Trong những bài học trước về chủ đề “Phát triển sản phẩm”, chúng ta đã cùng chuyên gia Vũ Xuân Trường tìm hiểu 3 khía cạnh của việc xây dựng sản phẩm. Đó chính là: (1) các giai đoạn phát triển sản phẩm, (2) phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả và (3) quản lý quá trình phát triển sản phẩm. Đến với bài học tiếp theo, DNES đem đến những chia sẻ của chuyên gia Trần Vũ Nguyên về phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp từ góc độ thực thi. Đây đều là những điều được đúc kết từ chính những trải nghiệm thực tế của chuyên gia và đội ngũ AI Education khi thay đổi và nâng cấp sản phẩm trong 2 năm vừa qua. 

Phần I. Sản phẩm và các giai đoạn phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp 

> Xem thêm 


Phần II. Phương pháp phát triển sản phẩm hiệu quả để đạt được Product Market Fit 

> Xem thêm 


Phần III. Quản lý quá trình phát triển sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp

> Xem thêm


Phần IV. Một số lưu ý khi phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp

I. Bối cảnh:  

Đầu tiên, hãy cùng DNES điểm qua những thành tựu nổi bật của AI Education: 

  • AI Education là đối tác của dự án USAID và National Innovation Center trong việc triển khai việc đào tạo nghề cho người Việt trong thế kỷ 21
  • Họ là đơn vị đầu tiên và duy nhất được Amazon Web Services uỷ quyền làm đơn vị triển khai các chương trình đào tạo tại Việt Nam
  • Họ là đại diện duy nhất của Google For Education tại Việt Nam
2 năm khởi nghiệp của AI Education
2 năm khởi nghiệp của AI Education

 

Dù đạt được những thành tựu đáng kể như vậy, nhưng hành trình khởi nghiệp của AI Education lại bắt đầu với một câu chuyện rất khác. Họ là một nhóm với rất nhiều kinh nghiệm về giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, and Mathematics). Vì vậy, AI Education được thành lập với mục tiêu trở thành một công ty chuyên về STEM với lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng là có liên kết mạnh với một số trường đại học trong và ngoài nước để làm “sách trắng” về STEM tại Việt Nam. Họ đã gặp gỡ rất nhiều đối tác tiềm năng để tìm cách tiêu chuẩn hoá việc đào tạo giáo viên dạy STEM cho toàn bộ nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã không thành công. 

Đó cũng là lúc đội ngũ nhận ra việc sửa chữa và nâng cấp sản phẩm là vô cùng cần thiết. Vì vậy, chuyên gia cùng đội ngũ nhân sự đã tiến hành thực hiện 3 lần pivot để thay đổi sản phẩm; từ đó, đưa ra những phiên bản sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn, và giúp AI Education có được thành công như ngày hôm nay.

II. Kinh nghiệm thực tế từ 3 lần nâng cấp sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp: 

1. Lần 1: 

Vào lần đầu tiên thay đổi sản phẩm, AI Education trở thành đại diện của Amazon Web Services trong lĩnh vực đào tạo nghề điện toán đám mây. Khi đó, họ làm việc với hiệu trưởng, hiệu phó và trưởng khoa công nghệ thông tin của rất nhiều trường đại học. Lúc này, chuyên gia cùng đội ngũ của AI Education tin rằng họ có thể cùng Amazon Web Services đào tạo một triệu người Việt Nam thông thạo công việc trên điện toán đám mây. Nhưng cuối cùng, việc đưa một chương trình đào tạo mới như điện toán đám mây vào hệ thống đại học Việt Nam không hề đơn giản. Và họ đã mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định tạm gác lại giấc mơ này. 

2. Lần 2: 

Sau đó, đội ngũ nhân sự tin rằng việc hợp tác với các trường phổ thông trung học sẽ dễ dàng hơn. Minh chứng ở việc toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường và trưởng khoa Công nghệ thông tin của các trường phổ thông trung học tham dự nhiều buổi hội nghị, hội thảo của AI Education. Bởi lẽ, người ta tin rằng điện toán đám mây và năng lực số cơ bản là nhu cầu rất là lớn của học sinh trung học hiện nay. Và đó cũng chính là lúc nền tảng Future Skills ra đời, hướng theo mô hình giáo dục hỗn hợp (Blended Training), nhằm đào tạo cho toàn bộ học sinh phổ thông trung học tại Việt Nam. Nền tảng này gồm 2 nội dung đào tạo: 

  • Nền tảng điện toán đám mây với chứng nhận của AWS
  • Kỹ năng số ứng dụng với chứng nhận của Google for education 

3. Lần 3: 

Future Skills được rất nhiều địa phương lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà,… đón nhận, cũng như chào đón đến hơn 10.000 học sinh theo học. Cũng vì vậy, AI Education bắt đầu đối diện với nhiều bài toán khó hơn. Thứ nhất, đó là làm sao để đưa sản phẩm Future Skills phát triển ra khỏi biên giới Việt Nam. Bởi khi bước ra thị trường quốc tế, AI Education sẽ không còn lợi thế cạnh tranh về quan hệ và sự hiểu biết như trước đây nữa. Thứ hai, việc phát triển sản phẩm để kéo dài vòng đời khách hàng trên nền tảng cũng là một câu hỏi lớn. Các bạn học xong hai chương trình trên – những người là khách hàng của công ty – cần phải học tiếp cái gì? 

