Trí tuệ nhân tạo là một trong những xu hướng phát triển công nghệ hiện đại đang giúp định hình thế giới theo cách thông minh hơn. Phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình dựa trên nền tảng đó, Công ty Cổ phần công nghệ Hekate cùng với SUMI Chatbot trở thành một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng trong thời gian gần đây.
Câu chuyện bắt đầu từ 3 chàng trai đam mê công nghệ chatbot…
Hekate AI là một trong những doanh nghiệp tiên phong về công nghệ chatbot và ứng dụng chatbot tại Việt Nam và được sáng lập bởi 3 chàng kỹ sư lập trình trẻ, có chung đam mê với công nghệ và khởi nghiệp: Nguyễn Văn Minh Đức, Phạm Quốc Huy và Dương Văn Phước Thiện.
Tiết lộ về ý tưởng khởi nghiệp, Minh Đức cho biết: “Một lần xem hội nghị của các nhà phát triển Microsoft, CEO của Microsoft cho biết chatbot là một kiểu ứng dụng mới kết hợp trí thông minh nhân tạo, là cách mạng về hành vi của người dùng điện thoại. Với chung niềm đam mê công nghệ, chúng mình đã thành lập nhóm và cùng bắt tay vào nghiên cứu phát triển công nghệ chatbot”.
Nếu năm 2016 là bước đệm cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì năm 2017 chính thức đánh dấu cho sự thành công của nhóm các nhà khởi nghiệp trẻ này. Sau 6 tháng ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), họ đã thành lập được doanh nghiệp, kêu gọi được đầu tư quốc tế và tìm được những khách hàng lớn.
Cho đến nay, Hekate AI đã có hơn 1 triệu user (người dùng) và hơn 100.000 người đang tương tác với Sumi và 10 nhân vật hư cấu khác hàng ngày thông qua Messenger. Ngoài việc chat tự động thông thường, công cụ chatbot này còn tích hợp những chức năng khác như: chỉnh sửa ảnh, đọc báo, bí kíp chém gió, chơi game, vote, tạo avatar 8 bit,…
Tháng 3/2017, Hekate đã được chọn vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Facebook và được tài trợ 80.000 USD để phát triển. Bên cạnh đó, sản phẩm của nhóm còn nhận được vốn đầu tư thiên thần dành cho khởi nghiệp và được Microsoft tài trợ 120.000 USD hỗ trợ phát triển về hạ tầng dữ liệu.
Các thành viên phát triển chatbot đang làm việc cùng nhau. ( Ảnh: Tấn Lực )
Không chỉ là “SUMI”, đó còn là công nghệ phục vụ xã hội.
Với khả năng tự động hóa, Hekate AI hướng sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp, cửa hàng thời trang – tự động trả lời khách hàng với số lượng lớn, đặc biệt là ứng dụng vào bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, giới thiệu mặt hàng, chốt đơn hàng, hoặc có thể ứng dụng vào truyền thông, giáo dục, dự báo thời tiết… Hiện nay, Hekate thương mại hóa sản phẩm bằng cách hợp tác cùng các nhà bán lẻ trực tuyến tầm cỡ như Amazon, Alibaba, Lazada, Zalora.
Song song với đó, nhờ sự hỗ trợ từ DNES, Công ty đã mạnh dạn trình UBND thành phố Đà Nẵng đề án ứng dụng công nghệ chatbot vào chính quyền điện tử nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với du khách. Hiện nhóm đã hoàn thành và trình UBND TP. Đà Nẵng đề án ứng dụng công nghệ chatbot vào chính quyền điện tử nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với du khách. Kênh thử nghiệm là trên nền tảng giao tiếp Messenger của Facebook.
Phạm vi ứng dụng của chatbot rất rộng nhưng trước mắt nhóm đề xuất thử nghiệm ứng dụng chatbot vào lĩnh vực du lịch nhằm giảm tải cho các Trung tâm hỗ trợ du khách, phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách các thông tin cập nhật về Đà Nẵng như sự kiện, đi lại, lưu trú, địa danh, tìm kiếm nhà hàng…
Ngoài ra, nhóm khởi tạo thêm các chatbot khác phục vụ các sự kiện như Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2017 – SURF, chatbot phục vụ cho một số nhà hàng hay chatbot quảng bá hình ảnh Đà Nẵng tại APEC 2017.
Ứng dụng chatbot của Hekate AI được sử dụng tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp quốc tế –SURF2017
Với tốc độ phổ biến nhanh chóng của chatbot như hiện nay, Hekate AI được hy vọng sẽ là một sự khởi đầu cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
An An