Trên hành trình 6 năm ươm tạo, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã chứng kiến và chắp cánh cho gần 100 ý tưởng khởi nghiệp ra đời và phát triển. Trong số đó, có những doanh nghiệp đã thành công trở thành những startup triệu đô. Tuy hành trình khởi nghiệp mỗi người một khác nhưng các nhà sáng lập đều có những điểm chung thú vị về động lực khởi nghiệp và những phẩm chất cần có của một nhà sáng lập.

 

I. ĐỘNG LỰC KHỞI NGHIỆP

Nếu chỉ nói đến khởi sự doanh nghiệp thì có 3 động lực chính khiến một người mong muốn trở thành doanh nhân, đó là: 

– Trở thành chủ một doanh nghiệp độc lập

– Được phát triển ý tưởng riêng 

– Nhận những phần thưởng tài chính xứng đáng  

Riêng đối với khởi nghiệp, động lực thường đến từ hoặc gắn liền với việc giải quyết một vấn đề đang tồn đọng trong xã hội, thường là các vấn đề mới, chưa có ai giải quyết, và cũng chưa chắc chắn về thành công. Một nhà sáng lập thực thụ thường có xu hướng tiên phong giải quyết vấn đề và thực sự đam mê với nó. Niềm đam mê dẫn đến sự phấn khích, quyền sở hữu và động lực để tiếp tục công việc kể cả khi nó gặp khó khăn và mong muốn giúp cuộc sống tốt hơn. 

Hãy cùng tìm hiểu một vài ví dụ từ các dự án khởi nghiệp từng tham gia chương trình ươm tạo Finc tại DNES để hiểu thêm về động lực khởi nghiệp. 

Đầu tiên là ý tưởng khởi nghiệp Umbalena – ứng dụng đọc sách cho trẻ từ 2-10 tuổi – được nhà sáng lập phát triển từ sở thích đọc sách trên ứng dụng nước ngoài của con gái, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có một ứng dụng đọc sách nào. Hay như dự án Hekate với ứng dụng Sumi. Đây là chatbot phục vụ sở thích giải trí cho giới trẻ, với khao khát lớn hơn là phát triển công nghệ để phục vụ cộng đồng. 

Có thể thấy được, tuy động lực bắt đầu khác nhau, nhưng các founder đều hướng tới việc giải quyết một bài toán cụ thể được đặt ra trong xã hội. Động lực khởi nghiệp ban đầu có thể đến từ chính vấn đề của bản thân và gia đình của mình nhưng càng về sau thì chính những giá trị của sản phẩm dịch vụ mang lại và phục vụ hữu ích cho cộng đồng là động lực để dự án duy trì và phát triển. 

II. PHẨM CHẤT CỦA MỘT NHÀ KHỞI NGHIỆP 

Đã có rất nhiều bài báo, bài nghiên cứu về những tính cách của người khởi nghiệp. Theo 1 bài nghiên cứu được công bố trên cuốn Bách khoa toàn thư về khởi nghiệp (1982), người ta đã liệt kê ra 42 phẩm chất thường thấy ở những doanh nhân thành công.  Nổi bật trên hết là những đức tính như: Quyết tâm, quyết đoán, có tầm nhìn; chủ động và có trách nhiệm; nỗ lực đạt mục tiêu, kiên trì giải quyết vấn đề; luôn tích cực lắng nghe và khai thác thông tin phản hồi; biết cân nhắc rủi ro; chấp nhận thất bại; sáng tạo và đổi mới,… Trong quá trình ươm tạo khởi nghiệp hơn 5 năm của DNES, những con người mà chúng tôi đã tiếp xúc cũng có những đặc điểm tương tự đã liệt kê ở trên. Hãy cùng điểm qua những phẩm chất của một nhà khởi nghiệp theo quan sát của DNES từ cộng đồng các sáng lập viên ở đây: 

phẩm chất cần có của nhà khởi nghiệp
Phẩm chất cần có của nhà khởi nghiệp

 

1. Đổi mới sáng tạo và cập nhật xu hướng công nghệ

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, các startup công nghệ, kỹ thuật, IT chiếm gần 30% trong khoảng 500 công ty khởi nghiệp lớn. Con số trên đã chứng minh cho sự bùng nổ của kỹ thuật, công nghệ hiện nay.

Tương tự, tại Đà Nẵng, các nhà khởi nghiệp ở mảng công nghệ đang dẫn đầu ngọn sóng khởi nghiệp, nắm bắt các xu thế, các quy luật phát triển mới nhất của thị trường.

Cùng đi vào ví dụ cụ thể với đại diện là startup Datbike với sản phẩm là chiếc xe máy điện phong cách thể thao Weaver. Datbike đã cho ra đời Weaver với những tính năng vượt trội: sạc đầy trong vòng 3 tiếng, chạy tối đa được 100km, và đạt tốc độ lớn nhất 80km/h. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu và áp dụng quy trình công nghệ với một dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Doanh nghiệp đã kêu gọi được số vốn 2,6 triệu đô do quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu. 

