Sự phát triển mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần ở Đông Nam Á là một xu hướng mới nổi, và serial entrepreneur (cụm từ để chỉ những doanh nhân tiếp tục thành lập các công ty mới sau khi đã làm chủ một hay nhiều doanh nghiệp trước đó) Jeff Hoffman, tỷ phú người Mỹ và là người đồng sáng lập của Priceline cực kỳ ấn tượng về điều đó.

(Ảnh: SURF 2017)

“Tôi quan tâm nhiều đến đầu tư thiên thần (angel investment) hơn là đầu tư mạo hiểm (venture capital – VC). Nhiều mạng lưới nhà đầu tư thiên thần đang nở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á… Tôi nghĩ đó là một tin tốt lành. Dòng tiền của các nhà đầu tư mạo hiểm đang đổ về khu vực này nhiều hơn, nhưng nhiều hơn nữa là dòng tiền của các nhà đầu tư thiên thần”, tỷ phú Hoffman, người thành lập sàn đấu giá trực tuyến uBid.com và công ty thiết kế ColorJar cho biết, ông đồng thời nhấn mạnh, các công ty lớn trong ngành du lịch sẽ phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị đánh bại bởi các công ty khởi nghiệp như cách Airbnb và Uber đang làm.

“Nhiều startup có tính đổi mới sáng tạo vượt trên các công ty lớn đang kiểm soát thị trường. Điều đó mang lại ích lợi rất lớn cho người dùng cuối”, Hoffman cho biết.

Với sự hỗ trợ của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên Hiệp Quốc và chính phủ nhiều nước, Jeff Hoffman đã đến nhiều nước để chia sẻ về những kinh nghiệm của mình, trong đó gần đây nhất là Việt Nam.

(Ảnh: SURF 2017)

DEALSTREETASIA đã có cuộc trò chuyện với Hoffman về các công ty khởi nghiệp du lịch, tinh thần kinh doanh và đầu tư ở các thị trường mới nổi tại SURF – Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế thường niên tại Đà Nẵng, Việt Nam .

  1. Priceline đã đạt được mức tăng trưởng tốt trong những năm qua. Điều gì của công ty này hấp dẫn các nhà đầu tư?

Tôi nghĩ rằng thành công của Priceline có được là nhờ vào việc vận hành tốt. Công ty được cấu trúc để hoạt động có hiệu quả giúp cho chi phí mỗi giao dịch trở nên thấp hơn. Cấu trúc tốt và vận hành hiệu quả luôn là trọng tâm của Priceline trong nhiều năm qua, và đó là lý do các nhà đầu tư thích nó. Công ty liên tục có lợi nhuận. Nó cũng đã tiến hành nhiều thương vụ mua lại trong vài năm qua và điều này phù hợp với định hướng chiến lược về con đường tăng trưởng của nó.

  1. Thưa ông, trong lĩnh vực du lịch, đâu là phân khúc chưa được khai thác?

Làn sóng tiếp theo trong lĩnh vực du lịch sẽ tập trung vào những trải nghiệm cá nhân. Tôi không muốn một trải nghiệm du lịch bình thường. Tôi muốn một người dân được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam sẽ là người chỉ cho tôi thấy đất nước của họ. Thế giới đang chạy theo xu hướng này và đang tạo ra các trải nghiệm cá nhân nhiều hơn. Du lịch là một ngành khổng lồ. Nó còn bao hàm cả các lĩnh vực khác, từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến Dữ liệu lớn (Big Data). Người chiến thắng sẽ là người có thể kết hợp tất cả những công cụ này lại để giúp trải nghiệm du lịch trở nên hoàn hảo hơn.

  1. Có sự gia tăng đáng kể hoạt động cạnh tranh trong ngành du lịch giữa các công ty đổi mới sáng tạo như Airbnb hay các startup đến từ Nhật Bản, Trung Quốc với các công ty Mỹ. Làm thế nào để các công ty Mỹ đánh bại họ?

Một số công ty lớn không thể đánh bại các startup, ngược lại họ sẽ bị đánh bại bằng sự đổi mới sáng tạo và những ý tưởng mới theo cách mà ngành công nghiệp vận tải bị thách thức bởi Uber, hay ngành công nghiệp khách sạn bị Airbnb qua mặt. Điều đó sẽ tiếp tục xảy ra. Nhiều startup đang có ý tưởng sáng tạo hơn so với các công ty lớn trên thị trường, và điều đó đưa đến nhiều ích lợi cho người dùng cuối.

