Kinh nghiệm khởi nghiệp từ câu chuyện của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES

Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2016, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đã trải qua gần 6 năm hình thành và phát triển. Từ một vườn ươm mang tính địa phương với quy mô hoạt động giới hạn, đến nay DNES đã tự khẳng định được bản thân và từng bước mở rộng phạm vi hoạt động. Với mục đích đem lại cho những nhà khởi nghiệp cái nhìn toàn cảnh nhất về hoạt động của một vườn ươm doanh nghiệp, từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm khởi nghiệp cho riêng mình; bài viết này đem đến câu chuyện về DNES, với những chia sẻ chân thật từ chính những người đã tạo nên thành công của vườn ươm như ngày hôm nay.

I. BỐI CẢNH VÀ NGUYÊN NHÂN THÀNH LẬP

Năm 2016 được Chính phủ lựa chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu thúc đẩy phát triển, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia tiến về phía trước. Việc ban hành Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng cụ thể nhất cho việc đó. Trong bối cảnh này, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, thành phố đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tuy còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng. Không dừng lại ở đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình và cách tiếp cận phù hợp với điều kiện của mình để phát huy thế mạnh và tạo ra thương hiệu mang dấu ấn của mình.

Trước năm 2015, Đà Nẵng gần như không tồn tại bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào, chỉ có một số câu lạc bộ nhỏ lẻ và một vài cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sự quyết tâm của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng và UBND thành phố, cũng như sự thay đổi tích cực trong quan điểm của cộng đồng, tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng đã khởi sắc đáng kể. Trong đó, phải kể đến sự xuất hiện của các tổ chức ươm tạo, tiêu biểu nhất là Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES.

II. SỨ MỆNH

DNES ra đời với sứ mệnh xây dựng và phát triển năng lực doanh nghiệp thông qua khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST). “DNES là Vườn ươm Doanh nghiệp hợp tác công tư hoạt động theo định hướng phát triển bền vững; mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ĐMST; định vị được thương hiệu DNES – là trung tâm ĐMST trên thị trường khởi nghiệp quốc gia và quốc tế”.

III. GIÁ TRỊ CỐT LÕI

DNES luôn đặt ươm tạo, đầu tư và kết nối làm 3 giá trị cốt lõi; từ đó định hướng con đường phát triển của DNES sau này.

Giá trị cốt lõi thứ nhất – ươm tạo: tuyển chọn và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành một thế hệ doanh nhân mới hội tụ đầy đủ những phẩm chất cần có và tài năng vượt trội. Thông qua chương trình ươm tạo FINC (Founder Incubation), các nhà sáng lập kiểm chứng ý tưởng sản phẩm, xác định mô hình kinh doanh, tham gia các khóa huấn luyện trau dồi kiến thức, kết nối mạng lưới các nhà sáng lập khởi nghiệp trên địa bàn cả nước, các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp để sẵn sàng chinh phục thị trường mục tiêu. Trên thực tế, đã có hơn 75 dự án khởi nghiệp được DNES tuyển chọn ươm tạo qua 11 khoá. Có những dự án sau ươm tạo đã gọi vốn thành công, tiếp tục phát triển quy mô, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng. Điều này chính là động lực để DNES đẩy mạnh  phát triển chương trình ươm tạo và các hỗ trợ.

Giá trị cốt lõi thứ hai mà DNES hướng đến là đầu tư khởi nghiệp. Thông qua Quỹ đầu tư Cá chuồn FFI (Flying Fish Investment), DNES từng bước đặt những nền móng để xây dựng năng lực đầu tư, đầu tư mạo hiểm và quản lý hoạt động đầu tư mạo hiểm. Tại DNES, ngoài việc thẩm định đánh giá một dự án khởi nghiệp có tiềm năng đầu tư hay không, điều quan trọng là thúc đẩy và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp chuyển hoá tiềm năng thành hiện thực. Với định hướng đó, DNES tạo môi trường để những doanh nghiệp khởi nghiệp xác định được sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, gọi vốn thành công để phát triển mạnh mẽ chinh phục khách hàng và thị trường.

