BK Holdings – Cầu nối thương mại hoá các sản phẩm Khoa học Công nghệ

BK Holdings – Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội – thành lập vào năm 2008, với định hướng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo gắn liền với các trường Đại học và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Sau hơn 10 năm hoạt động, BK Holdings đã gặt hái được những thành công nhất định, thúc đẩy quá trình thương mại hoá sản phẩm Khoa học Công nghệ trong trường Đại học Bách Khoa và kết nối chặt chẽ các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Để bạn đọc hiểu hơn về hành trình của BK Holdings; từ đó, tìm ra cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp của mình, DNES gửi đến bạn câu chuyện số 4 trong chuỗi bài viết về tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp – “BK Holdings – Cầu nối thương mại hoá các sản phẩm Khoa học Công nghệ”.

  1. Giới thiệu chung về BK Holdings: 

BK Holdings là mô hình hệ thống doanh nghiệp trong trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam. Với bề dày hoạt động hơn 10 năm, BK Holdings đóng vai trò quan trọng trong quá trình thương mại hoá các kết quả nghiên cứu trong trường Đại học ra thị trường thông qua các chương trình ươm tạo, các quỹ đầu tư như BK Fund và các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Mục tiêu chính của BK Holdings là đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế của trường Đại học, các nhà khoa học thành các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho đời sống và giải quyết các vấn đề xã hội. Để hiện thực hoá được điều đó, BK Holdings tập trung vào bốn hoạt động chủ lực, bao gồm: (1) đầu tư góp vốn liên doanh, góp vốn cổ phần vào các doanh nghiệp; (2) huy động và quản lý vốn phục vụ cho quá trình ươm tạo và thương mại hoá các sản phẩm KH-CN từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; (3) cung cấp dịch vụ đào tạo thích nghi kỹ năng nghề và cập nhật kiến thức theo yêu cầu xã hội; và (4) cung cấp các dịch vụ như tư vấn đầu tư, nhận uỷ thác các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức,…

Trong tương lai, BK Holdings hướng đến việc trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo gắn liền với các trường Đại học và hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam; từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hoá công nghệ để cho ra đời những công ty startup, công ty spin-off tạo giá trị cho xã hội. Vì vậy, đối với BK Holdings, việc phát triển con người, giữ vững cam kết và kết nối chặt chẽ hệ sinh thái là rất quan trọng. Đó chính là những yếu tố then chốt giúp BK Holdings triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng đã đề ra và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

  1. Mô hình hoạt động:

BK Holdings hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là giáo dục, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hoạt động tổng thể của BK Holdings dựa trên ba khía cạnh chính: kim tự tháp đổi mới sáng tạo, mô hình ba nhà và hệ sinh thái khởi nghiệp.

  1. Kim tự tháp đổi mới sáng tạo:

BK Holdings có các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trải dài từ đáy tháp đến đỉnh tháp để khơi dậy tinh thần sáng tạo tối đa. Có thể kể đến các chương trình tiêu biểu như: (1) chương trình sinh viên sáng tạo Techstart, (2) các khoá học nâng cao năng lực như chương trình kết hợp với Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội đào tạo cho 60 cố vấn và 60 nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp, (3) những chương trình ươm tạo tập trung vào các dự án, sản phẩm nghiên cứu trong Đại học như Lab2Market, và (4) các chương trình liên quan đến việc đầu tư mở rộng như BK Fund. 

  1. Mô hình 3 nhà:

Xuyên suốt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của BK Holdings luôn luôn có sự kết hợp của ba nhà – Chính phủ, Doanh nghiệp, Nhà trường – và tận dụng tối đa nguồn lực của ba nhà này để thực thi các chương trình ươm tạo khởi nghiệp. Có thể kể đến Lab2Market như một ví dụ điển hình cho sự kết hợp này. Bởi Lab2Market được tổ chức nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa BK Holdings và National Startup Support Center (NSSC) của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với sự tham gia của BK Fund và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thuỵ Sĩ – Swiss EP.

