15 đại diện của các không gian sáng tạo vùng Đông Nam Á đã có một tuần trải nghiệm, trao đổi, học hỏi và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác ở 15 “tụ điểm sáng tạo” tại Luân Đôn, Birmingham và Manchester, ba trung tâm sáng tạo của nước Anh.

Định nghĩa lại sáng tạo

Luân Đôn, cuối mùa xuân, trời trong xanh, nắng vàng và se lạnh. Người hướng dẫn của Hội đồng Anh – đơn vị tổ chức gửi thư thông báo: “Mọi người hẹn nhau lúc 9g45 sáng ở Makerversity – ngay bên cạnh vườn Convert của nữ hoàng Anh, trên cầu Waterloo nhé”. Đó là lần đầu tiên mà 15 người chúng tôi gặp nhau. Có chút bất ngờ, vì mỗi người là một câu chuyện riêng, rất riêng trong khái niệm chung về không gian sáng tạo. Angel Guerero là một nữ lãnh đạo của Hội đồng Kinh tế Sáng tạo Phlippines, chị là chủ biên một tạp chí về sáng tạo quảng cáo và đang được chính quyền thành phố giao cho một tòa nhà to đùng ở khu phố cổ của Manila để “làm gì đó cho nghệ sĩ Philippines có tên trên thế giới!”. Ashvin Pal Singh là kỹ sư âm thanh, chuyên thiết kế các giải pháp về âm thanh cho các sân khấu âm nhạc lớn ở Malaysia. Sau anh mở ra không gian làm việc mang tên Me.reka để trở thành chỗ mà mọi người có thể đến, học, và cùng làm những thứ sáng tạo trên nền tảng điện tử. PGS.TS ngành sinh học Alice Thienprasert lại được chính phủ Thái Lan chọn để làm giám đốc dự án xây dựng không gian đổi mới sáng tạo tại chín trường đại học của Thái Lan… Hình như, không có ai giống ai trong đoàn, và những địa điểm mà chúng tôi chuẩn bị khám phá, cũng không cái nào giống cái nào.

Makerversity là cách chơi chữ, ghép giữa “maker – những người làm việc để tạo ra cái gì đó” và “university – trường đại học”. Đó không phải là trường đại học, mà là một dự án dài hơi để biến một phần của tòa nhà cổ Somerset thành một “nơi tuyệt đỉnh để truyền cảm hứng và hỗ trợ những ai muốn thò tay thò chân làm ra những thứ tuyệt vời”. Họ có không gian làm việc chung, những phòng làm việc tương đối bừa bộn với đủ mọi máy móc, công cụ từ máy in 3D tới máy may truyền thống, từ máy cắt laser tới cái bào bằng tay trong xưởng mộc. Họ có 250 thành viên, liên tục tới để làm việc, nâng cao các kỹ năng và từ đó sản sinh ra các doanh nghiệp sản xuất vật dụng mới.

Ở Makerversity, chúng tôi gặp Grafton Saddler, một cô gái trẻ từ bỏ ngành tiếp thị đầy sắc màu để đi học làm thợ đóng giày, và rẽ ngang con đường thiết kế và thực hiện các bọc yên xe đạp, tay cầm xe đạp bằng da. Hiện nay, cô không còn đủ thời gian để thực hiện cho hết những đơn hàng ngày càng kéo dài của mình. Ultra IOT lại là một dự án khác, đưa internet vạn vật cùng với dữ liệu lớn vào cuộc sống thông qua việc lắp đặt các cảm biến trên tổ chim, trên đèn đường… Họ khác hẳn nhau, nhưng có cùng một quan điểm sống: “Sự hấp dẫn của việc dùng tay và công cụ để tạo ra thứ gì đó thay vì chỉ cắm mặt vào máy tính!”. Chà, dữ liệu lớn, IOT đúng là những thứ mà chẳng ai nghĩ sẽ gặp ở không gian sáng tạo cả.

 

Lê Thùy Dương, chuyên viên quản lý các dự án sáng tạo của Hội đồng Anh tại Việt Nam nói nhỏ: “Bởi vì sự đa dạng này, nên nghiên cứu vừa công bố của chúng tôi đã xác nhận không có một định nghĩa chung cho khái niệm không gian sáng tạo. Đó chỉ là một nền tảng, trực tuyến hay cố định, để những người làm sáng tạo có thể gặp nhau, và cũng để đánh thức khả năng sáng tạo của mọi người”.

