Đến ngày khai mạc SURF 2019 là tròn 1 năm 1 tháng tôi chính thức bàn giao công việc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng DNES lại cho các bạn trẻ. Và trong suốt hơn một năm qua, vì vẫn thường xuyên lui tới, và vẫn hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp, nếu có một từ dùng để đánh giá về quá trình trưởng thành của DNES và của đội ngũ, thì đó là từ resilience – bền bỉ, kiên cường.

MỘT THỊ TRƯỜNG… GẶP KHÓ

Một trong những câu hỏi lớn nhất mà tôi luôn hỏi chính mình, hỏi tất cả những người thầy dạy hay đồng nghiệp trong suốt 2 năm làm điều hành DNES, là: “Mô hình kiếm tiền của một vườn ươm khởi nghiệp là gì?”. Rõ ràng là không hề mới, nhưng trên thế giới, việc kiếm tiền từ công tác ươm tạo là vô cùng khó. Hầu hết tất cả các trung tâm ươm tạo có cùng công thức: được tài trợ bởi nhà nước hoặc trường đại học hoặc cộng đồng doanh nghiệp hoặc các cựu thành viên của vườn ươm. Số tiền tài trợ này, đủ cho việc vận hành, và… chờ đợi vào sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp mà mình ươm ra, có đầu tư trong giai đoạn đầu rồi thoái vốn.

Nhưng DNES thì không thể như thế. DNES không được trực tiếp đầu tư vào startup, nguồn ngân sách để tài trợ cho vườn ươm thì không có trong dự trù, và doanh nghiệp Đà Nẵng thì chưa đủ giàu có để đứng ra làm nhà bảo trợ cho một vườn ươm. Vậy thì phải cố mà gồng gánh nuôi nhau bằng những kiểu kiếm tiền mà chúng tôi tự nghĩ ra: cho thuê co-working space, thực hiện các hoạt động cộng đồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, chạy đua thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, và năng động nộp các khoản tài trợ của các tổ chức quốc tế. Công thức rất đơn giản: cái gì có thể đi xin được, đều cố gắng đi xin.

Nếu những năm đầu, còn ít cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế còn lác đác ở Việt Nam, thì mọi nguồn lực có thể kiếm ra tiền đều được chia cho có mấy nơi. Nhưng giờ tình hình đã khác. Khi mà startup Việt Nam được đưa vào tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế đang dịch chuyển từ Indonesia sang, thì quỹ nào cũng muốn mở trung tâm ươm tạo để “độc quyền” một vài startup của riêng mình, quỹ nào cũng gắn thêm một cái co-working space riêng, trường đại học nào cũng có một vườn ươm nho nhỏ… Những lợi thế của DNES ban đầu bắt đầu bị mất đi, vậy, lấy gì nuôi quân?

Bạn Phạm Đức Nam Trung, giám đốc DNES, cười: “Thì cày ra bã chứ sao đâu anh. Mà tất cả các chỉ tiêu tài chính đều đang tốt dần lên. Sức chiến đấu của anh em cũng tốt hơn mà…”.

Tôi vỗ vai Trung, khâm phục.

VÀ MỘT ĐỘI NGŨ TRƯỞNG THÀNH

Khâm phục, vì tôi biết, làm được chuyện này là rất khó. Tôi vẫn nhớ những ngày Trung tự lái xe, đi từ Quảng Nam, Quảng Bình, qua đến Phú Yên, lên Kon Tum, Daklak… để tìm kiếm các chương trình phối hợp hoạt động. Để triển khai gói đào tạo của Google mang tên Digital 4.0 ở khắp các tỉnh miền Trung, rõ ràng không phải là chuyện dễ dàng. Lại nhớ những lúc các bạn bối rối tìm một người quen có tiếng nói tại một địa phương xa lạ đang cần triển khai một hoạt động phụ của đề án 844 của bộ Khoa học Công nghệ, hay thỉnh thoảng bị “bỏ bom” giờ chót khi mà diễn giả không xuất hiện ở một hội nghị…