  1. Hệ sinh thái:

Ngoài việc kết hợp nguồn lực từ ba nhà, các chương trình của BK Holdings còn bổ trợ lẫn nhau, nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc và làm giàu mạnh hơn hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Ví dụ như chương trình Lab2Market, đầu ra của chương trình này có thể trở thành đầu vào để tạo ra các công ty Spin-off của BK Fund. Hoặc có thể kể đến mối quan hệ giữa chương trình huấn luyện và chương trình ươm tạo – các hoạt động huấn luyện sẽ đào tạo ra các cố vấn cho chương trình ươm tạo tại BK Holdings. 

Trong năm 2022 và những năm tới, BK Holdings sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo chiều rộng và cả chiều sâu. Về chiều rộng, BK Holdings sẽ liên tục khơi dậy tinh thần sáng tạo của các bạn trẻ và phát triển nhiều hơn nữa những chương trình kết hợp được đầy đủ sự tham gia của Chính phủ, Doanh nghiệp và Nhà trường. Đối với các hoạt động chiều sâu, BK Holdings sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình ươm tạo, đặc biệt là Lab2Market, để có thể tạo ra nguồn đầu vào chất lượng cho việc đầu tư và phát triển thành những công ty Spin-off. Ngoài ra, các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn trong hệ sinh thái sẽ là chương trình điểm nhấn trong tương lai của BK Holdings. Bởi BK Holdings tin rằng, đó là các hoạt động cốt lõi nhằm tạo ra được những hạt mầm, những nguồn lực con người có tâm và có tầm cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

  1. Thành công:

Sau hơn 10 năm hoạt động cùng với sự quyết tâm, BK Holdings đã hình thành cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp và đạt được một số kết quả nổi bật. Thành công đầu tiên của BK Holdings là việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu và phát triển thành công thành 12 công ty Spin-off. Thành công tiếp theo BK Holdings gặt hái được là việc đa dạng hoá các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; từ đó, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái. 45 khoá học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 150 sự kiện, 20 cuộc thi khởi nghiệp, 10 Bootcamp và ngày Demo, 5 chương trình cố vấn,… đều là những con số biết nói minh chứng cho hoạt động sôi nổi của BK Holdings.  

  1. Khó khăn mà BK Holdings gặp phải:

Thách thức lớn nhất của BK Holdings và đội ngũ điều hành là việc phải liên tục cải tiến và triển khai những mô hình mới để thực thi sứ mệnh hỗ trợ khởi nghiệp của mình một cách hiệu quả nhất. Đó là những mô hình ươm tạo để biến các kết quả nghiên cứu trong trường Đại học trở thành doanh nghiệp Khoa học Công nghệ. Đó cũng là những mô hình hoạt động để trở thành vườn ươm liên kết hệ sinh thái với các vườn ươm khác và các quỹ đầu tư. Đối mặt với khó khăn này, đội ngũ BK Holdings luôn tin và tập trung phát triển 2 yếu tố: con người và nguồn lực. Bởi chỉ có như vậy, BK Holdings mới có thể dễ dàng vượt qua những thách thức luôn chực chờ. 

  1. Vai trò của BK Holdings đối với hệ sinh thái:

Các hoạt động của BK Holdings luôn hướng đến hai nhiệm vụ: (1) hỗ trợ khởi nghiệp và (2) đẩy mạnh gắn kết các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và quốc gia. BK Holdings tập trung triển khai các hoạt động theo hai giai đoạn chính:

  1. Giai đoạn đầu (2008 – 2018):

Vào thời gian này, các hoạt động của BK Holdings chủ yếu xoay quanh sứ mệnh hỗ trợ và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu gắn liền với trường Đại học Bách Khoa.

