Lướt sóng chắc chắn là cụm từ hay để mô tả thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Mỗi ngày lại có một nhà báo mới khám phá về hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động của Việt Nam. Tiêu đề trong một bài viết gần đây về Bối cảnh khởi nghiệp Việt Nam từ kẻ đến sau trở thành người dẫn đầu trong khu vực (xuất bản trên saigonneer.com) tóm tắt chính xác sự thay đổi phi thường này. Sự tăng trưởng nhanh chóng trong 3 – 5 năm qua có thể xuất phát từ nhiều yếu tố: sự ổn định của chính quyền, nền kinh tế và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, chính sách mở cửa cho đầu tư nước ngoài, và lực lượng dân số trẻ dồi dào được giáo dục tốt.
Phần lớn hoạt động khởi nghiệp vẫn tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và Hà Nội, nhưng không chỉ giới hạn ở đây. Đà Nẵng, thành phố lớn thứ 3 Việt Nam nằm trên bờ biển giữa Hà Nội và TP HCM, đang trải qua một làn sóng khởi nghiệp tương tự.
Tương tự ở nhiều nước trên thế giới, hệ sinh thái sẽ phát triển thành các ngách thị trường và Việt Nam sẽ trải qua những làn sóng đổi mới và đầu tư liên tiếp. Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở Việt Nam sẽ là những người tận dụng được các cơ hội và lợi thế của Việt Nam, cho dù bán sản phẩm của họ ở trong nước hay nước ngoài.
Alan El-Kadhi hỗ trợ các start-up trong các buổi gặp mặt tại DNES
Thách thức đối với khởi nghiệp Đà Nẵng cũng là thách thức chung đối với tất cả các thành phố cấp 2: số lượng doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm ít hơn, lại chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Bất chấp những thách thức này, Đà Nẵng đang phát triển mạnh và nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp. Các nhà khởi nghiệp bị thu hút bởi lối sống Đà Nẵng, cùng với đội ngũ công nghệ tài năng và các trường đại học đào tạo đội ngũ nhân lực trẻ có học thức và đầy tham vọng. Trước khi làn sóng khởi nghiệp tràn vào, Đà Nẵng đã là một trung tâm gia công công nghệ trong nhiều năm, chủ yếu phát triển phần mềm và BPO (gia công quy trình kinh doanh) với phần lớn khách hàng là người Nhật. Việc đáp ứng yêu cầu chất lượng khắt khe của Nhật Bản đã giúp Đà Nẵng xây dựng đội ngũ có tiêu chuẩn cao và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, những người hiện đang tạo ra sản phẩm của chính mình để bán ra thị trường Việt Nam và nước ngoài.
Alan El-Kadhi hỗ trợ các start-up trong các buổi gặp mặt tại DNES
Mô hình gia công tại Đà Nẵng đang phát triển lên từ việc cung cấp các dịch vụ chi phí thấp và điều này đang tạo ra cơ hội phong phú cho khởi nghiệp. Ngày nay, nhiều công ty mới thành lập được tích hợp vào một doanh nghiệp ở nước ngoài và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị / doanh thu, với bộ phận kinh doanh và marketing đóng ở nước sở tại (ví dụ Úc, Mỹ, Nhật Bản, v.v.) và bộ phận thiết kế và phát triển sản phẩm tại Đà Nẵng. Ví dụ, Love Pop là một startup có doanh thu hàng năm 30 triệu đô la bắt đầu ở Đà Nẵng chỉ 5 năm trước, sản xuất thiệp 3D để bán cho thị trường Mỹ. Ban đầu, các hoạt động thiết kế đồ họa có giá trị cao đều được đặt tại Hoa Kỳ, trong khi nhà xưởng tại Đà Nẵng dành cho hoạt động sản xuất với chi phí thấp. Ngày nay, hoạt động thiết kế của Love Pop đã được thực hiện bởi một đội ngũ nhân sự lớn người Việt Nam ngay tại Đà Nẵng.
Đề xuất: Đối với các start-up ở thị trường nước ngoài, hãy xem xét thành lập đội ngũ công nghệ của bạn tại Đà Nẵng để xây dựng MVP và liên tục phát triển sản phẩm, đồng thời duy trì hoạt động tiếp thị và bán hàng tại thị trường mục tiêu.
Nhiều doanh nhân có kinh nghiệm đang lấy ý tưởng từ nước ngoài và nhân rộng / điều chỉnh cho phù hợp với thị trường Việt Nam. Những start-up này đang xây dựng một giải pháp địa phương cho thị trường Việt Nam, hoặc tìm một sản phẩm tốt ở nước ngoài và sau đó nội địa hóa nó để bán vào thị trường này.
Một ví dụ điển hình cho xu hướng đầu tiên là Easysalon, một công ty khởi nghiệp tại Đà Nẵng bán giải pháp phần mềm ERP đã được địa phương hoá cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp / làm tóc. Họ nhận thấy rằng tại các thị trường phát triển ở nước ngoài, chẳng hạn như Úc, các hệ thống ERP đã được hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ áp dụng trong 20 năm qua. Ở Việt Nam, đây vẫn là một thị trường chưa được khai thác. Hàng chục ngàn công ty vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn đang sử dụng các hệ thống quản lý bằng giấy và bảng tính. Easysalon đã tận dụng cơ hội này và bán giải pháp phần mềm dịch vụ ERP của họ cho thị trường 100.000 tiệm làm tóc / làm đẹp, trong đó 80% thậm chí chưa sử dụng thiết bị đầu cuối POS. Easysalon đặt mục tiêu ký hợp đồng với 2.000 tiệm trong 12 tháng và 20.000 tiệm trong ba năm tới. Đây có thể không phải là một công ty khởi nghiệp kỳ lân, nhưng lại có tiềm năng thành công lớn ở Việt Nam và các nước xung quanh.
