Tinh thần khởi nghiệp – Động lực phát triển xã hội:

1. Tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) còn được gọi là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, là một thuật ngữ xuất hiện khá lâu trên thế giới. Theo các nhà nghiên cứu thì những doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải là những con người mà bản thân họ có hoài bão vượt lên số phận, chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới và sáng tạo; đồng thời dũng cảm gánh chịu những tai họa nghiêm trọng về vật chất và tinh thần khi làm ăn thua lỗ. Nhà kinh tế học Mỹ Peter F. Drucker cho rằng “tinh thần doanh nhân khởi nghiệp được hiểu là hành động của doanh nhân khởi nghiệp – người tiến hành việc biến những cảm nhận nhạy bén về kinh doanh, tài chính và sự đổi mới thành những sản phẩm hàng hóa mang tính kinh tế. Kết quả của những hành động này là tạo nên những tổ chức mới hoặc góp phần tái tạo những tổ chức đã “già cỗi”. Hình thức rõ ràng nhất của tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là bắt đầu xây dựng những doanh nghiệp mới” (1). Tổng quát, có thể nói tinh thần khởi nghiệp là tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Đồng thời, hầu hết các tác giả đều thống nhất khái niệm “tinh thần khởi nghiệp – tinh thần kinh doanh” (entrepreneurship) gắn với khái niệm “khởi nghiệp – doanh nhân” (entrepreneur). Và trong những năm gần đây có một khái niệm khởi nghiệp rất “hot” khác ra đời, đó là Startup. Ban đầu thuật ngữ Startup thường được dùng với nghĩa hẹp để chỉ các hoạt động khởi nghiệp hoặc công ty khởi nghiệp về công nghệ. Nguyên nhân của điều này đến từ việc thành công của một ngành công nghiệp mới – công nghệ thông tin trong giai đoạn 1990s và bởi đây là những ngành mới phát triển gắn mật thiết với sự đổi mới và sáng tạo. Theo thời gian khái niệm này đã “phẳng hóa” dần và hiện nay thuật ngữ Startup được dùng chung cho các hoạt động khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Kể cả có một khái niệm rộng hơn doanh nghiệp và rất mới – quốc gia khởi nghiệp (start-up nation). Quốc gia khởi nghiệp được hiểu như là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia trẻ mà bản thân nó lúc nào cũng trong giai đoạn khởi nghiệp, là nơi có rất nhiều startup và doanh nhân khởi nghiệp như Israel, Singapore  hay Hoa Kỳ…

Ở đây cũng cần làm rõ thêm về nội hàm của hoạt động khởi nghiệp cũng như nhà khởi nghiệp là gì? Khởi nghiệp là đổi mới có mục đích và có hệ thống. “Người khởi nghiệp dịch chuyển các tài nguyên kinh tế từ nơi có hiệu suất, sản lượng thấp sang nơi có hiệu suất, sản lượng cao” (2). Nhưng đến nay không phải hoạt động khởi nghiệp chỉ đơn thuần trong khuôn khổ kinh tế mà theo lý thuyết, khởi nghiệp bao gồm cả kinh tế lẫn xã hội. Khởi nghiệp gắn liền với mọi hoạt động của con người, phục vụ từ nhu cầu sinh sống đến nhu cầu xã hội. Với nội hàm như vậy nên ta có thể thấy rằng ở bất cứ nơi đâu, lĩnh vực nào khởi nghiệp cũng đều giống nhau.

Các yếu tố cốt lõi của tinh thần khởi nghiệp là: khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh; thái độ chấp nhận rủi ro; và ý tưởng đổi mới – sáng tạo. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số đặc trưng của tinh thần khởi nghiệp là: (i) Có hoài bão và khát vọng kinh doanh; (ii) Có khả năng kiến tạo cơ hội kinh doanh; (iii) Độc lập và dám làm, dám chịu trách nhiệm; (iv) Phát triển ý tưởng sáng tạo và đổi mới phương pháp giải quyết vấn đề; (v) Bền bỉ và dám chấp nhận rủi ro, thất bại; và vi) Có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Từ đó, có thể thấy động cơ chủ đạo của người khởi nghiệp trước hết là muốn khẳng định bản thân và sau đó là muốn đóng góp cho xã hội, còn động cơ vì tiền, vì sự giàu có chỉ là thứ yếu.

