Trong 10 ngày cuối  tháng 9/2019 vừa qua, tôi cùng với Chủ tịch của DNES đã tham gia đoàn tham quan trao đổi với các không gian văn hoá sáng tạo tại châu Âu do Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức. Đây là chương trình thuộc khuôn khổ dự án Không gian văn hoá sáng tạo Việt Nam 2018 – 2021 do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh tài trợ do Hội đồng Anh và Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện.

Chuyến đi đã đưa chúng tôi đến hai quốc gia là Anh và Bỉ, với bốn thành phố bao gồm London, Liverpool, Brussels và Leuven cùng với rất nhiều không gian văn hoá, không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật và các tổ chức hỗ trợ cho công nghiệp sáng tạo. Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ xin chia sẻ những ghi chép vụn vặt từ những không gian mà tôi đã đến thăm. Tiếc rằng tại Brussels, do phải giải quyết vấn đề cá nhân, tôi đã không thể ghé thăm La Vallee cùng đoàn.

1. Cockpit Arts – nơi dung dưỡng nghệ thuật thủ công

Sau hơn nửa tiếng lội bộ từ khu Quảng trường Trafalgar , chúng tôi đến với một toà nhà khá cũ kĩ, nơi đặt một trong hai trụ sở của Cockpit Arts. Giới thiệu ngắn gọn thì nơi đây là nơi cho thuê studio cho các nghệ sĩ thủ công với giá rất tốt, kèm theo đó là các dịch vụ cộng đồng như ươm tạo kinh doanh, các sự kiện Studio Open day để công chúng đến thăm quan các studio và đâu đó có thể mua được một sản phẩm thủ công. Tổng cộng họ có 178 studio, nhưng mỗi studio lại có thể chia sẻ đến tận 6 nghệ nhân với nhau, nên số lượng người trong không gian này đông không kể siết.

Nhưng nghe kể chuyện mô hình thì cũng không bằng đi gặp nghệ nhân thực thụ, chúng tôi được dẫn đi quanh. Người đầu tiên được gặp là Richard McVetis – một nghệ nhân thêu với chủ đề thêu khá thú vị là về THỜI GIAN (TIME). Anh chỉ cho chúng tôi một bức tranh mà anh đã thêu 159 tiếng đồng hồ, và vẫn đang thêu, dự kiến hết 2000 giờ. Anh cho biết, tôi coi thêu như một cách thiền mà tôi có thể thoát khỏi thế giới này. Có lẽ nhờ vậy mà các tác phẩm của anh mang đầy tính siêu thực nhưng vẫn rất hàm chứa.

Hình 1. Cả đoàn tham quan một nghệ nhân tại Cockpit

Hình 2. Cả đoàn tham quan một nghệ nhân tại Cockpit

Sau đó thì chúng tôi có ghé thăm hai nghệ nhân nữa, một nữ nghệ sĩ chuyên thiết kế nón. Chị chỉ cho chúng tôi từng công đoạn và sau đó khi chị đưa ra chiếc mũ cuối cùng, ai cũng trố mắt vì sự tinh xảo và tinh tế của những chiếc mũ. Chúng tôi lại ghé một anh làm đồ trang trí gốm sứ đã ở Cockpit được 5 năm, anh nói rằng làm cái thứ mình thích không khó, cái khó là các kĩ năng kinh doanh mà anh phải tự học, marketing, SEO, bán hàng. Thật may  Cockpit Arts giúp anh được các kĩ năng đó. Nghe xong câu này cứ cảm giác y như ở Đà Nẵng, các bạn trẻ thích nghệ thuật cũng nói y chang. Tình yêu nghệ thuật có lẽ không thiếu nhưng việc phải có được những kĩ năng kinh doanh để đảm bảo có người biết đến mình thật sự là một câu hỏi lớn cho bất kì nghệ nhân thủ công nào.

Rời Cockpit, tôi hiểu rằng nghệ thuật thủ công cần xưởng, cần nơi dung dưỡng cho thứ tình yêu tinh tế này, vậy nên giữa London đắt đỏ, có một nơi như vậy, thì giới thủ công mỹ nghệ mới có thể phát triển. Thêm một thông tin thú vị rằng toà nhà này là của chính quyền địa phương cho Cockpit Arts thuê với giá rẻ để hỗ trợ giới thủ công mỹ nghệ. Chốt lại với một câu chia sẻ của anh David Marques, nghệ sĩ thứ ba mà chúng tôi đến thăm: “Chúng tôi biết London đắt đỏ nhưng nó là nơi có thị trường, có người quan tâm, nên chúng tôi không thể rời đây được”.