Kết nối các nguồn lực chính là giá trị cốt lõi thứ ba. Làm sao để thu hút và nuôi dưỡng các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? Làm sao để Vườn ươm phát triển bền vững? Các hoạt động kết nối của DNES được xây dựng dựa trên tinh thần đảm bảo tính đa dạng trong hình thức tổ chức và tính kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, từ (i) nguồn vốn (các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư tư nhân, chương trình tài trợ và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn), (ii) đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp (vườn ươm, chương trình tăng tốc, khu công nghệ cao, khu làm việc chung, venture builders), (iii) các nhà cung cấp dịch vụ (tư vấn, cố vấn, đào tạo, các dịch vụ phần mềm, tài chính, pháp lý, truyền thông marketing và cung cấp nguồn nhân lực), (iv) mạng lưới (các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp ĐMST) đến (v) nguồn nhân lực tài năng (trong các trường đại học, tổ chức giáo dục bậc cao, du học sinh, Việt kiều). Vai trò của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố (DSC), mô hình vườn ươm tại các trường học và nền tảng hội nghị triển lãm khởi nghiệp thường niên SURF.

IV. NGUỒN LỰC HỖ TRỢ

Vườn ươm doanh nghiệp DNES (mô hình hợp tác công tư) là cầu nối thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ và kết nối quan trọng đến từ các tổ chức uy tín ví dụ như Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần lan (IPP); Sáng kiến kinh doanh Mekong MBI (Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Úc); Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ  (Swiss EP); Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Chương trình 844 của Bộ Khoa học – Công nghệ; các chương trình ĐMST của các Đại sứ quán Israel, Ireland; Phần Lan, Úc.

Tất cả cùng với tâm huyết và sự nỗ lực của cả Ban lãnh đạo và nhân viên Công ty, thương hiệu “Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển” được định vị khi lần lượt xuất hiện các startup được ươm tạo và hỗ trợ từ DNES đã gọi vốn thành công để phát triển. Đó chính là giá trị của thương hiệu DNES, mang đến cho giới khởi nghiệp, cho đội ngũ doanh nhân mới và chính quyền thành phố một niềm tin về một trung tâm ĐMST trong tương lai.

V. MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG

Vườn ươm DNES được xây dựng và hoạt động theo mô hình tổ chức công tư, định hướng bền vững; thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thông qua khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với tầm nhìn là trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế kết nối và phát triển.

1. Về dịch vụ chính và hoạt động chính

Các hoạt động chính của DNES xoay quanh việc kết nối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ tuyển chọn, ươm tạo và đầu tư các dự án khởi nghiệp. DNES có bốn dịch vụ chính, bao gồm: (1) tổ chức tuyển chọn và ươm tạo thông qua chương trình ươm tạo FINC, (2) đầu tư vào công ty và dự án giá trị, (3) cung cấp không gian làm việc chung, văn phòng cho thuê và (4) hoạt động đối ngoại, kết nối các nguồn lực từ tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế thông qua các dự án hợp tác, chương trình đào tạo và tổ chức các sự kiện kết nối. Trong đó, có thể kể đến những dự án nổi bật như: series bài học khởi nghiệp trong Đề án 844, chương trình đào tạo và bootcamp về kinh tế tuần hoàn của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Danang Startup Wave (SURF) thường niên…

2. Về khách hàng và đối tác

Khách hàng của DNES là các nhà sáng lập dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ…Khách hàng đến Vườn ươm DNES với mong muốn được kết nối được với nhà đồng sáng lập, không gian làm việc chung, các cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, chương trình ươm tạo, nhân sự tài năng; và tham gia các khóa huấn luyện để nâng cao các kỹ năng khởi nghiệp quan trọng như pitching (tạm dịch: thuyết trình về dự án). Ngoài ra, khách hàng còn đến với DNES để thụ hưởng các dịch vụ doanh nghiệp, cũng như được hỗ trợ kết nối với chính quyền địa phương về mặt chính sách để có thể thử nghiệm thí điểm các mô hình kinh doanh hay công nghệ mới. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước cũng tìm đến DNES như một đối tác tin cậy để kết nối và triển khai các chương trình, dự án với các tổ chức trong hệ sinh thái địa phương.