Tuy nhiên, sau gần 250 năm, khái niệm người khởi nghiệp, tính khởi nghiệp của J.B.Say (2) ra đời, hiện nay vẫn còn là một chủ đề gây tranh cải. Ở Mỹ, có những học giả định nghĩa người khởi nghiệp là “người sáng lập ra một doanh nghiệp mới, có quy mô nhỏ và thuộc quyền sở hữu của anh ta”. Nhưng rõ ràng không phải doanh nghiệp nhỏ nào cũng có tính khởi nghiệp hoặc thể hiện tinh thần khởi nghiệp.

are-you-startup

Một ví dụ nhỏ để làm rõ luận điểm này. Khi vợ chồng anh X mở một doanh nghiệp bán Phở đương nhiên họ phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Nhưng liệu họ có được coi là những người khởi nghiệp? Tất cả những gì họ làm, người khác đã làm trước đó rất nhiều lần. Họ đầu cơ vào nhu cầu thích ăn Phở ngày càng tăng của cư dân địa phương và khách du lịch, nhưng không tạo ra một nhu cầu tiêu dùng mới hay cách thỏa mãn mới nào. Như vậy, vợ chồng anh X không thể được xem là những người khởi nghiệp, mặt dù họ đã khởi xướng một vụ kinh doanh mạo hiểm.

Còn một câu chuyện rất hay khác đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ ở Paris, đã được kể trên sách báo. Giữa mùa đông lạnh lẽo có một người ăn xin nằm phủ phục ở nhà ga tàu điện ngầm với tấm biển đeo sau lưng “Tôi đói, làm ơn cho tôi ăn”. Người qua kẻ lại rất đông nhưng ít ai dừng lại cho anh ta vài xu, có lẽ chỉ đơn giản vì trời quá lạnh khiến việc dừng lại một phút ngoài trời để móc ví tiền trở nên phiền toái. Khi không thể chịu nổi những cơn đói cồn cào trong giá lạnh, không chịu thua, hôm sau người ăn mày bèn nghĩ đến việc thay một tấm biển khác “Ước gì Paris đừng có mùa đông”. Hiệu quả tức thì, thông điệp đưa ra như tìm được sự đồng cảm của nhiều người cũng đang co ro trong giá tuyết: “Mình ăn mặc thế này mà còn cóng thì gã kia sao chịu nổi”. Thế là chiếc lon đựng tiền của người ăn xin lúc này trở nên nhỏ bé để có thể chứa hết những đồng tiền của người đi đường quăng vào. Người ăn mày ít ai biết đó sau này đã trở thành triệu phú và được coi là “ông tổ” của nghề marketing khi phát minh ra một chiêu tiếp thị vào khách hàng. Trường hợp này có thể xem người ăn mày là một người khởi nghiệp không? Ngay lúc đó anh ta đã có ý tưởng sáng tạo được coi là ý tưởng khởi nghiệp, và sau này trở thành một phát minh tiếp thị sáng giá giúp công ty của ông thành công vượt bật trong nghề marketing. Ông ta là một người khởi nghiệp.

2. Có thể nói quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất trên thế giới trong vài chục năm qua là Israel. Họ đã rút ra ba nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khởi nghiệp thành công là: chính sách phù hợp của chính phủ; sự năng động của công dân; và sự đóng góp của môi trường quân đội. Yếu tố đóng góp sâu sắc, căn bản nhất cho tinh thần khởi nghiệp của Israel chính là nền giáo dục, là quá trình tạo dựng “gien cơ bản” cho tinh thần khởi nghiệp trong mỗi công dân. Người Israel cho rằng, ý chí khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ hình thành ngay từ giai đoạn sơ sinh. Vì vậy, trẻ con được khuyến khích sống với tự nhiên, phát triển tính tò mò, tìm hiểu mọi thứ trong thiên nhiên và cuộc sống. Ở trường mẫu giáo, trẻ con được tập làm quen với việc kết bạn, tạo các mối quan hệ. Ở tuổi thiếu nhi, học cách sống tự lập, chịu trách nhiệm với bản thân, với việc mình muốn làm và học cách chấp nhận rủi ro, thất bại. Lên tuổi thiếu niên, là xây dựng tình đồng đội, bạn bè; học cách hành động nhanh, quyết định táo bạo để chiếm lĩnh mục tiêu, sẳn sàng đương đầu khó khăn, nguy hiểm. Đến tuổi 17 – 18, là hiểu biết và thực hành sứ mệnh đối với sự tồn vong của đất nước và dân tộc bên cạnh trách nhiệm với gia đình. Bước vào quân đội, các em học thực hành trách nhiệm với tổ quốc. Người Israel kính trọng những người làm nhiều hơn trách nhiệm mà họ được giao.

