Mười năm, hai mươi năm nữa Đà Nẵng sẽ trở nên giàu có và văn minh hơn, ai sẽ làm nên điều kỳ diệu ấy? Có thể có nhiều “nhân vật”, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất sẽ là đội ngũ doanh nhân thành phố, những người hôm nay đang miệt mài khởi nghiệp. Cho nên, quan trọng nhất là sự bắt đầu: Ươm những vườn ươm.

Khởi nghiệp non trẻ

Hiện nay khởi nghiệp có lẽ là hai từ thời thượng nhất ở nước ta. Từ người đứng đầu Chính phủ đến các sinh viên đại học, thậm chí những người dân bình thường đều sôi nổi bàn luận về khởi nghiệp. Đó là điều đáng mừng, vì dường như tinh thần khởi nghiệp đã bắt đầu lan toả trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016 này chăng? 

Vào những tháng cuối năm 2013, cách đây 4 năm, khi thành phố Đà Nẵng thảo luận các nội dung hoạt động cho chương trình “Năm doanh nghiệp 2014”, các khái niệm về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp… được đưa vào nhưng mọi người còn khá tù mù. Nhưng “Năm doanh nghiệp” mà không có các hoạt động khởi nghiệp thì thiếu sót cơ bản. Vậy là thống nhất cứ đưa nội dung này vào chương trình rồi sẽ nghiên cứu sau. Còn nhớ khi thực hiện Năm doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, hiệp hội được phân công triển khai mảng khởi nghiệp đã không ít lần đưa nội dung này ra thảo luận nhưng rồi phải xếp lại mà chưa biết làm cách nào. Đi tìm hiểu ở các trung tâm lớn cả nước thì cũng chỉ được trao đổi hết sức chung, một phần đây là vấn đề khá mới mẽ đối với nước ta, nhưng chủ yếu là do chưa có cơ hội gặp được những người trực tiếp làm các công việc liên quan đến khởi nghiệp. Dường như tại các địa phương này cũng chưa giao cho cơ quan nào theo dõi hoạt động khởi nghiệp một cách hệ thống.

Phải qua năm 2015, tôi được tham dự một số hội thảo của VCCI và sau đó thành phố đã tổ chức vài cuộc hội thảo lớn nhỏ liên quan đến chủ đề khởi nghiệp thì dần dần các nội dung về hệ sinh thái khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp mới rõ hơn. Các mô hình, kinh nghiệm hoạt động khởi nghiệp được các chuyên gia Hàn quốc, Singapore, Mỹ… giới thiệu trong các hội thảo. Đặc biệt, nhờ lần tham dự Diễn đàn thị trưởng các nước Châu Á – Thái Bình Dương tại Australia vào giữa năm 2015 của đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng, đã kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm khởi nghiệp tại Australia và New Zealand. Thành phần đoàn cũng đặc biệt, ngoài các thành viên lãnh đạo thành phố và một số sở, ngành còn có các doanh nhân tâm huyết trong xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tự bỏ tiền túi cùng tham gia đoàn. Có thể nói từ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước bạn và thực tiễn tại một số địa phương trong nước như các vườn ươm tại TP Hồ chí Minh, thành phố đã dần hình thành các đề án xây dựng Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp, Chương trình khởi nghiệp 2016…và đến quý 4 năm 2015 được ban hành. Các tổ chức khởi nghiệp này đến nay mới tròn một năm tuổi nhưng thật sự đã đóng góp quan trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố. Đà Nẵng là thành phố có tốc độ tăng trưởng hoạt động khởi nghiệp nhanh nhất trong các thành phố lớn của nước ta so về quy mô và thời gian khởi đầu.

 19c

Cái nôi khởi nghiệp Đà Nẵng

Từ thực tiễn 30 năm đổi mới của đất nước, có thể khẳng định trong giai đoạn hiện nay để tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ phát triển nền kinh tế, nhất thiết phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ, mà trước hết là lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Muốn vậy cần có sự đột phá trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo – đó là xây dựng được tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả cả tầm quốc gia và địa phương với hệ thống các vườn ươm doanh nghiệp làm trụ cột. Vườn ươm doanh nghiệp sẽ là cái nôi nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, đồng thời là bệ phóng cho các Startup – doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là ý tưởng chủ đạo khi xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng với kỳ vọng Vườn ươm sẽ là nơi ươm mầm các ý tưởng, các công ty khởi nghiệp tiềm năng của thành phố.