3. Về cấu trúc doanh thu và chi phí

DNES xây dựng cấu trúc doanh thu và chi phí từ 4 mảng hoạt động/dịch vụ chính. Đối với dịch vụ ươm tạo, doanh thu đến một phần từ hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ thành phố, từ nguồn doanh thu tài chính vốn góp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Nhờ vậy, DNES có ngân sách để điều phối, xây dựng chương trình ươm tạo FINC, mời các chuyên gia và tổ chức chương trình huấn luyện. Hai là nguồn thu từ dịch vụ cho thuê chỗ làm việc, phòng họp, hội nghị, hội thảo tại không gian làm việc chung –  nơi được trang bị hiện đại với các khu chức năng đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng, từ cá nhân đến nhóm và công ty. Với hoạt động đầu tư, DNES đã linh hoạt thực hiện đầu tư thông qua công ty liên kết và quỹ đầu tư Cá Chuồn FFI. Hoạt động đầu tư bước đầu đạt được mục tiêu hỗ trợ các công ty khởi nghiệp giai đoạn sớm, làm nền tảng cho sự phát triển sau này. Trong đó, phải kể đến các dự án như Zody, Cashback, Hekate… Ngoài ra, các hoạt động đối ngoại kết nối nguồn lực từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước như Chương trình Khởi nghiệp Thuy Sỹ (Swiss EP), UNDP, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng tạo ra nguồn thu tài trợ cho các chương trình đào tạo, dự án tác động và các sự kiện kết nối (SURF, meet-up night, demo day, IT tour …). Trong giai đoạn phát triển mới, DNES đang từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động theo hướng dịch vụ, tăng hiệu quả hoạt động đầu tư, và đặt trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm với phương châm thành công của khách hàng là thành công của DNES.

4. Về các hoạt động kết nối

Để thực hiện được sứ mệnh của mình, DNES đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự kết nối với các doanh nghiệp; tận dụng hiệu quả các nguồn lực; thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia cố vấn, các công ty dịch vụ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, người làm chính sách, các trường đại học và phòng thí nghiệm; đưa các công trình, kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng cao đến gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng. Từ đó, DNES có thể liên kết chặt chẽ các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, DNES cũng nhận được sự kết nối và giúp đỡ từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh các tổ chức trong nước như VSMA, các tổ chức quốc tế như Swiss EP, UNDP cũng đã thảo luận và đưa ra các chính sách kiến tạo như vườn ươm đổi mới sáng tạo hay nhiều chương trình, giải pháp trong tài chính, giáo dục, môi trường nhằm tạo điều kiện cho vườn ươm phát triển.

5. Về định hướng tương lai

Sau thời gian đầu phát triển thuận lợi, khởi nghiệp Đà Nẵng bắt đầu đi vào giai đoạn chiến lược với nhiều thách thức cần vượt qua để có thể phát triển bền vững, nâng tầm và bắt kịp các trung tâm khởi nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, con người được trang bị đầy đủ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và các kiến thức, kỹ năng kinh doanh là yếu tố tối quan trọng để tạo ra các câu chuyện khởi nghiệp thành công. Tuy vậy, đội ngũ sáng lập viên mới đang bị hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, hệ quả là các chương trình ươm tạo cũng gặp khó khăn trong tuyển chọn đầu vào. Hướng đi sắp đến của DNES là tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo cả trong lẫn ngoài trường đại học/cao đẳng.