Vì những lí do đó, công ty bắt buộc phải tiến hành thay đổi sản phẩm lần thứ 3. Đội ngũ nhân sự bắt đầu tìm kiếm các cơ hội khác nhau để mang Future Skills ra khỏi Việt Nam. Vì vậy, họ dốc sức để trở thành đối tác chính thức của Google For Education. Từ đó, sản phẩm có thể dễ dàng tiếp cận đến những quốc gia lân cận có điều kiện địa lý và thị trường giống như Việt Nam. Không chỉ thế, AI Education bắt đầu xây dựng Future Skills trở thành một nền tảng chính thức, là nơi để những nhà cung cấp nội dung có thể đăng tải bài học. Nhờ vậy, Future Skills đã trở thành một nền tảng tương đối hoàn chỉnh.   

lần thay đổi sản phẩm thứ 3
Lần thay đổi sản phẩm thứ 3

 

Và cho đến hôm nay, đội ngũ AI Education đang làm việc với phiên bản sản phẩm 1.5 và họ vẫn đang không ngừng nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm lên phiên bản 2.0 và 3.0. Để được như vậy, tất nhiên, nền tảng này sẽ tiếp tục trải qua nhiều lần thay đổi nữa. Đó là những thay đổi để ứng dụng trào lưu mới như Blockchain hay Metaverse. Và cũng là những lần thay đổi để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm. Việc phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đòi hỏi chúng ta phải luôn đặt câu hỏi, luôn phải tìm kiếm cơ hội phát triển trên thị trường để từ đó ứng dụng vào sản phẩm của công ty. 

III. Bài học kinh nghiệm từ chuyên gia: 

Từ thực tế quá trình phát triển sản phẩm, chuyên gia Trần Vũ Nguyên cùng đội ngũ nhân sự đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm. Đây cũng là những bài học điển hình mà DNES tin rằng sẽ rất bổ ích cho các nhà sáng lập của doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn đang trăn trở trên hành trình phát triển sản phẩm của mình. 

  • Tìm ra điểm nổi bật của sản phẩm. Đó là đặc điểm mà người tiêu dùng yêu thích nhất. 
  • Tìm kiếm những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của sản phẩm. Đó là: (1) điểm nổi bật của sản phẩm mà người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền và (2) người trả tiền cho sản phẩm. 
  • Nhận biết thời điểm cần thay đổi sản phẩm. Đây là khi chúng ta nhận được những tín hiệu thị trường rất kém so với kỳ vọng. Chẳng hạn như thị trường các trường đại học và cao đẳng của AI Education. 
  • Vẽ ra bản đồ những đối tác cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp có mặt trên thị trường. Từ đó, tìm ra những lợi thế đặc biệt của đối thủ và cải thiện lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. 
  • Tìm kiếm sự khác biệt, rất khác biệt của doanh nghiệp khởi nghiệp so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.

IV. Kinh nghiệm cho các nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp: 

Với vai trò là nhà sáng lập của AI Education – một doanh nghiệp khởi nghiệp, cá nhân chuyên gia Trần Vũ Nguyên cũng tự đúc kết cho mình những bài học kinh nghiệm từ thực tế. DNES mong rằng đây sẽ là những bài học chân thật nhất về quá trình phát triển sản phẩm, từ đó, giúp các nhà sáng lập có thể tự tin, cam đảm và quyết tâm hơn trên con đường xây dựng sản phẩm cho công ty mình. 

1. Kiên định với sản phẩm: 

Điều đầu tiên, khi phát triển sản phẩm và đi gặp nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư sẽ đòi thêm, bớt và chỉnh sửa sản phẩm. Khi đó, các nhà sáng lập phải thật sự kiên định với chính sản phẩm của mình. 

2. Tầm nhìn và sứ mệnh sẽ không thay đổi: 

Tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp là thứ không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, sản phẩm có thể thay đổi để phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường.

3. Nói “KHÔNG” với việc thêm nhiều chức năng cho sản phẩm: 

Các nhà sáng lập thường hay có xu hướng cứu thêm chức năng này, thêm chức năng kia cho sản phẩm để sản phẩm trông có vẻ hoàn thiện và đầy đủ chức năng. Tuy nhiên, điều đó sẽ dẫn đến việc sản phẩm không có một chức năng nào thực sự nổi bật.  Do đó, Nói “không” với việc thêm chức năng là kỹ năng rất quan trọng. 

4. Quản lý tài chính là một kỹ năng rất cần thiết: 

Trong quá trình phát triển sản phẩm, tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. 

5. Đăng ký sở hữu trí tuệ:  

Tài sản sở hữu trí tuệ là điều quan trọng nhất. Một Sản phẩm được phát triển cần rất nhiều thời gian và tâm sức. Vì vậy, chúng ta cần định giá cho sản phẩm bằng việc đăng ký sở hữu trí tuệ.

Trên đây là tất cả những chia sẻ của chuyên gia Trần Vũ Nguyên về việc phát triển sản phẩm, được đúc kết từ chính trải nghiệm thực tế của ông và đội ngũ nhân sự trong quá trình phát triển AI Education. DNES cùng chuyên gia hy vọng bài học này sẽ góp thêm một chút kinh nghiệm, một chút kỹ năng cho bạn để vững bước hơn trên hành trình phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về bài học này, mời bạn xem thêm video dưới đây:

Tác giả: Trần Vũ Nguyên


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

Tags