Tuyển dụng cho startup không giống như việc tuyển dụng trong một công ty bình thường, những kinh nghiệm bạn có không áp dụng được nhiều trong vấn đề này. 

Bạn sẽ không thể xây dựng được một startup lớn mạnh nếu không có một đội ngũ giỏi và tất nhiên bạn sẽ không có được một đội ngũ giỏi nếu bạn không biết cách tuyển được những con người giỏi. 

Nói thì dễ hơn làm, thực tế rất khó thuyết phục người tài, người giỏi tham gia vào startup của bạn, đặc biệt ở giai đoạn đầu khi mà mọi thứ đều hạn chế: 

Chắc chắn sẽ không có nhiều ứng viên với những năng lực, kinh nghiệm liên quan, cùng với đó là tình trạng cá nhân, tài chính và tinh thần phù hợp sẵn có cho vị trí bạn tìm kiếm cho startup của mình. 

Vì thế bạn cũng cần tư duy khác biệt và sáng tạo trong cách tiếp cận, bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế.

  1. Tiếp cận

Đừng đợi đến lúc bắt đầu cần tuyển dụng, thì mới nghĩ đến chuyện tìm kiếm ứng viên. Chuyện đó sẽ rất khó khăn và thường kết thúc là bạn chả có ứng viên nào thật sự ưng ý cả. 

Kinh nghiệm là bạn phải sớm học cách tuyển dụng người giỏi và phù hợp, kể cả trước lúc bắt đầu kinh doanh. Dành thời gian trả lời các câu hỏi: Họ như thế nào? Họ có thể ở đâu? Tôi có thể thuyết phục họ như thế nào?

Ngoại trừ các vị trí mang tính triển khai, các vị trí quan trọng, chuyên môn cao, đặc biệt là vị trí co-founder, xác suất cao những ứng viên phù hợp chính là những người đã từng, thậm chí đang là (co)founder, nhân sự lõi của các startups khác.

Vì thế, hãy chịu khó tiếp cận, gặp gỡ, trò chuyện thật nhiều với các “ứng viên” này những khi có thể. Vậy họ ở đâu?

  • Vườn ươm, chương trình tăng tốc startups
  • Hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân
  • Sự kiện, cuộc gặp gỡ của cộng đồng khởi nghiệp
  • Và luôn luôn có những nhóm kín trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, LinkedIn, Slack…) 

Vậy làm sao thuyết phục họ nếu bạn không thể trả nhiều tiền, cung cấp những điều kiện làm việc hoàn hảo, đảm bảo lợi ích hoặc mang đến một tương lai đáng tin cậy? Hãy nghĩ tới những lợi ích bạn có thể mang lại cho người co-founder tiềm năng hay nhân sự tương lai của mình, điều quan trọng nhất là phải làm họ cảm thấy nếu chỉ có startup của bạn mang lại cho họ được những điều này, tất nhiên trong đó bao gồm con người bạn: tư duy, tầm nhìn và tâm quyết của bạn. 

  1. Tuyển dụng

 Một sai lầm phổ biến mà các founder hay mắc phải khi tuyển dụng là nghĩ đơn giản chỉ cần viết mô tả công việc, quảng cáo tìm người, nhận được hàng loạt đơn ứng tuyển, phỏng vấn vài ứng cử viên và tuyển dụng người giỏi nhất cho công việc đó.

Bạn không có thời gian để gặp hết tất cả ứng cử viên rồi tìm ra người hoàn hảo nhất, chưa kể trong 6 tháng, công việc sẽ thay đổi đến mức không thể nhận ra.

Thay vào đó, những gì bạn cần làm là dành thời gian giới thiệu và đàm phán cơ hội hợp tác với những người thật sự có năng lực, động cơ hoặc có kinh nghiệm và sẵn sàng nhận lấy rủi ro lớn khi tham gia vào startup của bạn. Họ là những người có kinh nghiệm, kỹ năng, tham vọng và động lực, thế nên hãy tuyển dụng dựa trên động lực, sự quyết tâm, tính tự lực và sự táo bạo của của họ.

Không nên quy định số năm kinh nghiệm tối thiểu, quy định chi tiết 1 công nghệ, quy định bằng cấp cụ thể. Nên đánh giá khả năng tự phát triển bản thân của ứng viên – họ đã tự học được gì mới gần đây, và tại sao? Ngoài bằng cấp và kinh nghiệm, ứng viên này có những tiềm năng nào về sau? Đừng kết luận quá vội vàng.

Ngoài ra, nếu có thể, đừng thuê nhân sự toàn thời gian ngay. Thứ nhất, người phù hợp thường chưa sẵn sàng 100% ngay lập tức và thứ hai là bạn sẽ tốn nhiều thời gian để thay thế nếu họ làm việc không hiệu quả. Trước tiên, có thể hợp tác trong phạm vi một dự án ngắn hạn có liên quan đến công việc bạn muốn họ làm rồi đánh giá kết quả; sau đó ký hợp đồng bán thời gian, rồi toàn thời gian và dần dần đưa họ thành viên chính thức.

  1. Duy trì đội ngũ

Một vài kinh nghiệm:

  • Có cùng một mục tiêu là điều kiện tiên quyết để xây dựng một đội ngũ tuyệt vời. Cùng hợp tác hướng đến một tầm nhìn chính là có chung định hướng. 
  • Mục tiêu chung không phải là tuyên bố sứ mệnh ngay lúc bắt đầu, nó là thứ bạn và đội ngũ của mình xem xét, kiểm tra cùng với khách hàng, học hỏi và thay đổi theo thời gian.
  • Bạn không nhận được những gì bạn hy vọng, yêu cầu hay đòi hỏi, mà bạn nhận lại khi bạn biết trao thưởng xứng đáng. 
  • Sự đa dạng là chìa khóa cho hiệu suất làm việc của một team. Nếu ai cũng xuất phát điểm giống nhau, họ sẽ tư duy như nhau, không tạo nên sự khác biệt hay những giải pháp tốt hơn cho khách hàng?
  • Cùng nhau đặt ra một mục tiêu và lộ trình, sau đó để các thành viên cùng lên kế hoạch và cam kết thực hiện.
  • Những quy trình làm việc trong công ty cũng rất quan trọng. Việc xây dựng những quy trình như daily/weekly meeting, 1-1… giúp đảm bảo đội ngũ của mình luôn đi đúng hướng. Quy trình là công cụ, cơ chế để đạt được mục tiêu, vì thế đừng để công cụ trở nên nặng nề kéo hãm sự tiến bộ.
  • Sẵn sàng cho những cuộc nói chuyện không thoải mái, lắng nghe những phản hồi ngay khi có thể, điều đó giúp củng cố đường hướng và cải thiện cách cư xử. Bạn khắc phục được hành động càng sớm thì bạn càng nhanh đạt được mục tiêu. 

Tags