Nguyễn Thanh Tâm*

Hoạt động khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng đi sau thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng với cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn nên hoạt động khởi nghiệp của Đà Nẵng đã đạt được những kết quả ấn tượng, đồng thời có định hướng phát triển rõ nét đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2014 được Đà Nẵng chọn làm “Năm doanh nghiệp”, theo đó nhiều  cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu đến năm 2020 số lượng doanh nghiệp tăng bình quân trên 10%/năm, cũng chính tại thời điểm này chủ trương về khởi nghiệp được đưa vào chương trình hoạt động của lãnh đạo thành phố. Sau gần 02 năm tích cực triển khai thì hoạt động khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng chính thức được bắt đầu bằng việc UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, thành lập Vườn ươm doanh nghiệp thành phố theo mô hình hợp tác công tư duy nhất trong cả nước vào cuối tháng 12/2015. Đến năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ chọn làm chủ đề quốc gia khởi nghiệp.

Và sau thời gian 02 năm triển khai thực hiện, hoạt động khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả tích cực, đã có sự vào cuộc tham gia của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, của các trường Đại học và Cao đẳng, và tạo được sự quan tâm của một số quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế. Đã có 01 vườn ươm doanh nghiệp và 03 Trung tâm khởi nghiệp, nhiều Câu lạc bộ khởi nghiệp được thành lập, các hội nghị và triển lãm khởi nghiệp mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức, công tác truyền thông đã vào cuộc mạnh mẽ, xây dựng quan hệ hợp tác với các quốc gia (Israel, Ireland…) để học tập và trao đổi kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo các cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được ban hành với tầm nhìn đến năm 2030 Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến của khởi nghiệp và sáng tạo của khu vực ASEAN và là một trong những trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo (Quyết định số 88/QĐ-UBND và Quyết định số 1219/QĐ-UBND về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Như vậy hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố đã được hình thánh và đang được vận hành thuận lợi.

Danang Coworking Space – trung tâm của cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: DNES

Tuy đạt được những thành quả như nêu trên, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế, các nhóm dự án khởi nghiệp còn lúng túng sau khi hoàn thành chương trình ươm tạo, kết thúc các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do còn thiếu các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư khởi nghiệp để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt các khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung chưa được đầu tư một cách đồng bộ để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hình thành trung tâm của hoạt động khởi nghiệp mang tính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập; thực tế hiện nay Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều khu không gian làm việc chung (Coworking Space) như Danang Coworking Space (31 Trần Phú), HEXAGON (255 – 257 Hùng Vương), THE HUB (7 – 9 Trần Quốc Toản), ENOUVO (15 Tạ Mỹ Duật) nhưng đa phần các Coworking Space trên địa bàn thành phố hoạt động chưa hiệu quả, mỗi coworking space là một cộng đồng riêng của mình, chỉ thu hút vài đối tượng khách hàng nhất định (Ví dụ: Enouvo có đối tượng khách hàng chính là những người làm công nghệ thông tin – IT, hoặc một số đối tượng chuyên về thiết kế…). Do đó, cộng đồng khởi nghiệp tại đó không có khả năng bức phá để trở thành doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường, quy mô các không gian làm việc chung chỉ có thể đáp ứng tối đa 400 chỗ ngồi không đáp ứng nhu cầu của các startups nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp đang phát triển rất nhanh nói chung. Ngoài ra, mức phí sử dụng không gian làm việc chung là trở ngại lớn nhất để các cá nhân, nhóm dự án khởi nghiệp có được chỗ ngồi làm việc, tham gia vào các hoạt động cộng đồng khởi nghiệp; hiện nay mức phí sử dụng không gian làm việc chung tại Đà Nẵng còn khá cao, dao động từ 900.000 – 2.300.000 đồng/người/tháng. Trong khi, tại thành phố Hồ Chí Minh có khu không gian làm việc chung miễn phí sử dụng (Saigon Innovation Hub).

Để hoạt động khởi nghiệp phát triển tốt thì nhất thiết ban đầu phải có sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước cả về thể chế và cơ sở hạ tầng. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2018 là nền tảng, là động lực cho khởi nghiệp phát triển. Thành phố Đà Nẵng xác định hoạt động khởi nghiệp không phải là hoạt động phong trào mà phải được xem là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội, và để hoạt động khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh hơn, quy mô hơn, toàn diện hơn thì nhất thiết Đà Nẵng phải có một không gian chung (coworking space) cho hoạt động khởi nghiệp, đây chính là nơi hội tụ các startup và các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng, là trung tâm huấn luyện và đào tạo khởi nghiệp, là nơi kết nối với các quốc gia quan tâm đến khởi nghiệp, kết nối với các quỹ đầu tư… tạo nên không gian sáng tạo và đổi mới.  

Khác biệt với văn phòng truyền thống chỉ đơn thuần cung cấp mặt bằng bố trí các khu chức năng cho hoạt động của doanh nghiệp, Không gian làm việc chung có đặc điểm là xây dựng cộng đồng có tính gắn kết và bổ trợ lẫn nhau, mang đến nhiều công cụ hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp với phương châm “cho trước nhận sau”. Các khu Coworking space là nơi tích hợp các chương trình đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp, kết nối các thành tố của Hệ sinh thái với cộng đồng khởi nghiệp thông qua các cuộc thi, hội thảo về khởi nghiệp, giao lưu của các Startups. Tương ứng với mỗi công cụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ có các không gian chức năng phù hợp, Coworking space bao gồm các không gian chức năng chia sẻ: Không gian văn phòng linh hoạt hỗ trợ không gian làm việc cho các dự án khởi nghiệp (Office Suite), Không gian làm việc chung chia sẻ chỗ ngồi dành cho các thành viên cộng đồng với các tiện ích văn phòng kèm theo (Open Desk), Không gian kết nối cộng đồng được kết hợp với Không gian làm việc chung để tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng, tổ chức hội thảo… Qua đó, xây dựng văn hóa cộng đồng, phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Trong tương lai, các dự án khởi nghiệp ở các thành phố khác có giá trị thương mại cao và mang tính toàn cầu, cần sự hỗ trợ từ Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng, nhu cầu về cơ sở hạ tầng của cộng đồng khởi nghiệp sẽ thay đổi. Không gian làm việc chung kết hợp với dịch vụ lưu trú để tạo ra mô hình không gian làm việc mới “office-tel”, các bạn trẻ cùng làm việc “co-working” và cùng sinh hoạt “co-living” trong không gian chia sẻ.

Nhằm phấn đấu đạt được đích đến nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định số 2698/QĐ-UBND ngày 20/5/2017 phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng, khu đất nằm vị trí phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng với diện tích 1.863 m2  UBND thành phố cũng đã giao cho Quỹ Đầu tư phát triển lập thủ tục đề xuất đầu tư dự án báo cáo UBND thành hố xem xét quyết định.

Từ những thực tiễn trên nhận thấy phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tổng thể Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng. Nhà nước đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua một tổ chức tài chính nhà nước là điều hết sức thuận lợi, sẽ là điều kiện cần và đủ để  hoạt động khởi nghiệp Đà Nẵng có bước phát triển đột phá, sớm đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố khởi nghiệp”.

* Giám đốc, Quỹ Đầu tư – Phát triển Đà Nẵng