Hội nghị & Triển lãm khởi nghiệp quốc tế SURF 2018 lấy chủ đề là STARTUP CAPITALS – Các nguồn vốn của khởi nghiệp xoay quanh năm trụ cột chính để làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của cộng đồng khởi nghiệp bên bờ biển.
“Thiếu vốn” – đó là câu cửa miệng của tất cả các startup trên đời. Nhà đầu tư đưa tiền, thì lời than vãn ngay lập tức chuyển thành “Thiếu người”. Tuyển dụng xong xuôi, đến đoạn “Thiếu công nghệ”. Xử lý xong, thế nào cũng đến đoạn “Thiếu sự sẵn sàng của thị trường”. Mà cho dù xong đoạn này, thì cũng có đoạn “Thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng”. Bởi vậy, ngay từ đầu, có lẽ mỗi người trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần “bày trận” cho đầy đủ năm nguồn vốn quan trọng này để có thể “yên tâm mà khởi nghiệp”.
Vốn – thường được hiểu theo nghĩa “tiền và các thứ tương đương tiền”. Tuy nhiên, “vốn liếng” để khởi nghiệp bền vững không chỉ có vậy, mà cần có thêm vốn con người, vốn bản địa, vốn kỹ thuật và đặc biệt là vốn xã hội. Do đó, chữ “vốn” mà chúng tôi đề cập ở đây, theo định nghĩa mới của các nhà nghiên cứu kinh tế: là một đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh, có thể tích lũy được và có thể có thêm thu hoạch trong tương lai. Đặc biệt hơn, các nguồn vốn này có thể chuyển hóa thành những loại nguồn lực khác, vốn khác.
Bởi vậy, câu chuyện của SURF 2018 như là một nỗ lực để khởi động và chia sẻ những góc nhìn khác nhau, tạo dựng một không gian để các dự án khởi nghiệp và những đầu mối nắm giữ các nguồn vốn này gặp gỡ, kết nối và từng bước hình thành những nền tảng để có thể khởi nghiệp
bền vững.
Ông Trần Vũ Nguyên – CEO DNES – dẫn mở đầu khai mạc SURF 2018
1. Vốn Tài Chính (Financial Capital)
Đầu tư cho khởi nghiệp dạng “thiên thần” hay “mạo hiểm” là điều còn mới mẻ ở Đà Nẵng cách đây vài năm. Sau nhiều nỗ lực, đã hình thành một quỹ đầu tư thiên thần nho nhỏ là Quỹ Cá Chuồn – Flying Fish Investment, cũng như những nhóm đầu tư khởi nghiệp thuộc các công ty hay các nhà đầu tư cá nhân đang ngày càng đông hơn. Chuẩn bị cho SURF, một cuộc “cà phê angels” với sự hỗ trợ của chương trình SWISS EP cũng đã được thực hiện, để mọi người ngồi với nhau và trao đổi xoay quanh đề tài: “Làm thế nào để đầu tư tiền cho khởi nghiệp một cách hiệu quả?”.
“Làm thế nào”, chứ không phải “ở đâu”, điều đó có nghĩa là tiền vẫn có, mong muốn “xuống tiền” để đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng có. Chỉ là làm sao để định giá một công ty khởi nghiệp và đo lường được những rủi ro trong việc đầu tư này.
Vậy vấn đề quan trọng nhất, là làm sao chuẩn bị, sẵn sàng và biết cách làm việc với nhà đầu tư. SURF 2018 góp phần để giải bài toán này thông qua 4 hoạt động: Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Israel với chủ đề: Gọi vốn đầu tư cho khởi nghiệp. Startup pitching competition: Cuộc thi thuyết trình dự án khởi nghiệp và là cơ hội để tỏa sáng trước cộng đồng. Buổi giao lưu “một đối một” giữa nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư. Thêm nữa là khu vực triển lãm – nơi tiếp thị trực quan các sản phẩm, dịch vụ của từng dự án.
Tất nhiên, như giới tài chính Mỹ có câu “Không có bữa trưa nào miễn phí”, việc tiếp cận và gọi vốn thành công là điều không đơn giản mà nó đòi hỏi sự chuẩn bị đầy đủ, chuyên nghiệp và phải đầu tư cho bản thân mình một cách bài bản trước khi muốn lấy tiền của người khác.
2. Vốn Nhân Sự (Human Capital)
Gần ba năm tham gia với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, điều quan trọng mà Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) rút ra được là chuyện “con người” phải là yếu tố mang quyết định sống còn đối với một dự án khởi nghiệp. Ngay từ đầu, DNES chủ trương lựa chọn các dự án ươm tạo dựa vào mức độ cam kết của đội ngũ sáng lập dự án. Hai trong số những bài học quan trọng mà chúng tôi học được từ Quốc gia Khởi nghiệp Israel: không ai khởi nghiệp một mình – phải luôn có đội ngũ, và khởi nghiệp không phải là một cuộc dạo chơi mà nó phải là một cuộc dấn thân, cam kết và dành trọn thời gian, tâm huyết.
Đất miền Trung là đất học, con người nổi tiếng cần cù và chịu thương chịu khó. Nhưng dải đất nghèo này phải chịu nắng, gió và bão lũ nên văn hóa “mạo hiểm” chưa vượt qua được rào cản “ăn chắc mặc bền”. Làm thế nào để nguồn vốn con người được phát huy tốt nhất, đặc biệt là từ hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố luôn là một trăn trở. SURF được hình thành cũng từ yếu tố này với mong muốn tạo ra những làn gió mới, kéo theo những luồng chảy mới về nhân tài từ nhiều nơi khác nhau tề tựu về Đà Nẵng để làm dày thêm vốn nhân sự nơi đây.
