Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng đã phát triển qua gần 4 năm kể từ khi tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên ra đời vào cuối năm 2015. Khởi đầu muộn hơn các trung tâm khởi nghiệp lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng hoạt động khởi nghiệp ở thành phố biển này ngày càng sôi động, khẩn trương và dần bắt kịp các xu hướng mới.

Năm 2019, Đà Nẵng đã chứng kiến sự ra đời và tăng trưởng mạnh của nhiều dự án có tiếng trong “giới khởi nghiệp” cả nước, tiêu biểu là những cái tên như Datbike, Cashbag, AI Fuel, Easy Salon… Họ đại diện cho một làn sóng khởi nghiệp mới tại Đà Nẵng mà ở đó, họ tận dụng thế mạnh về đội ngũ kỹ thuật, khai thác công nghệ nhiều hơn để tạo sự khác biệt, và đồng thời trưởng thành hơn cả về tuổi tác và kinh nghiệm khởi nghiệp để đủ sức vươn mình ra khỏi vùng biển hẹp.

TẬN DỤNG THẾ MẠNH KỸ THUẬT

Bỏ qua những quan niệm cho rằng chỉ những người mạnh về quản trị kinh doanh mới có khả năng khởi nghiệp, ngày nay trong khoảng 500 công ty khởi nghiệp lớn nhất nhì thế giới thì có gần 30% trong số đó là các công ty từ các ngành kỹ thuật, công nghệ hay IT. Con số trên đã chỉ ra xu hướng chung của thế giới. 

Tại Đà Nẵng, làn sóng khởi nghiệp cũng không hề ngoại lệ với sự bùng nổ của các startup trong mảng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Những sáng lập viên có thế mạnh về lĩnh vực này đang là những người dẫn đầu con sóng khởi nghiệp. Trong gần 4 năm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đã chứng kiến một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp từ kỹ thuật và công nghệ trưởng thành và phát triển. 

Một trong những startup tiêu biểu có thể kể đến là Datbike – startup đã cho ra đời chiếc xe máy điện phong cách thể thao mang tên Weaver. Người sáng lập của Datbike là anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, một thạc sĩ khoa học máy tính tại Mỹ. Từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm đáng mơ ước tại Thung lũng Silicon, anh Sơn đã theo đuổi niềm đam mê về khoa học kỹ thuật của mình bằng cách mua máy móc về rồi tự mày mò học vẽ, hàn, gia công cơ khí… để thiết kế và chế tạo ra chiếc xe máy điện đầu tiên. Cuối năm 2017, anh Sơn trở về Việt Nam sau 10 năm “bôn ba xứ người” cùng những người bạn thân của mình để thành lập ra Datbike. Nhóm sáng lập viên đã nghiên cứu và cho ra đời những chiếc Weaver gọn nhẹ và thân thiện với môi trường. Datbike đã gọi được số vốn 60.000 USD trên chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ, đồng thời nhận được hơn 100 pre-order (đặt hàng trước). Không những thế, Datbike đã ký hợp tác chiến lược với Becamex nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất quy mô lớn tại Bình Dương. 

Hình 1. Anh Sơn bắt tay với Shark Bình sau khi gọi vốn thành công 60,000 USD cho 2% cổ phần.

Trong khi đó, cũng khởi nghiệp về công nghệ, hai giảng viên đại học là anh Lã Trung Kiên và anh Trần Ngọc Hoàng với dự án AI Fablab đang tạo ra những con robot thông minh thuần Việt phục vụ cho hoạt động giáo dục STEM (mảng robotics). Những con robot có thể tương tác được qua ứng dụng trên điện thoại di động với nhiều hình dáng khác nhau như xe tăng, cánh tay gắp thả đồ vật, dạng người với khả năng di chuyển, diễn tả cảm xúc…, giúp trẻ em vừa học vừa chơi, trau dồi tư duy về khoa học, toán học và lập trình căn bản. 

Hình 2. Hoạt động giáo dục STEM phát triển kĩ năng kết hợp kiến thức cho trẻ nhỏ 

KHI CÁC FOUNDER ĐẠT ĐỘ CHÍN

Khoảng 4-5 năm về trước, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn là một khái niệm xa lạ kể cả với dân kinh doanh. Cộng đồng sáng lập viên khởi nghiệp ở Đà Nẵng có thể nói là rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên thời gian qua, khi thế hệ các founder “đầu tiên” này đã trưởng thành hơn rất nhiều sau những cú ngã trên hành trình khởi nghiệp, khi các thế hệ sáng lập viên tiềm năng tiếp theo đang liên tục được nuôi dưỡng nhờ một loạt các hoạt động diễn ra hàng ngày trong hệ sinh thái, thì chính là lúc Đà Nẵng bắt đầu đón nhận những “quả ngọt”. 

