Khi tìm hiểu về các thương hiệu F&B làm app trên Facebook, thương hiệu Vua Bánh Mì lọt giữa những thương hiệu lớn như KFC, Starbucks, The Coffee House… Một chuỗi bánh mì 6 cửa hàng làm app để khách đặt hàng làm dấy lên những băn khoăn:
- Một cửa hàng bánh mì dạng chuỗi như vậy hiệu quả như thế nào so với những thương hiệu lâu đời ở Sài Gòn như bánh mình Huỳnh Hoa, bánh mì Bảy Hổ…?
- Vua Bánh Mì làm app để “làm màu” hay là khai thác hiệu quả thật sự?
Từ góc nhìn của end user
Gọi ngay *2018, Miễn phí giao hàng
Cửa hàng của Vua Bánh Mì nằm ở các khu vực tập trung dân văn phòng, và chỉ cần một ổ cũng giao, nhưng chỉ phục vụ trong phạm vi 2km. Sau khi đặt hàng thì tầm 20 phút là có một bạn nhân viên chạy xe đạp điện đến giao.
Menu bánh mì chay lẫn mặn, ăn một tuần vẫn chưa hết món
Menu đủ các loại từ bánh mì pate chả lụa truyền thống cho đến các dòng biến tấu một chút như bánh mì chả cá, bánh mì xíu mại, bánh mì thịt nướng… Và ngạc nhiên hơn, dòng menu bánh chay của Vua Bánh Mì khá ngon, với bộ 4 món: rau củ rim, nấm chay, đậu hũ nướng và đậu hũ phá lấu.
Bánh mì có 3 size với S-M-L với giá tương ứng là 20.000đ, 25.000đ và 29.000đ. Ngoài ra còn có các combo bánh-nước. Các món nước chỉ đơn giản như cafe, nước sâm, chanh sả mật ong… Ngoài ra còn có món pate đóng hũ.
Khuyến mãi kích thích mua hàng, tích điểm cho khách trung thành
Vua Bánh Mì hay có những khuyến mãi như mua combo ưu đãi, miễn phí upsize giờ chiều, và khai trương cửa hàng mới thì mua 1 tặng 1. Bên cạnh đó, cửa hàng còn có chương trình tích điểm dành cho khách trung thành, cứ đặt 10 ổ thì được tặng 1 ổ miễn phí và không tích điểm với những ổ khuyến mãi.
Gặp gỡ “ông Vua Bánh Mì”
Anh Âu Tuấn Long – Founder Vua Bánh Mì đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm tại Workshop A1 Talk – SMEs ngành F&B – Sống sót và bền vững trong kỷ nguyên số. Anh Long từng giữ vị trí Operation Director của Domino’s Pizza và The Coffee House nên cách vận hành rất chuẩn mực, từ tư duy đến cách áp dụng công nghệ. Từ những chuyện kiếm tiền như: phát tờ rơi, lên các chương trình khuyến mãi, giữ chân khách hàng cho tới giữ được tiền như tránh lãng phí nguyên liệu, giờ công lao động.
Tìm kiếm và thu hút khách hàng
Với một quán F&B thì vị trí là điều rất quan trọng để có khách hàng. Vua Bánh Mì cũng thế, cửa hàng được đặt tại các khu vực đông dân, gần chung cư, chợ, trường học hay văn phòng. Đến việc thu hút khách hàng, anh Long cũng dùng biện pháp đơn giản như mọi người là phát tờ rơi, nhưng bạn sẽ thấy bất ngờ ở chỗ, anh đã nghiên cứu để tối ưu từ những việc nhỏ nhất.
Giai đoạn 1: Khảo sát từng nơi, đến từng nhà
Vua Bánh Mì khoanh vùng lân cận cửa hàng nhằm ước lượng khách hàng tiềm năng và lượng khách cần giao hàng.
- Các hộ trong khu vực vòng tròn màu xanh lá chính là những khách hàng tiềm năng nhất. Vùng này đa số là các toà văn phòng, dễ dàng thấy được thông điệp Vua Bánh Mì.
- Khu vực màu đỏ gồm hơn 6.300 khách hàng, có thể cần dịch vụ giao hàng. Vùng này rất khó để thấy được thông điệp Vua Bánh Mì.
- Xác định được khu vực lân cận và tiếp thị tờ rơi, chú trọng những khu vực màu đỏ.
Vua Bánh Mì đã đặt ra bộ câu hỏi về traffic khu vực:
- Đèn đỏ bao nhiêu giây?
- Đèn xanh bao nhiêu giây?
- Có bao nhiêu hàng xe tại ngã 4?
Vậy thì:
- Tổng số tờ rơi có thể phát trong xx giây?
- Tổng số tờ rơi và nhân lực cần để phát trong giờ cao điểm?
- Tổng số traffic nhìn thấy được thông điệp của Vua Bánh Mì?
Giai đoạn 2: Xác định mật độ khách hàng qua Geographic Data (dữ liệu vị trí)
- Vua Bánh Mì có thể theo dõi được hiệu quả của tiếp thị phát tờ rơi.
