Một làn sóng khởi nghiệp đang chờ cơ hội bùng phát tại Đà Nẵng. Với sự cởi mở của chính quyền, lợi thế thuộc vùng trọng điểm du lịch cùng với Hội An, Huế, sở hữu sân bay quốc tế… Đà Nẵng những năm gần đây luôn được coi là một trong những thành phố đầy tiềm năng cho Startup tại Việt Nam cũng như trong khu vực.
Trong ba năm liền từ 2008-2010, Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu cả nước. Tuy nhiên năm 2012, PCI của Đà Nẵng tụt xuống thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2013 đến nay, Đà Nẵng đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng.
Những thay đổi tích cực từ phía chính quyền thành phố đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tìm đến Đà Nẵng. Giờ đây, không chỉ là một nơi đáng sống nhất Việt Nam, đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đà Nẵng còn được ưu ái với danh hiệu “thành phố đáng khởi nghiệp nhất” năm nay.
Tin vui đầu tiên là thành phố đã ban hành chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng 2016 với hành động cụ thể là thành lập vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
Tiếp theo đó là một loạt các thông tin như khóa học khởi nghiệp online dành cho cộng đồng, khóa học pitching chuyên sâu, khóa học ngoại ngữ, các thông tin về hướng dẫn luật, các sự kiện giao lưu khởi nghiệp liên tiếp được tổ chức với những tên tuổi không xa lạ với giới Startup như Nguyễn Mạnh Dũng (Trưởng Đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures Việt Nam & Thái Lan), Nguyễn Khánh Trình (founder CleverAds), KTS. Đoàn Kỳ Thanh (chủ của Hanoi Creative City), Đỗ Hoài Nam (CEO SeeSpace), Lê Huỳnh Kim Ngân (Ngân Sâu – founder của Twenty.vn và Action.vn)…
Theo thông tin được ghi nhận, đã có những cái tên khẳng định sẽ tiến quân vào Đà Nẵng trong tương lai gần.
UP – mô hình Co-working Space (không gian làm việc chung) của anh Đỗ Hoài Nam sau khi khai trương tại một địa điểm tại Hà Nội, cũng sẽ vào TPHCM và Đà Nẵng.
Trong một buổi nói chuyện mới đây, HATCH! Cũng cho biết sẽ mở mới 1 Co-working Space nữa tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
“Đà Nẵng là thành phố mới nổi, có tiềm năng để trở thành một địa điểm sẽ có nhiều Startup và nhiều người muốn đến đó”, anh Phạm Quốc Đạt – Cofounder và CEO của HATCH! cho biết.
“Tại Đà Nẵng, Co-working Space có một thị trường, có thể chưa nhìn thấy ngay nhưng sẽ có”, CEO HATCH! khẳng định.
Theo anh Đạt, Đà Nẵng đặc biệt có sức hút với dân Digital Nomad – những người di cư chỉ làm việc trên Internet.
Đây là những người sống và làm việc không dựa vào vị trí địa lý, họ thường là những kỹ sư phần mềm, nhà thiết kế, phóng viên, nhà văn, kỹ sư hay những người có chung niềm đam mê với công việc cũng như khám phá thế giới.
“Một trong những đặc thù của Đà Nẵng là Digital Nomad. Chưa xét đến yếu tố Startup, chỉ riêng Digital Nomad sẽ tạo ra một thị trường khá năng động”, anh Đạt bình luận.
Đây cũng là đối tượng khách hàng cực tiềm năng với những mô hình Co-working Space.
Một thành phố diện tích không quá lớn với 1 triệu dân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng giảm, vì sao lại có nhiều doanh nghiệp Startup bị hấp dẫn đến vậy?
Đà Nẵng đã làm gì?
– Cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sớm gia nhập thị trường với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.
– Triển khai Đề án “Xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng”.
– Nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp quận Cẩm Lệ theo hướng dành một quỹ đất để ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu (lưu ý về các chính sách miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp) hoặc Quy hoạch cụm công nghiệp mới tại huyện Hòa Vang.
– Hình thành Quỹ khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng.
– Tổ chức khóa đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp; tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về việc thành lập và quản lý doanh nghiệp, khai thuế, quản lý dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh, pháp lý, tài chính…
– Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, sở, ngành, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu… nhằm hỗ trợ cho các hoạt động cố vấn về khởi nghiệp, tìm kiếm và giới thiệu đối tác kinh doanh; định kỳ tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp để tạo sự liên kết giữa các nguồn lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tại thành phố; tổ chức hội thảo, triển lãm về khởi nghiệp tại Đà Nẵng.
– Hình thành cơ chế, mạng lưới liên kết giữa các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư mạo hiểm với đơn vị quản lý Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và các dự án khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng.
Theo Trí thức trẻ