Pitching (trình bày kế hoạch) gần đây không còn là một khái niệm xa lạ, nhất là khi chương trình Shark Tank trở nên phổ biến hơn. Thực tế, pitching gắn liền với cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta pitching tại một cuộc thi, pitching để tham gia vào chương trình ươm tạo hay pitching để thu hút nhà đầu tư cho dự án khởi nghiệp, để giới thiệu dự án với khách hàng tiềm năng. Chính vì vậy, việc trình bày như thế nào để vừa đủ hấp dẫn người nghe, vừa truyền tải được cái mà mình muốn gửi gắm là một vấn đề rất quan trọng. Bài học này sẽ nêu ra những nội dung cần lưu ý để có được một bài pitching thành công, dựa trên ba tình huống pitching cụ thể là: (1) pitching tham gia vào chương trình ươm tạo, (2) pitching trong các cuộc thi Khởi nghiệp và (3) pitching với nhà đầu tư. 

I. Dạng thứ nhất: pitching để được chọn vào các chương trình ươm tạo 

Hiện nay, có rất nhiều chương trình ươm tạo hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có thể kể đến như: 

Việc tham gia vào các chương trình ươm tạo không chỉ giúp các nhà sáng lập được đào tạo bài bản về kỹ năng, học hỏi thêm từ câu chuyện của các founder khác; mà còn là cầu nối giữa các startup với các đối tác tiềm năng như quỹ đầu tư, đơn vị truyền thông, báo chí. Hơn thế nữa, chương trình ươm tạo còn đem lại cơ hội để các nhà sáng lập nắm bắt nhanh chóng những thông tin liên quan đến các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các startup. 

Đối với pitching để tham gia vào các chương trình ươm tạo, ngoài việc sắp xếp hợp lý bố cục câu chuyện về dự án khởi nghiệp, một bài pitching thành công phải thể hiện đầy đủ 5 nội dung sau: 

  • Câu chuyện của founders: lý do vì sao khởi nghiệp và xây dựng dự án; kinh nghiệm và các vị trí đã trải qua,… 
  • Câu chuyện của sản phẩm: độ lớn của thị trường, nhu cầu của khách hàng, vấn đề cần giải quyết, mô hình kinh doanh, định hướng phát triển ít nhất trong 06 tháng tiếp theo
  • Các vướng mắc và khó khăn trong quá trình khởi nghiệp: thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm của startup/ founders, nêu rõ lý do vì sao cần tham gia vào chương trình ươm tạo, đang cần được cố vấn những nội dung gì và mục tiêu sau khi tham gia vào chương trình là gì?
  • Những điểm mạnh của dự án so với các dự án khác cùng lĩnh vực trên thị trường 
  • Thể hiện rõ quyết tâm và cam kết tham gia vào chương trình một cách hiệu quả 
5 nội dung tạo nên bài pitch thành công
5 nội dung tạo nên bài pitch thành công

 

II. Dạng thứ hai: Pitching trong các cuộc thi khởi nghiệp 

Những cuộc thi khởi nghiệp thường sẽ bao gồm ít nhất 4 vòng thi trước khi bước vào vòng chung kết. Những yêu cầu và yếu tố tạo nên sự thành công cho bài pitching ở mỗi vòng thi một khác. Và dưới đây là bí quyết để chiến thắng từng vòng thi được chia sẻ từ Founder của dự án Umbalena – dự án ươm tạo tại Chương trình FINC thuộc Vườn ươm DNES 

1. Vòng sơ loại 

Tại vòng thi này, bạn cần lưu ý 2 điều sau đây: 

  • Chuẩn bị đầy đủ thông tin của dự án theo cách trực quan nhất
  • Giữ tương tác trước, trong và sau cuộc thi để BTC có thể dễ dàng ghi nhớ công ty và sản phẩm của bạn 

2. Vòng pitching bán kết và chung kết 

Đối với pitching tại vòng bán kết và chung kết, nội dung của bài pitching cần đảm bảo những nội dung về: 

  • Sản phẩm/ Ý tưởng (Product/ Idea) 
  • Nhà sáng lập/ Đội ngũ sáng lập (Founder/ Team)
  • Thị trường (Market)
  • Tốc độ tăng trưởng/ Hướng phát triển (Growth/ Stability)
  • Giao dịch, doanh số (Traction)
  • Nội dung thuyết trình/ Cách thức truyền tải (Presentation/ Delivery)

Ngoài ra, có 4 dạng thuyết trình cơ bản để thể hiện ý tưởng trong Demo Day 

  • Tập trung vào Sản phẩm (Product)
  • Tập trung vào Thị trường (Market) 
  • Tập trung vào Giao dịch, doanh số (Traction) 
  • Tập trung vào Đội ngũ sáng lập (Team)

