Phát triển sản phẩm chắc chắn là việc tối quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, xây dựng và phát triển sản phẩm thế nào cho đúng, cho hiệu quả vẫn là một thử thách lớn. Và để đem đến cho các nhà khởi nghiệp kiến thức chuyên sâu hơn về vấn đề phát triển sản phẩm, bài học tiếp theo thuộc chủ đề “Phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp” sẽ xoay quanh nội dung về cách phát triển sản phẩm ở giai đoạn sớm, từ đó, tối đa cơ hội đạt được Product Market Fit. 

Chuỗi bài học “Phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp” nằm trong “Series bài học khởi nghiệp” do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phối hợp với văn phòng đề án 844 thực hiện. Nội dung bài học gồm bốn phần: 

  • Phần 1: Sản phẩm và các giai đoạn phát triển sản phẩm 
  • Phần 2: Phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả 
  • Phần 3: Quản lý quá trình phát triển sản phẩm  
  • Phần 4: Một số lưu ý khi phát triển sản phẩm

phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Phần I. Sản phẩm và các giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

> Xem thêm 


Phần II. Phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả để đạt được Product Market Fit  

I. Nguyên nhân dẫn đến một sản phẩm thất bại: 

Thực tế, đa số startup (những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) thất bại khi không thể tăng trưởng mạnh mẽ và thoái vốn thành công. Và theo thống kê, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự thất bại của startup là sản phẩm không đáp ứng được thị trường. Có rất nhiều lí do đằng sau một sản phẩm không đạt Product Market Fit, tuy nhiên, đa phần là lỗi chủ quan của doanh nghiệp và nhà sáng lập như: 

  • Làm sản phẩm xong mới đi tìm khách hàng tương thích, dẫn đến kết quả là không tìm được tập khách hàng phù hợp với sản phẩm 
  • Tập khách hàng giả định, chưa có hoặc không có trong thực tế 
  • Đôi khi founder có hiểu biết và kinh nghiệm trong ngành, dẫn đến quá tự tin và hướng sản phẩm hoàn toàn theo ý mình. Trong khi những kinh nghiệm đó có thể còn khiếm khuyết hoặc không phù hợp với thị hiếu đám đông
  • Phiên bản đầu tiên của sản phẩm quá tối thiểu, dẫn đến không đáp ứng được bất kỳ nhu cầu nào. Do đó, doanh nghiệp không thể kiểm chứng được gì về sản phẩm với khách hàng dùng thử. 
  • Founder nhận định Product Market Fit quá sớm với những dấu hiệu chưa rõ ràng, dẫn đến việc đẩy mạnh tiếp thị trong khi sản phẩm chưa thật sự ổn. 

II. Phương pháp tiếp cận hỗ trợ việc phát triển sản phẩm: 

Những lỗi sai trên rất phổ biến, không chỉ với riêng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam mà với cả các startup trên thế giới. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa những rủi ro như trên, nhiều phương pháp tiếp cận đã ra đời nhằm hỗ trợ việc phát triển sản phẩm một cách hiệu quả nhất, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Nổi bật trong số đó là hai phương pháp: (1) Lean Startup: khởi nghiệp tinh gọn và (2) Design Thinking: tư duy thiết kế. 

1. Lean Startup: khởi nghiệp tinh gọn  

Về bản chất, đây là cách tiếp cận nhằm đạt Product Market Fit thông qua việc xây dựng “Sản phẩm khả dụng tối thiểu” (Minimum Viable Product – MVP) và không ngừng cải tiến nó qua vòng lặp Xây dựng – Đo lường – Học hỏi. Cụ thể: 

  • Bạn bắt đầu bằng việc xây dựng một MVP gồm những tính năng chủ chốt với giả định là sẽ thỏa mãn nhu cầu khách hàng. MVP sẽ được người dùng thử sử dụng và đánh giá. Bạn đo lường những chỉ số và lời đánh giá từ người dùng để kiểm chứng những giả định. Từ đó, đưa ra quyết định về hướng cải thiện sản phẩm. 
  • Bạn lặp lại quá trình này cho đến khi khách hàng hoàn toàn hài lòng với sản phẩm và sẵn sàng mua, khi đó bạn đã đạt được Product Market Fit. 
3 bước của khởi nghiệp tinh gọn
3 bước của khởi nghiệp tinh gọn

 

2. Design Thinking: tư duy thiết kế 

Design Thinking là một quy trình giải quyết vấn đề gồm 5 bước, với con người là trọng tâm của cả quy trình. Để áp dụng phương pháp này:

