Khi làm gì thì nên làm hết công sức và toàn tâm”, đó là tinh thần khởi nghiệp của anh Dương Ngọc Ảnh – founder dự án Phở sắn, một dự án thú vị thuộc chương trình Ươm tạo khóa V của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Khởi nghiệp 9 năm, có công ty riêng về công nghệ thông tin, nhưng anh vẫn quyết định gác lại mối duyên với cái nghề “đốt chất xám” để tập trung thực hiện sứ mệnh “đưa cây sắn về đúng giá trị của nó”.

Định vị chỗ đứng “độc” trên thị trường

Cuộc sống đói khổ, thiếu ăn sau chiến tranh đã khiến người dân vùng đất Quế Sơn, Quảng Nam sáng tạo ra một món ăn độc đáo: phở làm từ củ sắn. Nghề phở sắn đã trở thành nghề truyền thống của gia đình anh Dương Ngọc Ảnh: bắt đầu từ đời ông nội và đến cha anh kế tục. Cha của anh đã cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến kỹ thuật giúp nghề làm phở bớt cực nhọc. Tuy nhiên hiện tại nghề phở sắn đem lại giá trị kinh tế chưa tương xứng với giá trị và công sức người dân bỏ ra. Cách đây 20 năm, khi còn là cậu bé học cấp hai,anh Dương Ngọc Ảnh đã thức phụ ba mẹ khuấy bột, kéo phở từ 4 giờ sáng. Sau này, anh đã tìm hiểu về giá trị của cây sắn và biết được đây là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người cùng với sản lượng dồi dào tại Việt Nam. Càng tìm hiểu thì khát vọng quảng bá, phát triển sản phẩm truyền thống này tới rộng khắp các vùng miền trên đất nước và vươn ra thế giới càng lớn dần trong tâm trí anh.

Tham khảo các sản phẩm nông sản Việt, anh nhận thấy chưa có sản phẩm phở sắn xuất hiện trên thị trường hiện tại, từ đó đánh vào sự khác biệt để phát triển ý tưởng của mình. Phở sắn là sản phẩm mì duy nhất ăn mà không sợ béo, giúp giảm cân, cung cấp nhiều năng lượng và khoáng chất cho cơ thể. Dựa vào những giá trị đó giúp thu hút và đáp ứng được các thị trường nước ngoài. Chẳng hạn như ở Mỹ quan tâm đến các sản phẩm không chứa gluten (chất mà nhiều người dị ứng), vấn đề giảm cân ở các nước châu Âu, sản phẩm organic phát triển ở thị trường Nhật và Hàn,… Phở sắn đã đạt chuẩn các tiêu chí khi xét nghiệm thành phần, dự án đang tiếp tục hoàn thành những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài.

Bên cạnh đó bao nhiêu năm nay đặc sản phở sắn chủ yếu được chế biến với cách nấu truyền thống, dân dã, tuy ngon nhưng khó phổ biến như nấu cùng cá lóc và chuối cây, vì vậy Phở sắn đã sáng tạo, chế biến thêm một số món như chiên giòn hay salad hải sản, rong biển.

Bước ngoặt khi tham gia Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES)

Sau khi tham gia vào Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), anh Dương Ngọc Ảnh nhận được đào tạo từ những chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện chiến lược kinh doanh của mình. Trong suốt quá trình làm việc với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), anh chia sẻ rằng mình hài lòng nhất với những lịch trình dạy học hợp lý, hữu ích cũng như các workshop có mối liên hệ với nhau để giúp hình thành nên một doanh nghiệp.

Điển hình là những buổi tư vấn của cô Ameeta Soni (nhà sáng lập công ty, chuyên gia đầu tư đến từ Mỹ) đã giúp anh có cái nhìn và làm việc hệ thống hơn, giúp hoàn thiện các vấn đề của doanh nghiệp như từ phía khách hàng đến xây dựng kế hoạch, chiến lược, làm việc với đối tác, gọi vốn, hoàn thiện thiết kế bao bì sản phẩm,…

Anh Dương Ngọc Ảnh và chị Lê Thị Kim Ánh giới thiệu các sản phẩm Phở sắn.

Hay trong buổi Pitching với mentor, ông Lê Văn Hiểu (Giám đốc Seatech) đã tư vấn việc sử dụng công nghệ sấy lạnh. Theo anh Dương Ngọc Ảnh, đây là ý kiến rất hay nhưng dự án chưa thể thực hiện vì chi phí cao. Vì vậy Phở sắn sử dụng công nghệ phơi khô, phương pháp này vẫn cho ra thành phẩm chất lượng tốt và phù hợp với ngân sách hiện tại. Nhưng sự gợi ý đó đã giúp Phở sắn giải quyết bài toán trở ngại vào mùa mưa ở miền Trung, anh cho biết mình sẽ áp dụng công nghệ sấy khi dự án phát triển hơn.

Anh Dương Ngọc Ảnh trong buổi Pitching với mentor

Phở sắn vẫn đang trong giai đoạn là doanh nghiệp nhỏ, khi tham gia Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), dự án mong muốn mình sẽ phát triển thành 1 startup lớn mạnh và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện được điều đó.

Những bước đi chắc chắn trong tương lai

Không chỉ dừng lại làm phở từ sắn nguyên chất như truyền thống, anh đã thử nghiệm thành công phở sắn làm trực tiếp từ sắn tươi giúp thành phẩm đẹp hơn và giữ được nhiều chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó anh cũng kết hợp sắn với gấc, nghệ để cho ra sản phẩm phở sắn gấc, phở sắn nghệ giúp sản phẩm phở sắn đa dạng về màu sắc và cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng hơn cho người tiêu dùng.

“Với nguồn vốn nhỏ, anh sẽ làm nhỏ trước, sau đó khi phát triển tích cực thì anh sẽ gộp lại tất cả các hộ gia đình sản xuất tại Quảng Nam, đưa ra một số nguyên tắc sản xuất đúng quy trình để ra thành phẩm tốt, hỗ trợ máy móc, thiết bị bảo hộ lao động, thu gom sản phẩm,… Từ đó giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm các hộ gia đình cũng làm phở sắn tại Quảng Nam. Tiến tới đưa sản phẩm truyền thống này tham gia các hội chợ triển lãm nông sản trong nước và quốc tế”, anh Dương Ngọc Ảnh chia sẻ.

Ngoài ra, khi Phở sắn đã có chỗ đứng trên thị trường, anh sẽ kết hợp với du lịch để phát triển mô hình tham quan, trải nghiệm làng nghề thủ công làm phở sắn ngay trên mảnh đất Quế Sơn cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Tư tưởng “không thành công một mình” cùng với triết lý “Back to the roots” – Quay về với cội nguồn” giúp anh sẽ trở thành người dẫn đường cho các hộ kinh doanh tại chính vùng quê Quảng Nam, nơi cội nguồn của Phở sắn.

Phở sắn, sản phẩm hướng tới vì sức khỏe con người sẽ là một đối thủ tiềm năng trong ngành thực phẩm tiêu dùng nhanh trên thị trường trong tương lai. Từ ước mơ đi đến hiện thực là cả một quá trình dài. Người thành công là người biết lấp đầy khoảng cách đó bằng hành động được chỉ dẫn đúng đắn. Anh Dương Ngọc Ảnh đang làm được điều đó, đang miệt mài “lấp đất” để trồng nên “cây sắn độc nhất” của mình giữa mảnh vườn bao la.