Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, hệ thống kinh tế thế giới – trong đó Việt Nam không phải một ngoại lệ –  bước vào môi trường đầy biến động, bất trắc, phức tạp và không rõ ràng. Trong bối cảnh này, các mô hình kinh doanh sáng tạo xuất hiện bất ngờ và rồi mau chóng nhân rộng đã trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các chính phủ, ở cả cấp quốc gia và địa phương (tỉnh, thành phố), cũng dần dịch chuyển từ nỗ lực hoàn thiện môi trường kinh doanh sang gây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. 

Điểm khác biệt cốt yếu của hai khái niệm là dịch chuyển từ nỗ lực tìm kiếm ổn định sang thích ứng với thay đổi và chấp nhận bất trắc. Môi trường kinh doanh được hoàn thiện với mục tiêu đảm bảo sự thuận tiện và dễ dàng cho các mô hình kinh doanh khi dịch chuyển từ môi trường này sang môi trường khác. Hệ sinh thái được gây dựng với mục tiêu thúc đẩy hình thành kết hợp đa dạng giữa các thành phần để tạo ra thật nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo qua một quá trình thử-sai với chi phí thấp nhất. Lẽ tự nhiên, những “mô hình kinh doanh sáng tạo” này sẽ khai thác và phát huy lợi thế kinh tế cạnh tranh trên phạm vi địa lý của hệ sinh thái. Nói cách khác, “hệ sinh thái” gắn liền với điều kiện đặc trưng kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương. Đặc tính này thể hiện rõ nét qua thực tiễn các báo cáo quốc tế đánh giá mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo luôn đưa ra xếp hạng theo thành phố mà không phải quốc gia. 

Trong các hệ sinh thái, ba thành phần mà sự gắn kết và hợp tác thường được xem như nền tảng phát triển gồm: chính quyền, viện – trường và doanh nghiệp. Bài viết này dành sự tập trung cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân tại địa phương. 

Hình 1. Họp báo Ngày hội khởi nghiệp Sáng tạo Đà Nẵng – SURF 2019

Giá trị quan trọng trước tiên mà các doanh nghiệp tại địa phương có thể đóng góp cho hệ sinh thái là sự am hiểu về thị trường bản địa. Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ khi chưa nắm rõ khách hàng và nhu cầu thị trường là sai lầm phổ biến của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngay cả khi thị trường tại chỗ được nhận định là nhỏ bé – điều thường được xem như một cản trở cho sự phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng – thì kinh nghiệm tồn tại và vươn xa khỏi thị trường tại chỗ của các doanh nghiệp và doanh nhân đi trước lại càng quý hơn. Thêm nữa, trong quãng thời gian khởi đầu, mô hình kinh doanh sáng tạo liên tục đối diện với khó khăn và cái nào cũng cần có giải pháp ngay lập tức. Bởi vậy, gợi ý, hướng dẫn hay hỗ trợ tốt hơn cả là hãy ở thật gần và thật dễ tiếp cận. 

Doanh nghiệp tại địa phương tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo thuận tiện nhất với vai trò cố vấn dẫn dắt (mentor). Khi này, người chủ và các vị trí quản lý của doanh nghiệp dành thời gian để lắng nghe các nhà sáng lập (founder) trình bày ý tưởng về sản phẩm đổi mới sáng tạo, đặt câu hỏi để các nhà sáng lập xác định khách hàng mục tiêu, thị trường đổ bộ, và đặc biệt là hiểu rõ mô hình kinh doanh sáng tạo sẽ tạo ra lợi nhuận như thế nào. Chia sẻ kinh nghiệm và các mối quan hệ thương trường của người cố vấn sẽ giúp các nhà sáng lập tìm ra câu trả lời hợp lý cho sản phẩm và/hoặc giải pháp sáng tạo của mình. Người cố vấn còn hướng dẫn các nhà sáng lập xác định mục tiêu nhân rộng mô hình kinh doanh và tìm kiếm nguồn lực con người, công nghệ và tài chính để đạt tới những mục tiêu kỳ vọng. 