Chuyện ở “thủ phủ công nghiệp 1.0”

Birmingham từng là một trong những cái tên lớn nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 cách đây hàng trăm năm. Giờ, thành phố đóng tàu lừng lẫy một thời đã chuyển những nhà máy, xí nghiệp cũ thành không gian sáng tạo và trung tâm khởi nghiệp. Nhưng không phải cái gì ở Anh cũng lung linh, lấp lánh và sang trọng như trí tưởng tượng. Đơn vị chủ trì việc dạy dỗ cả nhóm tại Birmingham tên là Birmingham Open Media, sống tại một tòa nhà cũ đang được lật tung lên để cải tạo lại. Đáng nói hơn, vị trí mà họ đang thuê để làm “mái nhà chung cho sáng tạo”, lại đối diện một quán bar khiêu dâm dành cho người lớn. “Bởi vậy nên giá thuê mới rẻ” – Karen Newman, giám đốc của BOM nói. Karen là một nhà thẩm định nghệ thuật khá tiếng tăm, quan điểm của chị khá lạ so với mọi người: nghệ thuật cần có sự kết hợp với khoa học và công nghệ. “Nhiều người nghĩ rằng nghệ sĩ và khoa học gia không thể làm việc chung với nhau. Điều này không đúng. Tôi tin rằng nếu có chỗ để họ cùng ngồi lại, uống ly cà phê, trao đổi các hướng quan tâm và khả năng về sáng tạo của mình, rất dễ xuất hiện cơ hội tạo ra thứ gì đó chưa có bao giờ”.

Karen tin như vậy và bắt tay vào dựng một không gian như vậy. Chị và ba cộng sự của mình, toàn là phụ nữ, thuê cái nhà rách nát, tự sơn các bức tường, đi thu mua bàn ghế cũ và bò ra tháo hết mớ kẹo cao su dính đầy dưới ghế. Rồi họ nghĩ rằng liệu quán cà phê sáng tạo có thể yên tĩnh hơn một chút so với thế giới bên ngoài không? Họ làm những cái bọc ly bằng mây tre để việc đặt cái ly xuống bàn không làm người khác xao lãng. Họ đi tìm mua cái máy làm cà phê ép bằng tay để không gây ra tiếng ồn… Họ tự làm hết, để biến không gian của mình “đáng ghé chơi”. Và sau ba năm, mọi người ghé ngày càng nhiều. Một chuyên gia về thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR – AR) ngồi với một nghệ sĩ làm nghệ thuật sắp đặt, thế là vài tháng sau có một triển lãm sắp đặt thông qua công cụ thực tế ảo được mang đi vòng quanh thế giới. Họ để nhóm làm phim ngồi cùng nhóm làm nhạc, thế là có một công ty mới ra đời làm công cụ chỉnh nhạc phối hợp giữa âm thanh, ánh sáng, các chuyển động của người nhảy làm thay đổi hình ảnh của màn chiếu…

Karen gặp khó khăn không ít về tài chính. Phải bán cà phê, phải xin tài trợ, phải làm các dự án khác nhau để kiếm tiền nuôi không gian của mình. Nhưng cô tin rằng: “Công cụ nghệ thuật có thể kết hợp thêm với nhiều thứ khác, làm thay đổi cách chúng ta làm giáo dục, y tế và thay đổi cuộc sống của con người đang ngày một khô cứng đi”.

Bản đồ sáng tạo

Ngày cuối ở thành phố Manchester, chúng tôi gặp Neil Harris, giám đốc đối ngoại của Hội đồng Nghệ thuật Anh quốc. Anh bảo, sứ mệnh của hội đồng này rất đơn giản nhưng cũng rất khó khăn: Làm sao để mọi người đều có cơ hội được tiếp cận với nghệ thuật, thông qua bảo tàng, thư viện, phòng triển lãm. “Các không gian sáng tạo chính là những cầu nối quan trọng để thực hiện sứ mệnh này của chúng tôi”. Neil chia sẻ về một tài liệu quan trọng mang tên “Sách trắng về văn hóa” của chính phủ đã công bố, định hướng dài hạn về cách mà nước Anh, cùng với các quốc gia có kết nối của mình mang sự sáng tạo đến cho cuộc sống.

Tôi lật xem vài trang của tập sách này, và thấy một khoản chi phí khá lớn, được dành cho việc “cứu” các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật và các không gian sáng tạo ở các quốc gia đang có nguy cơ bị tàn phá do tốc độ phát triển của bất động sản, tài chính và những xung đột quyền lợi khác nhau.

Neil bận lắm nên ghé chút rồi đi, không quên dặn: “Cứ thoải mái gõ cửa các không gian sáng tạo ở đây, mọi người sẽ vui lắm!”. Và vui thật, như cách mà anh chàng Nicholas Chaffe, một họa sĩ đồ họa về kiểu chữ, ôm cả một thùng danh thiếp đủ các màu của mình ra và bảo mọi người tự chọn màu yêu thích đi. Như cách mà họa sĩ vẽ màu nước và làm văn phòng phẩm Laura Jane Boast ôm con chó ra mời khách vào tham quan, và bảo mọi người ghi tên mình vào bản đồ sáng tạo mà cô đang cất giữ…

Trần Bung

Tags