Là những “anh cả” của Silicon Valley xa xôi, Jeff Hoffman và Thuận Phạm vừa có những ngày Đà Nẵng bình dị, những câu chuyện mộc mạc nhưng truyền đi thông điệp mạnh mẽ cho những người trẻ: phải làm chủ tương lai của mình, và phải vẽ ra cho được ngày mai của cộng đồng quanh mình.
Hai người thiết kế tương lai
Jeff Hoffman nói chuyện ở Đà Nẵng – Ảnh: Dinh Nam

Ông trùm du lịch và cậu bé 14 tuổi

Nguyễn Phúc Thiên Ân, 14 tuổi, chuẩn bị nhập học lớp 10 chuyên Anh của Trường Thăng Long, Đà Lạt. Cậu ghé thăm Jeff Hoffman khi ông đang nằm nghỉ ở Bệnh viện Đà Nẵng sau một chuỗi ngày làm việc dài, liên tục và thay đổi thức ăn quá nhiều ở Việt Nam.

Người đồng sáng lập hệ thống website du lịch lớn nhất thế giới(*) này cười hào hứng: “Thật hay là có một chàng trai trẻ ghé chơi. Vào ngồi đây, trên giường bệnh nhưng không có vi trùng đâu, chúng ta cùng nói chuyện một chút về những chuyến đi, về tương lai của Việt Nam nào…”.

Tỉ phú Jeff với tay lấy chiếc điện thoại, kêu Ân đến và khoe: “Biết nơi này là nơi nào không? Đoán thử xem, đây là Hi Lạp đấy, một nơi mà nhất định phải đến chơi, ngắm hoàng hôn và suy nghĩ về những điều tuyệt diệu mà thế giới này trao cho ta. Còn đây nữa, là hình ảnh một người phụ nữ kỳ diệu ở một xứ Hồi giáo xa xôi, tôi thích nói chuyện với cô ta lắm, vì cô ta là một người không biết sợ hãi. Cậu có hay sợ hãi trước những điều mình muốn làm không?…”.

Ân kể cho ông già nghe về ước mơ làm bác sĩ của mình, về một chuyến đi vòng quanh nước Mỹ và việc mình đã biết sử dụng máy làm thủ tục lên máy bay tự động ở sân bay.

Jeff bảo: “Bác sĩ là hay rồi, nhưng nhớ là phải có một tinh thần “chuyện đó có tạo ảnh hưởng gì không?” mà chúng ta đã trò chuyện ở hội nghị khởi nghiệp SURF Đà Nẵng hôm trước nhé. Làm gì cũng được hết, miễn là nó tốt cho mình, và đáng giá cho hành trình phía trước của cộng đồng quanh mình. Thấy tôi không, bay 20 tiếng đồng hồ tới Đà Nẵng, đâu phải để tắm biển, mà là để được gặp những chàng trai trẻ như cậu, để nói hết những điều mình nghĩ, những trải nghiệm mình đã có, với hi vọng lớn nhất là gieo một hạt giống mơ ước cho mọi người, và đưa cho họ một công cụ để thiết kế cái tương lai đó thành hiện thực”.

Jeff cười, nhìn chai nước biển đang nhả từng giọt một để tiếp thêm năng lượng cho một người làm việc quá nhiều như ông, bảo: “Tôi hay đi đây đó lắm, có khi thì vì muốn đến một vùng đất mới, có khi thì muốn gặp một vài người quen, nhưng nhiều nhất là để gặp những người thích nói về tương lai. Hãy nhớ là tất cả những gì quan trọng nhất chúng ta cần học, đều có miễn phí trên Internet, chứ không cần chờ chúng ta phải có tiền để học những trường sang trọng đâu: những bài giảng hay nhất của những giáo sư lừng danh nhất đều miễn phí ở Coursera, những bài nói chuyện giàu cảm hứng nhất đều miễn phí trên Ted, những tài liệu cần thiết nhất có thể tải về mà không mất tiền trên Slideshare. Thấy không, chỉ cần chúng ta muốn, là cả thế giới này đều chung sức cho mình…”.

