Phạm Hồng Quất*

Trong vài năm qua, chính quyền thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và bản thân doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tuy còn non trẻ nhưng với cách làm đột phá, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã góp phần rất lớn vào việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Có thể khẳng định với xu hướng thế giới phẳng, liên kết đa chiều và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay thì phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia chính là yếu tố cần thiết để kết nối với khu vực và toàn cầu. Để tạo nên một hệ sinh thái quốc gia vững mạnh thì vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương lại càng trở nên quan trọng, bởi việc xây dựng hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các vùng miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học trong cả nước sẽ giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST, tạo tiền đề để xây dựng mối liên kết các thành phần của hệ sinh thái vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, khi mà một trong những thay đổi quan trọng nhất trong thời kỳ internet vạn vật (còn gọi với khái niệm Internet of Things) là cách mạng công nghiệp lần 4 (Industry 4.0) được kỳ vọng tạo những tác động quan trọng vào nền kinh tế của tất cả các nước và trên toàn cầu. Chúng ta cũng nhắc nhiều đến khái niệm “thành phố thông minh” (smart city) – về cơ bản đây là cách thức ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để phát triển theo định hướng đô thị thông minh và thành phố khởi nghiệp, các địa phương, vùng miền đều nhận thức được rằng cần phải trở nên sáng tạo hơn, cần hỗ trợ sự phát triển của startup và cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển thành công. Hiện nay ở Việt Nam có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Phú Quốc, v.v.).

Ông Võ Duy Khương – Cố vấn Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng phát biểu tại  lễ khai giảng khóa đào tạo giảng viên khởi nghiệp của viện VNUK Đà Nẵng. Ảnh: DNES

Việt Nam với vị trí là một nước đang trong quá trình phát triển cũng không đứng bên ngoài xu thế phát triển mô hình đô thị thông minh và làn sóng khởi nghiệp ĐMST diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên để triển khai có hiệu quả mô hình đô thị thông minh và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là xây dựng chiến lược để các đô thị, thành phố khởi nghiệp trên toàn quốc kết nối, hợp tác tốt với nhau và với các Vùng đô thị, quốc gia và quốc tế ngay từ giai đoạn đầu phát triển nhằm hướng đến những mục tiêu giá trị thống nhất. Trong đó, yếu tố kết nối toàn cầu cũng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá sự thành công của một hệ sinh thái khởi nghiệp (theo Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp Toàn cầu – Global Startup Ecosystem Report 2017), khi việc định lượng các mối quan hệ (network) mà những doanh nhân khởi nghiệp tạo ra và chứng minh rằng yếu tố kết nối toàn cầu sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty hàng đầu trên thế giới là hoàn toàn khả thi. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng một đô thị thông minh, một thành phố khởi nghiệp, hay ở quy mô nhỏ hơn khi muốn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy đào tạo ban đầu về khởi sự kinh doanh cho nguồn nhân lực tiềm năng cho khởi nghiệp tại một trường Đại học sẽ không còn chỉ giới hạn trong một tỉnh, một thành phố hay bản thân trường Đại học đó, mà còn cần kết nối với các thành phố, các trường Đại học tiêu biểu khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, quốc tế để phát triển mạng lưới đối tác, tạo nên một hiệu quả cộng hưởng trong phát triển một hệ sinh thái chung. Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương vẫn cần phát huy những thế mạnh đặc thù dựa trên điều kiện thực tế về kinh tế – xã hội để tạo nên sự đa dạng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Cũng trong tinh thần đó, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương, với 11 nội dung hỗ trợ thuộc 03 nhóm hỗ trợ cơ bản (thúc đẩy liên kết trong cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cần thiết và đặc thù cho khởi nghiệp ĐMST) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định một trong những mục tiêu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là ngoài liên kết quốc tế còn rất cần chú trọng xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các Vùng miền với trọng tâm là các Vùng Kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các Trường Đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan toả văn hóa khởi nghiệp. Yếu tố này cũng sẽ tạo tiền đề để xây dựng cổng thông tin kết nối các Vùng với quốc gia và quốc tế và cơ hội để liên kết các thành phần của Hệ sinh thái Vùng (doanh nghiệp khởi nghiệp, Hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nghề nghiệp, cộng đồng sinh viên, giảng viên,..) với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.

Chúng ta thật vui mừng khi chứng kiến những bước phát triển đột phá của hoạt động khởi nghiệp ĐMST đang diễn ra tại Đà Nẵng trong những năm gần đây nhằm xây dựng một “trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển”, điển hình là việc ban hành Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố và khởi động tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng. Đồng thời thành phố cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về tài chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh, phát triển công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư,… tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành môi trường năng động và sáng tạo phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện dành cho cộng đồng khởi nghiệp có quy mô và chất lượng như Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2016 (Đà Nẵng Startup Fair 2016), SURF Đà Nẵng 2017.

Những sự kiện như SURF đã mở ra cánh cửa để hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng có thể kết nối với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế. Ảnh:DNES

Trong thời gian tới, để Đà Nẵng trở thành mũi nhọn trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, giúp thành phố khai thác được thế mạnh và tiềm năng sẵn có, chính quyền và Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cần tạo điều kiện nuôi dưỡng và ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong các lĩnh vực như Du lịch, Dịch vụ Ẩm thực, Công nghệ tài chính, v.v. Ngoài ra, một số sáng kiến như sau có thể được đưa ra:

Thứ nhất, việc phát triển thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp tại Đà Nẵng cần kết nối với các trung tâm khởi nghiệp tiêu biểu trong nước (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), hay thậm chí còn có thể kết nối với các thành phố khởi nghiệp tại các nước phát triển khác như Israel, Phần Lan, v.v.

Thứ hai, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại thành phố thì Đà Nẵng cần quan tâm xem xét hỗ trợ địa điểm để các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung làm việc, tổ chức sự kiện, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp khác từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về đặt trụ sở làm việc.

Thứ ba, để liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thành phố cần đẩy mạnh tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp và mời các chuyên gia về để đào tạo, chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp công nghệ cũng như kêu gọi những người thành công về chia sẻ, truyền lửa, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ tư, hàng năm, Văn phòng Đề án 844 tổ chức các đoàn ra quốc tế, thành phần đoàn bao gồm Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Ban Điều hành Đề án 844, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đại diện các quỹ đầu tư, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế thông qua các đoàn ra học hỏi kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp tại các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như (Israel, Hoa Kỳ, Phần Lan, v.v.). Văn phòng Đề án 844 sẽ gửi thông tin các đoàn này đến Sở Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng khi có kế hoạch và chương trình cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa hệ sinh thái của thành phố với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.

Thứ năm, để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Đà Nẵng cần đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, kế toán, tư vấn, đặc biệt là truyền thông… để trở nên tiếp cận, hiệu quả và có chi phí hợp lý dành riêng cho startup.

Cuối cùng, để thu hút nguồn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST, thành phố cần nghiên cứu để xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù khác (như về thuế, visa, v.v.) để xây dựng hình ảnh về một thành phố năng động, hết mình hỗ trợ cho khởi nghiệp và có các chính sách hỗ trợ tốt cho sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu chính sách khuyến khích việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST của tư nhân và của thành phố theo quy định mới của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó có các nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (về cơ sở vật chất, đào tạo – huấn luyện, thu hút đầu tư, …) và đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo của nhà đầu tư; căn cứ điều kiện ngân sách địa phương, giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc được quy định trong Luật).

 

*Cục trưởng, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