Tài chính khởi nghiệp là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp truyền thống theo đuổi mục tiêu lợi nhuận dương ở hầu hết mọi thời điểm, thì startup có thể theo đuổi những mục tiêu ưu tiên hơn: tăng trưởng số người dùng, mở rộng phạm vi hoạt động… Và khi đạt đến một cột mốc quy mô nhất định, lợi nhuận sẽ vượt trội so với số tài chính đã đầu tư. Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề tài chính trong doanh nghiệp khởi nghiệp, bài học này sẽ đem lại góc nhìn toàn cảnh về tài chính khởi nghiệp, đặc biệt là những giai đoạn mà kế hoạch tài chính của một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải trải qua. 

kế hoạch cho tài chính khởi nghiệp

I. Tổng quan: 

Các công ty khởi nghiệp thường không có dòng tiền (cash flow) ở giai đoạn đầu tiên mà chủ yếu là chi trả tiền để nuôi bộ máy, xây dựng sản phẩm và thu hút người dùng. Ngoài ra, vì các doanh nghiệp khởi nghiệp thường chỉ có tài sản trí tuệ chứ không sở hữu tài sản cố định nên việc huy động vốn thường sẽ đến từ các kênh tài chính mạo hiểm (ventures) như:

  • Nhà đầu tư thiên thần (angel investor)
  • Quỹ đầu tư sớm (seed ventures) 
  • Quỹ đầu tư mạo hiểm (ventures capital)
  • Gọi vốn cộng đồng (crowd funding). 

Ngoài ra, khả năng thoái vốn (exit plan) là một vấn đề cần quan tâm hàng đầu trong xây dựng kế hoạch và chiến lược tài chính. Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn, kết hợp với độ rủi ro mà kỳ vọng lợi nhuận khi thoái vốn sẽ khác nhau. Startup phải luôn kiểm định và điều chỉnh nhiều kịch bản cho tài chính khởi nghiệp khác nhau theo từng diễn biến của sự tăng trưởng startup. 

II. 6 giai đoạn mà kế hoạch tài chính của một startup sẽ trải qua:

Chiến lược tài chính của một startup sẽ đi song hành với 3 yếu tố, gọi chung là “các giai đoạn của startup” – startup stages. Những yếu tố này bao gồm: (1) sự phát triển của sản phẩm và thị trường, (2) sự tham gia của các nhà đầu tư, (3) sự chia nhỏ hoặc pha loãng của cổ phần doanh nghiệp.

Đối với một công ty khởi nghiệp, kế hoạch tài chính khởi nghiệp tốt nhất thường sẽ trải qua 6 giai đoạn sau đây: 

1. Giai đoạn tìm kiếm ý tưởng: 

Founder đầu tiên tìm ra một ý tưởng đột phá thị trường hoặc một công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thể nhân rộng nhiều lần. Giai đoạn này có thể nhu cầu vốn lớn chưa quá quan trọng nên có thể chưa cần tài chính. 

Tuy nhiên, founder vẫn cần chủ động được nguồn tiền thông qua việc lên kịch bản tài chính ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, nhà sáng lập cũng phải dự trù khả năng xoay sở nguồn tiền từ bản thân, hoặc khả năng chấp nhận rủi ro có thể chịu đựng được nếu như dự án thất bại trong giai đoạn đầu.

Tìm kiếm ý tưởng
Tìm kiếm ý tưởng

 

2. Giai đoạn tìm kiếm Co-founder: 

Việc tìm được người đồng sáng lập phù hợp là cơ duyên và sự nỗ lực. Một số Founder công nghệ có thể tìm đồng sáng lập có thế mạnh về tài chính và gọi vốn. Tuy nhiên, founder vẫn nên có các kiến thức về tài chính và lý tưởng nhất founder chính là người đi gọi vốn trong giai đoạn này. 

Việc chia % cổ phần đối với đồng sáng lập không có một công thức đúng cho tất cả các trường hợp. Mặc dù vậy, founder vẫn nên là người nắm phần lớn cổ phần trong giai đoạn đầu, thường cần lớn hơn 20-30% so với các cổ đông còn lại. Giai đoạn này Co-founder cũng nên có sự đóng góp về tài chính để gia tăng cam kết và trách nhiệm với dự án. 

3. Giai đoạn xây dựng sản phẩm mẫu và tìm kiếm thị trường: 

Giai đoạn này bắt đầu tốn kém chi phí, cần có sự chuẩn bị tài chính tốt và tính toán được tổng nguồn vốn cần chuẩn bị. Thường giai đoạn này sẽ xuất hiện dòng vốn từ những người tin cậy nhóm sáng lập, gọi là “family and friends” – dòng vốn từ gia đình và bạn bè. 

Giai đoạn này các nhà đồng sáng lập tham gia tiền sẽ hiệu quả. Nếu có nhà đầu tư thiên thần thì chỉ nên chiếm dưới 10%, nếu không sau này sẽ trở thành gánh nặng.

4. Giai đoạn có sản phẩm mẫu và thị trường hồi đáp tốt: 

Lúc này sẽ xuất hiện các nhân viên cần ưu tiên để dành cổ phiếu thưởng (esoft) và các nhà đầu tư thiên thần. Đây cũng là giai đoạn các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp và các nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ có thể tham gia. 

