Hãy nhớ rằng Mạng xã hội đã ra đời ngay sau khi Mark Zuckerberg bị người yêu bỏ, anh lập tức quay về căn phòng của mình tại ký túc xá Đại học Harvard và cho ra đời ý tưởng Facemash, sau này là Facebook. 

Có thể đây chỉ là chuyện hy hữu, với đa số các nhà khởi nghiệp, cuộc đời không phải là một bộ phim. 

Phần lớn các founder thành công khi tung sản phẩm ra thị trường lại không bắt đầu từ một ý tưởng có hiệu quả tức thì. 

Các founder thành công thường ở 1 trong 2 vị thế sau: Vài người có kinh nghiệm nhiều năm trong một lĩnh vực, có thể xác định rõ ràng một vấn đề và đưa ra giải pháp độc đáo. Đa số những founder thành công khác, đặc biệt là thành công ngay lần đầu, đều làm nghiên cứu thị trường để tìm ra sản phẩm phù hợp với thị trường. 

Có thể bạn không tin, nhưng nhiều founder dành hàng tháng trời để nghiên cứu thị trường trước khi thật sự tung ra sản phẩm hay giới thiệu công ty.

Nếu bạn chưa biết thì nghiên cứu thị trường là phân tích về lịch sử, chi phí, lợi nhuận, xác định mối quan tâm của nhà đầu tư trên các phương tiện truyền thông và thu hút phản hồi từ khách hàng tiềm năng, giúp bạn có cái nhìn thẳng thắn về việc bạn có đang giải quyết vấn đề được nêu hay không.

Sự thật là có nhiều founder lại né tránh việc này, chỉ có một vài người thành công, nhưng theo Small Business Trends, việc bỏ qua bước đi quan trọng này là lý do chính giải thích tại sao 42% startup thất bại vì không có thị trường. 

Bài học rút ra là hãy nghiên cứu thị trường!

 

Tuy nhiên, rất nhiều founder e ngại việc này bởi họ có thể vô tình để lộ ý tưởng của mình cho người khác. Đây là một nỗi sợ có thể hiểu được vì để nghiên cứu thị trường, bạn phải phỏng vấn các chuyên gia trong cùng lĩnh vực và các khách hàng tiềm năng, mà họ lại có thể có nhiều tiền, nhiều nguồn lực và kiến thức hơn bạn, cũng như có sự hứng thú để thực hiện ý tưởng của bạn. 

 

Đừng sợ bị ăn cắp ý tưởng

 

Thật đáng sợ khi nghĩ rằng: Bạn có một ý tưởng tuyệt vời, bạn nhìn thấy thị trường tiềm năng, rồi có người nghe được ý tưởng đó, nhảy vào hớt tay trên và bạn mất sạch.

Nhưng thực tế là thế này: Khởi nghiệp rất rủi ro, hãy chuẩn bị cho một cuộc đua, thành thật mà nói, bạn và ý tưởng của bạn không có gì quá đặc biệt.

“Bạn có thể mang lại điều gì mà người khác không thể? Tin tôi đi, ý tưởng của bạn không hề khác biệt đâu.” Paul O’Brien, founder của MediaTech Ventures và Seobrien.com chia sẻ trên Quora. “Điều đầu tiên cần làm là thoát khỏi mối lo về việc người khác cũng có ý tưởng đó, vì nếu có ai đó có thể làm tốt hơn thì họ đã làm rồi. Và bạn sẽ thất bại. Việc của bạn không phải là che dấu ý tưởng, mà phải tìm ra nhanh nhất có thể cách để không bị thất bại.”

Bill Yu, nhà đầu tư của quỹ Employee Stock Option nói thêm: “Đừng lo lắng nếu ai đó ăn cắp hay sao chép quá nhiều từ ý tưởng của bạn. Thay vào đó bạn nên bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng càng sớm càng tốt. Bạn nên theo sát nhóm thử nghiệm ban đầu của mình để có những phản hồi tốt hơn. Nếu đã có ý tưởng rồi, bạn nên bắt đầu nghiên cứu, đó là một bước khởi đầu tuyệt vời”.