12487147_502739606553500_3936358360464604150_o

Có lẽ điều đáng nói trước tiên về vườn ươm là việc chọn mô hình hoạt động phù hợp. Mô hình sẽ quyết định sự phát triển và hiệu quả ươm tạo của nó. Kinh nghiệm các nơi cho thấy: Nếu tổ chức theo mô hình công lập thì bị trói buộc bởi vô số các quy định chặt chẽ từ nhà nước… các hoạt động của vườn ươm không thể linh hoạt ứng phó kịp thời, dẫn đến hiệu quả ươm tạo không cao (như các vườn ươm công đã có). Nhưng nếu chọn mô hình tư nhân ngay thì Đà Nẵng chưa đủ các nhà đầu tư (thiên thần) sẵn sàng bỏ vốn ra cho hoạt động phi lợi nhuận này. Do vậy mà mô hình hợp tác công tư đã được lựa chọn như là giải pháp tối ưu để tổ chức Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Tuy nhiên chúng tôi cũng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình vận động. Một số doanh nhân lại thay đổi ý kiến vào phút cuối, đã không góp hoặc góp không đủ vốn như cam kết ban đầu nên cơ cấu vốn tư nhân không đạt mục tiêu đề ra, cuối cùng phải tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên khi đăng ký thành lập công ty chính thức (vốn nhà nước do Quỹ Đầu tư phát triển thành phố góp là 66%, vốn tư nhân là 33%).

Như đã nói trên, vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn thì có thuận lợi trong thời kỳ đầu khi mới thành lập nhưng sẽ gặp khó khăn khi hoạt động lâu dài. Đây chính là lý do vì sao sau một năm hoạt động, Vườn ươm doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn đợt 2 để điều chỉnh cơ cấu vốn nhà nước còn dưới 50%. Thực tế hoạt động năm đầu tiên của Vườn ươm đã chứng minh mô hình hợp tác công tư là đúng đắn, cả về nội dung và hiệu quả hoạt động, mặc dù hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định như chưa có cơ chế đầu tư vốn của mình vào các startup thành công như chức năng đã đăng ký hoạt động của công ty (do liên quan vốn nhà nước).

Điều quan trọng nữa là đội ngũ nhân sự. Vườn ươm doanh nghiệp thực chất là một công ty khởi nghiệp nên việc xây dựng đội ngũ nhân sự trong thời kỳ đầu thực sự là yếu tố quyết định cho sự thành bại của nó. Điều may mắn của công ty là hơn một nửa số nhân viên và quản lý là những người trẻ    đã học đại học, sau đại học ở nước ngoài, được đào tạo theo đề án 922 của thành phố tự nguyện hoặc được thành phố cử về làm việc ngay sau khi công ty thành lập, và hiện đang nắm giữ các nhiệm vụ chính yếu của Vườn ươm. Với tâm huyết khởi nghiệp, sức trẻ và sự năng động, đội ngũ nhân viên đã thật sự làm nên một thương hiệu DNES được bạn bè trong và ngoài nước biết đến ngay trong năm hoạt động đầu tiên của mình.

 15129533_629345180559608_1274255639876966812_o

Khởi nghiệp là sáng tạo

Tôi thấy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hơi khác với khởi nghiệp thế giới, với các quốc gia khởi nghiệp như Israel, Hàn quốc, Singapore, Hoa Kỳ…Do chúng ta vừa bước vào thời kỳ đầu của làn sóng khởi nghiệp mới nên khái niệm khởi nghiệp ở ta được hiểu không chỉ có nội hàm đổi mới sáng tạo mà còn cả nội hàm khởi sự kinh doanh nữa. Việc đồng nhất thuật ngữ Startup (được dùng để chỉ các hoạt động hoặc công ty khởi nghiệp về công nghệ có tính chất đổi mới sáng tạo) với thuật ngữ khởi nghiệp của ta là không đúng. Tuy nhiên do thuật ngữ startup đã được quốc tế hóa nên chừng mực nào đó chúng ta tạm chấp nhận cách gọi ngắn gọn này cho các hoạt động khởi nghiệp, nhưng theo tôi không nên quá lạm dụng cách gọi này mọi lúc, mọi nơi, sẽ làm nhiều người hiểu sai bản chất của khởi nghiệp và startup.

Một vấn đề được giới khởi nghiệp quan tâm là mong muốn được nhà nước ưu đãi về vốn, đất đai, thuế, cơ chế chính sách… Tôi nghĩ bản chất khởi nghiệp tích cực không nên nặng về tư duy xin cho theo kiểu bao cấp, bởi chờ đến khi có những ưu đãi mong đợi ấy thì lâu lắm, lại phải hàm ơn. Vấn đề chính sách ưu đãi cho khởi nghiệp đương nhiên nhà nước sẽ ban hành. Chính sách của mọi nhà nước đều là bà đỡ cho hoạt động khởi nghiệp của quốc gia họ. Nhưng ta biết ưu đãi chẳng bao giờ là đủ, sớm muộn cũng sẽ làm hư các bạn khởi nghiệp luôn có ý tưởng trông chờ này theo một cách nào đó. Điều cần thiết là mọi người phải nỗ lực đưa hoạt động khởi nghiệp phát triển từng bước, dù chậm. Đồng thời, từ những đòi hỏi thực tiễn để không ngừng làm mới sản phẩm khởi nghiệp của mình, chịu khó sàng lọc và chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách với chính quyền.

