Chương trình tăng tốc khởi nghiệp với nguồn lực đầu tư nội địa lớn nhất Việt Nam – ThinkZone Accelerator

ThinkZone Ventures – Quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động sôi nổi nhất tại Việt Nam (theo TechinAsia) – được xây dựng từ những con người đã từng dấn thân khởi nghiệp, từng bước qua không ít lần thất bại để chạm đến thành công. Nhờ vậy, họ hiểu hơn ai hết những trăn trở của các nhà sáng lập, những gian nan mà các nhà khởi nghiệp đang đương đầu; để từ đó, họ có thể từng bước ươm mầm ý tưởng, khai phá tiềm năng của các Startups; sát cánh cùng Startups vững bước trên con đường khởi nghiệp chẳng trải đầy hoa. Tất cả sự thấu hiểu, sự đồng hành đó đã góp phần tạo nên một ThinkZone ưu tú như ngày hôm nay. Và trong bài viết tiếp theo về “Tổ chức ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam" này, DNES rất hân hạnh được kể bạn nghe câu chuyện về ThinkZone và những bài học kinh nghiệm của họ trên hành trình thực thi sứ mệnh ươm tạo khởi nghiệp của mình. 

I. Giới thiệu chung về ThinkZone Ventures:

ThinkZone được thành lập vào năm 2018 và là một trong những chương trình tăng tốc của Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động, hiện tại, ThinkZone đã kêu gọi thành công và thành lập ThinkZone Fund II. Từ đó, ThinkZone chính thức trở thành Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Việt Nam, thành lập theo luật Việt Nam và được góp vốn hoàn toàn bởi các Tập đoàn Việt Nam. Hiện nay, ThinkZone tập trung hỗ trợ và đầu tư vào các Startups công nghệ giai đoạn sớm, khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: fintech, edtech, logistics, vận tải,… Thông qua đó, ThinkZone phát triển thêm những giá trị khác cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà họ ươm tạo, giúp các doanh nghiệp này tạo ảnh hưởng đến cộng đồng. 

Trong suốt những năm hoạt động, ThinkZone đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các hoạt động và sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp nổi bật. Trong đó, có thể kể đến:    

  • Tháng 11, 2018: Startup Funding Camp với hơn 100 startup đăng ký và hơn 1 triệu USD cam kết đầu tư
  • Tháng 4, 2019: ThinkZone Accelerator Batch 01 được triển khai với 3 startups được đầu tư và 3 gói hỗ trợ từ đối tác (quy mô $15,000) 
  • Tháng 1, 2020: ThinkZone Accelerator Batch 02 khởi động với 2 startups được đầu tư và 13 gói hỗ trợ từ đối tác (quy mô $50,000)
  • Tháng 5, 2020: ThinkZone đồng hành cùng Startup Viet 2020, với hơn 300 startups đăng ký tham gia
  • Tháng 8, 2020: ThinkZone Accelerator Batch 03 bắt đầu với 3 startups được đầu tư và 18 gói hỗ trợ từ đối tác (quy mô $100,000) 
  • Tháng 11, 2020: ThinkZone đồng hành cùng Techfest 2020, chào đón 7000 người tham gia, và hơn 150 startups, trường đại học, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp 
  • Tháng 11, 2020: Vietnam Venture Summit 2020, với 1000 người tham gia, hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm/nhà đầu tư và hơn 850 triệu USD được cam kết đầu tư
  • Tháng 11, 2020: Thành lập Vietnam Venture Capital Alliance, với 21 thành viên gồm các Quỹ đầu tư, công ty luật và đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước. Liên Minh đi vào hoạt động với hơn 1 tỷ USD tài sản được quản lý 
  • Tháng 1, 2021: Tham gia Vietnam International Innovation Expo 2021, với 10000 người tham gia, hơn 200 startups, SMEs, Tập đoàn & các quỹ đầu tư/nhà đầu tư
  • Tháng 2, 2021: Thành lập BK Fund I, cùng đầu tư tới $1 triệu/startup với ThinkZone Ventures. ThinkZone là tổ chức xây dựng và quản lý quỹ
  • Tháng 3, 2021: ThinkZone Accelerator Batch 04 chính thức khởi động, với 3 startup được đầu tư và 24 gói hỗ trợ từ đối tác (quy mô $150,000) 