Khi gắn bó và thấu hiểu nhà sáng lập cùng giải pháp và mô hình kinh doanh sáng tạo của họ, các doanh nghiệp thường sẽ có quan tâm sâu sắc hơn. Lúc này, doanh nghiệp có thể trở thành người sử dụng, hay thậm chí là khách hàng đầu tiên. Một khi nhìn thấy giá trị mới được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận, doanh nghiệp và doanh nhân từ vai trò cố vấn có thể sẽ mong muốn trở thành một phần của thành công trong tương lai thông qua khoản đầu tư thiên thần.

Hình 2. Các lớp tập huấn ươm tạo các dự án khởi nghiệp tại DNES 

Động lực nào để những doanh nhân vốn còn đang ngổn ngang với công việc quản lý, điều hành cỗ máy kinh doanh của chính mình sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, quan hệ kinh doanh và cả tiền bạc cho nỗ lực khởi nghiệp của người khác? Câu trả lời truyền thống là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đúng nhưng chưa đủ. Trong không gian văn hóa cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, năng lượng tinh thần của những cá nhân (i) khát khao kiến tạo giá trị mới, (ii) sẵn sàng chấp nhận bất trắc của thị trường, và (iii) nỗ lực phát triển năng lực nắm bắt và hiện thực cơ hội kinh doanh, tham gia, thậm chí là gắn bó với hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần trở thành một chức năng hoạt động của người doanh nhân.

Trước tiên, tiếp xúc và làm việc gắn bó với các nhà sáng lập dồi dào năng lượng khởi nghiệp là cơ hội để các doanh nhân thành đạt tái tạo năng lượng khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp của mình từ cảm xúc mạnh mẽ của những người trẻ tuổi. Sau nhiều năm phát triển và thành công, năng lượng khởi nghiệp dễ bị suy giảm bởi quy mô kinh doanh lớn thường gắn liền với cấu trúc quản trị có thứ bậc chặt chẽ, đề cao tuân thủ quy tắc và kỷ luật, kiểm soát rủi ro. Điều này làm suy giảm sức cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo sẵn sàng thích ứng với biến động thị trường.

Thứ hai, trao đổi và dẫn dắt các công ty khởi nghiệp phát triển là cơ hội để tiếp cận và làm giàu hiểu biết về các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới từ rất sớm. Quan trọng hơn, các doanh nhân trưởng thành không bỏ lỡ cơ hội có phần sở hữu trong mô hình kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng đột phá. Quá trình xây dựng năng lực cho người sáng lập và công ty khởi nghiệp cũng chính là khoảng thời gian người cố vấn dẫn dắt nắm bắt kỹ càng ưu thế cạnh tranh, rủi ro mà công ty khởi nghiệp phải đương đầu và triển vọng thành công trong tương lai. Hơn thế, những hiểu biết này được tích lũy từ cả góc nhìn sôi nổi, cảm xúc từ trong cỗ máy khởi nghiệp sáng tạo và góc nhìn khách quan, chín chắn từ bên ngoài. Đây là những thông tin chân thực và rất có giá trị cho quyết định bỏ vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. 

Thứ ba, thời gian làm việc gắn bó giúp các cố vấn dẫn dắt tường tận về năng lực và mức độ phù hợp về tư duy của người sáng lập khởi nghiệp với không gian văn hóa trong doanh nghiệp của mình. Những người khởi nghiệp được dẫn dắt luôn là nguồn nhân lực bổ sung có sự tương thích cao và nhờ đó sớm phát huy hiệu quả đóng góp vào thành tích kinh doanh của cả hệ thống lớn. Người khởi nghiệp được dẫn dắt không nhất thiết phải gia nhập đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp. Tính chủ động và khả năng sáng tạo của những người khởi nghiệp được nuôi dưỡng và khai thác tốt hơn khi họ được giao trách nhiệm lãnh đạo một đơn vị kinh doanh, và hưởng lợi từ kết quả kinh doanh đó. Một xu hướng đang lặng lẽ hình thành trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là các doanh nhân thành đạt tìm kiếm những người khởi nghiệp trẻ, có năng lực chuyên môn và tư duy phù hợp để triển khai các ý tưởng và mô hình kinh doanh bổ trợ hay khai thác thế mạnh của hoạt động và hệ thống kinh doanh cốt lõi hiện có.

Trần Trí Dũng

Cán bộ Giám sát và Đánh giá Kết quả
Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ

Tags