(Ảnh: SURF 2017)

  1. Ngoài du lịch, ông có nhìn thấy tiềm năng ở những ngành khác tại Việt Nam?

Có một điều rất hay là các bạn có những ngành tiềm năng khác như nông nghiệp. Tôi đã gặp nhiều người làm trong các startup nông nghiệp, và thế giới cần điều này. Thế giới đang thiếu lương thực, do đó chúng ta cần đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Ở Việt Nam, đã có nhiều startup mang đến sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

  1. Trong quá khứ, ông đã tư vấn cho nhiều công ty trong những lĩnh vực khác nhau. Điều đó có ý nghĩa thế nào?

Trong những ngành khác nhau như ngân hàng hay du lịch, mọi công ty đều có bộ phận chăm sóc khách hàng. Làm thế nào chúng ta giải quyết được các vấn đề của khách hàng? Hãy nhìn vào các ngành khách để xem họ đang giải quyết vấn đề tương tự như thế nào. Có thể ngành ngân hàng sẽ đưa ra những giải pháp  để giải quyết vấn đề tương tự, từ đó chúng ta có thể áp dụng để chăm sóc những khách hàng khó tính. Tôi cho rằng việc xem xét ý tưởng của các ngành khác là điều cực kỳ quan trọng vì chúng có thể được áp dụng đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, rất nhiều người không nhận thấy được điều trên. Họ chỉ chăm chăm vào lĩnh vực của riêng mình.

  1. Ông đã xây dựng nhiều công ty thành công và lên sàn (IPO), nhưng cũng có một số thất bại. Lời khuyên của ông dành cho các doanh nhân trẻ từ những bài học của mình là gì?

Tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất là bạn cần dành càng nhiều thời gian ở bên ngoài văn phòng càng tốt. Ý tôi muốn nói là hãy đi ra ngoài, gặp các khách hàng, và dành thời gian cho họ sớm nhất có thể trong quá trình tạo ra sản phẩm. Rất nhiều người được dạy về MVP (minimum viable product – sản phẩm khả thi tối thiểu), và họ ngồi hàng tháng trời trong văn phòng để xây dựng MVP. Kết quả là trong một số trường hợp, họ tạo ra một sản phẩm mà không ai thích cả.

Do đó, ngay từ thời điểm nảy sinh ý tưởng, bạn nên đi ra ngoài và nói chuyện với những người mà bạn nghĩ họ sẽ sử dụng sản phẩm và hỏi “Nếu tôi làm thứ này, liệu bạn có trả tiền cho nó không, và bạn có thể chi bao nhiêu tiền để mua nó?”. Nhiều người đã không tiến hành khảo sát khách hàng ở giai đoạn đầu của việc tạo ra sản phẩm, trong khi điều đó giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các giai đoạn sau. Nếu không ai thích sản phẩm của bạn, MVP sẽ chẳng có nghĩa gì hết, nhưng nếu họ thích nó, bạn phải làm ra nó.

(Ảnh: SURF 2017)

  1. Ông đã chia sẻ rất nhiều bộ công cụ để mọi người có thể trở thành doanh nhân. Làm thế nào để ứng dụng nó?

Bằng cách tìm kiếm bên ngoài biên giới Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Internet là nền dân chủ của thông tin. Có những công cụ sẵn có và mọi người trên thế giới này có thể tiếp cận được thông qua Internet. Quan điểm của tôi là, bạn có thể nhìn bên trong Việt Nam và nói rằng không có nhiều ở đây. Nhưng ai quan tâm chứ? Hãy tìm trên Internet. Tất cả những thứ bạn cần phải học đều có trên đó.

  1. Vậy còn với những nguồn lực bên ngoài như sự hỗ trợ của chính phủ hay nhà đầu tư?

Đó là lý do tại sao xuất hiện sự kiện SURF tại Đà Nẵng và các sự kiện khác. Chúng ta có đại diện của chính quyền tề tựu về đây. Lãnh đạo chính quyền phải ngồi đây để hiểu được tầm quan trọng của doanh nhân và những gì các doanh nhân cần từ chính phủ để có được thành công. Câu trả lời là chúng ta phải tạo điều kiện để mọi người trong hệ sinh thái ngồi vào cùng bàn để có thể cùng thảo luận.

  1. Quan điểm của ông về đầu tư mạo hiểm ở châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nối ở Đông Nam Á?

Tôi nghĩ rằng mọi thứ đang ngày càng tốt hơn. Nhưng tôi lại ấn tượng về đầu tư thiên thần hơn đầu tư mạo hiểm. Có nhiều mạng lưới đầu tư thiên thần đang nổi lên ở Đông Nam Á. Họ là những doanh nhân địa phương, và tiền họ kiếm được đều đến từ khu vực này, rất khác với cách tiếp cận của đầu tư mạo hiểm. Tôi cho rằng đó là tin vui. Dòng tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm đang đổ về Đông Nam Á, nhưng tiền của các nhà đầu tư thiên thần cũng đang ngày càng gia tăng.

(Ảnh: SURF 2017)

  1. Cách tiếp cận của ông khi đầu tư vào khu vực châu Á là gì?

Không có sự khác biệt nào về đầu tư ở trên khắp thế giới. Nếu chúng tôi tìm thấy và ấn tượng với một doanh nhân có ý tưởng hay thì, không quan trọng là anh hay cô ấy đang sống ở đâu, họ đều sẽ nhận được đầu tư. Đường biên giới là không có ý nghĩa trong lĩnh vực đầu tư.

Ngọc Nguyễn

(Duy Trân – Dzung Hồ dịch)

*Bài đã được đăng trên DealStreet Asia ngày 24.7.2017. Tiêu đề của bài viết đã được thay đổi.