Bởi vậy tại SURF, luôn có hai nội dung quan trọng: không gian của các trường đại học để giới thiệu về những nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực của Đà Nẵng chuẩn bị cho khởi nghiệp và không gian để các nhà đồng sáng lập, các nhân sự gặp nhau.
3. Vốn Công Nghệ (Technology Capital)
Công nghệ chính là thứ tạo ra sự khác biệt, sự đột phá cho các dự án khởi nghiệp. Nếu không có công nghệ thì dự án khởi nghiệp sẽ đi theo một mô hình kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, sự hiểu lầm thường gặp là phải cứ công nghệ thông tin hoặc kỹ thuật cao mới là công nghệ. Không hẳn như vậy. Vốn công nghệ, chính là “năng lực chuyên môn” mà một nhà sáng lập khởi nghiệp nắm giữ, hoặc tập thể này nắm giữ để có thể biến thành năng lực cạnh tranh của mình.
Ở SURF, chúng ta sẽ cùng gặp gỡ những nhân vật dẫn đầu hoặc đang tạo ra xu hướng về công nghệ để cùng trò chuyện về những nền tảng công nghệ mới trên thế giới. Một mô hình mà SURF mong muốn hướng tới, gọi là “deep tech”, tức là sự kết hợp của nhiều nền tảng công nghệ khác nhau để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ sự phát triển của xã hội.
Một trong những điểm nhấn của SURF là triển lãm thành tựu đổi mới sáng tạo của Israel – quốc gia khởi nghiệp. Triển lãm này nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel. Nền tảng mà khởi nghiệp Israel tựa vào chính là sự kết hợp giữa sức mạnh công nghệ, lực lượng nhân tài dồi dào và một yếu tố quan trọng: vốn công nghệ được tích lũy từ nhiều năm dài đem các trung tâm nghiên cứu phát triển R&D của các tập đoàn toàn cầu về dựng trụ sở tại Tel Aviv, thủ đô của Israel.
4. Vốn Bản Địa (Local Capital)
Điểm vui và có phần thu hút của SURF năm nay là đêm chung kết lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 sẽ diễn ra chỉ một ngày sau SURF. Những ai đã một lần tham dự chương trình này sẽ hiểu rằng sự kết hợp giữa ánh sáng, âm nhạc và không gian lung linh của sông Hàn là một sự hòa quyện tuyệt diệu. Đà Nẵng sở hữu một nguồn vốn bản địa phong phú như thế. Không chỉ là lễ hội pháo hoa mà còn là lễ hội thể thao biển châu Á, chương trình thách thức ba môn thể thao bơi biển, đạp xe và chạy marathon lớn nhất khu vực hay hàng loạt các lễ hội thể thao khác diễn ra quanh năm…
Vốn bản địa, chính là những gì mà vùng đất nơi khai sinh của dự án khởi nghiệp có thể giúp nâng đỡ cho sự phát triển bền vững của dự án đó. Đà Nẵng, vốn là đất mới trên hành trình mở cõi của ông cha, nên mang trong mình “bộ gene” đổi mới, cách tân và khoáng đạt. Vốn bản địa, còn là những sản vật địa phương, những nền tảng của văn hóa ngàn xưa tích tụ lại để có thể phát huy thành lợi thế cạnh tranh của vùng đất.
Đến SURF, để nghe những câu chuyện mới về khởi nghiệp với nền tảng du lịch thông minh, khởi nghiệp với nông nghiệp đô thị hay đơn giản hơn, để hiểu mô hình “trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển” – innovation hub by the sea mà cộng đồng nơi đây đang từng bước xây dựng để vốn bản địa của biển miền Trung không mất đi mà ngày càng được mở rộng hơn.
5. Vốn Xã Hội (Social Capital)
Vốn xã hội được định nghĩa bằng sự tin cẩn giữa những người cùng một cộng đồng, sự tuân thủ lề thói, phong tục của cộng đồng ấy mà không cần pháp luật cưỡng chế hoặc vì hấp lực của vật chất. Nói chung, đó là mạng lưới xã hội có những ảnh hưởng tốt đối với sự hình thành và phát triển của một cá nhân, một tổ chức.
Trong quá trình học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp tại Mỹ do Bộ Ngoại giao nước này tổ chức, người viết bài học được một điều mang tính cốt lõi của vấn đề: khởi nghiệp cần có cộng đồng để chia sẻ và lớn lên cùng nhau, và cần theo kịp trào lưu, xu hướng phát triển của ngành thì mới tạo ra tác động lớn và có nhà đầu tư. Bởi vậy, SURF là một trong những nỗ lực để xây dựng và “gia cố” cho nền tảng vốn xã hội của cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng.
Chúng tôi hay gọi vui, SURF là “đại hội võ lâm bên bên bờ biển của giới khởi nghiệp”, lý do chính là tạo ra một “cuộc hẹn hò” bên biển mỗi năm, để mọi người có cớ mà về chơi với nhau, chia sẻ với nhau, làm việc với nhau và làm giàu hơn phần vốn xã hội của mỗi người và của chung cả cộng đồng.
Trần Nguyên – CEO, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng
*Bài viết được trích trong tập san Cá Chuồn – Innovation Hub By The Sea số 3