3. 4 điều cần lưu ý khi pitching tại các cuộc thi khởi nghiệp 

  • Trình bày điểm mạnh nhất trong 4 yếu tố: sản phẩm, thị trường, doanh số, đội ngũ sáng lập để gây ấn tượng 
  • Kết hợp nhuần nhuyễn phần hình ảnh và phần thuyết trình 
  • Tìm một tagline/ highlight để thể hiện xuyên suốt bài pitch để người nghe dễ dàng nắm bắt nội dung 
  • Đặt mình trong tâm thế người kể chuyện để BGK – người gặp bạn lần đầu tiên – vẫn có thể hiểu những điểm sáng trong dự án khởi nghiệp của bạn. 
pitching trong các cuộc thi khởi nghiệp
pitching trong các cuộc thi khởi nghiệp

 

III. Dạng thứ ba: Pitching cho các nhà đầu tư 

Ngoài những lưu ý và các nội dung cần có trong 1 bài pitch đã được chia sẻ ở trên, có 3 điều các nhà sáng lập cần lưu ý khi Pitching cho Nhà đầu tư: 

1. Hiểu thật rõ nhà đầu tư 

Mỗi nhà đầu tư cá nhân hay quỹ đầu tư đều có những “khẩu vị” đầu tư riêng. Ngoài việc quan tâm đến nguồn vốn, các nhà sáng lập nên tìm hiểu kĩ các nhà đầu tư, xem xét nguồn lực phía sau họ. Từ đó, bạn sẽ hiểu được đối tượng mình muốn pitching là ai để lựa chọn cách thức trình bày phù hợp nhất cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất cho dự án khởi nghiệp của mình. 

Có thể kể đến Hải Hồ – Co-founder của ứng dụng Blockchain Triip – như một ví dụ điển hình cho phần này. Trước khi đến và kêu gọi vốn trong chương trình Shark Tank, co-Founder Hải Hồ đã cùng team Triip chia nhau ra xem toàn bộ các tập Sharktank từ mùa 1 tới mùa 3. Sau đó, lập File excel phân tích sở thích đầu tư, triết lý kinh doanh của mỗi shark như thế nào, các shark thường hay hỏi câu gì và xác định shark nào là đối tượng mà team muốn chú trọng ghi điểm. Việc phân tích rất kỹ đối tượng người nghe là chìa khóa then chốt quyết định thành công khi pitching. 

2. Trung thực với số liệu bạn trình bày 

Các nhà đầu tư thích xem các ý tưởng được hỗ trợ bởi các số liệu thực hơn là những ý tưởng chưa có giải pháp. Và hãy nhớ là phải thực tế với dự đoán bán hàng của bạn. Một số founder thường thiếu sự chuẩn bị về thông tin, số liệu cho phần trình bày, thậm chí đưa ra những thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm hay tranh cãi không có hồi kết. Đối với các dự án startup ở giai đoạn đầu, khi doanh thu chưa nhiều hoặc chưa có doanh thu thì vẫn phải lưu ý nêu rõ các giao dịch quan trọng, doanh số (traction) và các chỉ số quan trọng của dự án như chỉ số tương tác (engagements), người dùng hoạt động (active users), tỉ lệ duy trì (retention rate), giá trị vòng đời (lifetime value),… cho các nhà đầu tư. Nếu con số chưa được tăng trưởng như kỳ vọng, hãy trung thực trình bày các lý do và giải pháp của mình. 

3. Luyện tập pitching ngắn gọn nhưng vẫn đủ gây ấn tượng 

Pitching chỉ là bước đầu tiên khởi động trong quá trình tiếp cận nhà đầu tư. Bạn cần rất nhiều thời gian và công sức mới thực sự gọi được vốn. Trong buổi meeting đầu tiên, hãy cố gắng tạo thiện cảm với các nhà đầu tư về founders và mô tả sản phẩm và cơ hội kinh doanh một cách hấp dẫn nhất. Những thông số cụ thể có thể tiếp tục được thảo luận trong các buổi tiếp theo, do vậy đừng quá tham và sa đà vào chi tiết, nếu không sẽ gây “quá tải” đối với bài pitching. Quan trọng hơn hết, các nhà sáng lập nên có kết nối và cập nhật các thông tin thay đổi tích cực về dự án cho nhà đầu tư sau mỗi buổi pitching. 

3 điều cần lưu ý khi pitching cho nhà đầu tư
3 điều cần lưu ý khi pitching cho nhà đầu tư

 

Trên đây là chia sẻ của chuyên gia đến từ Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES về việc trình bày dự án khởi nghiệp. Để có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về chủ đề này, mời các bạn cùng xem video dưới đây. 

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Nhi

Hỗ trợ nội dung: Lê Thị Cẩm Trinh – Co-Founder Umbalena


Xem thêm những bài học khởi nghiệp khác tại đây:

>> Động lực và chân dung các nhà sáng lập trên hành trình khởi nghiệp

>> Tìm kiếm và đánh giá ý tưởng khởi nghiệp 

>> 5 sai lầm thường gặp khi bắt đầu khởi nghiệp 


THÔNG TIN CHUNG:

Series bài học cung cấp kiến thức và kỹ năng cho startup

Bài học được đăng tải tại: DNES STARTUP LESSONS LEARNED 

Đơn vị thực hiện: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng Đề án 844

 

Tags