“Gien khởi nghiệp” được tạo rất sớm và lớn dần lên trong cái nôi xã hội thân thiện với khởi nghiệp. Thực tế ở Israel (và các nước phát triển), nhiều người, dù không phải tỉ phú vẫn sẵn sàng bỏ tiền ủng hộ khởi nghiệp, coi như đó là đóng góp cho phát triển kinh tế, cho tương lai chính mình. Xã hội thì luôn có sẵn đội ngũ chuyên gia nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ khởi nghiệp. Chính phủ có chính sách phù hợp hỗ trợ khởi nghiệp: đầu tư, đồng hành, tạo môi trường liên kết và có những chương trình khuyến khích khởi nghiệp trong trường học, trong các định chế xã hội. Các doanh nghiệp lớn, đã thành danh luôn tìm cách kết nối, khuyến khích, sử dụng dịch vụ của các công ty khởi nghiệp. Tất cả những yếu tố ấy đã tạo nên một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ tại “quốc gia khởi nghiệp” này.

startup-nation

* Theo báo Economist, Singapore là một trong ba vùng đất hứa của tinh thần khởi nghiệp hiện nay trên thế giới (2 quốc gia còn lại là Israel và Đan Mạch). Trước đây, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã sớm nhận ra tinh thần khởi nghiệp là động lực phát triển xã hội mới và kêu gọi cả đất nước cùng nhau phát triển tinh thần khởi nghiệp nhưng rồi Singapore đã thất bại trong chiến dịch này vì người dân Singapore khi đó chưa thực sự có được văn hóa “thất bại” như người Israel. Tuy nhiên gần đây, tinh thần khởi nghiệp tại Singapore đã được khơi dậy mạnh mẽ nhờ các chính sách ủng hộ của chính phủ. Nhà trường ở Singapore giảng dạy tinh thần khởi nghiệp, và các đại học thúc đẩy gắn kết việc đào tạo kinh doanh với giới doanh nghiệp. Đến năm 2008, Singapore đã có Quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ lập ra, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng như truyền thông số, công nghệ sinh học, công nghệ làm sạch và lọc nước… Đồng thời, thông qua truyền thông chính phủ khuyến khích người dân vốn quen tư duy thụ động trở nên năng động hơn. Các chính sách tích cực của chính phủ đã giúp thay đổi văn hóa bảo thủ tại Singapore, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ trên cơ sở nền tảng của giáo dục và hệ thống luật pháp hỗ trợ cho khởi nghiệp.

* Khi nhắc đến nước Mỹ, chúng ta thường nghĩ đến những tập đoàn hùng mạnh, hàng trăm nhà tỷ phú, hàng nghìn nhà khoa học xuất chúng, hàng chục nhà bác học đạt giải Nobel, chiếm lĩnh hầu hết những công nghệ hiện đại nhất thế giới… Nhưng cái gì đã tạo nên điều đó cho nước Mỹ? Có rất nhiều yếu tố nhưng yếu tố quyết định là tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ. Để duy trì vị thế dẫn đầu nền kinh tế thế giới, nước Mỹ phải lấy “tinh thần khởi nghiệp” làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo. Thay  vì  coi  trọng  dòng  dõi, truyền thống như nhiều quốc gia khác, người Mỹ coi trọng những cá nhân sẵn sàng khởi  nghiệp và  khởi  nghiệp  thành  công, bất kể cá nhân đó ở địa vị nào trong xã hội, xuất thân từ một khu ổ chuột hay một gia đình thế lực. Tổng thống Obama đã tuyên bố với người Mỹ về sáng kiến Nước Mỹ Khởi nghiệp: “Doanh nhân đại diện cho lời hứa của nước Mỹ: nếu bạn có ý tưởng hay và sẵn sàng làm việc hết mình để theo đuổi, bạn sẽ thành công trên đất nước này. Và trong quá trình hiện thực hóa lời hứa này, các doanh nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng nền kinh tế và tạo việc làm”

