Có lẽ điều hạnh phúc nhất của bản thân tôi là được làm đúng ngành nghề yêu thích. Với hơn 10 năm chinh chiến trong lĩnh vực truyền thông, sự kiện và marketing, lần đầu tiên tôi dấn thân vào “nghề chia sẻ” với nhiều điều thật lạ và thật hay. Thầm cảm ơn các anh chị em tại RSVP và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã nỗ lực kết nối và hỗ trợ để Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 – một sáng kiến của Google được lan toả đến 13 tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên. Càng đi, càng chia sẻ, bản thân tôi càng nhận được nhiều giá trị về cuộc sống, về tình người, về sự nỗ lực và về ý chí kiên cường của mọi người.

Chưa bao giờ là quá trễ để học tập

Đây là những hình ảnh từ lớp tập huấn kỹ năng và khởi nghiệp dành cho hội viên Hội phụ nữ thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Trong lớp học đầy tích cực đó, câu chuyện về người phụ nữ mặc áo hoa đen trắng làm tôi nhớ mãi. “Nhà cô nghèo, không có điều kiện nên cô giúp việc cho một quán cơm tại Ba Đồn. Hôm nay khách đông, cô phụ việc đến tận gần 1 giờ trưa cháu ạ. Sợ đến trễ, cô không ăn cơm trưa, lên đây để được vào lớp đúng giờ. để nghe cháu giảng chứ mất bài uổng lắm. Đi học vui, cô không cần ăn cũng no!”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi mà tôi quên hỏi tên, chia sẻ.

Thật vậy, trong suốt buổi học, cô chép nắn nót những dòng chữ thật đẹp vào cuốn vở trắng tinh. Cô tham gia rất tích cực các hoạt động nhóm và trên môi luôn nở nụ cười thật tươi.

Hình 1. Hình ảnh lớp Tập huấn Kỹ năng tại thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình)

Phụ nữ thịnh vượng, tức Việt Nam thịnh vượng 

Trung bình mỗi phụ nữ làm việc không lương 5 giờ/ngày. Nếu lấy mức lương trung bình là 20 ngàn đồng/ giờ, nhân với 5 giờ/ngày, nhân với 22 triệu phụ nữ đang trong độ tuổi lao động ở Việt Nam, nhân với 365 ngày trong năm, chúng ta sẽ có con số 41 tỷ USD. Quả thật sự cống hiến, hy sinh của phụ nữ Việt Nam là vô cùng lớn. Vậy nên các lớp học của học phần WomenWill trong chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 luôn truyền cảm hứng để các chị em tràn đầy năng lượng tích cực, tươi vui và đoàn kết để làm nên một Việt Nam thịnh vượng. 

Hình 2. Hình ảnh lớp WomenWill tại Phú Yên và Quảng Bình

Bài học nhỏ – Giá trị lớn

Với lượng kiến thức từ cơ bản đến nâng cao ở cả ba học phần Kỹ năng số, Kỹ năng kinh doanh, Kỹ năng mềm, chương trình đã đồng hành các Hội viên Hội nông dân tỉnh Đăk Lăk, nhằm góp phần cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh trên nền tảng công nghệ, ứng dụng tốt các công cụ miễn phí để quảng bá sản phầm. Qua chương trình, các cô chú anh chị đã tự tin hơn khi đưa thương hiệu nông sản sạch Đăk Lăk tham dự các hội chợ triễn lãm và thâm nhập vào nhiều thị trường tiềm năng tại Việt Nam và nước bạn.

Chú Xuân (ảnh) – chủ hợp tác xã thương mại và dịch vụ Hợp Nhất – năm nay đã gần 70 tuổi. Mong ước của chú là tạo ra những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên của Tây Nguyên. Sản phẩm Trà thảo dược Xuân Sang đã nhận được nhiều giải thưởng về thương hiệu, nhưng chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường. Thông qua chương trình, chú đưa thương hiệu lên Google My Business, thành lập mạng xã hội và website để mở rộng hơn nữa thị phần kinh doanh.

Hình 3. Hình ảnh Chú Xuân – Hội viên Hội nông dân tỉnh Đăk Lăk

Mang sản phẩm địa phương đến thị trường lớn 

Khi đến với Quảng Ngãi, tôi được nghe câu chuyện về nước mắm Mười Quý – một thức đặc sản đậm hồn Việt.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven biển thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, anh Đào Trọng Mười là con trai út của gia đình có chín người con. Với nghề mắm truyền thống, mẹ anh Mười đã đã tảo tần nuôi nấng cả chín đứa con ăn học nên người.

Không phải ai cũng có thể theo đuổi nghề mắm. Người làm mắm phải chịu thương, chịu khó, chịu tanh, chịu hôi, chịu vất vả, nặng nhọc để đi từ công đoạn vớt cá, chọn cá, ủ cá, ướp cá, lên men và chắt chiu từng giọt nhĩ thơm ngon. Hơn nữa, nghề sản xuất nước mắm nhĩ với bí quyết gia truyền, từ đời bà truyền lại cho mẹ và mẹ giờ truyền lại cho anh, là cả niềm tự hào và chất chứa sự yêu thương, kính hiếu của anh Mười. Đó là lý do mà tên Mười Quý là sự kết hợp của người mẹ tên Quý và người con tên Mười. Mười Quý còn mang ý nghĩa: điểm 10 cho sự quý giá. 

Khoá học đã giúp anh Mười tự tin hơn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó giúp nước mắm Mười Quý  được nhiều người biết đến hơn.

Hình 4. Hình ảnh anh Đào Trọng Mười và câu chuyện nước mắm Mười Quý. 

Chia sẻ để cùng tốt hơn

Chúng tôi ấn tượng với tinh thần ham học hỏi của những người nông dân Đà Lạt. Gặp chú Trần Huy Đường, chủ trang trại Langbiang Farm và Green Box Coffee, chúng tôi hiểu ngay vì sao người ta gọi chú là hình mẫu nông dân khởi nghiệp tiêu biểu ở Lâm Đồng. Sau khi tham gia khoá học, chú đã đề xuất tổ chức một lớp riêng cho Hội Nông dân và Hiệp hội hoa Đà Lạt. Chú đứng ra vận động và kêu gọi mọi người đến học, đồng thời tất tả chuẩn bị hội trường và các thiết bị để lớp học được tổ chức một cách chuyên nghiệp nhất có thể.

Hình 5. Chú Đường với vườn rau khí canh nổi tiếng Đà Lạt

Hình 6. Không khí lớp học tại Green Box Coffee – Cà phê nông nghiệp 4.0 tại Đà Lạt

Chương trình đã đi đến mọi miền đất nước, lan toả những giá trị cộng đồng trong hành trình phổ cập kỹ năng của thời đại công nghệ. Chúng tôi tự hào là thành viên của Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Sau mỗi buổi chia sẻ, chúng tôi đều nhận được tình cảm yêu mến từ cộng đồng. Sẽ không thể nào kể hết những câu chuyện khởi nghiệp chúng tôi đã gặp, nhưng tất cả đều có một điểm chung: tất cả đều kiên định theo đuổi niềm đam mê và quyết tâm thực hiện ước mơ lớn của mình. 

Hình 7. Hình ảnh tập thể tại lớp Women Will

Trần Hà Mỹ Lợi

Master Trainer, Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0

 

 

 

 

 

Tags