Người Mentor đầu tiên!

Mentor – một khái niệm mà xã hội nói chung và giới khởi nghiệp nói riêng vẫn thường rất hay nhắc đến. Nhưng rất có thể bạn chưa biết, từ mentor có nguồn gốc từ nền văn hóa thần thoại Hy Lạp cổ, cụ thể là xuất phát từ sách Odyssey của Homer. Trước khi đến Troy để tham gia chiến tranh, Odyssey giao con trai mình, là Telemachus, cho một người bạn cũ tên là Mentor. Mentor chăm sóc và dạy dỗ Telemachus trong lúc cha cậu vắng mặt. Vì Mentor là một người đàn ông già yếu, nữ thần Athena đã hóa thân vào ông và giúp đào tạo Telemachus trở thành một anh hùng.

Vậy thì, nếu hiểu theo nghĩa như vậy, thì có lẽ mentor sẽ không có một nghĩa tiếng Việt nào tương đương cả, không phải là một nhà cố vấn, không phải là một huấn luyện viên, thậm chí còn nên được viết hoa vì đây chính là một tên riêng.

Mình nhắc đến thần thoại Hy Lạp cổ như vậy, là muốn để mọi người biết, mentorship đã tồn tại từ rất rất lâu từ trước khi chúng ta tồn tại, và rất có thể đó chính là bí mật thành công của rất nhiều vĩ nhân khác trong lịch sử.

Mentor và Telemachos

Trong bất cứ mối quan hệ nào, mối quan hệ tốt là thứ sẽ làm cho cả hai phía ngày càng thấy thoải mái và cùng nhau phát triển. Và trong mối quan hệ giữa mentor và mentee cũng vậy, đây là một mối quan hệ đôi bên cùng hợp tác và cùng có lợi, đòi hỏi có sự góp sức của cả hai phía, mentor không phải chỉ cho và mentee không phải chỉ nhận.

Vai trò quan trọng của mentor

Giá trị và vai trò của Mentor nằm ở nhiều điểm và khía cạnh khác nhau, nhưng tựu trung một Mentor “chính hãng” sẽ mang đến 3 điều sau:

  • Cung cấp huấn luyện chuyên môn ở mức cao nhất
  • Chỉ ra con đường ngắn nhất
  • Giúp đỡ những mối quan hệ cần thiết

Cả ba điều trên, mỗi cá nhân đều có thể từ từ đạt được qua thời gian dài. Nhưng thời gian là thứ hữu hạn, một thành tựu đạt được ở tuổi 70 không là gì so với thành tựu đó đạt được năm 25 tuổi. Đó là lí do chúng ta cần có mentor, nếu chúng ta đang làm một việc lớn lao.

Phương tiện giao tiếp chính của mentor khi tiếp xúc với mentee không phải là đưa ra lời khuyên hay áp đặt, mà chính là đặt câu hỏi. Người mentor phải biết đặt những câu hỏi từ bao quát đến chi tiết để từng bước một đưa mentee tìm ra được giải pháp của vấn đề qua từng câu trả lời của chính bản thân mình. Câu hỏi càng khó thì mức độ thử thách mentee càng lớn. Khi đặt câu hỏi, quyết định cuối cùng sẽ nằm ở mentee. Vì vậy, mentee sẽ tự có trách nhiệm với quyết định của mình và hết lòng với nó. Tuy không phải lần nào đặt câu hỏi mentee sẽ trả lời được, nhưng qua nhiều lần và thử nhiều cách khác nhau, mentor-mentee sẽ cùng nhau tìm ra cách làm việc chung hiệu quả nhất.

Trong một số trường hợp, mentorship chỉ phát huy tác dụng nếu hai bên tìm đến nhau một cách tự nhiên và xuất phát với tư cách là hai người bạn. Vì vậy, nếu chưa tìm được mentor của mình, thì trong khi chờ đợi, hãy tìm cho mình những mentor từ trong sách. Học hỏi từ các vĩ nhân chẳng bao giờ là thừa, vì từ xưa đến nay, có rất nhiều vĩ nhân chưa bao giờ gặp nhau nhưng đã học được từ sách của những người đi trước viết.

Mentor khởi nghiệp còn quan trọng hơn!

Với khởi nghiệp, mentor đóng một vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có một tên riêng dành cho mentor trong khởi nghiệp kinh doanh: Business mentor. Business mentor là những người, những chuyên gia đã đi trước trên con đường khởi nghiệp, họ có kinh nghiệm hơn nhờ việc đã trải qua những khó khăn và vấn đề tương tự như các startups gặp phải. Từ đó, mentor có thể thấu hiểu và đồng cảm với các startups, là chỗ dựa tinh thần cho startups những lúc khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của dự án (early-stage).

Phần lớn các business mentor làm việc không có thù lao, mentor và mentee thậm chí chỉ cần gặp nhau qua một bữa ăn trưa hay buổi cafe nhỏ, người mentor chỉ đơn giản là họ muốn chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng khởi nghiệp. Công việc mentor có thể gọi là một công việc từ thiện cho cộng đồng và xã hội, và điều mà mentor từ thiện ở đây chính là kinh nghiệm và kiến thức sẵn có. Trở thành một mentor bạn sẽ có thêm cơ hội và cũng đồng thời trao đi rất nhiều cơ hội khác.

Trở thành Mentor của DNES!

Ở DNES, chúng tôi luôn chào đón và mong đợi có được những Mentor là những anh/chị dày dặn kinh nghiệm kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là những anh/chị đã có kinh nghiệm xây dựng và vận hành các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Tham gia cùng DNES: http://bit.ly/dnes-mentor

 

Tags