Tìm kiếm ý tưởng được coi như là bước đầu của một kế hoạch khởi nghiệp. Tuy nhiên, như nhà đầu tư mạo hiểm Christopher Sacca đã từng chia sẻ rằng: “Ý tưởng thì rẻ mạt nhưng thực thi mới là tất cả.” Tương tự, kết quả của CB Insights thông qua việc “khám nghiệm” 101 startups thất bại cũng cho thấy có đến 42% Startups thất bại bởi ý tưởng đưa ra không phải là cái thị trường cần. Theo số liệu từ việc theo dõi gần 100 dự án tham gia ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), chỉ có hơn 17,5% startup tồn tại sau 2 năm. Các dự án thành công hiện tại đều đã thay đổi mô hình kinh doanh hoặc thậm chí thay đổi hẳn ý tưởng và giải pháp ban đầu. Vậy mới thấy, ý tưởng khởi nghiệp quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Cái cần thiết là phải tìm kiếm một ý tưởng phù hợp, đánh giá được nhu cầu thị trường và hiện thực hóa được ý tưởng đó qua chiến lược và hành động cụ thể, quyết liệt. 

 

I. Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp: 

Ý tưởng có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau: từ chính vấn đề của cá nhân hoặc các vấn đề của xã hội.  Luôn có một thực tại rằng: Xã hội có nhiều biến động và thay đổi, điều đó đồng nghĩa với thị trường sẽ nhanh chóng xuất hiện nhu cầu mới hoặc tạo nên thị trường ngách. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy ý tưởng thông qua việc trải nghiệm, quan sát, đánh giá các vấn đề bất an, bất tiện hoặc bất hợp lý trong cuộc sống.

tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp
Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp

 

II. Đánh giá ý tưởng khởi nghiệp

Khi đã tìm kiếm được ý tưởng khởi nghiệp, việc đánh giá ý tưởng sẽ là bước quan trọng tiếp theo nhằm khảo sát triển vọng phát triển của ý tưởng đó. Dưới đây là 4 bước đánh giá ý tưởng được đề xuất bởi chuyên gia của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, với việc luôn xác định “vấn đề” là yếu tố trung tâm.

Bước 1: Tập trung viết xuống vấn đề 

Bạn phải thực sự nghiêm túc ngồi xuống viết về vấn đề bạn đang muốn giải quyết thông qua công thức (5W1H) – Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào, Như thế nào và Tại sao. Việc viết xuống các vấn đề sẽ giúp các nhà khởi nghiệp suy nghĩ về các lợi thế cạnh tranh, khả năng tài chính doanh nghiệp cũng như các giá trị mà giải pháp mang lại cho thị trường, cho xã hội. Từ đó sẽ có sự thay đổi linh hoạt ý tưởng sao cho phù hợp với vấn đề khách hàng đang gặp phải. 

Bước 2: Xác định những khách hàng tiềm năng đầu tiên để nói chuyện về vấn đề của họ

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của những nhà khởi nghiệp là chưa xác định rõ khách hàng mục tiêu. Theo kinh nghiệm của những Vườn ươm, ở thời điểm bắt đầu, các nhà khởi nghiệp cần xác định và tiếp cận khách hàng mục tiêu để hiểu được vấn đề của họ. Đây cũng là cách nhằm xác minh lại các giả thuyết bạn đưa ra ở bước 1. Tại bước này bạn sẽ vẫn kiên trì với vấn đề của khách hàng. Đừng thao thao về ý tưởng, giải pháp hay sản phẩm bạn sẽ xây dựng để giới thiệu cho khách hàng, đây chưa phải bước thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Rất nhiều startup và ngay cả những dự án DNES từng triển khai đã bỏ quên bước này và phải trả giá khá đắt, chịu nhiều tổn thất về nguồn lực.

Ở bước này, bạn cần tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: 

  • Họ có thực sự coi đó là vấn đề quan trọng và ưu tiên giải quyết?
  • Họ có đang sử dụng một giải pháp khác để giải quyết vấn đề?
  • Họ có đang hài lòng với hiện tại hay sẵn sàng thử nghiệm 1 giải pháp tốt hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, tiện lợi hơn?
  • Họ có biết ai hoặc cái tên nào trong thị trường đang cung cấp các giải pháp tương tự?
  • Có nhiều người đang gặp vấn đề tương tự như họ không?