Những người sáng lập và quản lý DNES hiểu rõ rằng, DNES không phải để kiếm tiền, ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn. Năm năm đầu tiên là giai đoạn DNES xây dựng hồ sơ năng lực cho bước tiếp theo trong việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm. Việc huy động các quỹ mạo hiểm từ những cá nhân/ tổ chức và quỹ của các quỹ đòi hỏi phải có hồ sơ xác tín về khả năng quản lý quá trình tạo ra các doanh nghiệp thành công. Quá trình này bao gồm sàng lọc các ý tưởng kinh doanh, tuyển dụng đội ngũ sáng lập, thử nghiệm sản phẩm, kiểm chứng phù hợp với thị trường, gia nhập thị trường, mở rộng quy mô xuất sắc và thoái vốn (exit) đúng cách. Và đó cũng là những gì sẽ diễn ra trong hoạt động của DNES. Trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, chúng tôi cố gắng có được câu chuyện thành công về việc thoái vốn (exit) vào năm thứ 3 để bắt đầu vòng huy động vốn đầu tư mới.

VI. NHỮNG THÀNH CÔNG ĐẠT ĐƯỢC

Sau 6 năm hoạt động, Vườn ươm Doanh nghiệp DNES bước đầu hình thành được thương hiệu “Innovation Hub by the sea – Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển”, cũng như chứng minh được sự thành công của mô hình hợp tác công tư đầu tiên trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam qua thành tựu:

1. Xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố

Từ ngày đầu thành lập, DNES là cánh tay đắc lực của Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp thành phố trong việc hiện thực hóa các định hướng, kế hoạch, chương trình hoạt động Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo. Tiêu biểu, DNES đã tham mưu với UBND thành phố hình thành Quyết định 1219/QĐ-UBND ngày 6-3-2017 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025”; đề xuất chủ trương quy hoạch chi tiết 1/500 dự án xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST thành phố. Đặc biệt, Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp miền Trung SURF thường niên đã tạo nên tiếng vang và trở thành một trong những sự kiện nổi bật trong cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

2. Kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

Với hơn 40 đối tác trong và ngoài nước, trong đó có 20 đối tác đối tác chuyên sâu, bao gồm các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ ĐMST, các Đại sứ quán, nhiều tập đoàn lớn…DNES đã thu hút nhiều nguồn lực hỗ trợ đáng kể trong công cuộc xây dựng và phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố.

3. Chương trình ươm tạo FINC

Tính đến nay, Chương trình ươm tạo FINC đã triển khai 11 khóa ươm tạo với 75 dự án khởi nghiệp tham gia, tỷ lệ sống sót là 17,5%; kêu gọi được trên 15 triệu USD vốn đầu tư vào các dự án Datbike, Cashbag, Selly, Umbalena, Delta X… Trong suốt thời gian hoạt động, FINC đã hình thành được mạng lưới Startup Founder với gần 100 thành viên kết nối và hỗ trợ nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh dịch vụ ươm tạo, FINC đã phát triển các hoạt động dành cho cộng đồng khởi nghiệp: FINC Office hour – Chia sẻ ý tưởng và tham vấn câu chuyện khởi nghiệp trong vòng 1 giờ; FINC & Hành trình Ươm tạo – Chương trình kết nối các dự án tại FINC với các chuyên gia nổi tiếng; FINC Alumni success – Bản tin cập nhật các dự án khởi nghiệp đã “tốt nghiệp” tại FINC. Ba hoạt động này phối hợp và bổ trợ nhau để thúc đẩy các dự án tham gia chương trình ươm tạo.

4. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về hạ tầng và phát triển cộng đồng

