Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế học tại Đại học Nottingham, Vương quốc Anh theo học bổng của thành phố và làm việc Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng với vai trò nghiên cứu và tư vấn chính sách, Phạm Thùy Liên đột nhiên…bỏ việc và trở thành một trong những người điều hành DNES dù biết rằng đây là một quyết định mạo hiểm. Bài viết dưới đây là chứng kiến của cô về hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng, từ lúc là con số 0 đến khi trở thành một trong những khu vực năng động nhất tại Việt Nam.
Khi làn sóng khởi nghiệp vào Đà Nẵng
Trong một buổi hội thảo của đoàn Sinh viên Quản trị kinh doanh đến từ đại học Stanford (Hoa Kỳ) tại thành phố Đà Nẵng, tôi gặp Samson, người Israel trong đoàn. Khi được hỏi về động lực phát triển kinh tế tư nhân tại quê hương Israel và nước Mỹ, Samson trả lời “tinh thần doanh nhân, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Chúng tôi trao đổi rất lâu khi Samson cố gắng giải thích cho tôi về vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế, các chính sách của chính phủ Israel và Mỹ, quỹ đầu tư, chương trình đối ứng vốn đầu tư khi tôi và có lẽ cả thành phố Đà Nẵng còn chưa phân biệt được giữa khởi nghiệp “mưu sinh” và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là một ngày cuối năm 2014 – thời điểm ngay trước sự bắt đầu của một làn sóng khởi nghiệp tràn vào Việt Nam và cả thành phố Đà Nẵng
Làn sóng ấy tới Đà Nẵng từ khi chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Phần Lan (IPP) tổ chức Hội thảo Hợp tác Đổi mới sáng tạo lần đầu tại đây. Tôi hỏi Riku Mäkelä, cố vấn Đổi mới sáng tạo của IPP rằng: “Muốn phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng thì làm gì?” và được dẫn đến Câu lạc bộ Kiến tạo khởi nghiệp Đà Nẵng -9StartLab bao gồm nhiều người trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, tụ họp hàng tuần cùng trao đổi và bàn luận về các vấn đề liên quan đến kết nối khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cuộc gặp gỡ này đánh đấu sự khởi đầu trong việc hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp của tôi.
IPP cũng là “cây cầu” nối 9Startlab với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng và Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin – Đại học Đà Nẵng để cùng thực hiện đề án Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp TP ĐN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong hơn một năm sau đó, nhiều hoạt động tổ chức sự kiện, xây dựng chương trình, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính sách được ba đối tác phối hợp thực hiện với cùng một mục tiêu chung là cho ra đời một hệ sinh thái thực sự năng động, sáng tạo, kết nối và hiệu quả, làm động lực thúc đấy nền kinh tế tư nhân tại thành phố.
Những viên gạch đầu tiên
Một trong những kết quả nổi bật của nỗ lực chung giữa chính quyền, doanh nhân, trường đại học, cộng đồng và các đối tác hỗ trợ trong suốt hơn một năm là sự ra đời của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) vào đầu năm 2016. Vườn ươm ra đời với mô hình hợp tác công tư: nhà nước và tư nhân cũng góp công sức và tiền bạc. Vườn ươm DNES mang nhiều kì vọng từ thành phố Đà Nẵng, được xem “là bước đi đầu tiên có tính chất nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống mạng lưới khởi nghiệp trong tương lai tại Đà Nẵng” – như trên báo Đà Nẵng đã đánh giá.
Mang một tầm nhìn và sứ mệnh lớn nhưng DNES bắt đầu như một doanh nghiệp khởi nghiệp với nguồn lực có hạn: chú Võ Duy Khương (nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố) là người đứng đầu, năm nhân sự trẻ và một số vốn góp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cần được bảo toàn. Trong thời kỳ hoạt động ban đầu, DNES gặp rất nhiều khó khăn: bị lấy lại trụ sở làm việc để rồi không biết cả DNES và dự án sẽ đi đâu; thay đổi nhân sự và nội bộ; nhà đầu tư rút vốn, áp lực tài chính khi chưa tìm ra được nguồn thu, các dự án khởi nghiệp thất bại.
Một trong những người “giữ lửa” cho DNES là chú Võ Duy Khương, mà chúng tôi hay gọi thân mật là “chú”. Tôi may mắn được biết chú từ đầu năm 2014 – thời điểm chú đang là Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng. Ấn tượng mà tôi nhớ nhất là một người mặc áo vest chỉnh tề, ngồi nghe các dự án trình bày và nán lại hỏi han từng bạn sáng lập trẻ đến tối muộn – một hình ảnh mà tôi không nghĩ sẽ hay gặp ở một vị lãnh đạo bận rộn. Bất kì khi nào tôi gặp chú, tôi cũng thấy có thêm động lực để làm việc. Chú không phải là người biết mọi thứ, không phải là người giỏi nhất, hoàn hảo nhất nhưng là người mà có thể khiến chúng tôi cực kì cảm phục, tin tưởng và muốn đi theo
Tôi nhận phụ trách chương trình ươm tạo khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Để giúp DNES xây dựng chương trình ươm tạo, tôi chủ động liên hệ và trao đổi với các chuyên gia của các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước. Khi mình có đủ quyết tâm và cầu thị, mọi sự giúp đỡ sẽ đến. Không chỉ có IPP, DNES nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất nhiều từ chương trình MBI của Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB), Chương trình Hỗ trợ Khởi nghiệp của Thuỵ Sĩ (SECO EP), các đại sứ quán và mạng lưới các vườn ươm quốc tế. Các nhà tư vấn và nhân sự mới cũng đến với DNES, giúp chúng tôi giải quyết các bài toán về mô hình kinh doanh, tổ chức, nhân sự, vv. Chính sự giúp đỡ và cổ vũ của nhiều bên tạo thêm động lực để DNES tiếp tục làm, thử, sai, học hỏi và làm lại, từng bước đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng.
Kiên trì theo đuổi mục tiêu, một người lãnh đạo thực thụ, một đội ngũ làm việc đoàn kết và chia sẻ chung các giá trị, sự hỗ trợ từ nhiều phía là công thức để DNES bền bỉ hoạt động. Thành tựu đáng kể nhất là xây dựng được một cơ sở không gian làm việc chung cho các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, trong 17 dự án đã ươm tạo, có nhiều dự án đã gọi được vốn đầu tư thiên thần với tổng số vốn là 7 tỷ đồng, tổ chức Hội nghị Triển lãm Khởi nghiệp Quốc tế tại Đà Nẵng – Startup Fair 2016 với 1.000 người tham dự trong đó có nhiều diễn giả trong và ngoài nước.
May mắn được tham gia, nhận được nhiều sự giúp đỡ, tin tưởng và cổ vũ từ nhiều người, tôi thấy có trách nhiệm phải chia sẻ những điều tôi nhận được cho các bạn trẻ khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp khác để “tạo ra một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và giàu giá trị”.
Theo Innovation Partnership Program