TS. Võ Duy Khương*

Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đến nay vẫn còn khá non trẻ, chỉ mới phát triển trong vòng 3 năm qua, từ 2015 đến nay. Nhưng rõ ràng làn sóng khởi nghiệp đã mang lại sức sống mới cho cộng đồng khởi nghiệp và lớp trẻ. Thành công này có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể khẳng định nguyên nhân trực tiếp, đầu tiên là sự ra đời của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng (DSC).

1- Vào cuối năm 2015, Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng (Hội đồng) ra đời, đây là một hội đồng không giống ai và là một sáng kiến rất mới. Theo thông lệ nước ta chỉ khi nào Trung ương thành lập một tổ chức mới thì các địa phương sẽ xây dựng theo mô hình đó ở cấp tỉnh thành, rồi quận huyện. Còn Hội đồng này thì hoàn toàn chưa có tiền lệ, cả trung ương và các địa phương khác đều không có. Nó là kết quả của các nghiên cứu từ các chuyến đi học tập kinh nghiệm các nước, các hội thảo trong nước và quốc tế, thực tế hoạt đông khởi nghiệp của TP HCM và Hà Nội. Hội đồng là một tập hợp gồm một số cơ quan nhà nước (Sở KH-ĐT, Sở KH-CN, Sở Tài chính, Sở TT-TT…), các cơ quan nghiên cứu (Viện nghiên cứu KT-XH, Viện nghiên cứu và đào tạo Việt – Anh…), các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, một số tập đoàn kinh tế, công ty khởi nghiệp thành công, các Vườn ươm, TT ươm tạo, các tổ chức hổ trợ doanh nghiệp (VCCI…), các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông… ban đầu do một lãnh đạo UBND làm chủ tịch.

Hội đồng từ khi thành lập đã thực sự phát huy được chức năng của mình trong hơn 2 năm qua, thu hút, kết nối được nhiều nguồn lực công và tư nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố, đồng thời đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo (QĐ 1219 của UBND TP về Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; QĐ 2698 của UBND TP phê duyệt tổng mặt bằng quy hoach xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500  Không gian làm việc và đào tạo khởi nghiệp ĐN). Xây dựng mối quan hệ hiệu quả với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế, các đại sứ quán (như chương trình MBI của Ngân hàng phát triển châu Á và chính phủ Úc, chương trình IPP của liên chính phủ Việt Nam-Phần Lan, tổ chức Swiss EP của chính phủ Thụy sĩ, các ĐSQ Israel, Ireland, Úc, Phần lan,…)

Để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp với sự có mặt đầy đủ của các thành tố tham gia hoạt động trong thực tế là rất khó khăn. Ở một số quốc gia phát triển, thành tố nhà nước luôn là nhân tố quyết định cho sự hình thành hệ sinh thái, thông qua các chính sách quan trọng hỗ trợ cho khởi nghiệp, từ các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo của chính phủ, từ các gói tài trợ cho khởi nghiệp của ngân sách… Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, các dự án, công ty khởi nghiệp ra đời đã hàng chục năm qua, nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước đã hoạt động khá lâu, không ít quỹ đầu tư mạo hiểm đã vào hoạt đông… Nhưng mãi đến năm 2016, chính phủ mới vào cuộc “phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp” và cho ra đời QĐ 844/TTg của Thủ tướng Chính phủ; vào giữa năm 2017 ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cho đến nay vẫn chưa áp dụng được vì thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn, nhiều luật pháp về đầu tư, đầu tư mạo hiểm chưa được ban hành… Điều đó cho thấy chính phủ và chính quyền các địa phương vào cuộc chậm hơn nhiều so với làn sóng khởi nghiệp sáng tạo đã hoạt đông gần cả chục năm nay. Đó là chưa nói đến những nút thắt sẽ xuất hiện khi áp dụng Luật hỗ trợ DNNVV sắp đến, nhất là vấn đề sử dụng vốn ngân sách, giao đất, thuê đất, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp…Chính những khó khăn, trở ngại đã trói buộc hoạt động khởi nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua và thành phố Đà Nẵng cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, từ khi HĐĐP hoạt động đã có một tổ chức chịu trách nhiệm xâu đầu mối, bàn các giải pháp thực hiện các vấn đề cụ thể, chủ trì triển khai các chủ trương của thành phố về khởi nghiệp có kết quả. Các thành công điển hình có thể kể ra như:

Chương trình hoạt đông khởi nghiệp hàng năm và trung hạn của thành phố đã được các thành tố trong hệ sinh thái thảo luận và đề ra thông qua Hội đồng. Các chủ trương khởi nghiệp không phải của chính quyền, cũng không phải của từng thành tố riêng biệt. Những chủ trương này rất mở, mỗi lĩnh vực, mỗi tổ chức có thể điều chỉnh cho phù hợp với nội dung hoạt động của mình. Ví dụ Hội đồng chủ trì biên soạn và ban hành giáo trình đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo cho đối tượng là thanh niên, sinh viên và những người đang khởi nghiệp, việc áp dụng giáo trình cho đào tạo sinh viên tùy điều kiện các trường đại học, cao đẳng; các vườn ươm, trung tâm ươm tạo có thể tham khảo giáo trình để tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho thanh niên ham muốn khởi nghiệp phù hợp với khả năng của đơn vị mình…