Bên cạnh đó, hãy nhìn vào một vài tên tuổi lớn cũng đi bắt chước như Uber, Lime, Facebook..vv. 

Chắc chắn cũng có công ty thất bại khi đi bắt chước nhưng đôi khi việc ai đó đi sao chép ý tưởng của bạn cũng là dấu hiệu cho thấy bạn vừa tìm được một thị trường tiềm năng vô cùng to lớn. 

 

Khách hàng là chìa khóa

Không có khách hàng, không có công ty. Rất nhiều startup không quan tâm đến khách hàng cho đến khi đã đầu tư khủng vào dự án của mình. Tốt nhất nên lấy phản hồi sớm và thường xuyên từ khách hàng. 

Ben May, sáng lập Collabed.com –  một mạng lưới kinh doanh nhỏ sử dụng công nghệ để kết nối những doanh nghiệp có cùng hướng đi nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn, giảm giá thành và cùng tăng trưởng, nói rằng : “Phản hồi từ khách hàng là thứ quan trọng nhất khi khởi nghiệp. Bạn sẽ nhận ra mình có rất nhiều ngộ nhận sai lầm. Nhưng bạn sẽ hiểu biết nhiều hơn để đảm bảo sản phẩm của mình phù hợp với thị trường.”

Kim Davis, một tư vấn gia với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô cho biết :“Thời kỳ khởi nghiệp âm thầm rón rén đã qua rồi.Bây giờ là thời đại của kiểm chứng khách hàng và thị trường. Bạn càng thấu đáo quá trình này thì càng phát triển nhanh. Phản hồi nhận được sẽ định hình hướng đi của bạn. Bạn nên liên tục kiểm định thị trường để không chỉ đảm bảo bạn đang đi đúng hướng mà còn để chắc rằng bạn có một nền tảng khách hàng vững chắc.”

 

Davis nhắc đến quyển sách “Khởi nghiệp tinh gọn” nhằm rút ngắn quy trình phát triển sản phẩm. Phương pháp này khẳng định khi một công ty dành thời gian xây dựng sản phẩm hay dịch vụ để đáp ứng đúng nhu cầu của những khách hàng đầu tiên, họ có thể giảm được rủi ro thị trường và tránh khỏi nguy cơ thiếu hụt một lượng vốn lớn ban đầu. Nói một cách dễ hiểu –  lắng nghe khách hàng đồng nghĩa với tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

 

Ý tưởng không phải là tất cả

Mọi người đều có những ý tưởng tuyệt vời. Nhưng 90% startup lại thất bại. Rốt cuộc thì ý tưởng không phải là tất cả. 

“Hãy nhớ rằng ý tưởng chỉ chiếm 5% thách thức, phần còn lại là thực hiện nó với một chút may mắn”. May nói.

Hầu hết những nhà đầu tư xem người sáng lập viên là một trong những nhân tố cốt lõi để đánh giá một mối đầu tư tiềm năng. Họ có sẵn sàng liều mình? Có giữ được bình tĩnh trước áp lực? Có tài xoay xở? Có khả năng giải quyết được những vấn đề cụ thể? Có tầm nhìn cho công ty? Và họ có hợp tác tốt với mọi người không?

Chưa bàn đến ý tưởng, những câu hỏi trên giúp xác định được liệu công ty của bạn có thành công hay không. 

Người founder giỏi phải làm tốt công việc của mình. Thực tế, việc nghiên cứu thị trường là tuyến phòng thủ tốt nhất để chống lại đối thủ muốn giành lấy ý tưởng của bạn. 

“Càng dành nhiều thời gian khám phá ý tưởng và tìm hiểu cách triển khai, bạn càng có nhiều lợi thế so với đối thủ cạnh tranh hay những kẻ sao chép”. Yu nói. “Bản thân việc nghiên cứu minh chứng được giá trị của nó, giống như việc mọi người đều khắc phục cùng một vấn đề, bạn phải vượt qua những trở ngại tương tự. Cứ chiến thôi!”.

Bài gốc: https://medium.com/swlh/dont-worry-about-giving-your-idea-away-validating-your-startup-is-more-important-6284a71b180f

Tags