Bước 3: Đánh giá ý tưởng và giải pháp

Sau khi đã viết xuống vấn đề và nói chuyện với khách hàng về vấn đề của họ, có thể bạn sẽ muốn bắt tay ngay vào việc đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề của khách hàng. Hãy tiếp tục bình tĩnh, bởi giờ là lúc bạn có nhiều thông tin nhất để đánh giá khách quan ý tưởng và giải pháp của bạn. Ở phần này bạn có thể sử dụng một số công cụ và cách thức để đánh giá, ví dụ như ma trận 2×2. Ma trận gồm 2 trục là trục ngang và trục dọc: trục dọc gồm quan trọng và không quan trọng; và trục ngang là các yếu tố mà bạn lựa chọn (Dễ-Khó, Đắt-Rẻ, Tốn nguồn lực- Ít nguồn lực, Độc đáo-không độc đáo, Làm được ngay- Không thể làm, Dễ bán-Khó bán, khả thi-không khả thi, tác động ít – tác động nhiều). Từ đó bạn sẽ đánh giá và chọn lọc dễ dàng để chọn ra những giải pháp vừa thực sự giải quyết vấn đề khách hàng vừa phù hợp với những tiêu chí mà bạn quan tâm. 

ma trận 2x2
Ma trận 2×2

 

Bước 4: Tìm kiếm và phân tích thông tin, đánh giá nhu cầu thị trường

Các thông tin, nhu cầu của thị trường luôn thay đổi liên tục. Vì vậy, các trang mạng xã hội, báo chí, các cơ sở dữ liệu hay thậm chí là ý kiến từ các chuyên gia sẽ trở thành những công cụ đắc lực. Đó là những phương tiện giúp bạn cập nhật những gì đang diễn ra trên thị trường, tính toán tiềm năng trên thị trường liệu có đủ lớn, đủ hấp dẫn cho doanh nghiệp đột phá và đi đường dài.

CEO của một trong những ứng dụng giao nhận hàng đầu tại Việt Nam đã chia sẻ với Vườn ươm về công thức đánh giá nhu cầu thị trường. Sau bước 1 nghiên cứu và phân tích vấn đề, anh đưa ra ý tưởng Uber cho ngành Logistic. Sau đó, anh nghiên cứu các công ty liên quan, xem cách thức vận hành của mô hình ở những nước như Trung Quốc, Indonesia để đưa ra đánh giá ở thị trường Việt Nam về hai vấn đề: 

  • Xem các đối thủ hiện tại trong ngành có ở Việt Nam không.
  • Xem các chỉ số vĩ mô để phân tích thêm thị trường Việt Nam lớn tới đâu.
4 bước đánh giá ý tưởng khởi nghiệp
4 bước đánh giá ý tưởng khởi nghiệp

 

Lưu ý: các bước này có thể được lặp lại theo thứ tự hoặc ngẫu nhiên trong suốt hành trình hiện thực hóa ý tưởng tới một dự án khởi nghiệp. 

Xem thêm video dưới đây để hiểu rõ hơn các bước tìm kiếm và đánh giá ý tưởng khởi nghiệp 

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Nhi


Những thông tin trên đây chỉ vừa giúp bạn có cái nhìn ở bước đầu tiên – tìm kiếm và đánh giá ý tưởng. Hành trình sắp tới sẽ bao gồm rất nhiều thứ như xây dựng sản phẩm thử nghiệm, xây dựng mô hình kinh doanh, tài chính khởi nghiệp,… Để tìm hiểu thêm về các giải pháp cho những vấn đề khởi nghiệp, mời các bạn cùng đón đọc những bài viết dưới đây. 

>> Bí kíp trình bày dự án khởi nghiệp 

>> Tìm kiếm Co-founder – nhân tố quan trọng của công ty khởi nghiệp 

>> 5 sai lầm thường gặp khi bắt đầu khởi nghiệp 


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

 

Tags