Sự tham gia của các quỹ đầu tư là một trong 3 yếu tố luôn song hành với chiến lược tài chính khởi nghiệp của các công ty khởi nghiệp. Vì vậy, việc tìm hiểu mô hình và khẩu vị của các nhà đầu tư là điều vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này sẽ giúp các startup tiếp cận các quỹ đầu tư và nhận về khoản đầu tư dễ dàng hơn. Với mục đích cung cấp những thông tin tổng quan nhất về mô hình quỹ đầu tư, DNES giới thiệu đến bạn bài học “Tìm hiểu thị trường và mô hình quỹ đầu tư”. Bài học được xây dựng dựa trên case study thực tế là ThinkZone Venture – Quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ ở giai đoạn sớm.
I. Thị trường Việt Nam và cơ hội tìm kiếm quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn sớm:
Khi so sánh Việt Nam và các nước Châu Á khác như Trung Quốc và Indonesia vào 10 năm trước, ta có thể thấy rất nhiều điểm tương đồng. Các câu chuyện đầu tư ở các nước trên cũng giống như tại Việt Nam bây giờ.
- Điểm lợi thế của Việt Nam là thị trường đông dân. Điều này tạo điều kiện cho các startup mở rộng và phát triển.
- Về vấn đề địa phương: tại Israel, nơi cũng có các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, lại tồn tại yếu tố chính trị và tôn giáo phức tạp. Thị trường Israel cũng không đông dân nên các startup tại Israel sẽ tập trung giải quyết vấn đề ở các nơi khác. Trong khi đó, câu chuyện tại Việt Nam lại hoàn toàn khác. Việt Nam luôn tập trung giải quyết các vấn đề địa phương.
- Hơn thế nữa, hiện tại Việt Nam đang là nước dẫn đầu Đông Nam Á về mức độ tăng trưởng ngành kinh tế internet. Theo số liệu thống kê, kinh tế internet tại Việt Nam tăng 3% mỗi năm, và đến năm 2030 Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 11 lần so với thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, tỉ lệ sử dụng internet và smartphone tại Việt Nam rất cao, các kênh thanh toán của Việt Nam càng ngày càng phát triển.
Chính vì những điều trên, cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt nhận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm là rất cao.
Nguồn: https://thinkzone.vn/
II. Một số loại hình quỹ đầu tư và khẩu vị đầu tư của các quỹ:
Ở phân khúc quỹ đầu tư giai đoạn sớm, luôn có các quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ, các nhà đầu tư thiên thần hay các quỹ đầu tư nước ngoài với khoản đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, các quỹ này lại cần thành lập một văn phòng tại Singapore với rất nhiều chi phí và công sức quản lý.
Đối với các quỹ đầu tư ở giai đoạn sau, nếu chỉ đầu tư ở Việt Nam thì sẽ không đủ để giải ngân. Vì vậy, họ thường sẽ đầu tư cả doanh nghiệp Singapore và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
- Những yếu tố khác mà các quỹ đầu tư chú ý:
+ Case study của những mô hình tương tự dự án khởi nghiệp này có thành công không và tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
+ Sản phẩm và cách phát triển sản phẩm
+ Vấn đề pháp lý
+ Nhà sáng lập nắm bao nhiêu phần của startup
- Các công ty khởi nghiệp nên tìm một quỹ đầu tư nội để tiếp cận và kêu gọi đầu tư vì những lí do sau đây:
+ Quỹ đầu tư ngoại về Việt Nam sẽ trải qua một quy trình cực kỳ dài. Quy trình này yêu cầu quỹ đầu tư sang Singapore để hoàn tất thủ tục pháp nhân, pháp chế. Nếu nhanh, việc này cũng sẽ tiêu tốn đến 3 tháng. Ngoài ra, việc xin giấy phép đầu tư ở nước ngoài cũng vô cùng tốn kém, với chi phí đi kèm rơi vào khoảng $2000.
+ Trong trường hợp không tìm được nhà đầu tư nội và phải tìm nhà đầu tư nước ngoài, việc hợp tác chuyển đổi cũng tốn từ 3-6 tháng. Hơn thế nữa, quỹ đầu tư nước ngoài cũng đưa kèm rất nhiều KPI, nhưng họ lại không có am hiểu về thị trường Việt Nam. Trong khi đó, bạn lại trong giai đoạn cần phải thay đổi mô hình kinh doanh của công ty mình. Vì vậy, việc hợp tác với quỹ đầu tư nước ngoài đã khó lại càng khó khăn hơn.
+ Về luật pháp, hợp tác với quỹ đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải thuê thêm công ty Luật từ Singapore, dẫn đến nhiều rủi ro về pháp lý.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ hơn mô hình kinh doanh của các quỹ đầu tư thông qua case study từ ThinkZone Venture
- ThinkZone có thể hỗ trợ gói perk package, cùng các khoản hỗ trợ lên tới $300.000. Ngoài ra, ThinkZone còn có thể liên kết với các đối tác khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp, xây dựng các chương trình hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hợp tác với các tập đoàn (gồm hỗ trợ định giá, chuẩn bị số liệu để quá trình hợp tác với nhà đầu tư được thuận lợi hơn). Hơn thế nữa, ThinkZone còn kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư phù hợp với số tiền mà doanh nghiệp đang gọi vốn.
