trong đó, Founder phải ở một vị thế quan trọng.
Vào những giai đoạn nhân sự nghỉ việc, dự án dừng lại; chỉ cần bản thân dự án xây dựng mô hình và có định hướng tốt, Founder có tầm nhìn, và thị trường tiềm năng. Khi đó, dự án chắc chắn sẽ thuyết phục được nhân sự khác tiếp tục đến và đồng hành, đồng thời, việc xây dựng lại đội ngũ cũng sẽ rất nhanh.

5. Xây dựng văn hoá làm việc và lộ trình phát triển cho nhân viên:

Công ty khởi nghiệp có lợi thế là phát triển rất nhanh, vì vậy, cơ hội phát triển của các thành viên trong công ty cũng rộng mở hơn. Nhân sự của startup sẽ được trải nghiệm và thử sức với nhiều vai trò và vị trí mới. Đây cũng chính là điểm thu hút nhất của Startup khi tuyển dụng nhân tài, dù chế độ và quyền lợi đôi khi không thể so sánh với các tập đoàn lớn.
Các công ty khởi nghiệp cần phải tận dụng được điểm mạnh này và vẽ ra lộ trình phát triển rõ ràng cho nhân sự công ty. Ví dụ: trong 1 công ty làm sản phẩm công nghệ, một nhân viên có thể bắt đầu ở vị trí Tester (Người kiểm tra) -> QA (Người đảm bảo chất lượng) -> PO (Chủ sở hữu sản phẩm) -> PM (Người quản lý sản phẩm) -> Head of Product (Giám đốc sản phẩm).
Mặc dù nhân sự mới tham gia vào startup có thể đảm nhiệm nhiều công việc, nhưng sau 1 thời gian thì cần có lộ trình rõ ràng. Bởi nếu muốn công ty phát triển thì bản thân nhân sự cũng phát triển và cần có lộ trình cho sự phát triển đó.

Lộ trình phát triển cho nhân sự công ty khởi nghiệp
Lộ trình phát triển cho nhân sự công ty khởi nghiệp

 

6. Chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro bất ngờ:

Dù thế nào đi nữa, nhân sự vẫn luôn là một vấn đề cực kì phức tạp. Và bài học này chưa thể kể đến các vấn đề về hành vi và hoạt động của nhân sự có thể gây ảnh hưởng tới tổ chức ở các mức độ nghiêm trọng như đạo đức hay luật pháp. Vì vậy, bản thân founder cần phải thực sự tỉnh táo, biết cách nhìn người, luôn tạo cơ hội và tin tưởng nhân sự; nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng tinh thần cho những rủi ro bất ngờ có thể xảy đến. Đôi khi chính bản thân người Founder cũng có thể rơi vào khủng hoảng, hoài nghi về năng lực bản thân, và muốn từ bỏ dự án. Vậy nên, việc có một tinh thần cởi mở, sẵn sàng chấp nhận các thách thức, và kiên trì với mục tiêu phát triển doanh nghiệp sẽ giúp dự án khởi nghiệp thành công.

Trên đây là tất cả những chia sẻ của chuyên gia Trần Vũ Nguyên về những vấn đề nhân sự mà một công ty khởi nghiệp có thể đối mặt. Để hiểu rõ hơn về bài học này, mời bạn xem thêm video dưới đây:

Tác giả: Trần Vũ Nguyên

Xem thêm các bài học khởi nghiệp khác tại đây:

>> Các giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

>> Kế hoạch tài chính khởi nghiệp 

>> Định giá sản phẩm khởi nghiệp


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

Tags