Khởi nghiệp là một hành trình gian nan nhưng nhiều trải nghiệm thú vị, trên hành trình khởi nghiệp đó, sai lầm là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Thực tế, không người thành công nào không mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là họ biết cách giải quyết sai lầm như thế nào và học được gì sau những lần vấp ngã đó. Vì vậy, trong bài học đầu tiên của series bài học khởi nghiệp, chuyên gia của chúng tôi đã liệt kê ra 5 sai lầm tiêu biểu nhất mà doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp, từ đó giúp các bạn tránh khỏi những sai lầm phổ biến trên. 

 

SAI LẦM 1: KHỞI NGHIỆP THEO PHONG TRÀO  

Nổi lên như một hiện tượng, khởi nghiệp theo đám đông là kiểu khởi nghiệp sai lầm phổ biến nhất khi khởi nghiệp. Câu chuyện thần kỳ về những startup thành công trên thế giới cũng như ở Việt Nam trên báo chí thường là động lực chính cho các bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Trên thực tế, đã có rất nhiều những nhà sáng lập trẻ bắt đầu khởi nghiệp nhưng thực sự không biết mình muốn gì. Và cũng không hiếm bạn luôn ấp ủ giấc mơ có được một thương hiệu riêng chỉ để thỏa mãn cái tôi và khẳng định bản thân hơn là đem lại giá trị mới cho xã hội. Và đây chính là sai lầm phổ biến nhất khi khởi nghiệp. 

Để không bị cuốn vào phong trào khởi nghiệp, những nhà khởi nghiệp tương lai cần nghiên cứu về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, hiểu rõ kĩ năng của mình đang ở mức độ nào. Ngoài ra, việc trải nghiệm công việc thực tế để tiếp thu các kinh nghiệm khởi nghiệp từ các nhà lãnh đạo, hiểu cách một doanh nghiệp vận hành cũng là cách để giảm thiểu tối đa viễn cảnh khởi nghiệp thất bại. 

Dựa trên sai lầm này, bản thân Vườn ươm DNES cũng có những bài học và rút kinh nghiệm khi tuyển chọn các dự án khởi nghiệp. Đối với những dự án còn trong “Giai đoạn sớm”, yếu tố con người và bản thân Founder – người phải có những nền tảng cơ bản về kiến thức, năng lực, trình độ và trải nghiệm – là những tiêu chí được ưu tiên đánh giá cao.

SAI LẦM 2: CHƯA NGHIÊN CỨU KỸ THỊ TRƯỜNG 

Tham gia một thị trường là bạn đang tham gia một sân chơi nơi bề ngoài có vẻ rất hỗn độn, phức tạp (người ta thường ví “thương trường như chiến trường”) nhưng bên dưới nó luôn vận hành theo các quy tắc, luật chơi chung và có những đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, các nhà sáng lập cần nghiên cứu và phân tích thật kỹ thị trường, hiểu rõ những quy định, rào cản và tìm hiểu đối thủ cạnh tranh với những số liệu đáng tin cậy. Từ đó, các doanh nghiệp có thể xác định được thế mạnh, hướng kinh doanh, quy mô, địa điểm của công ty và hình thức công ty đưa sản phẩm ra thị trường. Đừng luôn mang trong mình tư tưởng: “Cứ làm tới đi!”. Hãy làm tới chỉ khi ta đã hiểu rõ cuộc chơi để tránh những rủi ro dẫn đến khởi nghiệp thất bại

Nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường

 

SAI LẦM 3: CHƯA XÁC ĐỊNH RÕ KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU  

Mỗi một đối tượng khách hàng đều có đặc thù, nhu cầu riêng và khả năng chi trả khác nhau. Nếu ngay từ đầu doanh nghiệp cố gắng phục vụ tất cả các tập khách hàng thì sản phẩm của doanh nghiệp sẽ trở thành một sản phẩm chung chung, và chẳng ai hài lòng để trả tiền cho nó cả. Vì thế hãy lựa chọn thật kỹ phân khúc khách hàng mục tiêu. Họ là người mà bạn hiểu rõ nhất, có nhiều cơ hội tiếp cận và thuyết phục nhất. Sau đó, hãy nghiên cứu và đào sâu vấn đề của phân khúc khách hàng, và tập trung giải quyết vấn đề đó. Khách hàng chỉ sẵn sàng trả tiền khi vấn đề của họ được giải quyết. 

