ITP – Bệ phóng khởi nghiệp cho các Startup công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số

Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh – ITP – là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Với 10 năm hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ITP đã gặt hái được những thành tựu nhất định, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Để có được những thành công như vậy, đội ngũ ITP đã phải trải qua không ít khó khăn, cũng như không ngừng học hỏi để hoàn thiện mô hình hoạt động của tổ chức. Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về hoạt động của các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam; từ đó, tìm ra cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp của mình; DNES gửi đến bạn câu chuyện của ITP – bệ phóng khởi nghiệp cho các Startup công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số. 

I. Giới thiệu chung về ITP:

Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh – ITP – ra đời vào năm 2003. Tuy nhiên, đến năm 2013, ITP bắt đầu hoạt động như một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các hoạt động của ITP hướng đến ba mục tiêu chính: (1) Xây dựng và phát triển cụm khởi nghiệp CNTT, (2) thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNTT và truyền thông và (3) phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. 

Hiện tại, ITP đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp của mình, với hơn 100 dự án công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 1000 nhân sự chất lượng cao và hơn 8000 sinh viên học tập và làm việc mỗi năm. Sau 10 năm hoạt động ươm tạo khởi nghiệp, ITP đã gặt hái được những thành công nhất định, nhờ vào đội ngũ nhân sự tâm huyết, sự ủng hộ hết mình của các cấp lãnh đạo và mạng lưới kết nối nguồn lực hiệu quả cao. 

II. Mô hình hoạt động:

Mô hình hoạt động của ITP hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nhiều giai đoạn khác nhau, đặc biệt chú trọng vào các startup công nghệ. Trong tương lai, ITP sẽ mở rộng ươm tạo những dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới như AI, Fintech, và những lĩnh vực có ứng dụng chuyển đổi số. 

Trong khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, còn có các trung tâm đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp lớn, cácdoanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ vậy, ITP có thể dễ dàng kết nối các nguồn lực, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mà trung tâm đang hỗ trợ, ươm tạo. Mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại ITP cũng là cầu nối giữa trường Đại học với hệ sinh thái khởi nghiệp, và được kết nối chặt chẽ với hai nguồn lực này để hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thông qua việc triển khai các chương trình khởi nghiệp của Chính phủ và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các hoạt động kết nối và hợp tác với các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp; ITP hướng đến thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ươm tạo các dự án tiềm năng, đào tạo các kiến thức khởi nghiệp và hỗ trợ kết nối hợp tác nghiên cứu để chuyển giao tri thức và công nghệ. Thực tế, ITP đã liên tục triển khai các chương trình đào tạo và cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Các khoá đào tạo khởi nghiệp hằng năm của ITP lan toả đến hơn 20 tỉnh thành, cùng với đó là các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cũng được đông đảo sinh viên chào đón, cụ thể: 250 nhóm dự thi hằng năm, tiếp cận đến 600,000 sinh viên và chào đón hơn 700 sinh viên tham gia.  

Mô hình hoạt động của ITP
Mô hình hoạt động của ITP

 

Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (IEC) là đơn vị tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, cộng đồng, cũng như triển khai các hoạt động ươm tạo và giúp các dự án khởi nghiệp kết nối với các nguồn lực liên quan. Có 2 tiêu chí quan trọng mà ITP luôn cân nhắc khi lựa chọn các startup để ươm tạo. Tiêu chí đầu tiên là con người. Chính các nhà sáng lập của startup là mấu chốt để ITP cân nhắc hỗ trợ dự án khởi nghiệp. Các nhà sáng lập phải cam kết cao với dự án và phải có đủ năng lực để triển khai dự án của họ. Tiêu chí thứ hai chính là tính khả thi của dự án. Những dự án khởi nghiệp được ITP hỗ trợ phải có mô hình khả thi với các sản phẩm tiềm năng. 

Sau quá trình tuyển chọn, ITP sẽ sử dụng mạng lưới và nguồn lực làm bệ phóng giúp các startup phát triển tối đa . ITP cung cấp hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, ITP còn phối hợp với đối tác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn, marketing, pháp lý và phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ startup của ITP
Các chính sách hỗ trợ startup của ITP

 

III. Thành tựu nổi bật của ITP:

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ITP đã triển khai gần 10 năm. Sau 10 năm, ITP cũng đã hình thành cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp và đạt được một số kết quả nổi bật. Thành công đầu tiên của ITP là việc tạo ra được nhiều nhà sáng lập tài năng. Thông qua những chương trình đào tạo nguồn nhân lực kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, ITP đã tìm thấy hơn 350 doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng với hơn 200 ý tưởng khởi nghiệp, 10% trong số đó gọi được vốn đầu tư lên đến 4 tỉ đồng. Tiếp đến, ITP cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gọi các vòng vốn đầu tư thành công. Có thể kể đến các doanh nghiệp nổi trội nhận được đầu tư như Mimosatek, Busmap, Cohota Shub, Casso, Funimart,… Thành công tiếp theo ITP gặt hái được là việc nâng cao kỹ năng, kiến thức, và trải nghiệm cho các bạn sinh viên ở trong các dự án khởi nghiệp và các công ty khởi nghiệp thông qua những chương trình của ITP như hành trình doanh nhân, Startup open day, câu lạc bộ khởi nghiệp,… Từ đó, rất nhiều dự án khởi nghiệp đi từ sinh viên đã có những bước tiến đáng kể và gọi được vốn đầu tư: InutFlatfrom, SHub, Funimart là một ví dụ minh hoạ cho thành công này của ITP khi đã gọi được vốn và phát triển mạnh mẽ dẫu đây là dự án xuất phát từ một nhóm sinh viên khởi nghiệp.

Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp
Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp

 

IV. Những khó khăn ITP đã gặp phải:

Đối với những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như ITP, thách thức và khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Với ITP, thách thức lớn nhất là việc đội ngũ phải kết nối chặt chẽ được với các nguồn lực, các đối tác để có thể hỗ trợ tối đa cho các dự án khởi nghiệp. Để vượt qua được khó khăn này, may mắn thay ITP có Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chủ quản và ủng hộ các chương trình, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Từ đó, ITP có thể linh động, phối hợp với nhiều đối tác khác nhau trong việc hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong và ngoài khuôn khổ Đại học Quốc gia. 

V. Vai trò của ITP đối với hệ sinh thái khởi nghiệp:

Theo như nhận định của Thạc sĩ Trần Trí Dũng – Quản lý chương trình, chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sỹ, Swiss EP – ITP là đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp rất thấu hiểu startup và luôn nỗ lực đem lại những sự hỗ trợ tốt nhất cho các startup ươm tạo tại đây. Nhờ vậy, ITP đóng góp vai trò vô cùng lớn cho sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Với ITP, tổ chức này luôn cung cấp các gói hỗ trợ tổng thể cho các startup, cùng với đó là lòng kiên nhẫn, sự đồng hành cùng startup đi từ ý tưởng đến thành công. 

Một trong số những startup nổi bật nhận được sự hỗ trợ từ ITP có thể kể đến Cohota – nền tảng cung cấp các giải pháp dạy học trực tuyến. Theo anh Thái Chương – Founder Cohota, trong thời gian 3 năm được ươm tạo tại ITP, Cohota cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất chu đáo từ ITP, từ cơ sở hạ tầng cho đến các chương trình lan toả hoạt động chuyển đổi số. Ngoài ra, ITP cũng giúp đỡ Cohota rất nhiều trong tất cả những hoạt động hỗ trợ về mặt chính sách, về nơi làm việc, về nguồn nhân lực; và kết nối với các nguồn lực để Cohota có thể nhận được hỗ trợ về mặt kinh doanh, marketing. Đấy là những lợi ích rất khó có thể tìm được ở trong các đội nhóm nhỏ. Vì vậy, anh Thái Chương cho rằng, việc công ty khởi nghiệp tham gia vào vườn ươm, và ghi nhận sự hỗ trợ của đơn vị ươm tạo một cách sâu sắc là một trong những điều cần thiết khi khởi nghiệp. 

Cũng là một trong những dự án nổi bật được ươm tạo tại ITP, iNUT tham gia vào ITP từ năm 2018 và nhận được nhiều gói hỗ trợ của ITP về kiến thức, không gian và cả nguồn nhân sự phù hợp cho việc vận hành iNUT. 

VI. Bài học kinh nghiệm:

Sau quá trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các dự án, ITP rút ra được 2 bài học kinh nghiệm tâm đắc dành cho chính ITP và các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam. Đầu tiên, ITP luôn cố gắng để các chương trình, các chính sách hỗ trợ cho startup đủ linh động để có thể giúp đỡ và cung cấp đủ nguồn lực cho các dự án phát triển. Bài học thứ 2 là bài học về việc lựa chọn các dự án để ươm tạo. ITP luôn ưu tiên tìm kiếm những startup có các nhà sáng lập cam kết cao với dự án và có đủ năng lực để triển khai dự án. Nhờ có 2 bài học xương máu này, ITP mới có thể tự cải tiến liên tục và hoàn thiện mô hình hoạt động của mình; từ đó, hỗ trợ tốt nhất cho các startup kết nối với ITP.  

Thông qua chuỗi bài viết về “Tổ chức ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam", DNES rất hân hạnh được kể bạn nghe câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp của ITP. DNES hy vọng rằng, thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về các hoạt động ươm tạo của một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; từ đó, tự tin và vững vàng hơn để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình. Vì bước cùng bạn trên mọi giai đoạn khởi nghiệp, là sứ mệnh của các tổ chức ươm tạo như chúng tôi.

Bạn có thể xem thêm video dưới đây để hiểu hơn về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của ITP:

Bài viết được biên soạn dựa trên những chia sẻ của ITP 


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài viết về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Video được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844 

Tags