Khâm phục, vì tôi biết, anh Hồ Quang Dũng không phải là người có thể xoay trở giỏi trong các câu chuyện liên quan đến sáng tạo, màu sắc, nghệ thuật, nhưng vẫn nỗ lực hết sức để có thể đạt chuẩn giảng viên của Hội đồng Anh tại Việt Nam trong dự án phát triển các không gian sáng tạo. Nếu người ta đi học một, thì Dũng phải học gấp đôi, thậm chí là gấp ba, để có thể có được chỗ đứng trong lĩnh vực mà anh không hề có lợi thế. Rồi Dũng đứng lớp, đào tạo lại cho các không gian văn hoá mới của miền Trung, và luôn được học viên đánh giá cao nhất. Thỉnh thoảng đọc phản hồi của người học, thấy rất tự hào về những đồng đội cũ của mình.

Khâm phục, vì tôi cũng biết, chị Nhi Nguyễn sức khoẻ kém như một con mèo bị hen. Vậy mà đánh Đông dẹp Tây, một mình “cân” hết các sự kiện của cộng đồng lập trình viên miền Trung. Từ việc tổ chức hoạt động dài mấy ngày đêm cho cả ngàn anh em, đến việc đi xin từng đồng tài trợ, rồi chuyện bếp núc của sự kiện, chuyện tiếp các đoàn chuyên gia nước ngoài. Nhi cũng phải bò ra mà lo cho các hoạt động cộng đồng của co-working space nữa. Vậy mà, cô gái ốm yếu đau bao tử suốt ngày thuở trước, giờ đầy ắp năng lượng và vẫn tiếp tục xông về phía trước.

Và sự khâm phục, còn phải tính đến từ phản hồi của các startup, các chuyên gia trong ngành, và đặc biệt là các đối tác. Tôi biết rằng, để đạt được những lời khen này, các bạn đã phải làm việc nhiều hơn rất nhiều so với người khác, đồng nghiệp khác trong cùng ngành.

SỰ KIÊN CƯỜNG CHO NGƯỜI Ở LẠI

Có một thực tế khác, là khi mà tuổi đời của doanh nghiệp vượt qua con số 3, thì nhân sự cũng đã bắt đầu có những vấn đề của nó. Một số người giỏi, sẽ bị đối thủ cạnh tranh bên ngoài níu kéo với những đề nghị hấp dẫn hơn về thu nhập. Một số người, vốn rất máu lửa và đầy đam mê với công việc, bắt đầu có những mối bận tâm khác: gia đình, con cái.

DNES không hề là một ngoại lệ. Khi tôi ở đó, hầu như chưa ai lập gia đình, và mọi người có thể ngồi làm việc với nhau đến nửa đêm hay đi ra quán ngồi bàn tán về các dự án tới khi trời gần sáng. Nhưng giờ thì khác rồi. Bao nhiêu cái đám cưới đã diễn ra, và nhiều đứa trẻ đang tượng hình cũng như đã sinh ra. Những cuộc làm việc đêm ở DNES, thời gian rút xuống sớm dần…

Nhưng hoá ra, cái lo âu rất… Sài Gòn này của tôi lại không đúng. Ngồi giở xem kế hoạch SURF 2019, ra dự cái hội nghị gần đây nhất của DNES về chuyện thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học, thấy những gương mặt cũ vẫn tràn đầy hứng khởi với công việc. Và họ, vẫn theo đuổi những email đến rất khuya, vẫn hào hứng ngồi canh vé máy bay gía rẻ để vô Sài Gòn dự lễ trao giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á Rice Bowl mà DNES được xướng tên ở vòng chung kết khu vực ở hạng mục “Vườn ươm xuất sắc nhất năm”.

Tôi hiểu rằng, mình ở biển 2 năm, vẫn chưa thực sự hiểu hết cái giá trị quan trọng nhất của người dân miền Trung: sự kiên cường, và bền bỉ với sứ mệnh mà họ đã chọn. Và thực sự, lại tiếp tục phải khâm phục những người đồng đội trẻ tuổi của mình.

Bung Trần

Tags