Tương tự trường hợp trên là AI Fuel, một start-up tạo và bán dữ liệu “được gắn nhãn” có giá trị cao cho các khách hàng quốc tế để đào tạo mô hình AI. Đây đã là một thị trường đông đúc và cạnh tranh ở nước ngoài. Nhưng nhu cầu toàn cầu đối với dữ liệu được dán nhãn đang không ngừng tăng lên. Và AIFuel đã xác định được cách để họ có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế về giá cả, chất lượng và tốc độ bằng cách dùng ứng dụng thu hút hàng chục ngàn người Việt Nam thực hiện các công việc ghi nhãn dữ liệu nhỏ và hợp tác với một công ty BPO hơn 10 năm hoạt động tại Đà Nẵng để cung cấp dữ liệu chất lượng và bảo mật.
Đề xuất: Học hỏi & nhân rộng mô hình từ những thị trường phát triển ở nước ngoài và điều chỉnh lại phù hợp với thị trường Việt Nam. Một start-up thành công không nhất thiết phải là một ý tưởng mới. Có nhiều cơ hội tại Việt Nam cho các giải pháp đã có sẵn ở nước ngoài trong nhiều năm qua (ví dụ: CRM, ERP, BI). Cần xem xét giữa việc xây dựng sản phẩm mới tại Việt Nam, hoặc hợp tác với nhà cung cấp ở nước ngoài và nội địa hóa cho thị trường Việt Nam.
Ở Úc, nhiều công ty khởi nghiệp được tạo ra để thương mại hóa một lĩnh vực nghiên cứu học thuật cụ thể được phát triển bởi một trường đại học Úc. Các công ty khởi nghiệp ở Đà Nẵng có thể áp dụng mô hình tương tự và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu từ các trường đại học địa phương. Tuy nhiên, các trường đại học ở Đà Nẵng (và Việt Nam nói chung) nhìn chung còn non trẻ hơn nhiều so với ở Úc, dẫn đến số lượng nghiên cứu có thể thương mại hóa còn hạn chế. Vì vậy, một phương án thay thế cho khởi nghiệp Việt Nam là hợp tác với các trung tâm nghiên cứu của Úc và thương mại hóa các nghiên cứu tại đây vào thị trường Việt Nam. Việc hợp tác nghiên cứu này đã được xác nhận trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Thủ tướng Úc, nơi hai quốc gia đã đồng ý xây dựng mối quan hệ hợp tác tri thức và đổi mới. Một ví dụ thực tế cho tiềm năng hợp tác này là chương trình Aus4Innovation từ CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung), cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia Úc.
Aus4Innovation là một chương trình trị giá 10 triệu đô la Úc nhằm tăng cường hệ thống đổi mới của Việt Nam, chuẩn bị và nắm bắt các cơ hội liên quan đến Công nghiệp 4.0 và giúp hình thành chương trình nghị sự đổi mới của Việt Nam về khoa học và công nghệ. Úc và Việt Nam sẽ khám phá các lĩnh vực mới nổi về chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật số, thử nghiệm các mô hình mới cho quan hệ đối tác giữa các tổ chức công và tư nhân, và tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc dự báo tầm nhìn xa, lập kế hoạch kịch bản, chính sách thương mại hóa và đổi mới. Các công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể tham gia các chương trình này bằng cách hợp tác với các đội ngũ ở Úc để áp dụng những đổi mới của Úc vào môi trường Việt Nam.
Ngược lại, để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phát triển trên phạm vi quốc tế, gần đây, DNES đã bắt đầu hợp tác với iAccelates, một cơ sở ươm tạo và tăng tốc hàng đầu của Úc tại New South Wales. Mục đích của hợp tác này là hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp mở rộng sang các thị trường của nhau một cách thuận lợi. DNES và iAccelates sẽ cung cấp cho các start-up mỗi bên quyền tham gia vào các không gian làm việc trong nước, hướng dẫn quy định, kiến thức thị trường chung và giới thiệu kết nối với các đối tác, khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng. DNES đang trong quá trình mở rộng mô hình này bằng cách hợp tác với nhiều cơ sở ươm tạo và tăng tốc quốc tế.
iAccelates, một cơ sở ươm tạo và tăng tốc hàng đầu của Úc tại New South Wales
Đề xuất: Nếu bạn có kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế, hãy cân nhắc sử dụng quan hệ đối tác với các cơ sở ươm tạo ở nước ngoài, chẳng hạn như iAccelates ở Úc
Ghi chú: Alan El-Kadhi là EIR (Chuyên gia) tại DNES, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, kể từ tháng 3 năm 2019 thông qua Chương trình Tình nguyện viên Úc, được Chính phủ Úc hỗ trợ. Trước khi nhận nhiệm vụ tình nguyện này, Alan đã có nhiều năm kinh nghiệm trong
phát triển kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và các công ty phần mềm toàn cầu ở Anh, Mỹ và Úc, và trong lĩnh vực chuyển nhượng công nghệ và đầu tư mạo hiểm ở các trường đại học Úc.