Một từ của tổng giám đốc công nghệ toàn cầu Uber

Nếu có gì đó tôi nhớ nhất suốt từ buổi làm việc cho tới bữa cơm trưa với ông Thuận Phạm, một trong ba người quyền lực nhất của Tập đoàn Uber, chính là cách dùng tiếng Việt của ông.

Ông dùng một thứ tiếng Việt kiểu xưa, nền nã, chậm rãi và nói đúng từ mình cần dùng. Mấy ngày xôn xao từ Bắc tới Nam, ông có những ngày hiền lành nhất tại Đà Nẵng, khi sáng thức dậy ngắm biển, hít thở khí trời và không có lịch làm việc liên tục.

Ông nhắc lại định nghĩa về bản thân mình đến ba lần, để chắc rằng mọi người đều nhớ đến nó: “Tôi chỉ là một người bình thường, với một chút may mắn và rất nhiều siêng năng. Thật đó, vì nếu tôi không đi làm cho Uber, thì chẳng ai quan tâm tới tôi, nhưng mà tôi vẫn luôn luôn là tôi đó thôi. Nên đâu cần phải ồn ào gì khi mà mình đi làm cho chỗ này hay chỗ khác. Tôi thích được làm ở những hãng nhỏ, vì như vậy mới có nhiều không gian cho mình làm việc. Tôi từng quản lý vài ngàn người, xong nhận lời chuyển sang làm công ty có vài người, cũng không sao, vì tương lai là do mình tạo ra, may mắn cũng do mình tạo ra, chứ không phải do người khác mang lại đâu”.

Ông cười rất hiền, và bảo: “Đồ ăn Việt Nam ngon quá chừng. Tôi phải chờ 17 năm mới được về ăn đồ ăn xứ mình, nhưng lần tiếp theo sẽ nhanh lắm. Vì tôi già rồi, làm thêm nữa cũng không quan trọng lắm, thứ quan trọng nhất mà mình có được là cái đầu, lỡ chết đi thì cũng hơi uổng, nên phải tranh thủ chia sẻ cho mọi người trẻ quê mình được chút nào thì hay chút đó”.

“Làm thế nào để tạo ra may mắn?” – “À, có một từ thôi: Thành tâm! Đó là một từ mà lâu rồi không mấy ai dùng, nên để chắc ăn thì tra nhanh từ điển: có tình cảm chân thật, xuất phát tự đáy lòng. “Vì tôi thích làm những thứ mình giỏi, có thể tạo ra giá trị cho nhiều người, chứ không bao giờ muốn tham gia các công ty quá lớn, vì lúc nào cũng nhiều câu chuyện đấu đá nội bộ, đau đầu lắm”.

Ông chậm rãi ăn thử món bánh quy làm bằng dế của các chàng trai trẻ Đà Nẵng, hỏi dồn: “Là con dế thiệt xay ra làm bánh hả? Bao nhiêu phần trăm là dế? Có nghiên cứu thành phần hết chưa? Có đem theo dư hộp nào không bán cho tôi mang về Mỹ cho ở nhà ăn thử được không?”.

Ánh mắt hào hứng và nhiệt thành của ông làm mọi người bật cười.

Ông kể, hồi đó đi học ông không chỉ là người học hành siêng năng, mà còn siêng chơi thể thao, siêng làm ký giả của tạp chí trong trường, siêng làm cái này, cái kia để mình có nhiều kỹ năng sống hơn và để cho đời mình cân bằng hơn, nên nghe những thứ mới như vậy thì ông thích lắm…

Ra về, mọi người mới phát hiện, mỗi cái danh thiếp của ông Thuận đều… khác nhau. Đó có lẽ là thứ cầu kỳ nhưng sáng tạo nhất mà ông mang lại cho những người tình cờ gặp gỡ trên đường dài của mình.

(*): Jeff Hoffman, đồng sáng lập đế chế Priceline, nơi nắm giữ những hệ thống hỗ trợ du lịch nổi tiếng như booking.com. agoda.com, hotel.com.

Trần Vũ Nguyên