2. Pop Brixton – Đất trống bỏ không thì làm tông cho phát triển nghệ thuật

Trong một chiều mưa London, chúng tôi bắt chuyến tàu di chuyển khá xa để đến với một khu nhìn khá cũ kĩ, Brixton. Tuy vậy, câu chuyện mà chúng tôi gặp ở đây không cũ kĩ tí nào. Là một không gian ngoài trời khá mở, Pop Brixton làm tôi nhớ đến Zone Đà Nẵng – nơi xây dựng nhiều cửa hàng bán đồ ăn và trang trí như một không gian chung cho giới trẻ. Mark, chàng CEO của công ty phát triển khu Pop Brixton cũng suy nghĩ như vậy, bạn xây nên một không gian tập trung cửa hàng bán đồ ăn thức uống, bố trí không gian đầy thân thiện và mở, kêu gọi các đối tác đến với Pop Brixton để tổ chức sự kiện. Nhưng cái khác biệt của anh chính là anh lấy một phần tiền tổ chức đào tạo cho các bạn trẻ địa phương, thậm chí là những bạn trẻ lạc lối, được học các kĩ năng làm việc, kĩ năng sống, và được làm việc tại các cửa hàng, các quán ăn, thậm chí mở cho mình một cửa hàng riêng tại đây. 

Hình 3: Hình ảnh về Pop Brixton

Vào năm 2016, chính quyền khu Brixton, đưa khoảng đất trống này ra để các đơn vị vào đưa phương án, với yêu cầu là phát triển công việc và hộ kinh doanh địa phương, và Mark đã thành công trong việc thuyết phục họ. Anh còn làm được một nơi khác, nhưng hoàn toàn là do anh tự đưa phương án, và mang tính thương mại, với tên gọi Peckham Level. Khi tôi hỏi anh, làm sao để thu hút người ta đến được đây đông đảo như vậy, anh bảo: “Tôi cứ miễn phí cho các đối tác tổ chức sự kiện, nghệ thuật, âm nhạc, giáo dục, rất nhiều thứ dành cho giới trẻ, tự một ngày nó trở thành nơi lui tới của các bạn”. 

Nhìn quanh, tôi hiểu Mark thật sự để tâm đến không chỉ việc kinh doanh, mà những đối tượng hưởng lợi của việc mình đang làm, và điều đó mang lại cho nơi này đầy màu sắc, sức sống, dù trong một ngày mưa như vậy. 

3. Liên đoàn Công nghiệp Sáng tạo – khi tảng băng chìm có cơ hội được nâng lên

Từ đầu đến giờ, tôi đã kể cho các bạn nghe về những đơn vị nuôi dưỡng sự sáng tạo, Cockpit Arts với gần 200 studio cho nghệ nhân thủ công, Pop Brixton với các sự kiện âm nhạc, giáo dục, sáng tạo… Nhưng sự nhỏ lẻ đó cần được kết nối – và chúng tôi gặp một đơn vị kết nối như vậy trong một căn phòng nhỏ ấm cúng ở ngay khu Covent Garden, chỉ 2 phút đi bộ từ khách sạn nơi tôi ở.

Chuyện về Liên đoàn Công nghiệp Sáng tạo (Creative Industries Federation) thì không có gì nhiều ngoài việc họ kết nối tất cả những đơn vị và cá nhân sáng tạo trong ngành này lại với nhau, và họ làm rất tốt chuyện vận động chính sách, trong đó có 3 cái họ rất quan tâm, một là  vận động việc xuất nhập cảnh của Anh tạo điều kiện cho giới nghệ sĩ – sáng tạo (vốn 1/3 là dân làm việc tự do – freelance), hai là làm sao để giáo dục về sáng tạo tại Anh được cải thiện, chất lượng được nâng lên và mọi người hiểu hơn về tầm quan trọng của nó, và ba là nâng cao việc đầu tư công vào hoạt động sáng tạo, vốn bị bỏ bê khá nhiều. Họ cũng là đơn vị đại diện tiếng nói cho cộng đồng sáng tạo đối với các tổ chức chính quyền.

Hình 4. Cả đòan chụp ảnh lưu niệm

Để mọi người hiểu thêm có 12 ngành được định nghĩa thuộc công nghiệp sáng tạo, bao gồm: quảng cáo và marketing; kiến trúc; thủ công; thiết kế (sản phầm, đồ hoạ, thời trang); xuất bản; bảo tàng, trưng bày và thư viện; biểu diễn âm nhạc và nghệ thuật thị giác; IT, dịch vụ máy tính và phần mềm (creative tech); hoạt hình và VFX (kĩ xảo hình ảnh); video games; di sản; film, truyền hình, video, radio và nhiếp ảnh.