Chân dung khách hàng
Chân dung khách hàng

 

SAI LẦM 4: KHÔNG CÓ LỢI THẾ ĐẶC BIỆT 

Trong kinh doanh nói chung hay trong doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, việc xây dựng điểm khác biệt (Unique Selling Point) cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Điểm khác biệt giúp doanh nghiệp nổi bật giữa thị trường và thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng. 

Điểm khác biệt ở đây có thể ở sẵn trong sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, hoặc là cách bạn kinh doanh, đưa sản phẩm, dịch vụ đó đến với khách hàng mục tiêu của mình. Một là bạn có một sản phẩm tốt hẳn lên so với những sản phẩm khác, hai là sản phẩm đó phải có nét đặc sắc của riêng mình mà không sản phẩm, dịch vụ nào khác có được. Một số gợi ý về điểm khác biệt bao gồm: tính mới mẻ, tính hiệu quả, sự khác biệt trong giá cả, mức độ khả dụng của sản phẩm, sự khác biệt trong mẫu mã thiết kế, thương hiệu hoặc dịch vụ đi kèm.

SAI LẦM 5: KHÔNG LƯỜNG TRƯỚC NHỮNG RỦI RO PHÁT SINH 

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc các nhà sáng lập không lường trước những rủi ro phát sinh. Những lý do phổ biến có thể kể đến là: các nhà sáng lập chưa tìm hiểu đủ sâu lĩnh vực doanh nghiệp đang làm; các founder chủ quan, thậm chí là ngoan cố tin vào những hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân mà thực tế nó đã không còn đúng nữa. Điều này là  rất nguy hiểm vì khi mới khởi nghiệp, bạn không thể có đủ tất cả nguồn lực để giải quyết những cơn khủng hoảng ập tới.

Vì vậy, kinh doanh cần phải có kế hoạch cụ thể để định hướng và bao quát các vấn đề quan trọng trong vận hành doanh nghiệp, bảo đảm không bỏ quên các rủi ro có thể phát sinh, đặc biệt là về tài chính và nhân sự. 

5 sai lầm thường gặp dẫn đến khởi nghiệp thất bại
5 sai lầm thường gặp dẫn đến khởi nghiệp thất bại

 

Trên đây là 5 sai lầm tiêu biểu khi mới bắt đầu khởi nghiệp mà những nhà sáng lập cần tránh khỏi. Quan trọng hơn hết, trước khi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về khởi nghiệp, bạn nên gặp gỡ và tương tác trực tiếp với khách hàng mục tiêu; trải nghiệm trong các môi trường hệ sinh thái khởi nghiệp; kết nối các chuyên gia; xin ý kiến những người có kinh nghiệm để thu nạp thêm các kiến thức hữu ích từ những chia sẻ của người đi trước. Ngoài ra, việc tham gia các khóa học để nâng cao kỹ năng và độ vững vàng tâm lý của bản thân cũng là một bước đệm tốt cho hành trình khởi nghiệp sau này. 

Để hiểu rõ hơn về 5 sai lầm thường gặp khi bắt đầu khởi nghiệp, mời bạn xem video bài học dưới đây

Tác giả: Võ Duy khương


Xem thêm những bài học khởi nghiệp được biên soạn từ các chuyên gia:

>> Động lực và chân dung các nhà sáng lập trên hành trình khởi nghiệp

>> Bí kíp trình bày dự án khởi nghiệp

>> Tìm kiếm Co-founder – nhân tố quan trọng của công ty khởi nghiệp  


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

 

Tags