Thống Lê Anh Tuấn – Founder của Cashbag, ứng dụng hoàn tiền mua sắm online số một Việt Nam hiện nay, từng được nhiều người biết đến với dự án tích điểm khách hàng cho doanh nghiệp F&B – Zody đình đám nhất nhì Đà Nẵng trong vài năm gần đây. Không còn là lần đầu khởi nghiệp, Tuấn đã rút được rất nhiều bài học xương máu để tăng trưởng thần tốc Cashbag đạt hơn 90.000 users và gần 7 triệu USD GMV (tổng giá trị giao dịch) chỉ sau 3 tháng ra mắt. 

Một gương mặt quen thuộc khác của làng khởi nghiệp Đà Nẵng là anh Nguyễn Quốc Hân, sáng lập viên Easy Salon – nền tảng quản lý toàn diện dành cho các nhà cung cấp dịch vụ làm đẹp. Anh Hân đã khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp được hơn 3 năm với vài dự án như Bgift, Glamme nhưng chưa thành công. Tận dụng kinh nghiệm về thị trường và mối quan hệ đã có sau quá trình này, anh vẫn kiên trì theo đuổi và phát triển theo hướng đi mới với Easy Salon, giải quyết nhu cầu quản lý vận hành, quản lý khách hàng, đặc biệt là khách hàng quen thuộc cho các spa, salon tóc… Nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này, anh Hân không ngại “Nam tiến” tìm kiếm nhà đầu tư, với mục tiêu ký hợp đồng với 2000 salon tóc trong vòng 1 năm, làm đòn bẩy mở rộng sang các thị trường lân cận ở Đông Nam Á và quốc tế.

Không chỉ chứng kiến các founders trẻ ngày càng trưởng thành hơn về kinh nghiệm, làn sóng khởi nghiệp mới ở Đà Nẵng còn bắt đầu có sự tham gia của thế hệ sáng lập viên đến từ những nơi khác cả trong và ngoài nước, dày dạn hơn về cả tuổi tác, quan hệ và kinh nghiệm. 

Một ví dụ điển hình cho xu hướng này là anh Trần Mạnh Huy, đồng sáng lập đến từ TP. Hồ Chí Minh của dự án AI Fuel. Hướng đến các khách hàng doanh nghiệp, startups có nhu cầu dữ liệu được dán nhãn, phân loại cho các hệ thống xử lý dữ liệu, hệ thống máy học, AI Fuel mang đến dịch vụ dán nhãn, phân loại dữ liệu sử dụng nguồn nhân lực từ hệ thống các công ty BPO và đặc biệt từ cộng đồng người dùng internet tại Việt Nam. Với kinh nghiệm kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ, nông nghiệp, in ấn, cho đến gia công…, anh Huy đã tận dụng nguồn lực này vào AI Fuel, xây dựng được mạng lưới hơn 700 nhân sự liên kết và đang hoàn thiện ứng dụng mobile cho phép cộng đồng có thể tham gia. Đến nay, AI Fuel đã nhận được 6 đơn đặt hàng từ cả trong và ngoài nước, chứng tỏ tiềm năng thị trường rất lớn của lĩnh vực này. 

Gần đây, xu hướng các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công ở nước ngoài mở rộng chi nhánh, thành lập đội ngũ tại Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều, nhằm khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, trẻ trung ở đây và môi trường sống trong lành, năng động. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ Thuỵ Điển, Phần Lan, Singapore hay Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đang làm sôi động hơn hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng, bảo chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của môi trường kinh doanh và khởi nghiệp ở đây, góp phần thu hút nhiều tài năng và nguồn lực kinh tế về khởi sự kinh doanh tại vùng đất lành ven biển này.

CHÚNG TA ĐANG “HỘI NHẬP” VỀ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

Những startup mà chúng tôi kể trên chỉ là một số ít trong số hơn chục dự án đang được hỗ trợ bởi Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Họ là những ví dụ rất điển hình cho một làn sóng khởi nghiệp mới tại thành phố biển này. Ở đó, người ta thấy được sự ra đời và vươn lên của những startup biết kết hợp rất tốt yếu tố công nghệ, hiểu biết thị trường và cả tầm nhìn và tư duy vươn mình ra ngoài biển lớn của các sáng lập viên tại chỗ. Hơn thế nữa, Đà Nẵng đang chứng kiến sự xuất hiện ngày một nhiều hơn những nhân sự xịn từ nước ngoài đến với Đà Nẵng, cũng như sự quay trở về của những người con Đà thành tài năng xa quê. Tất cả minh chứng cho một điều, Đà Nẵng đã sẵn sàng và đang bắt đầu “hội nhập” thật sự với khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia và khu vực.  

Tags