- Biết được tần suất mua hàng của khách hàng lân cận.
Khảo sát khu vực – Vua Bánh Mì định hướng mở chi nhánh mới
Xem qua geographic data dưới đây, Vua Bánh Mì có thể dễ dàng xác định được vị trí trọng yếu:
- Vùng X là khu vực vẫn chưa có đơn hàng, cần đẩy mạnh tiếp thị tại những vùng này.
- Vùng Y có tiềm năng phát triển. Nhưng khu vực này cách quá xa cửa hàng trung tâm, nên cần có thêm cửa hàng để đảm bảo đúng thời gian giao hàng.
Thu thập – xử lý dữ liệu, câu chuyện giữ chân khách hàng
Theo nghiên cứu của Forbes Insights và Sailthru, khảo sát 300 giám đốc điều hành các nhà bán lẻ và truyền thông trên toàn cầu:
- Các công ty đầu tư nhiều ngân sách vào việc giữ chân khách hàng trong thời gian 1-3 năm có khả năng tăng 200% thị phần, trái ngược lại là các công ty chỉ tập trung tìm kiếm khách hàng mới.
- Chi phí có được một khách hàng gấp 5 lần chi phí giữ chân khách hàng cũ.
- Tăng tỉ lệ giữ chân khách hàng cũ lên 5% có thể làm tăng lợi nhuận từ 25-95%.
Đáng buồn là trên thực tế vẫn còn nhiều cửa hàng không biết, mở ra chỉ chú trọng tìm kiếm khách hàng mới, cố gắng cắt giảm chi phí mà coi thường việc đầu tư giữ chân khách hàng cũ.
Anh Long rất hiểu tầm quan trọng của khách hàng trung thành, nhưng anh cũng hiểu ngay khó khăn rằng: cạnh tranh ngày càng khốc liệt và khách hàng đang có quá nhiều lựa chọn. Sẽ có rất ít khách hàng “trung thành” nói: “Tôi không ăn ở quán này thì cũng không ăn ở đâu khác!”.
Vậy, Vua Bánh Mì đã làm gì?
Sau khi tìm kiếm, thu hút khách hàng và chọn được điểm bán tiềm năng, Vua Bánh Mì đã tiến hành thu thập, xử lý dữ liệu khách hàng và tìm cách tối ưu.
Khách hàng mua bánh mì đến lần thứ 3 đã trở thành khách quen, đến lần thứ 6 bắt đầu trung thành.
Vua Bánh Mì thực hiện quy trình thu thập dữ liệu khách hàng:
- Nhân viên hỏi trực tiếp thông tin khách tại cửa hàng, xin số điện thoại để tích điểm thành viên – giống như Bách hóa Xanh.
- Khuyến khích khách đặt hàng online lần sau – qua website và app. Lúc này Vua Bánh Mì đã có dữ liệu khách và tiếp tục tích điểm.
- Tiến hành xử lý.
Dựa vào frequency data (dữ liệu tần suất mua hàng), Vua Bánh Mì nhóm khách hàng vào những nhóm nhỏ như Good, Safe, Callback. Với những khách hàng có chỉ số idfNow cao hơn idfMax, nghĩa là khách hàng đã lâu không quay lại so với những lần trước đó thì được xếp vào nhóm Callback. Đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ tiến hành “nhắc nhở” và khuyến khích những khách hàng này quay lại mua hàng. Từ đó, Vua Bánh Mì có thể cải thiện retention rate.
Vấn đề giữ tiền: tránh lãng phí nguyên liệu
Với kinh nghiệm vận hành chỉn chu từ các chuỗi lớn, anh Long đã chia sẻ tầm quan trọng của việc tiết kiệm từng gram nguyên liệu. Vì thế anh không chỉ vận hành app riêng để “giao tiếp” trực tiếp với khách hàng, mà còn ứng dụng IOT trong bảo quản nguyên liệu để tránh hư hao.
Nhờ kết hợp nhiều loại dữ liệu, hệ thống có thể ước tính được khối lượng nguyên liệu cho từng ngày làm việc, thậm chí là cho từng khung giờ. Nhờ vậy, tỉ lệ nguyên liệu bị lãng phí đã giảm 3% từ 3.37% xuống còn 0.67% và cắt giảm được một khoản chi phí lớn.
Tổng hợp đơn hàng trong ngày – đa dạng hoá menu theo giờ
Nhìn vào số liệu tổng hợp, anh Long phát hiện ra khách hàng chỉ thường đến mua bánh mì vào buổi sáng, khung giờ trưa và chiều tối rất vắng khách. Để khắc phục vấn đề này, anh đã ra thêm nhiều món bánh mì mới phù hợp theo từng thời điểm trong ngày.
Cụ thể, khách thường chọn những loại bánh mì “ăn nhẹ” cho buổi sáng. Nên anh Long nhanh chóng thay đổi và bổ sung thêm nhiều món bánh mì “ăn no” cho buổi trưa và “ăn chơi” cho buổi tối. Việc đa dạng hoá menu đã giúp Vua Bánh Mì có lượng khách đều đặn trong từng khung giờ trong ngày.
