SHTP – Hỗ trợ phát triển các startup công nghệ mang thương hiệu Việt

Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập vào tháng 8 năm 2006, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Sau hơn 16 năm thành lập và phát triển, SHTP đã trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam. Với mục tiêu hỗ trợ ươm tạo những doanh nghiệp Công nghệ mang thương hiệu Việt Nam, phát triển những sản phẩm do chính người Việt Nam nghiên cứu, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao SHTP định vị doanh nghiệp như một trung tâm đổi mới sáng tạo kết nối mạnh mẽ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp. Và để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh nhất về hoạt động của SHTP, DNES xin gửi đến bạn câu chuyện của SHTP, cũng là câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp điển hình của tổ chức ươm tạo tại Việt Nam.

I. Giới thiệu chung về SHTP:

Được thành lập từ tháng 8 năm 2006, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao hỗ trợ ươm tạo những doanh nghiệp công nghệ mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm từ chính chất xám của những con người Việt Nam; từ đó, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và từng bước mang lại những giá trị thực sự thông qua hoạt động ươm tạo những sản phẩm công nghệ. Trong suốt 16 năm hoạt động, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao với nhiều thế hệ lãnh đạo luôn giữ vững một tinh thần truyền lửa và hỗ trợ các thế hệ khởi nghiệp Việt Nam qua hàng loạt những hoạt động thiết thực như: hỗ trợ cơ sở vật chất, chương trình ươm tạo được thiết kế riêng để phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của từng dự án, các gói dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu, chương trình kết nối với doanh nghiệp lớn, chương trình liên kết hợp tác quốc tế, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khơi dậy tinh thần doanh nhân thông qua các cuộc thi khởi nghiệp và các chương trình dành cho sinh viên.

Với tôn chỉ luôn lấy công nghệ Việt làm cốt lõi trong việc phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với vị trí địa lý là hạt nhân trong khu Công nghệ cao, SHTP luôn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới. Đó cũng chính là những yếu tố quan trọng và là nền tảng tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt của vườn ươm này.

II. Mô hình hoạt động:

SHTP tập trung vào 4 mũi nhọn gồm: (1) Vi điện tử – Công nghệ thông tin – Viễn thông; (2) Cơ khí chính xác – Tự động hóa; (3) Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; và (4) Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả 4 lĩnh vực này, SHTP chú trọng 3 hoạt động chính, tạo thế vòng kiềng để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này. Các hoạt động chính bao gồm:

  1. Hoạt động ươm tạo:

Hiện nay, SHTP không chỉ hỗ trợ ươm tạo các dự án thành các doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ ươm tạo các sản phẩm công nghệ mới đến từ các doanh nghiệp đã hình thành và đang trong quá trình đổi mới sáng tạo.

  1. Liên kết và cùng nhau xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo:

SHTP tập trung vào các hoạt động huấn luyện theo hướng thực hành và phát triển dự án. Đội ngũ giảng viên của SHTP không chỉ đến từ các viện, trường mà còn là các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là những chuyên gia đến từ các doanh nghiệp ở trong khu công nghệ cao. Ngoài ra, SHTP cũng rất chú trọng việc liên kết, phối hợp với các viện, trường để tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm khơi gợi và giúp cho các bạn trẻ định hình hướng phát triển đúng đắn về khởi nghiệp dựa trên công nghệ trong thời gian tới. Có thể kể đến các cuộc thi tiêu biểu như: Soccerbot, Xamarin Crazy Hackathon, Location Tech Hackathon, New energy Hackathon, AI Hack,…

  1. Chương trình là Open innovation:

Đây là chương trình kết nối tập đoàn với các doanh nghiệp, các startup. Hiện nay, chương trình đã nhận được sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp và ngày càng có cơ sở để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao còn có khả năng ươm tạo 50 dự án cùng lúc với đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết; xây dựng “Maker innovation space” với các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho các hoạt động kiểm thử, tạo sản phẩm mẫu;  có showroom dành cho các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp phòng làm việc cho các doanh nghiệp ươm tạo; trang bị hệ thống phòng họp và hội nghị hiện đại; xây dựng không gian sinh hoạt chung và hội quán khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp được xét duyệt tham gia chương trình ươm tạo tại vườn ươm sẽ trải qua quy trình ươm tạo từ 1-3 năm với các hoạt động hỗ trợ được thiết kế riêng, dựa trên lĩnh vực và mức độ phát triển của dự án.

III. Những thành công của SHTP:

Sau 16 năm hình thành và phát triển, SHTP đã đạt được những thành tựu nhất dịnh, từng bước khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Vào năm 2018, SHTP đã vinh dự được bình chọn là 1 trong 3 tổ chức ươm tạo tốt nhất (theo I-STAR). Đây chính là minh chứng rõ nhất cho quá trình nỗ lực và hoàn thiện không ngừng của toàn đội ngũ Khu Công nghệ cao SHTP.

  1. Về thu hút đầu tư:

SHTP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,136 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định với tổng giá trị xuất khẩu lũy kế đạt khoảng 45,456 tỷ USD, đóng góp khoảng 94% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Thống kê đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, SHTP là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án và các tập đoàn công nghệ cao trên thế giới. Trong đó có thể kể đến số lượng lớn các nhà đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như: Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ – 1,04 tỷ USD); Tập đoàn Nidec (Nhật Bản – 296 triệu USD); Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc – 2 tỷ USD), Tập đoàn Nipro (Nhật Bản – 300 triệu USD),… cùng khoảng 60% số lượng dự án từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ cao.