Không gian làm việc chung DNC và Surf Space đã hỗ trợ hơn 500 cá nhân và 300 doanh nghiệp khởi nghiệp về văn phòng làm việc và hạ tầng tiện ích với giá ưu đãi nhất tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, DNES đã xây dựng thành công 4 cộng đồng lớn: Dự án Cộng đồng Việt Nam Digital 4.0 do Google tài trợ đã đào tạo cho 2.000 doanh nghiệp và 50.000 lượt doanh nhân các kỹ năng công nghệ số và quản trị doanh nghiệp; Dự án Không gian văn hóa sáng tạo của Hội đồng Anh và Liên minh châu Âu tài trợ đã huấn luyện cho hơn 100 thành viên trong cộng đồng văn hóa nghệ thuật trẻ tại thành phố; Dự án Google Developer Group tạo ra sân chơi cho cộng đồng hơn 10.000 thành viên là lập trình viên, sinh viên CNTT; Dự án Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn DCEH tổ chức Chương trình đào tạo kinh tế tuần hoàn, gồm 2 phần: Chương trình huấn luyện giảng viên nguồn, chuyên gia về Kinh tế tuần hoàn (CE ToT) cung cấp kiến thức và đào tạo chuyên sâu thực hành Kinh tế tuần hoàn cho các đơn vị, doanh nghiệp cho 46 chuyên gia, giảng viên nguồn; Chương trình huấn luyện về thực hành Kinh tế tuần hoàn dành cho doanh nghiệp (CE Bootcamp) xây dựng tầm nhìn, mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp, chuyển đổi từ Kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn cho 37 đại diện doanh nghiệp, 12 chuyên gia, 12 điều phối viên (facilitator) và 62 người tham gia. Bệ phóng khởi nghiệp ( I’mpossible) đào tạo về quản lý tài chính và kinh doanh thông qua các hình thức trực tuyến và tập trung. Từ đó, hoàn thiện bộ kỹ năng cho các bạn trẻ tự tin phát triển sự nghiệp cũng như biến ý tưởng đổi mới sáng tạo của mình trở thành những doanh nghiệp thực thụ.

VII. NHỮNG KHÓ KHĂN ĐÃ VƯỢT QUA

Thách thức lớn nhất là làm sao để phát triển mô hình hoạt động hiệu quả và theo hướng phát triển bền vững khi có nhiều biến động về nhân sự và gần đây nhất là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid. Trong giai đoạn đầu, lấy ươm tạo làm trụ cột chính, DNES cũng đã thử nghiệm nhiều mô hình hoạt động và thử nghiệm các dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, trong một môi trường nhiều biến động cả bên ngoài lẫn bên trong, đặc biệt là về đội ngũ nhân sự, mô hình hoạt động trở thành một điều đáng trăn trở với DNES. DNES luôn xác định các hoạt động của Vườn ươm sẽ luôn trong một mạng lưới hệ sinh thái. Khi các nhân sự chủ chốt ban đầu đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo và xây dựng nền tảng, thì cũng là lúc nhóm nhân sự là các doanh nhân thời gian đầu thụ hưởng các giá trị từ Vườn ươm quay trở lại tham gia thực chiến vào các hoạt động. Có nhà sáng lập dự án quay lại tham gia vào mảng đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp, có  nhà sáng lập dự án quay lại đầu tư trực tiếp vào vườn ươm và điều hành doanh nghiệp. Từ đây, hoạt động của tổ chức sẽ có định hướng thực tiễn và thực tế hơn rất nhiều.

VIII. VAI TRÒ CỦA VƯỜN ƯƠM ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH KHỞI NGHIỆP 

Chính phủ và thành phố đánh giá cao năng lực hoạt động và nhiệt huyết của DNES. Với những nỗ lực hiện tại, DNES được xem là một trong hai vườn ươm chuyên nghiệp nhất của Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện tại. Trong suốt 5 năm hoạt động, Sở Khoa học Công nghệ đã đồng hành cùng DNES trong việc tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo nền tảng cho những bước tiến xa trong lĩnh vực công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, từ đó, hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái Đà Nẵng chuyên nghiệp trong tương lai – theo chia sẻ từ lãnh đạo Sở KHCN TP Đà Nẵng.

IX. BÀI HỌC KINH NGHIỆM DÀNH CHO VƯỜN ƯƠM KHÁC

Sau hơn 6 năm hoạt động, những bài học từ câu chuyện phát triển DNES có thể đúc kết để các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST khác có thể tham khảo:

1. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương là yếu tố nền tảng, cần thiết

Hoạt động của Vườn ươm DNES thuận lợi nhờ mô hình hợp tác công tư (PPP), trong đó phần góp vốn ban đầu chủ yếu từ Quỹ đầu tư phát triển của thành phố. Chính sự mạnh dạn đầu tư này cùng những chính sách hỗ trợ tích cực đã giúp DNES và cả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương xây dựng được nền tảng vững chắc cho các bước phát triển như hôm nay; từ đó, tăng cường sức mạnh kinh tế cho địa phương, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ, giúp địa phương thích ứng với những biến động trong nền kinh tế toàn cầu.