- Trong trường hợp startup thoái vốn, ThinkZone sẽ đưa ra các trường hợp về tỷ lệ voting hay xử lý tài chính với các nhà đầu tư.
- Các nhà đầu tư thường đi cùng các startup có nhiều nhà đầu tư follow. Điều này cho họ cảm giác an toàn khi đầu tư vào doanh nghiệp.
III. Các lưu ý dành cho Startup khi tiếp cận quỹ đầu tư:
1. Giới thiệu trọng tâm:
- Khi gặp quỹ đầu tư nước ngoài, các nhà sáng lập chỉ có 25-30p để nói chuyện. Vì vậy, các nhà sáng lập nên bắt đầu bằng thông điệp – tiếp đến là giải pháp – và cuối cùng là đội ngũ nhân sự. Việc giới thiệu về con người là rất quan trọng, đặc biệt là các startup giai đoạn sớm.
- Bởi lẽ, phần lớn các quỹ đầu tư nội đều đầu tư vì con người. Thực tế, nhiều startup chưa có slide hay sản phẩm nhưng vẫn có thể gọi vốn được nếu có con người tốt. Đội ngũ nhân sự là điều tạo niềm tin cho các quỹ đầu tư, còn các vấn đề khác nếu chưa ổn đều có thể thay đổi cấu trúc.
2. Đội ngũ sáng lập phải là người hiểu về sản phẩm:
- Những yêu cầu của nhà đầu tư về mặt đội ngũ nhân sự sáng lập dự án khởi nghiệp tuỳ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư đó. Có người sẽ thích những người học ở nước ngoài, hoặc người có tư duy giải quyết vấn đề tốt. Đôi khi, họ còn thích những người đã từng khởi nghiệp thất bại.
- Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ thích các dự án khởi nghiệp có một đội ngũ sáng lập hiểu về sản phẩm hơn là những công ty chỉ có một nhà sáng lập. Ví dụ: nếu công ty khởi nghiệp ở mảng giáo dục, khi đó công ty cần có người hiểu về giáo dục. Hướng suy nghĩ của nhà sáng lập cũng cần phải đi theo đúng triết lý của sản phẩm.
3. Cần có tầm nhìn rõ ràng và kiên định với nó:
- Doanh nghiệp khởi nghiệp thì luôn phải thay đổi, không có COVID thì cũng có các thứ khác tạo nên sự thay đổi đó. Việc thay đổi mô hình liên tục sẽ không tạo ấn tượng xấu bởi lẽ các nhà đầu tư đầu tư vì đội ngũ. Điều này đòi hỏi công ty cần phải có tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng, cũng như kiên định với sứ mệnh, tầm nhìn đó.
- Một khi sứ mệnh và tầm nhìn không thay đổi, dẫu cách làm có khác đi thì cái cốt lõi của công ty, điều khiến các nhà đầu tư chú ý, cũng sẽ không thay đổi.
4. Cần phải thảo luận rõ trước khi hợp tác với các nhà đầu tư:
- Với các nhà đầu tư nước ngoài, rất khó để họ hiểu được vấn đề. Vì vậy, các nhà sáng lập cần tránh việc bị phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư. Có những thứ chính sách ở Việt Nam rất khác, khiến các nhà sáng lập không thể giải thích được cho các nhà đầu tư ngoại chưa bao giờ làm việc ở đây, hay các tập đoàn nội truyền thống chưa từng đầu tư vào startup. Việc hiểu nhầm xảy ra rất thường xuyên. Vì vậy, các tình huống có thể gặp khi hiểu nhầm như lấy lại khoản cổ phần, hay thay mới nhà đầu tư cần phải thảo luận rõ trước khi ký kết hợp tác.
- Nhà sáng lập phải là người trong Hội đồng quản trị. Nếu nhà đầu tư có trong Hội đồng quản trị thì họ cần phải thực sự hiểu về doanh nghiệp khởi nghiệp và sản phẩm.
5. Cần xác định rõ khoản đầu tư mà doanh nghiệp đang cần:
- Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn mong muốn startup tăng trưởng nhanh. Các nhà sáng lập cần xác định khoản đầu tư mình cần, và chuẩn bị đầy đủ số liệu, định giá và đặt ra KPI. Từ đó, các nhà sáng lập có thể đặt ra được gói đầu tư mà mình mong muốn, sau đó đi tìm nhà đầu tư phù hợp.
- Các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm một quỹ uy tín làm nhà đầu tư đầu tiên để sau đó có thể tìm được nhiều nhà đầu tư kéo theo.
- Để nhận được đầu tư và thoái vốn, công ty khởi nghiệp cần có khả năng tăng trưởng (thường là tăng trưởng 3 lần/năm)
Để hiểu thêm về quỹ đầu tư và những lưu ý khi tiếp cận quỹ đầu tư, hãy xem thêm video bài học dưới đây:
Tác giả: Bùi Thành Đô
Xem thêm các bài học khởi nghiệp khác tại đây:
>> 3 Phương pháp định giá doanh nghiệp khởi nghiệp
>> Những điều cần biết về mô hình kinh doanh trước khi khởi nghiệp
>> Doanh thu, dòng tiền và những điều cần biết khi bắt đầu kế hoạch khởi nghiệp
THÔNG TIN CHUNG:
Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup
Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED
Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844