5. Giai đoạn khẳng định mô hình, tăng trưởng nhanh và liên tục: 

Giai đoạn này công ty có thể phát triển theo hai hướng: (1) là công ty tự phát triển, founder đánh giá công ty có khả năng xoay sở trong 1-2 năm tới và không muốn gọi vốn đầu tư; (2) hoặc là công ty cần gọi vốn để có dòng tài chính đảm bảo sự sống còn của công ty. 

Đối với hướng phát triển thứ hai, các vòng gọi vốn sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và nhu cầu vốn của startup. Thường bắt đầu từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các vòng gọi vốn theo từng nhóm giá trị được đặt tên là các series A, B, C với giá trị tăng dần. 

Giai đoạn này cũng xuất hiện tình trạng thoái vốn của một số nhà đầu tư ban đầu. 

6. Giai đoạn thoái vốn exit: 

Có hai mô hình thoái vốn phổ biến nhất: 

a. bán toàn bộ công ty lại cho một doanh nghiệp lớn mà startup có thể tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái doanh nghiệp của họ

b. hoặc trở thành công ty đại chúng trên sàn chứng khoán.

6 giai đoạn của kế hoạch tài chính
6 giai đoạn của kế hoạch tài chính

 

III. Những lưu ý về tài chính khởi nghiệp: 

Trò chuyện với anh Thống Lê Anh Tuấn – Founder Cashbag, một trong những startup công nghệ tiêu biểu ở Đà Nẵng. Anh là người đã từng trải qua nhiều dự án khác nhau, và cũng đã trải nghiệm nhiều giai đoạn khởi nghiệp kể trên, anh chia sẻ thêm 3  lưu ý về gọi vốn và tài chính khởi nghiệp

1. Về vấn đề gọi vốn: 

Giai đoạn đầu, nếu Founder không có profile tốt hoặc không có những thành tựu đặc biệt, uy tín trong ngành và lĩnh vực sẽ làm thì không nên nghĩ đến việc tìm kiếm quỹ đầu tư mạo hiểm. Giai đoạn này sự tin tưởng, uy tín của Founder sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định tham gia đầu tư của các bên liên quan. Vào giai đoạn sau, khi dự án đã chứng minh được product market fit, các founder có thể đi gặp quỹ đầu tư mạo hiểm với các số liệu về tài chính, thị trường. 

2. Về vấn đề thời gian:

Founder luôn cần chuẩn bị kế hoạch tài chính và nguồn vốn trong thời gian ít nhất 12-18 tháng. Đừng để dự án rơi vào tình thế còn 3-6 tháng là hết sạch tiền, lúc đó công ty sẽ mất tâm thế chủ động và ảnh hưởng nhiều đến cả các vấn đề hoạt động khác.

Gọi vốn với quỹ đầu tư còn mất từ 3-6 tháng, thậm chí mất tới 1 năm. 

3. Quan điểm về tiền vay:

Founder cho rằng đây là điều không nên, đặc biệt là các startup công nghệ, nguy hiểm hơn nữa là các khoản vay nóng, trả lãi lớn là điều khá tối kỵ. Những áp lực từ dòng tài chính này sẽ dễ làm Founder phân tâm, áp lực và ảnh hưởng chung tới dự án. Phương án vay có vẻ phù hợp hơn với SME, đã có tài sản đảm bảo và có khả năng chi trả.

IV. 2 kịch bản tài chính khác mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần cân nhắc:

1. Trường hợp 1: Startup không phát triển được và phải đóng cửa.

Lúc này, kiến thức về pháp lý và sự chuẩn bị sẵn phương án hành động chính là giải pháp tốt ưu. 

2. Trường hợp 2: Khi mức độ tăng trưởng ngừng lại

Lúc này, Startup sẽ trở thành một doanh nghiệp theo mô hình truyền thống có thể tạo ra dòng thu nhập và lợi nhuận ổn định. 

Tuy nhiên, ở bất kỳ kịch bản nào, kế hoạch thoái vốn là việc mà tất cả các nhà đồng sáng lập và nhà đầu tư đều phải quan tâm. Việc hiểu biết và kiểm soát các kế hoạch thoái vốn là công việc phải được ưu tiên. Khác với các doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp khởi nghiệp cần sở hữu tư duy linh hoạt trong các kế hoạch thoái vốn này và chuẩn bị sẵn nhiều phương án khác nhau.

kế hoạch thoái vốn
Kế hoạch thoái vốn

 

Trên đây là toàn cảnh những điều cần lưu ý khi lập kế hoạch tài chính khởi nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết về tài chính khởi nghiệp là sự minh bạch. Các founder hãy chia sẻ đầy đủ bức tranh tài chính, kể cả những góc khuất để những cộng sự của mình nắm rõ và chung tay chèo lái con thuyền khởi nghiệp chinh phục biển lớn. 

Để có thêm nhiều thông tin cụ thể hơn về tài chính khởi nghiệp, mời các bạn xem video dưới đây

Tác giả: Võ Duy Khương


Xem thêm các bài học khởi nghiệp khác tại đây:

>> Tìm kiếm Co-founder

>> Tìm kiếm và đánh giá ý tưởng khởi nghiệp 

>> 3 Phương pháp định giá doanh nghiệp khởi nghiệp


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

 

Tags