Sản phẩm là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành bại của một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì vậy, phát triển sản phẩm là một việc tất yếu, cần các nhà sáng lập phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cũng như am hiểu sâu các kiến thức chuyên môn. Hiểu được điều đó, DNES xây dựng chuỗi bài học về chủ đề “Phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, với mong muốn đem lại cái nhìn tổng quan nhất cho các nhà sáng lập về việc phát triển sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm mang yếu tố đổi mới sáng tạo. 

Chuỗi bài học “Phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp” nằm trong “Series bài học khởi nghiệp” do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phối hợp với văn phòng đề án 844 thực hiện. Nội dung bài học gồm ba phần: 

  • Phần 1: Sản phẩm và các giai đoạn phát triển sản phẩm 
  • Phần 2: Các cách phát triển sản phẩm hiệu quả 
  • Phần 3: Quản lý quá trình phát triển sản phẩm 
  • Phần 4: Một số lưu ý khi phát triển sản phẩm

Các giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Phần I. Sản phẩm và các giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp 

I. Sản phẩm là gì? 

“Sản phẩm” là một khái niệm tưởng chừng rất dễ để định nghĩa, nhưng thực ra không phải ai trong chúng ta cũng hiểu được hết bản chất của “Sản phẩm”. Sản phẩm không chỉ đơn giản là những gì mình có thể cầm nắm được, nó còn bao gồm cả những yếu tố phi vật chất. 

  • Theo quan điểm thị trường, sản phẩm là tất cả những gì được chào bán nhằm thoả mãn được một nhu cầu hay mong muốn của một nhóm khách hàng mục tiêu. Ví dụ: mì ăn liền Hảo Hảo – một trong những sản phẩm “Made in Vietnam” thành công nhất. Đây là sản phẩm mì ăn liền đã tồn tại gần 20 năm, đem về cho công ty Acecook doanh thu hơn 11.500 tỷ đồng. Điều tạo nên một sản phẩm thành công như vậy chắc chắn không chỉ nằm ở bản chất cốt lõi của sản phẩm – ở đây là những thứ giải quyết cơn đói của khách hàng như vắt mì và gói muối bên trong. Đó còn là thương hiệu, hương vị, mẫu mã, chương trình khuyến mãi, thông điệp bán hàng và đặc biệt là mức giá phải chăng nhưng vẫn đảm bảo giải quyết được vấn đề của khách hàng. Tất cả những điều trên cùng nhau tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. 
  • Ngoài ra, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và kỹ thuật, sản phẩm ngày càng phong phú và tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, bao gồm: 
    • Sản phẩm vật lý: máy tính xách tay, đôi giày, xe ô tô,…
    • Sản phẩm số: phần mềm, ứng dụng trên các thiết bị di động,… 
    • Sản phẩm dịch vụ: dịch vụ ăn uống, làm đẹp, sức khoẻ, học tập,… 
  • Bên cạnh những dạng thức cơ bản trên, với sự sáng tạo của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, sản phẩm được phát triển đa dạng hơn nữa dựa trên việc kết hợp các yếu tố:  
    • Sản phẩm vật lý – số: khi mua máy tính của Apple, bạn sẽ sở hữu cả hệ điều hành và các phần mềm của Apple 
    • Sản phẩm dịch vụ – số: Shopee Food,…   
các dạng thức tồn tại của sản phẩm
Các dạng thức tồn tại của sản phẩm

 

II. Các giai đoạn phát triển sản phẩm: 

Tất cả các sản phẩm thành công sẽ trải qua 4 giai đoạn.  

1. Giai đoạn giới thiệu sản phẩm: 

Giai đoạn này thường được thực hiện sau một quá trình dài nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí cho marketing để quảng bá sản phẩm và thương hiệu trong khi lượng khách hàng chưa đủ nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường sẽ bị lỗ ở giai đoạn giới thiệu sản phẩm này. 

2. Giai đoạn tăng trưởng và phát triển: 

Sau khi ra mắt sản phẩm trên thị trường; nếu sản phẩm được khách hàng chấp nhận cũng như doanh nghiệp có các chiến lược marketing, bán hàng và mở rộng thương hiệu phù hợp; sản phẩm sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng. Ở giai đoạn này, khách hàng đã biết tới sản phẩm và doanh nghiệp nhiều hơn, doanh thu tăng nhanh. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng bắt đầu phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trên thị trường.  

3. Giai đoạn trưởng thành:  

Đây là giai đoạn sản phẩm đã tạo được chỗ đứng trong lòng khách hàng sau quá trình phát triển. Đây được đánh giá là giai đoạn ổn định nhất của sản phẩm bởi sản phẩm đã thu hút số lượng khách hàng ổn định, chi phí giảm xuống thấp và giá thành phải chăng. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi đối thủ đều có thế mạnh riêng, đòi hỏi doanh nghiệp khởi nghiệp phải có điểm khác biệt để có thể tồn tại trên thị trường. 

4. Giai đoạn suy thoái: 

Đây chính là giai đoạn quyết định vòng đời của sản phẩm sẽ tiếp diễn hay kết thúc. Ở giai đoạn này, số lượng đối thủ cạnh tranh sẽ đạt mức cao nhất khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí để giữ thị phần, trong khi doanh số lại bắt đầu giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đưa ra được chiến lược phù hợp, nếu không thì sản phẩm có thể kết thúc vòng đời ngay tại giai đoạn này. 

4 giai đoạn phát triển sản phẩm
4 giai đoạn phát triển sản phẩm

 

Cũng cần phải hiểu thêm rằng: không phải sản phẩm nào cũng thành công, đồng nghĩa với việc trải qua hết 4 giai đoạn trên. Đa số các sản phẩm sẽ dừng ở ngay giai đoạn đầu tiên, trước khi đạt được cột mốc quan trọng là Product Market Fit. Đó là thời điểm bạn thấy rằng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, và người dùng cũng cảm thấy hài lòng, sẵn sàng chi trả cho sản phẩm. Thậm chí, khách hàng sẵn sàng giới thiệu về sản phẩm dẫn đến doanh số tăng nhanh đột biến. Vậy nên, có thể nói: giai đoạn đầu của vòng đời sản phẩm là rất quan trọng và cũng là giai đoạn khó khăn nhất đối với một sản phẩm mới. Vì vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tập trung tuyệt đối và đưa ra phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả, từ đó, có thể tận dụng tối đa cơ hội để đạt được Product Market Fit. 

Giai đoạn cần tập trung phát triển sản phẩm
Giai đoạn cần tập trung phát triển sản phẩm

 

Để hiểu rõ hơn về sản phẩm và giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mời bạn xem thêm video bài học dưới đây 

Tác giả: Vũ Xuân Trường 


Phần II. Phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả để đạt được Product Market Fit

> Xem thêm

 

Phần III. Quản lý quá trình phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp 

> Xem thêm

 

Phần IV. Một số lưu ý khi phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

> Xem thêm  


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

Tags