Một cuộc nói chuyện nhỏ, một căn phòng ấm cúng, về một mục tiêu lớn, một sự kết nối mất nhiều thời gian, tự nhiên thấy Việt Nam cũng cần một liên đoàn như vậy. Mà cái liên minh co-working mà DNES đang làm cũng hy vọng sẽ là một phần tương tự trong tương lai.

4. Sở Văn hoá Leuven (Bỉ) và kế hoạch cho một thành phố sáng tạo

Nếu Brussels là một chàng trai nham nhở khô khan thì Leuven hiện ra như một cậu bé có tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón chào mọi cơ hội đến với mình. Thành phố nhỏ nhắn này chỉ có vỏn vẹn 150.000 người, và 1/3 trong số đó là sinh viên vì Đại học Leuven là một trong những đại học lớn nhất ở Bỉ. Đón chúng tôi ngay tại ga tàu là anh Giám đốc Sở Văn hoá Piet Forger, anh hồ hởi chia sẻ về chuyến đi Việt Nam ba năm trước từ Bắc vào Nam. Tôi cứ nghĩ thành phố nhỏ vậy thì Sở của anh chắc cũng ít người, nhưng anh bảo anh có 110 nhân viên. Chả trách sao người châu Âu trọng văn hoá đến vậy. 

Vỏn vẹn trong ba tiếng đồng hồ, chúng tôi được giới thiệu về dự án Vaartopia, biến khu vực trung tâm thành một nơi hội tụ của sáng tạo, công nghệ, và sức khỏe, qua việc tận dụng các hạ tầng cũ và tân trang nó. Cái hay là dự án này kết hợp với một dự án khác có tên gọi Mindgate, vốn là dự án để tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động kết nối giữa nhiều thành tố văn hoá, sáng tạo và doanh nghiệp tại Leuven.

Trong màn mưa Leuven, anh Piet và mọi người dắt chúng tôi tham qua các nhà máy bia cũ của Stella Artois, một nhãn hiệu bia nổi tiếng có xuất xứ từ thành phố này từ năm 1926. Họ tân trang và chuyển đổi nó thành rất nhiều mục đích, không gian hội họp, không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật, không gian làm việc chung. Nếu nhìn hình, mọi người sẽ thấy họ gìn giữ những lò ủ bia và biến nó thành một phần không thể thiếu của kiến trúc toà nhà. Đó có lẽ là sự kết hợp hoàn hảo giữa di sản của quá khứ và xu thế của hiện tại. 

Sau đó, chúng tôi còn đi thăm các toà nhà khác, nơi thì được tổ chức thành không gian của nghệ sĩ thủ công, mỹ thuật, nơi thì dành cho âm nhạc, sự kiện. Chặng cuối của buổi chiều, chúng tôi thăm một toà nhà thuế quan cũ mà giờ hoàn toàn dành cho nghệ thuật biểu diễn, với phòng diễn tập đủ rộng, một nhà hát đủ vừa. Lúc đó tôi mới tổng quan hết được góc nhìn toàn diện của Sở Văn hoá ở đây, và bỗng nghĩ đến Đà Nẵng mình, nơi vẫn còn thiếu rất nhiều không gian hỗ trợ cho giới nghệ thuật và sáng tạo. 

Bên cạnh những nơi kể trên, chúng tôi còn ghé Plexal –  một không gian làm việc chung rộng lớn được tân trang lại từ Trung tâm Báo chí của Olympic London 2012 nằm ở phía đông của London, thăm khu vực Tam giác Baltic tại Liverpool đã được công ty Baltic CIC phát triển từ một khu bị xuống cấp, cũ kĩ, thành một khu vực đầy tính sáng tạo và nghệ thuật, và không gian nghệ thuật La Vallee tại Brussels cho các nghệ sĩ của Bỉ.

Người ta vẫn bảo, “Học thầy không tày học bạn”, chuyến đi giúp tôi có thêm rất nhiều bạn bè, nhiều chia sẻ, nhiều trao đổi, để thấy được mọi người đang làm không gian văn hoá – không gian sáng tạo như thế nào, để thấy cách chính phủ hỗ trợ cho công nghiệp sáng tạo ra sao, và để có những thay đổi, bước đi mới với chính DNES – Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng như thế nào.

Hồ Quang Dũng

 

Tags