2. Mô hình đối ứng 30:70

Để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ cần giao cho một đơn vị quản lý tài chính chuyên nghiệp (quỹ đầu tư phát triển thành phố). Đồng thời, cần xây dựng một chính sách phù hợp để các doanh nghiệp ươm tạo từ Vườn ươm được tiếp cận Vườn ươm như một siêu đặc khu kinh tế với nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế thử nghiệm sandbox và các dịch vụ hỗ trợ (như hỗ trợ về tài chính, các dịch vụ tiện ích, hỗ trợ nâng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận thị trường theo mô hình đối ứng Nhà nước 30%, tư nhân 70%). Tỷ lệ 30:70 vừa đảm bảo tiền của Nhà nước được sử dụng vào các dự án một cách hiệu quả, và cũng vừa đủ để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

3. Vườn ươm hoạt động tự chủ 20:80

Vườn ươm doanh nghiệp hoạt động dựa vào nguồn vốn công sẽ rất khó đạt được sự “tương xứng giữa chi phí và hiệu quả hoạt động”. Vì vậy, dựa trên kết quả hoạt động thực tế của DNES trong hơn 5 năm qua, DNES đang dần chuyển sang mô hình vườn ươm hoạt động theo hướng dịch vụ, vì lợi nhuận. Các dự án được ươm tạo nhận tài trợ 20%, tự chi trả 80%. Doanh nghiệp sẽ phải trả một phần và có trách nhiệm hoàn trả kinh phí (truy thu) khi gọi vốn thành công hoặc có kết quả kinh doanh thành công. Điều này tạo động lực cho vườn ươm và trung tâm ươm tạo tìm cách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp sớm hoạt động có lãi và có tiền để hoàn trả cho vườn ươm.

4. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái 

Cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp,  DNES cũng đang khởi nghiệp, sẽ rất cần sự đồng hành của các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp cũng như các nhà đầu tư thiên thần trong giai đoạn đầu. Vì vậy, Vườn ươm cần có kế hoạch xây dựng và phát triển câu lạc bộ để tập hợp các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia cố vấn; tổ chức các hoạt động gặp gỡ, kết nối để tạo sự gắn kết và hỗ trợ hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp và Vườn ươm.

5. Nhân sự kế thừa

Một trong những bài học quan trọng là câu chuyện nhân sự. DNES luôn xem hoạt động bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là hoạt động thường xuyên, trong đó cốt lõi là việc xây dựng đội ngũ kế thừa. DNES trở thành bệ phóng cho những bạn trẻ tài năng bay xa, các bạn tiếp tục viết những câu chuyện mới, giữ vai trò quan trọng và làm giàu cho hệ sinh thái.

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển; công tác tại đơn vị hỗ trợ như Vườn ươm DNES là hành trình đầy thử thách và thú vị. Chúng tôi (DNES) tin tưởng rằng sự phát triển của doanh nghiệp là động lực cho những điều tốt đẹp trên thế giới. Xã hội ngày nay đối mặt với vô số vấn đề ngày càng gia tăng, khi đó chúng ta cần hơn bao giờ hết những nhà sáng lập mới giải quyết chúng. Thật vinh dự khi được là một phần của Vườn Ươm Doanh nghiệp DNES, được cống hiến một cách say mê, đồng hành hỗ trợ và thúc đẩy cho nhiều người hơn nữa xây dựng nên những doanh nghiệp tuyệt vời ở địa phương và ở mọi nơi trên thế giới.

Bạn có thể xem thêm video dưới đây để hiểu hơn về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của DNES:

THÔNG TIN CHUNG:

Series bài viết về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Video được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844