Kết nối nguồn lực là một việc rất quan trọng trong điều kiện khởi nghiệp thành phố còn non trẻ. Hội đồng đã sử dụng các nguồn lực đang có để giúp cho các thành tố trong hệ sinh thái cùng phát triển. Hội đồng đã kết nối có hiệu quả giữa các trường đại học với doanh nghiệp, giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp khởi nghiệp… Điển hình là tạo điều kiện về chủ trương và một phần kinh phí cho Vườn ươm doanh nghiệp (DNES) tổ chức sự kiện khởi nghiệp quốc tế SURF thành công trong 2 năm qua, đã kết nối hàng ngàn bạn trẻ, startup, trường đại học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đại sứ các nước, chính quyền đia phương của nhiều tỉnh, thành trong nước và quốc tế tham gia. Việc tận dụng nguồn lực trong và ngoài nước cũng được khai thác thường xuyên. Ông tỉ phú du lịch người Mỹ Jeff Hoffman lần đầu tiên đến với Surf 2017, đến với Việt Nam không phải vì du lịch Đà Nẵng có tiếng tăm đủ lớn trên thế giới, mà vì tò mò và thú vị khi nghe Giám đốc DNES Trần Bung giới thiệu câu slogan của DNES “Inovation hub by the sea” trong một hội thảo ở Thái Lan.

– Kích hoạt làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ của thành phố là một thành công của Hội đồng. Hội đồng ra đời nhằm tiếp nối thành quả phục hồi nền kinh tế từ Năm doanh nghiệp 2014 – 2015. Khi kinh tế hồi phục đã tạo ra niềm tin của công chúng, họ đã mạnh dạn huy động nguồn vốn đầu tư vào kinh doanh, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời hoặc hoạt động trở lại. Cộng đồng khởi nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ từ đó. Các hiệp hội doanh nghiệp thành phố được củng cố và nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được tổ chức. Hội đồng đã tập hợp được các cơ quan nhà nước, các trường đại học, các doanh nghiệp, các hiệp hội và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối họ lại cùng nhau vì sự phát triển của thành phố. Đặc biệt Quỹ Đầu tư – Phát triển cùng hơn chục doanh nghiệp, doanh nhân hợp tác thành lập Vườn ươm doanh nghiệp, một dự án PPP đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực khởi nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Và cũng từ đây Hội doanh nhân trẻ thành phố chính thức trở thành tổ chức đỡ đầu cho các hoạt động của Vườn ươm, các doanh nghiệp khởi nghiệp…

Các sự kiện khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp, các khóa đào tạo với nhiều quy mô, tập trung hàng trăm doanh nhân, dự án, nhà đầu tư..trong và ngoài nước tham gia đã được Hội đồng chủ trì hoặc phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp, các trường đại học, Viện nghiên cứu tổ chức.

 

Tỷ phú Mỹ Jeff Hoffman trong bài nói chuyện tại SURF 2017. Ảnh: DNES

Những gì cần tiếp tục cho một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh?

Trước hết cần biết nguyên tắc quan trọng nhất của một cộng đồng khởi nghiệp là phải do doanh nhân lãnh đạo và có tầm nhìn dài hạn. Hiện nay HĐĐP được coi như người lãnh đạo của cộng đồng khởi nghiệp, có rất nhiều người tham gia và không ít người không phải doanh nhân đang đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không phải do doanh nhân lãnh đạo, cộng đồng khởi nghiệp thành phố sẽ không phát triển bền vững. Vì sao như vậy? Mặc dù sự đóng góp của chính quyền, trường đại học, nhà đầu tư, nhà tư vấn và đỡ đầu, các tổ chức hỗ trợ, cung cấp dịch vụ… là rất quan trọng nhưng không thể là người lãnh đạo trong dài hạn. Người lãnh đạo cộng đồng khởi nghiệp phải là doanh nhân, nghĩa là những người sáng lập hoặc đồng sáng lập ra các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp. Những doanh nhân này là những người sống và xây dựng doanh nghiệp của mình dài hạn ở thành phố, phát triển cùng nhịp điệu của doanh nghiệp và thành phố, hiểu được lợi ích và nghĩa vụ của mình trong cộng đồng. Sẽ không có những người lãnh đạo cộng đồng ở thành phố mà sống hoặc kinh doanh ở thành phố khác, không hiểu về hơi thở của doanh nghiệp thành phố này.

Nền kinh tế (cũng như các công ty) hoạt động theo chu kỳ: phát triển, đạt đỉnh, sụt giảm, chạm đáy, rồi lại tăng trưởng,…Chu kỳ hoạt động theo những thời gian khác nhau. Nên một cộng đồng khởi nghiệp phải có quan điểm dài hạn. Những người lãnh đạo chính quyền sẽ hứng khởi với tinh thần khởi nghiệp sau một giai đoạn suy giảm kinh tế lớn như vừa qua. Họ sẽ tham gia lãnh đạo cộng đồng  được một số năm tiếp theo trong giai đoạn kinh tế đạt đỉnh cao. Nhưng khi đợt suy giảm của chu kỳ mới diễn ra, họ phải tập trung vào nhiều thứ khác nên sẽ không ưu tiên cho việc lãnh đạo cộng đồng nữa. Chỉ có các doanh nhân làm lãnh đạo và có tầm nhìn dài hạn, có cam kết liên tục phát triển cộng đồng khởi nghiệp, bất kể giai đoạn kinh tế mà thành phố hay đất nước đang trải qua mới nuôi dưỡng và duy trì sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

Đó cũng là bài học sáng giá của Cộng đồng khởi nghiệp Silicon (Mỹ) đã có một hành trình phát triển rất dài – gần 70 năm, bắt đầu từ 1950. Họ luôn tôn trọng nguyên tắc để cho doanh nhân làm lãnh đạo cộng đồng khởi nghiệp. Thung lũng Silicon đã trãi qua những bước tăng trưởng vượt bật và có những lúc gần như tan vỡ, nhưng cộng đồng khởi nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, tăng trưởng và mở rộng theo thời gian./.  

 

Cố vấn Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC), Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES)