1. Những câu chuyện về không gian sáng tạo

Dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam 2018-2021 do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ có 03 mục tiêu (xây dựng thành 03 hợp phần) nhằm giúp các Không gian sáng tạo (KGVHST) tham gia chương trình:

  • Nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và kết nối công chúng của người chủ và người quản lý không gian.
  • Kết nối các KGVHST với các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tăng cường đối thoại chính sách nhằm giúp các Không gian đóng góp hiệu quả cho phát triển văn hóa quốc gia.
  • Thúc đẩy giao lưu, kết nối, học tập nhau giữa các KGVHST tại Việt Nam và với các KGVHST tương tự ở Châu Âu.

Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES được chọn cùng với 05 KGVHST khác tham gia chương trình từ năm 2018. Những ngày cuối tháng 9/2019 vừa qua, 06 KGVHST đã có một chuyến đi giao lưu và nghiên cứu các KGVHST tại hai quốc gia Châu Âu đi đầu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo (CNST) là Vương quốc Anh và Vương quốc Bỉ. Quá nhiều ấn tượng đã đến với chúng tôi. Những kinh nghiệm hay từ các KGVHST đã được các bạn giới thiệu tận tình cho đoàn. Tôi chỉ nêu ở đây vài nhận xét ban đầu về 2 mô hình không gian sáng tạo rất thú vị mà tôi đã trải nghiệm trong đợt nghiên cứu:

Hình 1. Đoàn Không gian Văn hóa Sáng tạo (KGVHST) Việt Nam đã có một cuộc gặp gỡ đầy thú vị tại Liverpool

Vườn ươm COCKPIT ART là không gian ươm mầm kinh doanh hàng đầu cho các doanh nhân sáng tạo trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở thủ đô Luân Đôn. Đây là không gian khá rộng, được sửa chữa lại lại từ một nhà máy dệt cũ, có thể tiếp nhận ươm tạo đến 170 startup – mà hầu hết là do một hoặc hai người thành lập và hoạt động. Cockpit Art kết hợp cung cấp nơi làm việc và chuyên gia giúp huấn luyện kinh doanh cho các startup. Nhờ vậy nhiều startup đã khởi nghiệp và phát triển thành công ở Anh và quốc tế từ không gian sáng tạo này. Chương trình tác động năm 2019 hiện có 143 doanh nghiệp tham gia (trong đó doanh nghiệp kim hoàn là 33%, may mặc 21%, gốm sứ 11%, da 10%..) với giá trị làm ra năm 2019 là 7 triệu bảng, đem lại giá trị tăng thêm là 3 triệu bảng Anh, đạt mức tăng trưởng 64% so với 2018. Có 58% sản phẩm làm ra được xuất khẩu cả năm sang Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Trong năm, Vườn ươm đã tổ chức 91 workshop, 600 cuộc huấn luyện, có 47 đối tác tham gia hỗ trợ cho tổng số người lên đên 935. Điều đặc biệt là các startup tham gia vào KGST này chỉ trả phí rất rẻ nhờ có sự tài trợ từ chính quyền và các DN đi trước, thậm chí có những chương trình được các DN tài trợ 100% phí cho các startup.

Mô hình này đã nói lên chính sách ưu tiên phát triển và tài trợ của chính quyền đối với lĩnh vực văn hóa sáng tạo là rất quan trọng, đặc biệt là những ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Hình 2. Đoàn sáu không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST) Việt Nam đã có chuyến làm việc tại Anh và Bỉ