  • Bạn cần bắt đầu bằng việc đồng cảm với khách hàng mục tiêu và cần nắm rõ: “Khách hàng của tôi là ai?”, “Nhu cầu của họ là gì?” 
  • Sau đó, bạn chọn ra và ưu tiên những vấn đề của khách hàng mà bạn cho là nhức nhối nhất, rồi bắt đầu lên ý tưởng để giải quyết những vấn đề đó 
  • Ý tưởng tốt nhất sẽ được chuyển thành sản phẩm demo và được trải nghiệm bởi khách hàng mục tiêu 
  • Sản phẩm này cần được cải tiến và kiểm chứng liên tục tới khi đạt được Product Market Fit 
5 bước của tư duy thiết kế sản phẩm
5 bước của tư duy thiết kế sản phẩm

 

III. Sự khác biệt và rủi ro của hai phương pháp tiếp cận: 

1. Điểm khác biệt: 

Để dễ hình dung sự khác biệt của 2 phương pháp, chúng ta cùng xem xét ví dụ minh hoạ giả định: nhu cầu phát triển một mẫu tàu đánh cá xa bờ dài ngày. 

  • Với Lean Startup: thông qua đánh giá các giải pháp và xu hướng đang có trên thị trường, bạn đưa ra giả định rằng yếu tố vật liệu như vỏ tàu bền hơn, động cơ khoẻ hơn sẽ giúp tàu đi được dài ngày hơn. Sau đó, bạn đóng 1 mẫu tàu (MVP) tương ứng với giả định rồi đưa cho ngư dân đi biển dùng thử, đo đếm thời gian ngoài khơi và tiếp nhận phản hồi của họ. 
  • Với Design Thinking: việc đầu tiên bạn làm là tiếp cận, tìm hiểu và quan sát ngư dân đang vận hành tàu và đánh bắt xa bờ thế nào. Từ đó, bạn thấy được vấn đề nhức nhối nằm ở việc làm sao lưu trữ hải sản đánh bắt được lâu hơn và làm sao thông tin liên lạc được tốt hơn. Sau đó, bạn thiết kế 1 mô hình tàu cải tiến giải quyết được các vấn đề trên và đưa cho ngư dân đánh giá, nhận xét. 

2. Rủi ro: 

Cả 2 phương pháp đều tồn tại những rủi ro nhất định. 

  • Với Lean Startup, rủi ro là khi giả định không chính xác và bạn mất chi phí làm MVP. 
  • Còn với Design Thinking, đôi khi việc chỉ đưa ra mô hình, hoặc mẫu thử là không đủ để đo lường đúng mức độ hiệu quả và mức độ hài lòng của khách hàng mục tiêu. 

Từ kinh nghiệm bản thân của chuyên gia Ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), cả 2 phương pháp đều rất thiết thực và mang tính bổ trợ lẫn nhau. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần kết hợp khéo léo 2 phương pháp trên để có được cách tiếp cận phù hợp nhất. Bạn có thể áp dụng Design Thinking trong thời gian đầu khi tìm hiểu về thị trường và khách hàng để xác định được vấn đề nhức nhối nhất của họ. Từ đó đề xuất các ý tưởng để giải quyết vấn đề đó. Những hiểu biết, khám phá thu được với Design Thinking sẽ là đầu vào dưới dạng giả định có cơ sở cho các vòng lặp kiểm chứng không ngừng (Xây dựng – Đo lường – Học hỏi) của Lean Startup, nhằm đạt mục tiêu Product-market fit sớm nhất có thể. 

kết hợp lean startup và design thinking
Kết hợp Lean startup và Design thinking

 

Hai phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong cả startup và các công ty lớn như Uber, Airbnb, Facebook, Google,… nhằm không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì thế, các bạn nên dành thời gian nghiên cứu sâu hơn những phương pháp trên để áp dụng vào chính doanh nghiệp khởi nghiệp của mình. 

Và để hiểu rõ hơn về hai phương pháp giúp phát triển sản phẩm đạt Product Market Fit, mời bạn xem thêm video bài học dưới đây

Tác giả: Vũ Xuân Trường 


Phần III. Quản lý quá trình phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp 

Sau khi nắm được cơ bản phương pháp tiếp cận tổng quan, trong bài học tiếp theo, DNES sẽ đem đến một số kinh nghiệm của chuyên gia Vũ Xuân Trường về việc phát triển sản phẩm ở cấp độ thực thi hàng ngày. Cụ thể là quy trình phát triển sản phẩm để bảo đảm sản phẩm được xây dựng như yêu cầu đặt ra và phát hành đúng tiến độ.

> Xem thêm


Phần IV. Một số lưu ý khi phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

> Xem thêm


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

Tags