II. Mô hình hoạt động:

1. Các hoạt động chính: 

Mô hình của ThinkZone là một quỹ đầu tư mạo hiểm, tập trung hỗ trợ và đầu tư vào các startup công nghệ trong giai đoạn hạt giống đến Series A từ khắp các ngành, với quy mô đầu tư lên đến $3,000,000. Không chỉ thế, ThinkZone còn xây dựng chương trình tăng tốc nhằm hỗ trợ các Startups từ giai đoạn rất sớm, khi công ty mới bước đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu các dự án khởi nghiệp đến với ThinkZone, dẫu có thể không được nhận đầu tư, nhưng tất cả các dự án đều sẽ được ThinkZone hỗ trợ hết mức. Trong trường hợp các công ty khởi nghiệp tham gia vào chương trình Accelerator và nhận được đầu tư, các dự án này sẽ được nhận gói hỗ trợ trên hai phương diện: đầu tư tiền mặt và đầu tư không dùng tiền mặt. Đối với việc đầu tư tiền mặt vào Startups, các dự án khởi nghiệp có thể nhận mức đầu tư lên đến $200,000. Đây là một trong những quy mô đầu tư tiền mặt lớn nhất ở Việt Nam trong giai đoạn tăng tốc. Ngoài ra, dự án khởi nghiệp còn được nhận một gói tài trợ từ các tập đoàn lớn trong các hạng mục khác nhau như truyền thông, cơ sở hạ tầng, văn phòng, tư vấn các vấn đề pháp lý, hỗ trợ các vấn đề về tuyển dụng,… Đặc biệt hơn, phần đầu tư vô cùng quan trọng của ThinkZone cho các Startups là hỗ trợ về tư vấn 1:1 kéo dài trong 3 tháng. Có rất nhiều mentors trong mạng lưới mentors của ThinkZone để các nhà sáng lập lựa chọn. Các mentors sẽ dành thời gian để giúp đỡ, bù đắp cho những điểm yếu của đội ngũ sáng lập. Hơn thế nữa, một trong những hỗ trợ lớn nhất của ThinkZone về phương diện tư vấn là câu chuyện hỗ trợ gọi vốn. Với mạng lưới quỹ đầu tư lên đến hơn 200 quỹ đầu tư ở cả trong và ngoài nước, ThinkZone nỗ lực hết sức để tư vấn chiến lược gọi vốn và những tài liệu cần chuẩn bị cho các Startups; từ đó, tăng tối đa tỉ lệ gọi vốn thành công. Cũng nhờ vậy, các Startups được đầu tư bởi ThinkZone cũng dễ dàng gọi vốn ở các vòng sau hơn rất nhiều. 

Sau này, cùng với sự ra đời của ThinkZone Fund II, ThinkZone đã bắt đầu những thương vụ tăng quy mô đầu tư vào các Startups ở giai đoạn sau accelerator. Tuy nhiên, ThinkZone Fund II vẫn tiếp tục chú trọng vào chương trình tăng tốc, và phân bổ nguồn lực để tạo ra một vườn ươm ươm mầm mạnh mẽ cho các Startups giai đoạn sớm.

Các hoạt động chính của ThinkZone Accelerator
Các hoạt động chính của ThinkZone Accelerator

 

2. Nguồn lực của ThinkZone:  

Sự khác biệt của ThinkZone so với các quỹ đầu tư khác là cấu trúc mà ThinkZone hoạt động. Với ThinkZone, đội ngũ luôn cố gắng kết nối những nguồn lực nội địa, mở rộng hệ sinh thái; từ đó, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các Startups tận dụng nguồn lực, hệ sinh thái có sẵn của các Tập đoàn Việt Nam để phát triển. Ngoài ra, ThinkZone cũng rất sẵn lòng kết hợp đầu tư cùng các quỹ đầu tư nước ngoài trong các thương vụ đầu tư để cung cấp đối ta nguồn lực cho các Startups trong danh mục đầu tư của ThinkZone. Không chỉ thế, việc ThinkZone có đa dạng những công cụ đầu tư được cấp giấy phép ở cả Việt Nam và quốc tế giúp quỹ đầu tư có thể linh hoạt trong cấu trúc đầu tư vào các Startups. 