Nước Mỹ là xã hội năng động nhất trong đổi mới sáng tạo, họ luôn có nhu cầu thúc bách phải khởi nghiệp để biến những phát minh, sáng chế mới thành hàng hóa. Với mọi doanh nhân thành đạt ở Mỹ, nhiều người đã thử sức và thất bại, vô số người thất bại nhiều lần mới thành công được và những người đã thành công vẫn tiếp tục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp những công ty mới. Trong văn hóa Mỹ, mối quan tâm, cá tính của mỗi cá nhân được xem là quan trọng nhất. Họ tôn vinh những người dám tự làm, tự chịu. Khi thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng, được công nhận ở những vị trí cao trong xã hội. Khi họ thất bại thì được coi là một giai đoạn tự nhiên và cần thiết để chuẩn bị cho sự thành công sau cùng. Vì vậy mà những người thất bại được cả xã hội nâng đỡ, tiếp tục đứng lên và bắt đầu lại. Điều này làm cho xã hội Mỹ cạnh tranh quyết liệt hơn, luôn đem lại thành tích cao hơn và là động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới năng động và của cải phát triển dồi dào. Bên cạnh đó, người Mỹ cũng ưa mạo hiểm và thích phiêu lưu. Họ đầu tư cho ngay cả những “kế hoạch điên rồ nhất”. Nhưng chính vì sự năng động, “sức trẻ trong suy nghĩ” đó mà họ thành công và giàu có. Mỹ còn là quốc gia có những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất, hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới; đây chính là nguồn vốn ươm mầm cho những ý tưởng kinh doanh táo bạo và đã đem lại sự thành công không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới.

Chúng ta có một ví dụ hết sức điển hình về tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, sẳn sàng chấp nhận rủi ro để thành công trong chiến dịch ứng cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump. Một doanh nhân đã 70 tuổi, chưa có kinh nghiệm gì về lãnh đạo chính trị, quân sự, ngoại giao mà lại chiến thắng trước một chính trị gia sừng sỏ là bà Ngoại trưởng Hillary Clinton với khẩu hiệu tranh cử  “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”…

Từ kinh nghiệm của các quốc gia khởi nghiệp tiêu biểu nêu trên, có thể thấy rằng tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân đặc biệt được khơi dậy mạnh mẽ trong những xã hội mà ở đó có nền kinh tế phát triển sôi động, có nền giáo dục khởi nghiệp với nhiều trường đại học và các trung tâm nghiên cứu – phát triển, có đông đảo đội ngũ lao động trí thức trẻ tuổi, có cộng đồng doanh nghiệp hoạt động năng động và có sự hỗ trợ thích đáng của chính quyền nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động.

3. Ở đây có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao và bằng cách nào, Israel một quốc gia chỉ có 8 triệu dân và mới 65 năm tuổi, một đất nước nhỏ bé mà hơn hai phần ba là sa mạc, đồi núi, 95% diện tích đất nước được coi là khô hạn và không thể canh tác, ngay cả nước ngọt cũng thiếu trầm trọng, không có tài nguyên thiên nhiên, lại bị khối thù địch tôn giáo 350 triệu người bủa vây… nhưng đã tạo ra những nông trang tập thể đầy hoa giữa sa mạc khô cằn, đã sinh ra rất nhiều chủ nhân giải thưởng Nobel, khoa học gia, kỹ nghệ gia lỗi lạc, thương gia đại tài; kiểm soát những lĩnh vực then chốt của thế giới? Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là dân số Việt Nam đông hơn Israel gần 11 lần, diện tích lớn hơn 12 lần, nhưng GDP đầu người lại thấp hơn họ đến 22 lần! Và cũng câu hỏi như vậy với đất nước Singapore “nhỏ bé”, diện tích chỉ bằng hai phần ba diện tích thành phố Đà nẵng!

