Hơn 90% trong số 50 công ty khởi nghiệp hàng đầu từng ươm tạo tại Y-combinators tính đến năm 2019 chia sẻ họ có Co-founder đồng hành trong giai đoạn khởi nghiệp. 85% Top 20 công ty khởi nghiệp nổi bật tại Đà Nẵng cũng có chia sẻ tương tự. Ngay cả những công ty lớn như Facebook, Apple, Microsoft, các Founder trong những ngày đầu khởi nghiệp đều có sự đồng hành của Co-founder. Vậy Co-founder là ai? Làm sao để công ty khởi nghiệp tìm được một Co-founder phù hợp? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay trong bài học dưới đây. 


I. Co-founder là ai?

Có thể hiểu Co-founder là “người đồng sáng lập”, người cùng chịu trách nhiệm và thực hiện hoá dự án khởi nghiệp. 

II. Tầm quan trọng của một Co-founder trong công ty khởi nghiệp

1. Về công việc

Giả sử bạn là một Founder nhưng chỉ chuyên về mảng kinh doanh và tài chính. Sau một thời gian, bạn muốn xây dựng dự án ở mảng công nghệ. Lúc này, việc tìm kiếm một Tech Co-founder sẽ là nhân tố cần thiết cho thành công của dự án. Đây là lúc Co-founder sẽ đóng vai trò như một mảnh ghép còn thiếu trong hệ thống tổ chức của công ty khởi nghiệp, giúp san sẻ công việc, tìm kiếm, đánh giá các ý tưởng cũng như đưa ra các quyết định có sự phản biện với góc nhìn đa chiều hơn.

2. Về tinh thần

Bước chân vào một con đường mới, một thử thách mới, sẽ có đôi lúc những nhà sáng lập vì những khó khăn, trở ngại mà nản chí, buông xuôi. Người “đồng sáng lập” bỗng nhiên là một “tri kỷ” hiếm hoi luôn bên cạnh bạn. Đôi khi họ cũng sẽ là người có góc nhìn khắt khe trong một số tình huống, và ngược lại, đôi khi họ lại là người nhìn ra điểm sáng hoặc góc tích cực trong vấn đề. Họ cũng sẽ là người hiểu nhất cảm giác của bạn đang trải qua, là chỗ dựa tinh thần vững chắc khi cần. 

III. Phẩm chất cần có của Co-founder trong một công ty khởi nghiệp

phẩm chất cần có của co-founder trong công ty khởi nghiệp
Phẩm chất cần có của co-founder trong công ty khởi nghiệp

 

Co-founder phải là người phù hợp nhất, không nhất thiết phải là người giỏi nhất

1. Founder và Co-founder phải có chung mục tiêu, hiểu được tầm nhìn và giá trị mà dự án mình đang theo đuổi. 

Nếu có bất kì một thành viên nào chủ động muốn tham gia vào Startup của bạn, hãy hỏi họ 5 lần câu hỏi tại sao họ muốn tham gia. Ví dụ như họ muốn cùng phát triển dự án sau đó duy trì tạo doanh thu, lợi nhuận; hay họ muốn cùng “build” để “bán”,… Những điều này cần được trao đổi và thống nhất từ đầu, là cơ sở cho một hành trình dài lâu.

2. Co-founder phải là một mảnh ghép lắp vào ô trống của Founder. Nói cách khác, Co-founder sẽ là chuyên gia trong lĩnh vực mà Founder còn thiếu sót.

Những vai trò quan trọng trong một startup bao gồm: (1) xây dựng một sản phẩm (2) thu hút khách hàng và (3) bán sản phẩm đó cho khách hàng. Founder là người hiểu rõ mình nhất và nhận ra rằng mình làm tốt nhất việc (1) hay (2) hay (3), sau đó tìm co-founder cho các nhiệm vụ còn lại, có thể có thêm 1 hoặc 2 co-founder nhưng kinh nghiệm là không nên quá 3. 