(Nguồn: http://www.shtp.hochiminhcity.gov.vn/)

  1. Về tiềm lực Khoa học – Công nghệ:

SHTP đã thành lập 5 phòng thí nghiệm, thu hút hơn 30 tiến sĩ, thạc sĩ làm việc tại các Phòng/ban của Khu Công nghệ cao. Ngoài ra, SHTP đã có hơn 40 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Quốc tế ISI và trong nước; hơn 114 sở hữu trí tuệ được xác lập và 75% startup thương mại hoá thành công. Các doanh nghiệp ươm tạo tại vườn ươm cũng đạt nhiều giải thưởng đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, toà nhà Vườn ươm cũng đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2019, với công suất ươm tạo đạt 50 dự án ươm tạo/năm và khoảng 100 dự án khởi nghiệp/năm.

IV. Những thách thức SHTP đã gặp phải:

Cho đến nay, vườn ươm SHTP đã ổn định cơ sở vật chất, cũng như đã xây dựng được một đội ngũ vận hành và chuyên gia có chuyên môn cao để thực thi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Chính vì vậy, đối với SHTP, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ chế tài chính. SHTP là đơn vị của nhà nước, phải hoạt động theo luật ngân sách và các quy định của nhà nước. Điều này vô tình trở thành một nút thắt khá thách thức đối với vườn ươm trong quá trình vận hành hiện nay. Bên cạnh đó, ngày nay, hệ sinh thái cũng xuất hiện rất nhiều vườn ươm tư nhân, các vườn ươm từ các tổ chức trong và ngoài nước. Trước tình thế như vậy, SHTP phải định hình lại lợi thế cạnh tranh và tự vươn mình, nâng cấp hoạt động hỗ trợ nhiều hơn nữa để vượt qua những thách thức kể trên.

V. Vai trò của SHTP đối với hệ sinh thái:

Từ những ngày đầu, SHTP đã luôn định hình mình là một trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi kết nối nguồn lực để các tổ chức cá nhân, trong và ngoài nước cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung – thúc đẩy phát triển các dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, trí tuệ của người Việt; hình thành nên những dự án, công ty về công nghệ có những sản phẩm đạt chất lượng tốt; thương mại hoá sản phẩm ở Việt Nam và cả thị trường quốc tế. Chính vì vậy, SHTP luôn không ngừng nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để hiện thực hoá sứ mệnh được đặt ra. Như Thạc sĩ Trần Trí Dũng – Quản lý chương trình, Chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sỹ (Swiss EP) đã nhận định, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP) là một minh chứng tiêu biểu cho nỗ lực của thành phố trong việc cung cấp các nguồn lực và cả chính sách hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên thực tế, đã có rất nhiều dự án được đội ngũ SHTP hỗ trợ rất tận tình, định hướng đúng đắn và đạt được thành công, trong đó có thể kể đến những startup tiêu biểu như: Elinkgate, Ewater và Gần nhà.com. Theo Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Founder & CEO Elinkgate, vườn ươm SHTP đã hỗ trợ Elinkgate rất nhiều trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, giúp Elinkgate đăng ký thành công 3 sáng chế để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao. Điều này góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng doanh số vượt bậc trong năm 2022 của Elinkgate. Ngoài ra, vườn ươm còn giúp kết nối Elinkgate với các chương trình hỗ trợ để kêu gọi nguồn vốn ban đầu cho các hoạt động chế tạo và thử nghiệm những công nghệ của Elinkgate. Đó đều là những sự giúp đỡ rất giá trị. Không chỉ với Elinkgate, Ewater cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính và chuyên gia. Đặc biệt hơn, với uy tín của mình, SHTP đã giúp Ewater tiếp cận được rất nhiều khách hàng tiềm năng tại Việt Nam (theo Ông Lê Trung Hiếu – Founder & CTO Ewater). Còn đối với Gần nhà.com – một hệ sinh thái chuyển đổi số offline to online đã tham gia ươm tạo tại SHTP từ năm 2016, SHTP đã đồng hành cùng Gần nhà.com ngay từ những ngày đầu hình thành ý tưởng, giúp doanh nghiệp tiếp xúc dễ dàng hơn với các chuyên gia đầu ngành, cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm prototype.

VI. Bài học kinh nghiệm từ SHTP:

SHTP tin rằng, vai trò của vườn ươm là hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, hình thành nên doanh nghiệp; vì vậy, vườn ươm buộc phải có tư duy như một doanh nghiệp. Cũng tương tự như một doanh nghiệp, để đạt được sự phát triển bền vững, vườn ươm cần chú trọng vào những yếu tố rất đơn giản. Đầu tiên, vườn ươm phải xác định được lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy phát triển hơn nữa lợi thế cạnh tranh đó. Thứ hai, Vườn ươm phải không ngừng hoàn thiện để sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn; các hoạt động thực thi marketing cũng phải thật hiệu quả. Không chỉ các vườn ươm nhà nước, các vườn ươm tư nhân cũng phải tư duy theo hướng như vậy thì mới có thể vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển trường tồn.

Các hoạt động của vườn ươm SHTP tập trung chuyên sâu vào mảng ươm tạo và tăng tốc. Đây cũng là những hợp phần mà hệ sinh thái đang thiếu và cần nguồn lực hỗ trợ. Thông qua bài viết về “Tổ chức ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam” lần này, DNES gửi đến bạn câu chuyện của SHTP với mong muốn đem lại góc nhìn toàn cảnh cho bạn đọc về hoạt động của một tổ chức ươm tạo tại Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực để hỗ trợ các startup công nghệ mang thương hiệu Việt một cách toàn diện nhất.

Bạn có thể xem thêm video dưới đây để hiểu hơn về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của SHTP:

THÔNG TIN CHUNG:

Series bài viết về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Video được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844