250+ gói hỗ trợ từ các đối tác của ThinkZone
250+ gói hỗ trợ từ các đối tác của ThinkZone

 

III. Vai trò của ThinkZone trong hệ sinh thái khởi nghiệp: 

ThinkZone ra đời cùng khẩu hiệu “Zone for great minds". Điều đó cũng cho ta thấy được mục tiêu mà ThinkZone vẫn không ngừng theo đuổi. Với ThinkZone, việc quy tụ các nguồn lực hỗ trợ từ nhiều đơn vị lớn, có chung tầm nhìn trong hệ sinh thái là rất quan trọng trong quá trình đẩy nhau tốc độ phát triển của Startups. Trên thực tế, đã có không ít các công ty khởi nghiệp tham gia vào hệ sinh thái của ThinkZone và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chương trình này. 

Chị Điệp Bùi, Founder & CEO của eJOY, chia sẻ rằng: ThinkZone đã hỗ trợ eJOY rất nhiều ngay từ những buổi nói chuyện đầu tiên. Chưa cần biết eJOY và ThinkZone có cơ hội đồng hành cùng nhau hay không, ThinkZone vẫn tận tuỵ chia sẻ những kiến thức mà eJOY còn thiếu, giúp cho đội ngũ của eJOY trau dồi những lỗ hổng về mặt kiến thức của mình. “Giá trị" là từ chị Điệp Bùi dành tặng cho ThinkZone, vì những viên gạch quý giá mà ThinkZone đã tận tâm xây dựng tại eJOY. 

Không chỉ có eJOY, mà GIMO, một trong những Startup được ThinkZone đầu tư, cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chương trình tăng tốc này. Anh Quân Nguyễn, Founder & CEO của GIMO, chia sẻ rằng: toàn bộ đội ngũ ThinkZone, đặc biệt là team đầu tư, đã tham gia và đồng hành cùng đội ngũ GIMO từ những ngày đầu, hỗ trợ từ việc lên ý tưởng, xây dựng pitch deck, pitching,… và tạo ra những cơ hội cho GIMO tiếp xúc với các nhà đầu tư đang là đối tác của ThinkZone. Sự thành công trong vòng gọi vốn đầu tiên của GIMO là minh chứng cho sự hỗ trợ rất lớn đến từ ThinkZone. Đến vòng gọi vốn thứ 2, ThinkZone cũng đã giúp đỡ GIMO rất nhiều trong việc đưa ra những công thức, những chỉ số để có thể thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào GIMO và thị trường Việt Nam.

IV. Những thành tựu nổi bật của ThinkZone:

Nhờ những hoạt động sôi nổi và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân sự, chỉ trong vòng 3 năm, ThinkZone vẫn có thể đạt được những con số vô cùng ấn tượng. Có thể kể đến các giải thưởng như: Top 1 Quỹ đầu tư năng động nhất Việt Nam và Top 40 Quỹ đầu tư năng động nhất Đông Nam Á (theo TechinAsia). Ngoài ra, thông qua chương trình tăng tốc khởi nghiệp, ThinkZone đã hỗ trợ cho 11 Startups trong ThinkZone Portfolio, với tổng định giá là 110 triệu USD và tổng vốn đã gọi lên đến 20 triệu USD cho 11 Startups này. Không chỉ vậy, ThinkZone cũng là đơn vị ươm mầm cho 3 chương trình khởi nghiệp cấp quốc gia. Đến nay, ThinkZone vẫn luôn không ngừng mở rộng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp cả trong và ngoài nước. Hiện tại, ThinkZone đang nằm trong mạng lưới quỹ đầu tư toàn cầu với hơn 200 quỹ đầu tư, ThinkZone cũng kết nối với hơn 100 đối tác nằm trong mạng lưới đối tác/tập đoàn. Nhờ vậy, ThinkZone đã thành công kêu gọi 24 gói hỗ trợ cho Startup với tổng giá trị là $150,000 từ các đối tác của ThinkZone. 

Những thành tựu nổi bật của ThinkZone
Những thành tựu nổi bật của ThinkZone

 

V. Những khó khăn mà ThinkZone gặp phải:

Trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, ThinkZone đã gặp phải một số khó khăn nhất định, cũng là những thách thức tiêu biểu mà một tổ chức ươm tạo thường gặp phải. Khó khăn đầu tiên là năng lực kết nối. Đa số những công ty khởi nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của ThinkZone đều chưa hoàn thiện đội ngũ sáng lập, các công ty này vẫn còn thiếu người để có thể xây dựng một nền móng vững chắc cho doanh nghiệp. Việc ThinkZone phải làm là kết nối những tài năng, những người đam mê khởi nghiệp và có những kỹ năng mà các Co-founders hiện tại của doanh nghiệp đó còn yếu. Khó khăn thứ hai là việc tìm kiếm những dự án khởi nghiệp tiềm năng. Để vượt qua điều này, trong những ngày đầu, ThinkZone phải nghiên cứu rất nhiều về cách làm truyền thông, sao cho tăng tối đa sự hiện diện của ThinkZone trong hệ sinh thái. Có vậy, các Startups tiềm năng mới có thể dễ dàng biết và tiếp cận với ThinkZone, cũng như tin tưởng khi ThinkZone đầu tư. ThinkZone tăng cường sự hiện diện của mình trên các kênh online thông qua blogs, website, fanpage, group cộng đồng,…; và cả kênh offline thông qua việc trở thành đối tác chuyên môn của một số sự kiện lớn ở Việt Nam như Techfest, Startup Việt,… Khó khăn cuối cùng của ThinkZone là khả năng bị gãy dòng tiền ngay từ những ngày khởi đầu. Với mô hình như ThinkZone, nếu như không có đủ nguồn lực để đầu tư mà phải đợi tiền lãi từ các doanh nghiệp trong ThinkZone Portfolio, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho quá trình hoạt động. Thật may, cho đến ngày hôm nay, ThinkZone vẫn luôn có những nhà đầu tư thiên thần, có những người luôn tin tưởng vào ThinkZone, để những bước đi của ThinkZone được vững vàng hơn bao giờ hết. Cũng nhờ có sự đồng hành, sát cánh của các tập đoàn trong và ngoài nước, ThinkZone ngày càng củng cố triết lý đầu tư của mình: đầu tư không chỉ là tiền, mà còn là những giá trị cộng hưởng từ sự giúp đỡ của ThinkZone và các đối tác của ThinkZone. 

VI. Bài học kinh nghiệm dành cho các tổ chức ươm tạo khác:

Sau một quá trình hơn 3 năm hoạt động, đội ngũ vận hành luôn tự đúc kết những bài học kinh nghiệm cho ThinkZone và cho cả những tổ chức muốn tham khảo mô hình của ThinkZone; nhờ vậy, ThinkZone cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mới có thể không ngừng hoàn thiện và phát triển hơn nữa trong tương lai. Một trong những điều cực kỳ quan trọng đối với một mô hình như ThinkZone là đội ngũ nhân sự. Đội ngũ nhân sự trong tổ chức ươm tạo cần phải thật sự thấu hiểu các Startups, đặc biệt là các Startups trong lĩnh vực đầu tư của tổ chức. Ngoài ra, các tổ chức ươm tạo cũng cần phải chọn được hướng đi rõ ràng và tập trung hoàn toàn vào hướng đi đó. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của tổ chức, tạo ra những con số ấn tượng; từ đó, các tổ chức có thể dễ dàng thu hút được nhiều nguồn lực tham gia và cùng biến những ý tưởng lớn thành hiện thực. 

Tuy là một chương trình tăng tốc còn non trẻ, nhưng những thành tựu mà ThinkZone đã gặt hái lại thực sự rất ấn tượng. Gửi đến bạn đọc câu chuyện thực tế của ThinkZone, cũng là một câu chuyện điển hình cho quá trình hỗ trợ khởi nghiệp của các chương trình tăng tốc tại Việt Nam, DNES hy vọng rằng bạn đọc có thể tìm thấy cơ hội cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp này. Để từ đó, bạn sẽ vững tin hơn với con đường mình đã chọn, can đảm hơn với sứ mệnh doanh nghiệp bạn đặt ra, và phát triển doanh nghiệp hơn nữa vì một hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ngày một rực rỡ hơn. 

Bạn có thể xem thêm video dưới đây để hiểu hơn về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của ThinkZone Ventures:

Bài viết được biên soạn dựa trên những chia sẻ của ThinkZone


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài viết về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Video được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844 

Tags