Ở nước ta, hệ thống giáo dục chưa chú trọng việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chưa được trang bị những nguyên lý cơ bản về kinh tế học và tiếp cận thực tiễn về kinh doanh. Phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, thậm chí không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa có ý niệm đầy đủ về lập thân, lập nghiệp. Hơn nữa, các chương trình giáo dục – đào tạo ở các cấp chỉ nặng trang bị kiến thức, kỹ năng để trở thành người làm thuê hơn là làm chủ. Một ví dụ sinh động là cách đây vài năm, báo chí đưa tin một lớp học 12 chuyên ở Hà Tĩnh có 45 học sinh thì tất cả đều muốn sau khi học đại học xong sẽ trở thành cán bộ nhà nước! Một câu chuyện nhỏ nhưng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Trong khi đó tinh thần làm chủ, tinh thần khởi nghiệp hầu hết lại được khởi nguồn từ những con người lăn lộn thực tiễn, ít có cơ hội học hành. Thực trạng là phần lớn những người khởi nghiệp, lập nghiệp ở Việt Nam có trình độ học vấn thấp, còn đối với những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn lẽ ra có nhiều cơ hội khởi sự kinh doanh thành công, lại hướng đến việc đi làm công, làm thuê. Phải chăng đây là một đặc điểm riêng có ở xã hội ta? Đặc điểm đó có tạo ra rào cản lớn cho quá trình hình thành tinh thần khởi nghiệp trong đời sống hiện đại của đất nước?

4. Xây dựng tinh thần khởi nghiệp của người Việt như thế nào trong thời kỳ hội nhập?

111

Hiện nay, môi trường khởi nghiệp Việt Nam còn rất non trẻ so với thế giới nhưng chúng ta vẫn có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp một cách mạnh mẽ: còn đang ở trong (cuối) thời kì dân số vàng, nền kinh tế đang phát triển, hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động, hàng trăm trường đại học và trung tâm nghiên cứu đang hoạt động trên khắp cả nước. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra lâu nay là chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ về đổi mới nền giáo dục; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ chính quyền các cấp; đặc biết thiếu những giải pháp tạo dựng nền văn hóa khởi nghiệp, văn hóa chấp nhận “thất bại” cho người dân, đặc biệt cho giới trẻ.

Trước hết, cần phải hình thành tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện trong hệ thống giáo dục và xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, việc cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn giáo dục – đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho người dân nói chung trong tất cả các định chế xã hội.

Thứ hai là cần có các chính sách nhất quán và đồng bộ từ chính phủ và các cấp chính quyền, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp. Hiện nay, các chính sách, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn quá thiếu và yếu kém. Theo số liệu công bố của nhà nước, trong những năm gần đây, số lượng các công ty mới thành lập bình quân khoảng 80.000 doanh nghiệp/năm (riêng năm 2016 có thể tăng đến gần 100.000 công ty); nhưng cũng đã có bình quân khoảng 50.000 công ty ngừng hoạt động/mỗi năm. Điều này chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống nhưng vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách và sự đầu tư đúng mức, hỗ trợ cần thiết từ nhà nước và xã hội nên những doanh nghiệp mới hoạt động, những người khởi nghiệp không trụ lại được với tỷ lệ khá lớn.

Thứ ba là trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, đã bộc lộ những dấu hiệu phát triển thiếu bền vững, khu vực kinh tế nhà nước đã lộ rõ sự yếu kém nghiêm trọng, đóng góp của doanh nghiệp FDI vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nước nhà còn nhiều vấn đề phải xử lý. Đã quá chậm để ban hành đầy đủ các chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng. Nhà nước phải thực sự xem kinh tế tư nhân là động lực phát triển xã hội. Cùng với đó, cần nhanh chóng và kiên quyết cải cách thể chế theo hướng giảm mạnh thủ tục hành chính, triệt bỏ tệ nạn sách nhiễu doanh nghiệp từ các cơ quan công quyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình khởi nghiệp, quá trình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp được thông suốt và hiệu quả.

Tôi tin chắc rằng một khi tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp nở rộ trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là trong thế hệ trẻ Việt Nam thì nó sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ nhất, chủ yếu nhất thúc đẩy phát triển nền kinh tế, phát triển xã hội, đưa đất nước tiến lên./.

19b

(1) Tinh thần doanh nhân khởi nghiệp và sự đổi mới – Peter F. Drucker, 2011

(2) Nhà kinh tế học người Pháp J. B. Say, trang 44 – Sách đã dẫn (1)

Võ Duy Khương