WEB3 BUILDERS’ SUMMIT: DA NANG”- HỘI NGHỊ CỘNG ĐỒNG PHÁT TRIỂN BLOCKCHAIN ĐẦU TIÊN Ở ĐÀ NẴNG

Ngày 22/11/2024, Hội nghị “Web3 Builders’ Summit” đã được tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng, hướng đến tạo tiền đề giúp thành phố vươn lên trở thành trung tâm phát triển Web3 của Việt Nam và khu vực, phù hợp với định hướng của “Chiến lược Blockchain quốc gia” vừa được Chính phủ ban hành.

Sự kiện do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES, sqrDAO, SuperteamVN và Cộng đồng nhà phát triển Web3 Đà Nẵng đồng phối hợp tổ chức đã quy tụ hơn 100 nhà sáng lập, chuyên gia và người có sức ảnh hưởng trong ngành Blockchain trong và ngoài nước.

Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược Blockchain quốc gia) do Chính phủ ban hành ngày 22/10/2024, sự kiện đã mang đến chuỗi chương trình kết nối cộng đồng và tọa đàm giàu tính chuyên môn, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Blockchain. Với chủ đề: “Đà Nẵng – Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam, điểm đến quốc tế cho lĩnh vực Web3”, sự kiện đặt mục tiêu thu hút nguồn lực phát triển các dự án Blockchain, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ chọn Đà Nẵng làm trung tâm mở rộng thị trường và làm bàn đạp cho hệ sinh thái Web3 tại thành phố.

Mở đầu cho sự kiện là chương trình Da Nang Tech tour – chuyến tham quan văn phòng các startup công nghệ/Web3 và các trường đào tạo chuyên ngành công nghệ hàng đầu tại thành phố Đà Nẵng.

Chuyến tham quan tại Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng

Tham quan và chia sẻ tại NAPA Global

Lắng nghe chia sẻ từ đại diện Vietnam Innovation Hub

Chiều cùng ngày, Hội nghị “Web3 Builders’ Summit: Da Nang” đã chính thức diễn ra với 4 phiên tọa đàm chuyên sâu về thực tế phát triển Web3 tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. 

Đến với phiên tọa đàm đầu tiên “Vietnam OGs – Những câu chuyện chưa kể”, ông Phạm Bảo Long (nhà sáng lập SqrDAO) đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện và kết nối các diễn giả là CEO đến từ các công ty công nghệ nước ngoài như Kyber Network, Birdeye, Krystal về chủ đề “những câu chuyện chưa kể về Web3 Việt Nam”.

Với hành trình hơn 7 năm bền bỉ phát triển blockchain tại Việt Nam từ khi lĩnh vực này còn quá mới mẻ, ông Trần Huy Vũ, đồng sáng lập Kyber Network nhấn mạnh: “Trong thế giới Web3, thành công không chỉ là những con số về vốn hóa hay người dùng, mà còn là những giá trị lâu dài mà chúng ta tạo ra cho cộng đồng.” Từ kinh nghiệm đồng hành cùng Kyber Network, ông Trần Huy Vũ khuyến khích các nhà sáng lập trẻ nên “nghĩ lớn, làm dài hạn” và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực sự của thị trường.

Tiếp nối những chia sẻ, ông Nguyễn Thế Kha, Nhà sáng lập & Giám đốc điều hành Birdeye khiến cả hội trường ấn tượng khi cởi mở nói về những thất bại trong hành trình khởi nghiệp. Ông chia sẻ: “Thất bại không phải dấu chấm hết. Nó là cơ hội để chúng ta nhìn lại, cải thiện và làm tốt hơn.” Theo ông Nguyễn Thế Kha, trong không gian Web3 đầy biến động, khả năng linh hoạt và thích nghi với sự thay đổi là yếu tố then chốt để tiến xa hơn.