3. Co-founder phải là người dám đương đầu với rủi ro, có kỹ năng quản lý khủng hoảng và vượt qua áp lực tinh thần. 

IV. Tìm Co-founder ở đâu? 

Dưới đây là Top 3 lựa chọn do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổng hợp dựa trên nghiên cứu và quan sát thực tế, đặc biệt là phù hợp tại thị trường Việt Nam, các Startup Founder có thể cân nhắc

1. Thông qua mối quan hệ cá nhân

Khảo sát cho thấy 15% trong Top 20 công ty khởi nghiệp nổi bật ở Đà Nẵng có co-founder chính là vợ, chồng, em trai. 60% còn lại chia sẻ co-founder chính là bạn học, đồng nghiệp cũ. Con số này cũng tương đương với khảo sát của Y-Combinator, khi có gần 70% các Founder tìm kiếm Co-founder thông qua bạn học và đồng nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ cá nhân và mạng lưới kết nối ngay từ sớm, tìm hiểu các tính cách, kỹ năng của mỗi người sẽ là một lợi thế khi bạn đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp.

2. Thông qua các chương trình, sự kiện, cuộc thi, câu lạc bộ, hội khởi nghiệp

Các chương trình, sự kiện, cuộc thi, các hội khởi nghiệp mở ra một môi trường khá đặc biệt để mở rộng kết nối đối với các nhà khởi nghiệp. Đó là một môi trường với những cá nhân cùng chung mục tiêu, đam mê nhất định, điều này đáp ứng phẩm chất số 1 của một Co-founder lý tưởng. Đã có các startup Founder tìm được người đồng hành thông qua việc cùng tham gia một cuộc thi Hackathon, một số startup founder tìm được “tri kỷ” thông qua các CLB Alumni. Vì vậy, đây cũng là một cách để tìm kiếm người cộng sự, người tri kỷ trong sự nghiệp một cách hiệu quả hơn.

3. Thông qua mạng xã hội và các kênh thông tin

Tìm kiếm các trang thông tin kết nối Founder và Co-founder trên Google hay các trang mạng xã hội như Linkedin và Facebook để tìm ra những người cộng sự phù hợp và ăn ý.

3 cách tìm kiếm co-founder phù hợp
3 cách tìm kiếm co-founder phù hợp

 

V. Làm sao để thuyết phục Co-founder đồng hành cùng dự án 

Có 3 điều cần lưu ý trong quá trình thuyết phục:

  • Founder phải có đủ đam mê và quyết tâm với hành trình đã chọn. 
  • Cần có những cam kết rõ ràng ngay từ đầu và giữ được tinh thần hợp tác win-win trong mọi tình huống. 
  • Founder phải cam kết, kỷ luật và làm gương với những gì mình hứa, mình nói, mình định vị. Đó sẽ là động lực và sự thu hút sự kiên trì ở lại và đồng hành của co-founder. 
3 điều cần lưu ý khi thuyết phục co-founder
3 điều cần lưu ý khi thuyết phục co-founder

 

Dưới đây là 1 case study tìm Co-founder của CEO Văn Đinh Hồng Vũ – Elsa Speak chia sẻ trên mạng xã hội, các bạn có thể tham khảo:  

Ms Vũ chia sẻ về việc tìm kiếm co-founder: Đầu tiên cần biết mình muốn gì ở 1 co-founder, cần vẽ chân dung đối tượng. Đối với Vũ, Co-founder phải giỏi nhưng đã ổn định về kinh tế, có bảo hiểm và họ không cần tiền, muốn tạo ra 1 sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.

CEO Văn Đinh Hồng Vũ đã phải đặt mục tiêu nói chuyện với 3-5 người mỗi ngày. Sống và làm việc chung với co-founder trong 3 tháng. Khi không có tiền để trả thì hãy dùng chính ý tưởng của mình để thuyết phục, cho họ thấy điểm mạnh của sản phẩm mình làm và khát khao thành công của bản thân.

Để hiểu hơn cách tìm kiếm một Co-founder phù hợp cho công ty khởi nghiệp, hãy xem thêm video dưới đây 

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Nhi


Xem thêm các bài học khởi nghiệp khác tại đây:

>> Động lực và chân dung các nhà sáng lập trên hành trình khởi nghiệp 

>> Tìm kiếm và đánh giá ý tưởng khởi nghiệp 

>> Các giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

 

Tags