Ví dụ tiếp theo là sự ra đời Robot Delta X của nhà khởi nghiệp công nghệ Đoàn Hồng Trung. Robot Delta X được dùng trong các tác vụ gắp thả và sắp xếp sản phẩm băng chuyền. Dự án Delta X đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng robot maker, robotics lab và các tờ báo về công nghệ nổi tiếng. Đồng thời, sản phẩm cũng nhận về nhiều đơn đặt hàng, lời đề nghị hợp tác từ các trung tâm nghiên cứu và công ty nước ngoài, cũng như vận chuyển thành công robot đến gần 30 nước trên thế giới. Tất cả đã chứng tỏ sức hút của xu hướng công nghệ ngày nay.

đổi mới sáng tạo và cập nhật xu hướng công nghệ
Đổi mới sáng tạo và cập nhật xu hướng công nghệ

 

2. Chấp nhận thất bại và sẵn sàng “tái khởi nghiệp”

Một trong những yếu tố then chốt thu hút các nhà đầu tư đó là các founder đã từng khởi nghiệp trước đó, đã từng thất bại, thậm chí thất bại càng nhiều sẽ càng gây được nhiều sự chú ý. Nhìn nhận lại hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng, chúng tôi thấy được có những con người đã từng trưởng thành từ những cú vấp ngã trên hành trình khởi nghiệp như vậy.

Đúc kết kinh nghiệm từ thất bại của những lần khởi nghiệp trước, Founder Thống Lê Anh Tuấn đã đưa Cashbag trở thành ứng dụng hoàn tiền online số một Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Anh Tuấn tiếp tục cho ra đời Selly – nền tảng kết nối những người bán lẻ và nhà cung cấp. Con số Selly ghi nhận là 3200 đối tác bán lẻ trên toàn quốc với mức thu nhập trung bình từ 5-10 triệu hàng tháng. 

Một gương mặt quen thuộc khác của làng khởi nghiệp Đà Nẵng là anh Nguyễn Quốc Hân, sáng lập viên Easy Salon. Đây là nền tảng quản lý toàn diện dành cho các nhà cung cấp dịch vụ làm đẹp. Rút kinh nghiệm từ thất bại của Bgift và Glamme, cộng với sự nỗ lực không ngừng, Quốc Hân đã giúp Easy Salon thành công xuất hiện trên 36 tỉnh thành và 2 quốc gia. 

Hai cái tên trên là đại diện cho rất nhiều những người trẻ khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Họ là những người không ngại thất bại và biết tận dụng những kinh nghiệm khởi nghiệp trước đó để làm bàn đạp cho những thành công lớn hơn của hôm nay. 

3. Dấn thân và chấp nhận đánh đổi

Thừa nhận rằng khởi nghiệp là một sự nghiệp mơ ước và đáng tự hào, nhưng khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với sự đánh đổi và hy sinh. 

Dấn thân để khởi nghiệp thành công
Dấn thân để khởi nghiệp thành công

 

Quay về lại với dự án Umbalena, phụ nữ khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi đang trong vai trò một người mẹ. Chị Lê Thị Cẩm Trinh đã có những lúc phải lựa chọn giữa gia đình, con cái và công việc. Thế nhưng, nhờ tinh thần sẵn sàng dấn thân vì công việc, vì sứ mệnh mà Umbalena đã đặt ra – “Xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam ham đọc”- mà chị cùng đội ngũ Umbalena đã đạt được các thành tích đáng nể. Đó là kho khách khổng lồ 1000 quyển với 40.000 cha mẹ tin dùng và hơn 60.000 trẻ đọc sách mỗi ngày; giải tiên phong cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp Việt Nam 2020 và giải nhất cuộc thi Startup Wheel 2020. 

Và cuối cùng chính là Datbike. Vào năm 2019, để mở rộng quy mô sản xuất, đội ngũ hơn 10 bạn trẻ đã lặn lội từ Đà Nẵng vào Bình Dương. Chấp nhận đến một nơi xa xôi, nhận những đồng lương ít ỏi, họ vẫn đồng lòng quyết tâm, và kết quả đổi lấy chính là sự thành công ở thời điểm hiện tại.

Trên đây chỉ là những đặc điểm được đúc kết dựa trên các hành trình khởi nghiệp mà Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng hỗ trợ. Tuy những nhà khởi nghiệp có những đặc điểm chung nhưng họ cũng là những ví dụ rất riêng, rất điển hình cho một làn sóng khởi nghiệp mới tại thành phố Đà Nẵng. 

Cùng xem video dưới đây để hiểu rõ hơn về chân dung các nhà sáng lập trên hành trình khởi nghiệp

Tác giả: Võ Duy Khương


Xem thêm những bài học khởi nghiệp được biên soạn từ các chuyên gia:

>> 5 sai lầm thường gặp khi bắt đầu khởi nghiệp

>> Bí kíp trình bày dự án khởi nghiệp

>> Tìm kiếm Co-founder – nhân tố quan trọng của công ty khởi nghiệp  


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

 

Tags