Trí tuệ nhân tạo và giao tiếp trên nền tảng đám mây, đó là hai trong số các dự án khởi nghiệp của Đà Nẵng vừa tốt nghiệp Chương trình ươm tạo khóa thứ hai của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Đó là nền tảng giao tiếp tự động (chat-bot) sử dụng trí thông minh nhân tạo của công ty Hekate và mô hình viễn thông tích hợp điện toán đám mây của công ty Antbuddy. Sau 6 tháng ươm tạo, từ 2 dự án khởi nghiệp, họ đã thành lập doanh nghiệp, nhận được đầu tư quốc tế cũng như tìm được những khách hàng lớn.

Vào ngày 21/4/2017 vừa qua, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức lễ tốt nghiệp chương trình ươm tạo khóa 2 và khai giảng khóa 3 cho các dự án khởi nghiệp của thành phố.

Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng được thành lập ngày 14 tháng 01 năm 2016 với mục tiêu hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sau hơn 01 năm đi vào hoạt động, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã hoàn tất 02 khóa ươm tạo với sự tham gia của 17 dự án, đã và đang tiếp nhận 08 dự án tham gia chương trình ươm tạo khoá 03 năm 2017.

Chương trình ươm tạo khoá 02 đã được tổ chức nghiêm túc, bài bản và khắt khe hơn so với chương trình ươm tạo đầu tiên, đặc biệt có sự tham gia hỗ trợ của nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế để xây dựng một chương trình ươm tạo khởi nghiệp vừa tiếp cận tiêu chuẩn thế giới lại vừa phù hợp với bối cảnh xã hội của Đà Nẵng. Theo đó, 9 dự án đầu vào bao gồm: Antbuddy, Sumi, Demeater, Cultures Connect, AirTeam, Beeglasses, L-tech, Glampy và Culinary đã trải qua chương trình đào tạo 06 tháng với 06 workshop chuyên sâu; được tư vấn và định hướng phát triển bởi đội ngũ nhà tư vấn, chuyên gia, doanh nhân giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực qua chương trình Mentor 1-1; được đội ngũ nhân sự DNES tham gia trực tiếp hỗ trợ qua chương trình “mentor in house”; được hỗ trợ về cơ sở vật chất và đặc biệt là nhiều dự án được tư vấn, giúp đỡ kết nối, truyền thông phát triển sản phẩm, xác định được chiến lược phát triển, có được khách hàng và doanh thu, mở rộng quan hệ đối tác, tạo được việc làm, và gọi được vốn tài trợ hoặc vốn đầu tư. Cụ thể,5/9 dự án hoàn thành chương trình ươm tạo, 2 dự án đạt 100% tiêu chí tốt nghiệp là Sumi và AntBuddy, dự án Sumi gọi được vốn đầu tư trong thời gian ươm tạo tại DNES.

Hình ảnh tại Buổi lễ tốt nghiệp chương trình ươm tạo khóa 2 và khai giảng khóa 3

Chương trình ươm tạo Khoá 03 sẽ có một số điều chỉnh về chính sách ươm tạo so với các khoá trước, có thể xem như một chương trình tăng tốc kéo, tập trung cao độ các nguồn lực và hỗ trợ tối đa cho các dự án nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ qua các hoạt động đào tạo cụ thể, tập trung vào việc phát triển chiến lược kinh doanh, thương mại hoá sản phẩm và hỗ trợ kết nối, kêu gọi vốn đầu tư. Do đó, các dự án tham gia chương trình ươm tạo khoá 03 được lựa chọn khắt khe hơn và yêu cầu đảm bảo các KPI cụ thể trong suốt thời gian làm việc tại Vườn ươm. Ngoài ra, Vườn ươm doanh nghiệp DNES điều chỉnh hoạt động hỗ trợ dự án theo hướng linh hoạt, thường xuyên sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ các dự án nộp về chương trình, tiến hành tiếp xúc, phân tích, đánh giá, với những dự án tiềm năng có thể xem xét đưa ngay vào chương trình ươm tạo.

 

Tại buổi lễ khai giảng chương trình ươm tạo khoá 03, sẽ có các nhóm Homecare, IKid, Navid, Ngũ cốc Đà Nẵng, EKid, S&M, Numako tham gia trình bày giới thiệu dự án, một số dự án khác được lựa chọn tham gia vào chương trình ươm tạo.
Chương trình có sự chỉ đạo của Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng và sự hỗ trợ từ các Sở ban ngành liên quan; Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES; Hội đồng thành viên; các đối tác chiến lược: MBI, Swiss EP, IPP, Frontier…; Mạng lưới nhà tư vấn mentors; các Hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân, doanh nghiệp, VCCI Đà Nẵng; các vườn ươm, chương  trình ươm tạo sáng tạo; các trung tâm nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu, đại học; các CLB khởi nghiệp, phòng công tác sinh viên, trường đại học; các dự án ươm tạo Khóa I,II, III và các dự án khởi nghiệp khác…