Nhân đây tôi muốn giới thiệu một chút về sự kiện Slush tại Phần Lan mà đoàn Việt Nam được tham dự, để thấy được sự gắn kết tất yếu giữa khởi nghiệp và giáo dục, cũng như cho thấy sự trưởng thành của giới khởi nghiệp trẻ thế giới. Sự kiện diễn ra gần một tuần từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2016 với hơn 17.500 người đến từ khắp thế giới, đã khẳng định Helsinki là một cái nôi lớn nữa của khởi nghiệp toàn cầu. Thành phần tham dự đa dạng gồm giới trẻ đang là các startup, doanh nhân khởi nghiệp, nhà nghiên cứu khoa học, nhà công nghệ và sáng tạo, nhà đầu tư, nhà làm chính sách … với nhiều chương trình, làm việc hội thảo và triễn lãm hấp dẫn. Sự kiện đã làm cho mọi người luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng, luôn muốn thảo luận, giao lưu, kết nối mặc dù phải đương đầu với thời tiết ngoài trời luôn lạnh lẽo dưới 0oC. Nhưng điều đặc biệt là quan chức nhà nước không có nhiều người tham gia, ngoài bộ trưởng ngoại giao Phần Lan, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế như WB, các NGO… đến vào giờ khai mạc, còn toàn bộ hoạt động của sự kiện đều do sinh viên các trường đại học và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp điều hành.

maxresdefault

Trong suốt 3 ngày của sự kiện, cùng một lúc có đến 5 diễn đàn hội thảo lớn với các chủ đề rất mới và nóng của toàn cầu do CEO các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng thế giới chủ tọa (chưa kể hàng chục hội thảo lớn nhỏ quan trọng dành cho các nhà làm chính sách diễn ra 2 ngày trước hoạt động chính), khiến chúng ta dù muốn cũng không thể phân thân để tham dự được hết các hội thảo hấp dẫn này. Hàng ngàn gian hàng triển lãm các sản phẩm mới, sáng tạo với những doanh nhân, nhà khoa học đam mê nghiên cứu luôn muốn chia sẽ về dự án của mình. Tại đây, hàng nghìn nhà đầu tư, Quỹ đầu tư khắp thế giới trực tiếp gặp mặt, tìm hiểu và xúc tiến hợp tác đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Slush đã tổ chức được 8 năm và những năm gần đây không chỉ ở Helsinki mà đã được mở rộng sang Singapore, Tokyo, Thượng Hải…đã khẳng định sự thành công to lớn của bài học gắn khởi nghiệp với giáo dục của đất nước Phần Lan: các startup của sinh viên được sự hỗ trợ bởi các trung tâm nghiên cứu khoa học, các vườn ươm doanh nghiệp nằm trong trường đại học. Tại trường Đại học Helsinki có một vườn ươm khởi nghiệp là Helsinki Think Company nơi mà các kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên, startup được gửi đến sẽ làm ra sản phẩm mới và thương mại hóa sản phẩm phù hợp với thị trường, giúp cho các startup đi đúng hướng.

Giám đốc chương trình XEdu-ông Lindhohm chia sẻ “Tại Phần Lan hầu hết các giảng viên đều có khả năng nghiên cứu khoa học. Khi giảng viên có sáng kiến thì họ thúc đẩy nghiên cứu ngay trong lớp học rồi nhân rộng ra đến Vườn ươm khởi nghiệp. Nhờ vậy, chúng tôi phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp mà giáo dục sẽ làm chủ, công nghệ chỉ là công cụ để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp hữu ích. Hệ sinh thái khởi nghiệp được sự hỗ trợ chính, được gia tăng giá trị bởi giáo dục. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ở đây đã có thể nghĩ về một công ty của mình”

Mười năm, hai mươi năm nữa Đà Nẵng sẽ trở nên giàu có và văn minh hơn, ai sẽ làm nên điều kỳ diệu ấy? Có thể có nhiều “nhân vật”, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất sẽ là đội ngũ doanh nhân thành phố, những người hôm nay đang miệt mài khởi nghiệp. Cho nên, quan trọng nhất là sự bắt đầu: Ươm những vườn ươm.

Võ Duy Khương

(Chủ tịch HĐĐP ML Khởi nghiệp TPĐN; 

Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp ĐN)