  1. Giai đoạn sau (2018 – nay):

Trong vòng 5 năm trở lại đây, BK Holdings bắt đầu mở rộng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tập trung gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương và quốc gia. Đối với việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, BK Holdings đã bắt đầu đồng hành với Đề án 4889 – Đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Hà Nội – từ rất sớm và đồng hành xuyên suốt từ giai đoạn xây dựng dự án cho đến giai đoạn triển khai. Ngoài ra, BK Holdings cũng rất tích cực gắn kết với hệ sinh thái của các địa phương khác như Đà Nẵng – với việc đồng hành trong các sự kiện và ngày hội khởi nghiệp, Huế – với việc triển khai các hoạt động gắn với trường Đại học và sự kiện tại Huế, và Hồ Chí Minh – với các hoạt động hợp tác cùng Sở Khoa học và Công nghệ của thành phố. Không chỉ tổ chức chương trình gắn với địa phương, BK Holdings còn đẩy mạnh hoạt động kết hợp với Trung ương và các Bộ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoạt động nổi bật nhất có thể kể đến là sự đồng hành của BK Holdings với Đề án 844 – Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, và Đề án 1665 – Đề án hỗ trợ Học sinh, Sinh viên khởi nghiệp, gắn với bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng trong giai đoạn này, ngoài việc tập trung gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp, BK Holdings còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và cả các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu trong trường Đại học. Đây là những hoạt động rất thú vị và là thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Thạc sĩ Trần Trí Dũng – Quản lý chương trình, Chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sĩ (Swiss Ep) – cũng đã nhận định: “BK Holdings đã phải đi một hành trình rất dài để có thể giới thiệu ra thị trường một chương trình ươm tạo, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong các trường Đại học thương mại hoá sản phẩm của mình tới các doanh nghiệp và các tập đoàn. Điểm thú vị chúng tôi quan sát được đó là, BK Holdings tuy là một đơn vị nằm trong trường Đại học, nhưng cách họ giải quyết vấn đề lại bắt đầu từ việc nắm rất rõ và hiểu được nhu cầu, cách thức vận hành của các doanh nghiệp và thị trường.” Cũng nhờ vậy, rất nhiều dự án đã được BK Holdings hỗ trợ rất tận tình, định hướng đúng đắn và đạt được thành công. Một trong số đó là Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng (Tham gia chương trình SIC mùa 1). Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương (Nhà sáng lập Viện nghiên cứu), khi tham gia SIC mùa 1, chị đã nhận được rất nhiều sự chỉ dẫn từ các mentor, từ các giảng viên và các bạn cùng tham gia. BK Holdings cũng đưa các phát minh tại Viện nghiên cứu y học đến với bệnh nhân Việt Nam và cả trên thế giới thông qua mô hình phòng khám DTH Medical Clinic. Đến với BK Holdings và chương trình SIC, bản thân chị và dự án như được chắp thêm đôi cánh để hiện thực hoá ước mơ của mình; từ đó, lan toả giá trị đến các hệ sinh thái khác. Không chỉ có TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Ông Đỗ Đức Thắng – Nguyên giảng viên Đại học Hà Nội, người từng tham gia Lab2Market – cũng có những chia sẻ tương tự. Thông qua quãng thời gian tham gia Lab2Market, ông có cơ hội tiếp cận với nhiều nhà tư vấn, tham gia các buổi đào tạo chuyên sâu để nâng cao hiểu biết về các vấn đề như: sở hữu trí tuệ, nhu cầu thị trường và khả năng gọi vốn. Ông cho rằng, việc tham gia vào các chương trình do BK Holdings tổ chức là một cơ hội rất tốt cho các bạn trẻ để có thể phát triển và đưa các sản phẩm trí tuệ từ trong nhà trường, phòng thí nghiệm đi ra thị trường.

Để có thể thực hiện thành công mô hình triple helix cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển tối đa, BK Holdings đã phải trải qua một hành trình rất dài cùng với nhiều thử thách. Thông qua bài viết về “Tổ chức ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam” lần này, DNES rất hân hạnh được kể bạn nghe câu chuyện của BK Holdings, cũng là một câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp tiêu biểu. Từ đó, DNES hy vọng rằng, các nhà khởi nghiệp sẽ hiểu hơn về hoạt động của các tổ chức ươm tạo và sẵn sàng cùng chúng tôi phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn. Vì một cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển hơn!

Bài viết được biên soạn dựa trên những chia sẻ của BK Holdings

THÔNG TIN CHUNG:

Series bài viết về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Video được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844