Trong đợt tài trợ mới năm 2016, 17 dự án đổi mới sáng tạo sẽ được nhận tài trợ vốn từ IPP2 với tổng giá trị lên tới 1,2 triệu euro.

Trao đổi với IPP2, anh Huỳnh Công Pháp, đại diện cho nhóm liên minh của Đại học Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội TP Đà Nẵng & Vườn ươm TP Đà Nẵng, một trong những dự án đã được nhận gói tài trợ giai đoạn 2 – 2016 chia sẻ:

– Từ đâu anh có ý tưởng xây dựng dự án này?

Ý tưởng xây dựng dự án xuất phát từ thực trạng hiện nay của Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng đó là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo hiện tại còn rất yếu và thiếu nhiều thành phần quan trọng. Do đó, ý tưởng lớn của dự án là hợp tác các liên minh gồm trường học, chính quyền và doanh nghiệp để phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo đầy đủ và bền vững cho TP. Đà Nẵng. Theo đó, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp ở TP. Đà Nẵng ngày tốt hơn, thu hút và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến với Đà Nẵng.

Anh minh hoa_Huynh Cong Phap

– Mục tiêu mà dự án hướng tới là gì? Đối tượng và phạm vi ảnh hưởng của dự án này như thế nào?

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo và khởi tạo doanh nghiệp, bao gồm các vườn ươm và hệ sinh thái hỗ trợ. Hệ thống này được xây dựng bởi sự hợp tác và cộng tác của ba đối tác liên minh chính gồm Trường CĐ Công nghệ Thông tin – Đại học Đà Nẵng (UD-CIT), Viện phát triển kinh tế xã hội TP. Đà Nẵng (DISED) và Vườn ươm TP. Đà Nẵng. Trong đó, UD-CIT xây dựng vườn ươm chịu trách nhiệm khơi dậy, hỗ trợ ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên, đồng thời tạo nguồn đầu vào cho vườn ươm của TP. Đà Nẵng với mục tiêu ngày càng ươm tạo được nhiều doanh nghiệp và sản phẩm thương mại.

– Điểm đáng chú ý nhất của dự án này là gì?

Điểm thú vị của dự án là sự liên minh của 3 Nhà đó là Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp với một sự tâm huyết và lòng say mê rất cao để xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo đầy đủ và bền vững cho TP. Đà Nẵng.

Sau 9 tháng thực hiện giai đoạn 1 dự án (từ 07/2015-03/2016), chúng tôi đã gặt hái được rất nhiều thành công và đạt kết quả rất ấn tượng, đóng góp rất lớn cho phong trào khởi nghiệp nói riêng và tác động tích cực về kinh tế, xã hội nói chung đối với TP. Đà Nẵng.  Cụ thể, các vườn ươm và hệ sinh thái trong trường học và thành phố được xây dựng, ươm tạo nhiều dự án khởi nghiệp; nhiều nhà đầu tư, chuyên gia trong nước và quốc tế được kết nối; nhiều khóa học về khởi nghiệp được giảng dạy; nhiều sự kiện, hội thảo liên quan về khởi nghiệp được tổ chức….

– Với số tiền tài trợ từ IPP, nhóm dự án của anh dự định sẽ triển khai những hoạt động nào trong thời gian trước mắt và trong dài hạn?

Trong thời gian 9 tháng vừa qua, tất cả các hoạt động diễn ra trong dự án đều ở giai đoạn khởi đầu. Trong giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp bền vững. Trong đó, dự án sẽ tập trung củng cố và tăng cường mạng lưới các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển các nhóm khởi nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiết lập chương trình giảng dạy khởi nghiệp cùng với việc tạo ra một đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp cần được tập trung nhằm xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp phù hợp với môi trường Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra, dự án sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động về khởi nghiệp: các hội thảo, các chương trình về phát triển dự án khởi nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia không chỉ cho sinh viên mà còn cho cộng đồng. Dự án cũng hi vọng sẽ phát triển được mạng lưới các vườn ươm vệ tinh, tạo nên một hệ sinh thái bền vững, rộng khắp, góp phần làm đầu vào cho vườn ươm thành phố, hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố khởi nghiệp trong tương lai.

– Đâu là những thách thức mà dự án đang phải đối mặt? IPP2 có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ dự án thành công?

Những thách thức mà dự án đang đối mặt không chỉ riêng ở Đà Nẵng mà là ở Việt Nam nói chung. Trước hết, cần thiết phải thay đổi tư duy, tinh thần khởi nghiệp của con người miền Trung. Kiến thức, kĩ năng về khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nói chung vẫn còn thiếu rất nhiều. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp vẫn còn rất ít, việc tìm ra đội ngũ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, đội ngũ giảng dạy tại chỗ và các chương trình đào tạo dành riêng cho khởi nghiệp chưa được tạo lập một cách bài bản, dẫn đến nền tảng kiến thức khởi nghiệp vẫn còn thiếu rất nhiều. Nhà đầu tư thiên thần đặc biệt ở khu vực miền Trung rất ít. Vấn đề đặt ra cần thu hút nhà đầu tư đến Đà Nẵng nhiều hơn.

Vai trò IPP2 trong thời gian 9 tháng vừa qua rất lớn, không chỉ về vấn đề tài chính, mà hơn thế nữa là kiến thức của những người tham gia dự án được hỗ trợ rất nhiều.  Những người tham gia dự án đã được tham gia Innovation Accelerator Training Program, một khóa học bổ ích với các chuyên gia đào tạo nước ngoài chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, IPP tạo điều kiện kết nối các nhà đầu tư, tạo cơ hội tham gia nhiều hội thảo gặp gỡ nhiều nhóm dự án khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi cũng đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia cho việc vận hành vườn ươm.

Hi vọng trong giai đoạn tiếp theo, ngoài sự hỗ trợ về tài chính, IPP sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo, cung cấp mạng lưới chuyên gia tư vấn tận tình và chuyên nghiệp, tạo điều kiện, giới thiệu và kết nối các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.

– Xin cảm ơn anh Huỳnh Công Pháp. Chúc nhóm dự án của anh sẽ thực hiện dự án này thật thành công./.

 

Nguồn: http://ipp.vn/du-an-duoc-ipp2-tai-tro-tai-da-nang-3-nha-cung-vao-cuoc/

Tags