Phiên Tọa đàm 1: Vietnam OGs – Những câu chuyện chưa kể

Dù là diễn giả trẻ nhất sự kiện, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Krystal – Nguyễn Việt Dũng lại mang đến Hội nghị một tinh thần đậm chất “builder” khi nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong không gian Web3. Ông Dũng cho rằng: “Nếu không có cộng đồng, Web3 chỉ là một công nghệ khô khan. Hãy xây dựng những thứ giúp mọi người thực sự cảm nhận được giá trị của sự phi tập trung.” Ông Nguyễn Việt Dũng cũng đã chia sẻ cách Krystal đã tận dụng phản hồi từ người dùng để cải thiện sản phẩm, đồng hành cùng cộng đồng mỗi ngày.

Phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Blockchain Việt Nam – Sẵn sàng chinh phục toàn cầu!” đã giúp người tham gia nhìn thấy được một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của blockchain tại Việt Nam, từ những cơ hội đến thách thức lớn. Ông Nguyễn Văn Vũ, nhà đồng sáng lập Mirai Labs, nhấn mạnh rằng blockchain Việt Nam đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đang trở thành công cụ giải quyết các vấn đề thực tiễn. Theo ông Vũ, những thách thức như khả năng mở rộng, phí gas cao và trải nghiệm người dùng cần được khắc phục để blockchain thực sự tạo ra giá trị bền vững, vì “thành công của blockchain không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn ở cách nó cải thiện cuộc sống.” Bên cạnh đó, nhà sáng lập RISE Chain, Bà Alexandra Thanh-Mai Herbert chia sẻ tầm nhìn về một nền tảng blockchain nhanh hơn gấp 100 lần, với mục tiêu tăng cường tính kết nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Bà ví Blockchain như là cây cầu kết nối những giấc mơ và hiện thực, song để xây dựng cây cầu đó, cần có niềm tin và sự hợp tác từ nhiều bên. Với nguồn nhân lực trẻ và sáng tạo, Bà Mai  tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm blockchain toàn cầu.

Phiên Tọa đàm 2: Blockchain Việt Nam – Sẵn sàng chinh phục toàn cầu!

Kết thúc phiên tọa đàm thứ hai, ông Nguyễn Hoàng Long, Đồng sáng lập và Giám đốc Công nghệ Aura Network, kêu gọi các nhà phát triển tập trung vào giá trị lâu dài, tránh chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Ông Long chia sẻ: “Hãy xây dựng bền vững – không có thành công nào là ngắn hạn.” Để đạt được thành công trong blockchain, Việt Nam cần chiến lược rõ ràng, đầu tư vào con người và giáo dục cộng đồng về lợi ích của công nghệ. Phiên thảo luận đã kết luận với thông điệp chung: blockchain không chỉ là một công nghệ, mà còn là một hệ sinh thái bền vững với tiềm năng to lớn để thay đổi xã hội.

Phiên Tọa đàm thứ 3: “Xây dựng đội ngũ toàn cầu – Bắt đầu từ Việt Nam” đã thu hút sự chú ý với những chia sẻ đầy giá trị từ ba diễn giả gồm bà Trần Kiều Diễm, Giám đốc điều hành Orochi Network, bà Trịnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc KyberSwap và bà Trần Phạm Việt Thảo, Nhà sáng lập Vamient Capital, dưới sự dẫn dắt của ông Trần Tiễn Anh, Giám đốc Superteam tại Việt Nam và Đông Nam Á. Bà Trần Kiều Diễm đã chia sẻ rằng việc xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội sẽ góp phần nâng cao khả năng hiện diện quốc tế của các nhà phát triển Việt Nam, bởi “mặc dù kỹ năng kỹ thuật xuất sắc, nhiều đội ngũ Việt Nam bỏ lỡ cơ hội vì hạn chế về sự hiện diện công khai.” Tiếp lời bà Diễm, bà Trịnh Thị Ngọc Trâm chỉ ra rằng thành công không chỉ đến từ đổi mới kỹ thuật mà còn cần đặt người dùng làm trung tâm, bà Trâm cũng chia sẻ thêm: “Các nhà sáng lập nên ưu tiên phản hồi người dùng và xây dựng cộng đồng để đảm bảo phù hợp sản phẩm-thị trường.” Trong khi đó, bà Trần Phạm Việt Thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của tầm nhìn dài hạn để thu hút vốn quốc tế, chia sẻ rằng: “Các dự án cần vượt qua cường điệu ngắn hạn, tập trung xây dựng uy tín để chinh phục nhà đầu tư.” Các diễn giả đồng tình rằng, để thành công toàn cầu, các dự án Web3 Việt Nam phải vượt qua rào cản về thương hiệu, tập trung vào người dùng, phát triển cộng đồng bền vững và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó định vị Việt Nam như một trung tâm công nghệ toàn cầu trong ngành blockchain.

Phiên Tọa đàm 3: “Xây dựng đội ngũ toàn cầu – Bắt đầu từ Việt Nam”

Là phiên tọa đàm cuối cùng trước khi Hội nghị khép lại, phiên thảo luận với chủ đề “Đà Nẵng – Trung tâm Web3 mới của khu vực” đã mang đến những góc nhìn sâu sắc về tiềm năng phát triển của thành phố trong lĩnh vực Web3. Ông lê Thanh Tùng, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Decentralab cho rằng Đà Nẵng là mảnh đất màu mỡ cho những ý tưởng Web3 đột phá, đồng thời ông cũng khẳng định vị trí chiến lược và chính sách hỗ trợ của chính quyền là yếu tố quan trọng để thành phố trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án Web3. Với tư cách là Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh chia sẻ: “Chính quyền Đà Nẵng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho đổi mới sáng tạo”,minh chứng điển hình là Nghị quyết 136/2024/QH15 nhằm tạo nền tảng pháp lý thu hút đầu tư. 

Phiên Tọa đàm 4: Đà Nẵng – Trung tâm Web3 mới của khu vực

Ông Nguyễn Ngọc Minh, đến từ BAP Software cho rằng: “Công nghệ sẽ là động lực để Đà Nẵng vươn xa, nhưng cần sự chung tay của các doanh nghiệp lớn” điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của các công ty công nghệ lớn trong việc xây dựng hệ sinh thái Web3. Cuối cùng, Đại diện từ Swiss EP, ông Nguyễn Văn Chương kết luận: “Hợp tác quốc tế và kết nối là chìa khóa cho sự phát triển dài hạn của Web3 tại Đà Nẵng,” khẳng định sự hợp tác với các đối tác quốc tế là yếu tố then chốt để đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm Web3 toàn cầu.

Hội nghị Web3 Builders’ Summit: Da Nang 2024 đã khép lại thành công với bốn phiên tọa đàm sâu sắc, mang đến những kiến thức và chiến lược quan trọng về sự phát triển của ngành Web3 tại Việt Nam và khu vực. Các diễn giả đã chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm quý báu, từ việc xây dựng đội ngũ toàn cầu đến việc phát triển hệ sinh thái Web3 tại Đà Nẵng. Trong phiên “Xây dựng và phát triển đội ngũ toàn cầu từ Việt Nam”, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối tài năng địa phương với cơ hội quốc tế, phát triển cộng đồng Web3 và áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút đầu tư. Cùng với đó, các diễn giả cũng chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong việc xây dựng sản phẩm Web3, cũng như cần thiết phải có một tâm thế sẵn sàng cho sự phát triển toàn cầu. 

Hội nghị đã góp phần mở ra hướng đi rõ ràng cho thành phố Đà Nẵng trong việc trở thành trung tâm Web3 hàng đầu khu vực, với sự hỗ trợ từ chính quyền, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và các đối tác quốc tế, là các bước khởi đầu quan trọng giúp Việt Nam và Đà Nẵng vươn lên trong ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu.

Tags