Baltic Creative (B.C) là Không gian văn hóa sáng tạo ở thành phố Liverpool. Thật ấn tượng với du khách khi được thưởng thức hàng trăm tác phẩm hội họa đường phố độc đáo khi rảo bước trên con đường dẫn vào trung tâm của khu dân cư. Ấn tượng đó đã làm tôi thật sự phấn chấn và vô cùng ngạc nhiên trước những thành quả sáng tạo của B.C trong suốt buổi làm việc. Baltic Creative là một không gian có quy mô rộng lớn, bao gồm nhiều tòa nhà cổ, nhà thờ, công trình thể thao, cơ sở biểu diễn nghệ thuật, không gian làm việc chung, nhà máy sản xuất…Khu vực này được thành phố giao cho Công ty đầu tư xây dựng không gian sáng tạo cách đây 10 năm. Từ một khu vực bị bỏ quên, có nhiều tội phạm, không được chính quyền quan tâm đầu tư, Ban lãnh đạo B.C (ban đầu có đại diện chính quyền thành phố tham gia) đã huy động nhiều nguồn vốn, kể cả vốn vay ngân hàng để sửa chữa, nâng cấp hàng chục tòa nhà cũ bị bỏ hoang nhiều năm thành những “không gian làm việc chung” với diện tích lên đến 118.000 , đã tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 1000 công ty khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ trong và ngoài nước với hơn 3000 việc làm… Trong đó có các không gian làm việc dành riêng cho các DN công nghệ/các DN văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo.

Sau 3 năm hoạt động, các KGVHST đem lại hiệu quả, năm 2012 công ty được chính quyền giao tiếp tục xây dựng không gian sáng tạo mở, bao gồm một khu vực rộng lớn của thành phố. Bây giờ khu vực dân cư này đã trở thành “thủ đô văn hóa – nơi thay đổi phong cách sống”, với hơn 3000 người dân đang sinh sống (có 1000 doanh nhân đến làm việc), có trường quay dành cho nghệ thuật, đang triển khai làm ga tàu điện, đang quy hoạch mở rộng hơn không gian sáng tạo, đang cập nhật tuyên ngôn về tầm nhìn 10 năm đến… Công ty hiện kinh doanh hiệu quả, đang kêu gọi thêm vốn để đầu tư phát triển thành phố theo quy hoạch mới. Mục tiêu chính cho 5 – 10 năm đến của Baltic là: (i) Phát triển hoạt động văn hóa, nghệ thuật; (ii) Tổ chức nhiều sự kiện; (iii) Đầu tư phát triển hạ tầng cho khu vực; (iv) Kinh doanh bất động sản (xây dựng các KGVHST thương mại). Theo tôi, đây là một mô hình rất mới của bạn trong xây dựng KGVHST, có thể mở ra một gợi ý hay cho Việt Nam trong phát triển các KGVHST và công nghiệp sáng tạo sau này.

2. Công nghiệp sáng tạo là gì?

Có nhiều khái niệm về công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên thế giới theo những hướng tiếp cận khác nhau

  • UNESCO định nghĩa ngành công nghiệp văn hóa (culture industry) là “khối ngành của các hoạt động được tổ chức với nguyên lý là sự sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối và/hoặc thương mại hóa của sản phẩm, dịch vụ và hoạt động có tính chất văn hóa, nghệ thuật hoặc liên quan tới di sản”. Hướng tiếp cận này không chỉ tập trung vào các sản phẩm công nghiệp làm ra từ sức sáng tạo của con người, nó còn chỉ ra tầm quan trọng của toàn bộ chuỗi sản xuất cũng như từng chức năng của từng ngành trong việc mang những sản phẩm này tới công chúng. Bởi vậy, định nghĩa này cũng bao hàm những hoạt động khác có liên quan, ví dụ như quảng cáo, thiết kế đồ họa, dịch vụ phần mềm… Đây cũng chính là cơ sở để nhiều nhà nghiên cứu dùng 02 thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” và “công nghiệp sáng tạo” giống nhau, thay thế cho nhau.
  • Bộ Văn hóa, Truyền thông và thể thao Vương quốc Anh định nghĩa công nghiệp sáng tạo (creative industry) “là những ngành công nghiệp bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng cá nhân, những ngành công nghiệp có tiềm năng tạo ra sự giàu có và việc làm thông qua sự hình thành và khai thác tài sản trí tuệ” (Báo cáo về các ngành CNST 2001). Ở Anh, có 13 lĩnh vực thuộc công nghiệp sáng tạo: nghệ thuật bác học và nghệ thuật ứng dụng, thiết kế, khiêu vũ và giải trí, quảng cáo, xuất bản, truyền thông, kiến trúc, phần mềm giải trí, thời trang.

Còn theo UNCTAD (Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển) thì, các ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm: Di sản văn hóa (các biểu hiện văn hóa truyền thống); nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn; các ngành công nghiệp nghe nhìn; xuất bản, in ấn và truyền thông; truyền thông mới; thiết kế; các dịch vụ sáng tạo (kiến trúc, quảng cáo…)
Thực ra, khi tìm hiểu kỹ các khái niệm công nghiệp sáng tạo (CNST) và công nghiệp văn hóa (CNVH), thì hai khái niệm này ở Việt Nam không đồng nghĩa, đồng nhất cả về ngữ nghĩa và nội hàm. Nội hàm, nội dung của hai khu vực công nghiệp này không hoàn toàn giống nhau, trùng hợp nhau. Xét trong 13 lĩnh vực của khu vực CNVH – sáng tạo ở Vương quốc Anh, ít nhất có 5/13 lĩnh vực (kiến trúc, tạo dáng công nghiệp, xuất bản báo chí, truyền hình, phát thanh, dịch vụ phần mềm và máy tính) không thuộc ngành văn hóa (theo thực tế ở Việt Nam).

Vì vậy rất khó để phân biệt rạch ròi hai khái niệm CNVH và CNST do cách sử dụng, áp dụng khác nhau ở mỗi nước. Có thể nói, CNST được phát triển dựa trên nền tảng CNVH, nhưng không bị giới hạn, bó buộc bởi văn hóa. Cả hai ngành đều vận dụng đến trí tuệ, tính sáng tạo của con người, nên đều thuộc “nền kinh tế sáng tạo” (creative economy); kinh tế sáng tạo kết hợp ba yếu tố kinh tế, văn hóa và tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ ràng nhất của hàng hóa, dịch vụ văn hóa đó là nó mang những giá trị, đặc trưng văn hóa mà người ta không thể định lượng bằng tiền bạc, của cải được. Nhiều sản phẩm văn hóa mang tính biểu trưng cho một cộng đồng, một đất nước. Trong khi, sản phẩm sáng tạo mang lại những lợi ích hữu dụng cho cuộc sống nhiều hơn. Phát triển CNVH không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy và duy trì sự đa dạng văn hóa và tăng cường dân chủ trong việc tiếp cận văn hóa. Nhưng để đạt được cả hai mục tiêu đó, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những quyết sách đúng đắn, nhằm cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và duy trì, bảo tồn giá trị văn hóa.

Ở đây chúng ta tạm thời chấp nhận hai khái niệm CNST và CNVH phụ thuộc lẫn nhau và có thể thay thế cho nhau. Và tùy thuộc người ta muốn nhấn mạnh về khía cạnh nào hơn: giá trị kinh tế hay giá trị văn hóa khi gọi tên của chúng.

3. Vai trò và tầm quan trọng của các ngành công nghiệp sáng tạo đối với nền kinh tế

Ngày nay, sáng tạo được coi là nguồn lực chính của nền kinh tế tri thức, nói cách khác “sáng tạo” là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế và CNST giữ vai trò chủ đạo trong của nền kinh tế này.LHQ đã khẳng định nền kinh tế sáng tạo là lựa chọn khả thi đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh kinh tế – xã hội đang biến đổi nhanh chóng. Thực tế, ngay cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng mang tới những cơ hội tốt cho nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển năng động có thể thử nghiệm các lựa chọn mới, đường lối kinh tế mới và tạo ra được các bước nhảy vọt.

Mặt khác, về mặt văn hóa, CNST là công cụ quan trọng cho việc hình thành và duy trì quyền lực mềm của quốc gia, tạo ra thương hiệu quốc gia được thế giới công nhận (ví dụ như phim võ thuật Hồng Kông, phim tình cảm và mỹ phẩm Hàn quốc; sản phẩm công nghệ “Made in Japan”..)

Công nghiệp sáng tạo đã bắt đầu từ Vương quốc Anh từ giữa những năm 90 thế kỷ trước, là động lực để hồi phục nền kinh tế và tiếp tục phát triển nền kinh tế trong những năm gần đây. Theo Bộ Văn hóa, truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh vào thời điểm tháng 1/2016, nền CNST là một trong những ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế, tạo ra 2,8 triệu việc làm và đóng góp gần 120 tỷ hàng năm cho thu nhập quốc dân; tốc độ tăng trưởng hàng năm tăng gấp 2 lần so với các ngành công nghiệp khác.

Hoa Kỳ được coi là quốc gia có vị trí hàng đầu về CNST trên thế giới. NĂm 2014, CNST của họ có hơn 750.500 doanh nghiệp, thu hút 3,1 triệu lao động, giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật đạt 72 tỷ USD…

Theo số liệu của UNCTAD năm 2008, CNST đóng góp vào GDP các nước từ 3,5% đến 11% (Hoa Kỳ:11,12%, các nước Singapore, Hungary, Nga: 6 – 7%); giá trị thương mại của hàng hóa, dịch vụ sáng tạo trên thế giới năm 2010 đạt 900 tỷ USD. Riêng tại Châu Âu, ngành CNST đóng góp 3% cho GDP, 10% kim ngạch XNK và tạo ra 6 triệu việc làm. Đặc biệt, tại Hồng Kông 85% thu nhập quốc dân từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo.

Về thương hiệu sáng tạo quốc gia, năm 2016, tạp chí Bloomberg đã bình chọn  Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn quốc là 05 quốc gia dẫn đầu về các ý tưởng sáng tạo trên thế giới.

Hình 3. Hình ảnh trong chuyến làm việc khi tham quan tại Anh và Bỉ

4. Những gợi ý cho Việt Nam

Hiểu được vai trò và sự cần thiết của CNST, Chính phủ đã ban hành QĐ 1755/QĐ-TTg/2016 về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” như là “một phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế quốc gia” và “gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc”.

Chiến lược CNVH đã phân loại các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm những ngành: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi; giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế (thời trang và trang sức, đồ họa nội thất); điện ảnh (và video); xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật (tranh, tượng); nhiếp ảnh và triển lãm (nghệ thuật thị giác); truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Các ngành được định nghĩa trong CNVH của Việt Nam khá rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong ngành CNST của các nước phát triển.

Tuy vậy, theo tôi cần xem xét và nên bổ sung thêm một số lĩnh vực chưa được định nghĩa trong chiến lược là: âm nhạc (nói chung, không chỉ phần biểu diễn); festival (liên hoan phim-nghệ thuật, lễ hội, hội chợ…); không gian sáng tạo (đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung…); ẩm thực; đồ cổ; thể dục-thể thao…

Nền kinh tế và doanh nghiệp nước ta hơn lúc nào hết cần tiếp cận toàn diện nền kinh tế tri thức và đầu tư hiệu quả cho ngành CNST-CNVH phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới. Cần đưa CNST trở thành một động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau đây có thể là những chính sách trước mắt và lâu dài:

  • Hoàn thiện Chiến lược CNVH với các chính sách toàn diện hơn. Cần xác định CNVH là một mục tiêu chiến lược quan trọng trong xây dựng đất nước, nhằm tạo ra động lực phát triển mới của nền kinh tế , cũng như bảo tồn và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam.Cần có các nghiên cứu sâu, gắn với thực tiễn Việt Nam để đưa ra các khuyến nghị cho các cơ quan hoạch định chính sách.
  • Có cơ chế, chính sáchtạo môi trường sáng tạo thông thoáng cho CNST, CNVH, cho nghệ sĩ, người làm nghệ thuật, tổ chức, doanh nghiệp làm CNVH được phát triển.Đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, vay vốn, xã hội hóa…; và chính sách đầu tư tài nguyên, vốn liếng thỏa đáng cho xây dựng hạ tầng các ngành văn hóa, nghệ thuật làm nền tảng cho CNST có cơ hội phát triển.
  • Quan trọng nhất vẫn là chính sách thu hút và đào tạo nhân tài trong văn hóa, nghệ thuật. Sáng tạo xuất phát từ con người, những sáng tạo độc đáo luôn đến từ những nhân tài đặc biệt. Để thành người giỏi, người tài phải được đào tạo công phu, bài bản, nhất là những tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chúng ta cần sớm đưa nội dung giảng dạy văn hóa, nghệ thuật vào chương trình phổ thông, đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề, các trường, các chương trình cao đẳng/đại học và sau đại học văn hóa, nghệ thuật.

Tags