Củng cố món chay, chiếm từ 1% đến gần 10% doanh thu.
Phân tích dữ liệu không chỉ là phân tích số liệu, mà còn là dự đoán được xu hướng của thị trường và khách hàng. Case bánh mì chay là một ví dụ rất hay để nói về chuyện này.
Đại diện bộ phận R&D sản phẩm – chị Trúc – từng làm việc tại Domino Pizza nên rất hiểu về nhu cầu ăn chay của khách hàng, chia sẻ: Vua Bánh Mì bắt đầu thêm món bánh mì chay vào menu vào cuối năm 2018. Tuy nhiên cửa hàng chỉ bán được vỏn vẹn 292 ổ trong vòng 3 tháng đầu vì nhu cầu tiêu thụ còn rất ít. Từ đây, cửa hàng đã thu thập dữ liệu và chia đối tượng khách hàng thành 2 kiểu:
- Khách ăn chay theo mùa (chỉ mua ăn vào mùng 1 hoặc 15 rằm). Đối tượng này rất dễ lãng quên thương hiệu, và họ thường ảnh hưởng bởi khuyến mãi Now, GrabFood…
- Khách ăn chay trường là đối tượng ăn chay trường hoặc đơn giản là thích ăn món chay, hạn chế món mặn.
Cho đến tháng 1 năm sau, nhận thấy nhu cầu tăng rất cao, nhưng thị trường còn hạn chế các món chay ngon nên Vua Bánh Mì đã nghiên cứu và thêm vào menu 3 món bánh mì chay mới, nâng tổng số bánh mì chay lên 4 món. Kết quả Vua Bánh Mì đã bán được hơn 2.900 ổ bánh mì chay và tính đến quý IV năm 2019, có tổng cộng 4.611 ổ bánh mì chay được tiêu thụ.
Corona – Vua Bánh Mì có khó khăn?
Vua Bánh Mì không những không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch mà còn tăng OC và sales. Chỉ có chút vấn đề nhân lực do các bạn về quê theo yêu cầu của gia đình.
Vậy, tại sao chuỗi bánh mì 6 quán, nằm giữa vùng đất Sài Gòn lại có thể vừa chống dịch vừa tăng doanh thu?
Nguyên nhân chính là Vua Bánh Mì hiểu rõ được khách hàng cần gì, từ đó chăm sóc tốt nên lượng khách trung thành vẫn còn. Khách đã quen với hành vi order online và suốt quá trình trước đó, thương hiệu đã train được họ mua từ nhiều kênh khác nhau.
Anh Long chia sẻ: “Doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn thì điều quan trọng nhất là phải biết rõ được khách hàng của mình, có vấn đề gì thì mình cũng có cơ hội thay đổi.
Nó là cả 1 tổ hợp để sống khoẻ trong 2 tháng qua khi dịch ở đỉnh điểm:
- Sản phẩm sạch và có cả sản phẩm chay: Tâm lý khách hàng lo ngại bệnh dịch sẽ chú ý tới thức ăn hợp vệ sinh.
- Bản thân sản phẩm cũng đáp ứng được mong đợi của số đông khách hàng hiện hữu về “bánh mì ngon”.
- Giao hàng miễn phí.
- Có chương trình cho khách hàng thân thiết.
- Khách không hài lòng thì có WOW Service* – điều không có ở 1 tiệm bánh mì nói riêng và phần đông brands F&B nói chung.
- Sản phẩm mới liên tục làm đa dạng dòng bánh mì dựa theo data khách hàng đưa về.”
* WOW Service Vua Bánh Mì là chính sách nếu khách không hài lòng về món ăn sẽ được đền bù lại.
Kết: Nguồn lực có phải yếu tố kiên quyết?
Nguồn lực ở đây được hiểu là tài lực và nhân lực; team lập trình; ngân sách; mindset về ngành; kinh nghiệm. Rất nhiều thứ phải có mới làm được.
Câu trả lời: mindset là yếu tố quan trọng.
Bản thân chủ doanh nghiệp phải thật sự để tâm đến việc mình làm. Ví dụ như khách hàng lưu trú tại khách sạn, và mỗi đĩa trái cây họ ăn đều để thừa chôm chôm sau 3 lần, thì lần thứ 4 nhân viên sẽ không bày chôm chôm nữa.
Chỉ cần để tâm, ghi lại, đánh giá và cải thiện, chắc chắn bạn sẽ tự khắc biết mình muốn gì.
Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nền tảng phần mềm dạng trả phí theo tháng, như cách bạn đã dùng Kiot Việt, iPOS để quản lý thông tin cửa hàng của mình. Và Mobile app nghe tưởng chừng đắt đỏ, nhưng vẫn có mAPP – với giá chỉ từ 249.000đ/tháng, không chỉ đủ các tính năng như order online, tích điểm hội viên mà còn tư vấn giải pháp để dùng app hiệu quả.
Nguồn: Brands Vietnam